Chờ...

Giải thích “Ăn miếng trả miếng” nghĩa là gì?

VOH – “Ăn miếng trả miếng” là câu thành ngữ diễn tả cách đối phó với những người có lời nói, hành động... không tốt với bạn.

Người xưa thường khuyên chúng ta “Một câu nhịn, chín câu lành”. Thế nhưng, dân gian cũng có câu nói “Ăn miếng trả miếng”. Vậy “Ăn miếng trả miếng” là gì và có nên hay không?

“Ăn miếng trả miếng” có nghĩa là gì?

Người Việt cho rằng “Có đi có lại mới toại lòng nhau”, tức đền đáp lại điều tốt đẹp mà người khác làm cho mình một cách tương xứng là điều nên làm. Ngược lại, với những trường hợp đối xử không tốt với mình thì “Ăn miếng trả miếng” được xem là một trong những cách giải quyết.

an-mieng-tra-mieng-voh-minh-hoa
"Ăn miếng trả miếng" được định nghĩa là hành động đáp trả lại người khác bằng cách tương tự - Ảnh minh họa: Pixabay

Ý nghĩa của câu thành ngữ này là mô tả hành động đáp trả, trả đũa lại người khác bằng những lời nói, hành vi tương tự. Ví dụ người khác chỉ trích bạn, bạn sẽ đáp trả lại một cách tương xứng.

“Ăn miếng trả miếng” thể hiện sự đối chọi, thẳng thắn, không nhượng bộ, không kiêng nể, không lép vế. Mọi hành vi đều được đáp trả lại một cách ngang xứng. Và thông thường, sự đáp trả này là dành cho những lời nói, hành động… không tốt mà người khác làm với bạn.

Còn muốn đề cập đến việc đền đáp cân xứng người đã đối xử tốt với mình thì người xưa lại có một số câu thành ngữ, tục ngữ rất hay khác. Ví như “ Ăn miếng chả, trả miếng nem”, “Ăn mận trả đào”, “Ăn miếng ngọt, trả miếng bùi”…

Có nên “Ăn miếng trả miếng”?

“Ăn miếng trả miếng” là một câu thành ngữ hay, có giá trị và là kinh nghiệm mà người xưa để lại cho thế hệ sau. Thế nhưng trong đối nhân xử thế, trong mối quan hệ giữa người với người, chúng ta không thể chỉ dùng duy nhất một công thức.

Bởi vậy mà sau khi tìm hiểu “Ăn miếng trả miếng” là gì, rất nhiều người đều có chung một trăn trở đó là có nên “Ăn miếng trả miếng” không?

Để trả lời câu hỏi này, ngoài việc căn cứ vào các yếu tố như tình huống, mối quan hệ của thì chúng ta nên điểm qua những vấn đề sau.

“Ăn miếng trả miếng” mang lại điều gì?

  • Đáp trả lại những hành vi xấu, gây ảnh hưởng tiêu cực đến bản thân một cách dứt khoát, không nhân nhượng là cách mà chúng ta bảo vệ quyền lợi, danh dự… của mình.
  • “Ăn miếng trả miếng” trong một số tình huống cụ thể sẽ khiến người khác có ý thức tôn trọng, biết chừng mực hơn khi đối xử với bạn đồng thời ngăn cản những người có ý đồ không tích cực.
  • Khi bị đối xử không đúng mực, không công bằng, hành động đáp trả thẳng thắn có thể giúp chúng ta giải quyết vấn đề.
an-mieng-tra-mieng-tac-hai-voh-minh-hoa
Trả đũa có thể làm rạn nứt các mối quan hệ - Ảnh minh họa: Internet

Vì sao không nên “Ăn miếng trả miếng”?

  • Đẩy mâu thuẫn, xung đột, căng thẳng lên cao và kéo dài là một trong những hệ quả của hành động “Ăn miếng trả miếng”. Và điều này có thể dẫn đến hậu quả không mong muốn.
  • Việc đối chọi, trả đũa nhau sẽ làm rạn nứt tình cảm, gây tổn thương và ảnh hưởng đến mối quan hệ của cả hai bên.
  • “Ăn miếng trả miếng” là hành động trả đũa không nhượng bộ, không có hồi kết vừa tốn thời gian, tiền bạc, năng lượng vừa làm vấn đề trở nên phức tạp, khó giải quyết hơn.

Như vậy, đáp trả đối phương bằng hành động tương tự như “Ăn miếng trả miếng” đều có ưu nhược điểm và không phải trường hợp nào cũng có thể áp dụng. Thay vào đó, chúng ta nên suy nghĩ đến cách xử lý ôn hòa và mang lại nhiều lợi ích chẳng hạn nhường nhịn, tha thứ, bỏ qua và tập trung vào những điều tích cực trong cuộc sống.

Một số câu thành ngữ liên quan “Ăn miếng trả miếng”

Ngoài “Ăn miếng trả miếng”, kho tàng thành ngữ mà ông cha ta để lại còn có một số câu nói cũng bàn về việc đáp trả, trả đũa lại hành vi tiêu cực của người khác.

Trong đó, “Gậy ông đập lưng ông” chỉ việc bị chính hành động, thủ đoạn của mình làm hại hoặc dùng thủ đoạn của người làm việc xấu để trừng trị lại họ. “Lấy độc trị độc” là dùng chính hành vi bất lương để chống lại kẻ bất lương hay nói cách khác là lợi dụng kẻ ác để trừng trị kẻ ác.

an-mieng-tra-mieng-dong-nghia-voh
Một số câu thành ngữ có ý nghĩa tương đồng với "Ăn miếng trả miếng"

Bụng làm dạ chịu” tuy không nói về việc trả đũa nhưng lại đề cập đến việc bản thân gây ra chuyện gì thì phải tự gánh lấy hậu quả. Ý nghĩa này tương tự thành ngữ “Ác giả ác báo”.

Khác với quan niệm “Ăn miếng trả miếng”, những câu thành ngữ như “Dĩ hòa vi quý”, “Một điều nhịn, chín điều lành”, “Chín bỏ làm mười”, “Lấy ân báo oán” lại lấy sự hòa thuận, nhường nhịn, lòng tốt, cách giải quyết ôn hòa… làm trọng. Tuy khác nhau nhưng hai quan điểm này có thể hỗ trợ qua lại, góp phần tạo nên sự phong phú, đa dạng cho thành ngữ Việt cũng như phản ánh sự đa chiều của cuộc sống.

Từ xưa đến nay, câu chuyện văn hóa ứng xử, cách đối đãi, giải quyết các vấn đề trong mối quan hệ giữa người với người luôn là một trong những chủ đề được quan tâm. Qua phần giải thích câu thành ngữ “Ăn miếng trả miếng”, hy vọng mỗi người sẽ có được bài học cho riêng mình.

Theo dõi chuyên mục Thường thức của VOH để cập nhật thêm các bài viết mới!