Chờ...

Giải thích ý nghĩa thành ngữ “Ác giả ác báo” là gì?

VOH - Từ ngàn xưa, ông cha ta thường có câu “Ác giả ác báo” để răn dạy con cháu cách làm người. Vậy thành ngữ “ác giả ác báo” truyền đạt bài học gì?

Khám phá kho tàng văn học dân gian Việt Nam, có rất nhiều câu thành ngữ giáo dục đạo đức con người. Và câu “ác giả ác báo” là một ví dụ điển hình. Vậy “ác giả ác báo” là gì? Hãy cùng VOH đi tìm hiểu ý nghĩa sâu xa ẩn giấu trong câu thành ngữ này nhé!

“Ác giả ác báo” nghĩa là gì?

Thành ngữ thường ngắn gọn nhưng có tình hình tượng, tính biểu cảm cao. Đặc biệt, mỗi câu thành ngữ là một bài học hay, quý giá mà người xưa gửi gắm cho thế hệ mai sau, như câu “ác giả ác báo”.

Để làm rõ đại ý của câu, chúng ta cần hiểu nghĩa của từng từ. Cụ thể:

  • Ác: xấu xa, độc ác (chỉ những hành động, hành vi không tốt, trái với đạo đức và làm tổn hại người khác).
  • Giả: người hoặc kẻ thực hiện hành động xấu.
  • Báo: báo ứng, kết quả của hành động (những hệ quả xấu sẽ xảy đến với người làm việc xấu).

Như vậy, thành ngữ “ác giả ác báo” bàn về vấn đề những kẻ làm điều ác, gây hại cho người khác ắt sẽ nhận báo ứng tương xứng với hành động của mình. Bởi trong cuộc sống, thiện luôn thắng ác, chính luôn thắng tà, người có hành vi xấu xa, cuối cùng cũng bị trừng phạt thích đáng.

voh-ac-gia-ac-bao-1
Những kẻ làm điều ác thường nhận lấy kết quả bi thảm - Ảnh: Canva

“Ác giả ác báo” và bài học về mối quan hệ nhân quả trong cuộc sống

“Ác giả ác báo” được xem là một quy luật tự nhiên và là quan niệm khá phổ biến trong dân gian Việt Nam. Qua câu thành ngữ này, con người muốn thể hiện niềm tin, khát khao về sự công bằng của cuộc sống: kẻ ác phải trả giá, người tốt sẽ được đền đáp.

Bởi vậy, ở đời, vận mệnh con người tốt hay xấu hoàn toàn dựa vào hành động của mỗi cá nhân. Nếu chúng ta làm việc thiện thì được quả báo tốt. Ngược lại, khi bản thân có hành vi gây hại cho người khác sẽ thu hút những quả báo xấu.

Dẫu biết rằng, ai trong chúng ta cũng cần có mục tiêu để phấn đấu, phát triển bản thân. Thế nhưng, đừng vì vậy mà đánh mất chính mình, làm những điều sai trái rồi nhận lấy kết cục bi thảm.

“Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo”, không phải báo ứng chưa xuất hiện mà nó chỉ đợi khi bạn tích lũy đủ việc xấu và giáng một đòn khiến bạn sụp đổ vì thời đến tất phải trả.

Làm thế nào để trở thành người tốt và tránh gặp “báo ứng”?

Câu thành ngữ “ác giả ác báo” là một quan niệm mang giá trị giáo dục cao, giúp con người hướng tới chân - thiện - mỹ của cuộc đời. Vậy làm thế nào để trở thành người tốt, sống có ích cho gia đình và xã hội?

Cải thiện bản thân trở thành một phiên bản tốt hơn

Sự an vui, hạnh phúc trên đời này đều do tu thân mà có được. Cho nên, việc đầu tiên chúng ta cần làm là cải thiện bản thân.

Hãy thay đổi từ những điều đơn giản nhất như học cách giúp đỡ, yêu thương người khác như yêu chính mình vì “sống là cho đi, đâu chỉ nhận riêng mình”.

Ngoài ra, bạn nên ngừng so sánh bản thân với người khác. Thay vào đó, hãy dành thời gian xây dựng nguồn lực nội tại cho chính mình. Đừng quên khen ngợi bản thân để tâm trạng trở nên vui vẻ. Biết đâu, bạn sẽ trở thành người mang những năng lượng tích cực lan tỏa đến với thế giới.

voh-ac-gia-ac-bao-2
Hãy học cách sống lương thiện, biết yêu thương và giúp đỡ người khác - Ảnh: Canva

Tích cực tương tác với những người xung quanh

Một trong những phẩm chất mà người tốt nên có đó là không phán xét bất kỳ ai. Hãy biết chấp nhận người khác và tôn trọng cảm xúc của họ trong mọi hoàn cảnh. Đặc biệt, khi xảy ra cãi vả, bạn nên kiểm soát cơn giận của mình, tránh nói lời tổn thương, gây mất hòa khí.

Điều quan trọng, đừng bao giờ đổ lỗi cho đối phương. Bạn nên sống có trách nhiệm, dũng cảm nhận lỗi sai của mình. Bên cạnh đó, hãy học cách lắng nghe và trân trọng phẩm chất cũng như thành công của mọi người.

Tuy đây chỉ là những hành động đơn giản và nhỏ bé nhưng tin rằng, chúng sẽ giúp bạn tu tâm dưỡng tính, lánh xa điều ác.

Ca dao, tục ngữ, thành ngữ về luật nhân quả

Ngoài câu “ác giả ác báo”, ông bà ta cũng để lại rất nhiều câu ca dao, thành ngữ, tục ngữ về luật nhân quả. Hãy cùng đọc và chiêm nghiệm qua một số gợi ý dưới đây.

  1. Ở ác gặp dữ.
  2. Dĩ đức báo oán.
  3. Có tật giật mình.
  4. Ở hiền gặp lành.
  5. Sinh sự, sự sinh.
  6. Có phúc có phần.
  7. Gieo gió, gặt bão.
  8. Cấy ác thì gặt ác.
  9. Của thiên trả địa.
  10. Oan hồn, hồn hiện.
  11. Hại người hại mình.
  12. Quả báo nhãn tiền.
  13. Sống tham, chết thối.
  14. Ai làm người nấy chịu.
  15. Phụ vợ, không gặp vợ.
  16. Gậy ông đập lưng ông.
  17. Ai ăn trầu thì nấy đỏ môi.
  18. Mưu thâm họa diệc thâm.
  19. Con bò cạp có nọc ở đuôi.
  20. Yêu nên tốt, ghét nên xấu.
  21. Ai ăn mặn, nấy khát nước.
  22. Có tích mới dịch ra tuồng.
  23. Ăn một miếng, tiếng để đời.
  24. Gieo nhân nào gặt quả nấy.
  25. Có ơn phải sợ, có nợ phải trả.
voh-ac-gia-ac-bao-3
 
  1. Ở hậu gặp hậu, ở bạc gặp bạc.
  2. Một đời làm lại, bại hoại ba đời.
  3. Phí của trời mười đời chẳng có.
  4. Ao sâu tốt cá, độc dạ khốn thân.
  5. Một đời làm hại, bại hoại ba đời.
  6. Ác giả ác báo, thiện giả thiện lai.
  7. Ăn lắm hay no, lo lắm hay phiền.
  8. Ăn hiền ở lành; làm lành lánh dữ.
  9. Ác giả ác báo, hại nhân nhân hại.
  10. Làm việc phi pháp, sự ác đến ngay.
  11. Đời trước đắp nấm, đời sau ấm mồ.
  12. Sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đó.
  13. Điều lành mang lại, điều dại mang đi.
  14. Làm phúc được phúc, làm ơn được ơn.
  15. Ngồi dưng ăn hoang, mỏ vàng cũng cạn.
  16. Cây khô không lộc, người độc không con.
  17. Thí một chén nước phước chất bằng non.
  18. Ở tinh gặp ma, ở quỷ gặp quái, gian tà gặp nhau.
  19. Ở xởi lởi Trời cởi ra cho
    Ở so đo Trời co ro lại.
  20. Đạo trời báo phục chẳng lâu
    Hễ là thiện ác đáo đầu chẳng sai.
  21. Cây xanh thì lá cũng xanh
    Tu nhân tích đức để dành cho con.
  22. Ai ơi! Chớ có xem thường,
    Không tin nhân quả, khó lường bi ai.
  23. Đời xưa quả báo còn chầy
    Đời nay quả báo thấy ngay nhãn tiền.
  24. Dẫu bà lắm gạo nhiều tiền
    Bà chẳng ở hiền cúng cũng như không.
  25. Ông cha kiếp trước khéo tu
    Nên sinh con cháu võng dù nghênh ngang.

Câu thành ngữ “ác giả ác báo” là hồi chuông cảnh tỉnh, giúp con người nhìn nhận lại bản thân. Nó nhắc nhở chúng ta phải sống lương thiện, tránh xa điều xấu để có cuộc sống an yên. Vì vậy, làm người đừng quá mưu cầu, tham lam những thứ không thuộc về mình. Chỉ khi biết đủ, chúng ta mới hạnh phúc.

Đừng quên theo dõi chuyên mục Thường thức của voh.com.vn để cập nhật liên tục những kiến thức mới nhất, hấp dẫn nhất.