Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Giải thích thành ngữ "Vong ơn bội nghĩa" là gì?

VOH - "Vong ơn bội nghĩa" là cách hành xử luôn bị phê phán vì đi ngược lại với lối sống đạo đức, truyền thống trọng nghĩa tình của con người Việt Nam.

Con người Việt Nam vốn coi trọng lối sống nghĩa tình. Chúng ta trao nhau tình yêu thương, sự khảng khái, chân thành, đùm bọc lẫn nhau trong khó khăn,... Chúng ta luôn tự hào về truyền thống tốt đẹp đó.

Tuy nhiên, trong cuộc sống, không khó để bắt gặp những người có lối sống đi ngược với tinh thần nhân văn cao đẹp ấy. Những người đó được miêu tả bằng câu thành ngữ "Vong ân bội nghĩa". Vậy "Vong ơn bội nghĩa" là gì? Cùng VOH tìm hiểu trong bài viết sau đây.

"Vong ơn bội nghĩa" là gì?

Theo Từ điển Thành ngữ Tục ngữ Việt Nam, “Vong ơn bội nghĩa” (Vong ân bội nghĩa, bội nghĩa vong ân) dùng để chỉ những kẻ bội bạc, phản bội lại người đã có ơn với mình. Trong đó:

  • Vong ân: nghĩa là quên ơn, không nhớ đến những việc tốt mà người khác đã làm cho mình.
  • Bội nghĩa: nghĩa là phụ ơn nghĩa, phản bội lại người đã có ơn với mình, làm trái lại lời hứa hoặc lòng tin mà họ đã dành cho mình.

"Vong ân bội nghĩa" là hành vi trái với luân thường đạo lý. Nó thể hiện sự thiếu hụt về mặt đạo đức cá nhân, thiếu tôn trọng người khác và có thể gây ra những hậu quả khôn lường trong cuộc sống.

Trong tiếng Anh, “Vong ơn bội nghĩa” là ungrateful, unthankful, tức là không biết ơn, vô ơn.

vong-on-boi-nghia-voh-1
Vong ơn bội nghĩa là hành vi, lối sống tệ hại - Ảnh: Canva

“Vong ơn bội nghĩa” hay “Vong ân bội nghĩa”?

Cả hai câu nói “Vong ơn bội nghĩa” hay “Vong ân bội nghĩa” đều hợp nghĩa và được sử dụng rộng rãi trong đời sống.

"Ân" và "ơn" là từ đồng nghĩa. Trong một vài trường hợp (không hoàn toàn), "ân" và "ơn" có thể thay thế được cho nhau.

Ví dụ như:

  • Ân huệ = ơn huệ.
  • Ân nghĩa = ơn nghĩa.

Vong ân bội nghĩa: Lối sống tệ hại

Nhiều người cho rằng, người sống vô ơn chỉ là người ích kỷ, không tôn trọng người khác, nhưng thực tế đây lại là mầm mống cho những hệ lụy nghiêm trọng.

Trong cuộc sống, những kẻ vong ân bội nghĩa không hề hiếm gặp. Họ lợi dụng lòng tốt của người khác, sau đó trở mặt, quay lại hãm hại người đã giúp đỡ mình. Họ là những người tàn nhẫn, vụ lợi, đánh mất giá trị nhân văn cao đẹp trong tâm hồn.

Điều này gây nên những ảnh hưởng lớn như:

  • Đánh mất sự tôn trọng từ người khác: "Gieo nhân nào gặt quả đó". Chúng ta sẽ không thể nào có được sự tôn trọng và yêu thương từ mọi người nếu chúng ta là kẻ hành xử ngược lại với những điều tốt đẹp.
  • Khiến người khác bị tổn thương nặng nề: Không điều gì cay đắng hơn việc bị phản bội, hãm hại từ chính người mà mình đã đối xử chân thành, hết lòng giúp đỡ.
  • Đánh mất nhân cách và đạo đức cá nhân: Con người có những điều luôn phải giữ gìn cẩn trọng, đó là nhân cách và đạo đức. Đánh mất cả hai thứ này, bạn có thể đánh mất chính mình, trở thành phiên bản tệ hại.
banner-bottom-thuongthuc

Bài học từ thành ngữ “Vong ơn bội nghĩa”

Nuôi dưỡng lòng biết ơn

Lòng biết ơn là ghi nhận và trân trọng những gì người khác làm cho mình. Ta trân trọng công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, công lao dạy dỗ của thầy cô giáo, sự giúp đỡ của những người xung quanh trong những lúc khó khăn,...

Khi ta nuôi dưỡng lòng biết ơn, ta sẽ cảm thấy hạnh phúc, yêu đời, yêu người và xây dựng ý thức làm những điều tốt đẹp cho người khác.

Lòng biết ơn sẽ chắp cánh cho lòng nhân ái, sự tử tế lan tỏa, góp phần xây dựng một cộng đồng nhân ái, văn minh.

vong-on-boi-nghia-voh-2
Mỗi người cần nên nuôi dưỡng lòng biết ơn để thêm yêu đời, yêu người - Ảnh: Canva

Cẩn trọng khi giúp đỡ người khác

Trên thế giới có muôn vạn kiểu người. Mỗi người cần rèn luyện bản lĩnh, sự tỉnh táo khi trao đi sự tử tế để bảo vệ bản thân, tránh đặt niềm tin sai chỗ.

Vong ân bội nghĩa là một hành vi đáng lên án. Để nối tiếp truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", mỗi người cần nuôi dưỡng trong mình lòng biết ơn, sống với lòng nhân ái, sự tử tế để nối dài những mối quan hệ tốt đẹp trong cuộc sống, xây dựng một xã hội văn minh.

Thành ngữ, tục ngữ nói về sự vô ơn

Ngoài câu thành ngữ "Vong ơn bội nghĩa", trong dân gian, có rất nhiều câu tục ngữ, thành ngữ bàn về sự vô ơn. Sau đây là những ví dụ tiêu biểu:

  • Ăn cây táo rào cây sung
  • Ăn cháo đá bát
  • Ăn cá bỏ lờ
  • Ăn mật trả gừng
  • Ăn cơm nhà Phật, đốt râu thầy chùa
  • Bóc áo tháo cày
  • Được chim bẻ ná, được cá quên nơm
  • Đánh trống bỏ dùi
  • Có trăng phụ đèn
  • Có mới nới cũ
  • Ơn bằng cái đĩa, nghĩa bằng con ruồi
  • Cạn tàu ráo máng
  • Qua cầu rút ván
  • Tham vàng bỏ ngãi
  • Thôi chay thì thầy đi đất
  • Vay mật trả gừng
  • Vay ơn nhất thời, đòi oán tam đại
  • Vắt chanh bỏ vỏ
vong-on-boi-nghia-voh-3

Cao dao, tục ngữ, thành ngữ về lòng biết ơn

Lòng biết ơn tạo nên những giá trị sống tích cực trong cuộc đời này. Sau đây là những câu thành ngữ, tục ngữ nói về lòng biết ơn mang đến bao bài học nhân sinh sâu sắc.

  • Ăn bát cơm dẻo nhớ nẻo đường đi
  • Ăn quả nhớ kẻ trồng cây
  • Con có cha mẹ đẻ, không ai ở lỗ nẻ mà lên
  • Chín chữ cù lao
  • Ghi lòng tạc dạ
  • Oán thì trả oán, ân thì trả ân
  • Nhất tự vi sư, bán tự vi sư
  • Sống tết, chết giỗ
  • Tình thâm nghĩa trọng
  • Ai ơi uống nước nhớ hồ
    Ăn cơm nhớ ruộng, qua đò nhớ sông
    Ăn trái nhớ kẻ vun trồng
    Nhờ ai ta được yên lòng hôm nay
  • Làm ơn nên thoảng như không
    Chịu ơn nên tạc vào lòng chớ quên

Trên đây là phần giải thích của VOH về ý nghĩa câu thành ngữ "Vong ơn bội nghĩa" là gì. Hy vọng qua bài viết trên, bạn đã hiểu rõ hơn về nội dung câu nói này, đồng thời rút ra bài học kinh nghiệm quý giá cho mình. 

Đừng quên theo dõi VOH Sống đẹp để cập nhập thêm nhiều kiến thức bổ ích, xu hướng thú vị!

Bình luận