Chờ...

Nguồn gốc, ý nghĩa thành ngữ “Cạn tàu ráo máng” là gì?

VOH - Người Việt Nam vốn trọng nghĩa tình, cho nên lối sống, lối ứng xử “Cạn tàu ráo máng” đi ngược lại với truyền thống, nét đẹp văn hóa này luôn bị phê phán.

Trái ngược với tinh thần tương thân tương ái, đùm bọc lẫn nhau, trọng tình trọng nghĩa, câu thành ngữ “Cạn tàu ráo máng” đề cập đến một hiện trạng không khó bắt gặp trong cuộc sống. Vậy “Cạn tàu ráo máng” là gì, nhắc nhở chúng ta điều gì, VOH sẽ cùng bạn giải thích.

Thành ngữ “Cạn tàu ráo máng” - Nguồn gốc và ý nghĩa

“Cạn tàu ráo máng” là câu thành ngữ chỉ sự đối xử tàn nhẫn, không có tĩnh nghĩa giữa con người với nhau. Ban đầu, nó được dùng để chỉ sự thiếu chu đáo của con người trong việc chăm sóc vật nuôi.

Sở dĩ có hai lớp nghĩa và có sự thay đổi như vậy là bởi ông cha ta thường mượn những sự việc, hiện tượng gần gũi trong cuộc sống hàng ngày để khái quát thành bài học. Cho nên, muốn giải thích tại sao thành ngữ “Cạn tàu ráo máng” lại có ý nghĩa như vậy thì bạn cần tìm hiểu nguồn gốc của nó.

Nguồn gốc, ý nghĩa thành ngữ “Cạn tàu ráo máng” là gì? 1
Ban đầu, thành ngữ "Cạn tàu ráo máng" đề cập đến vấn đề chăm sóc vật nuôi thiếu chu đáo - Ảnh: Bigstock

“Máng” và “tàu” được biết đến là dụng cụ đựng thức ăn cho các loại gia súc, khi xưa thường được đóng bằng gỗ. Về sau “tàu” còn có nghĩa là chuồng nhốt ngựa, nhốt voi. “Cạn” là tình trạng đã hết hoặc gần hết, “ráo” là đã khô, đã hết nước.

Như vậy, “Cạn tàu ráo máng” ở đây chỉ việc gia súc, vật nuôi phải chịu đói, chịu khát. Đối với những con vật đã giúp con người làm việc, chở hàng hóa… thậm chí cung cấp cả thực phẩm thì cách đối xử này thực sự tàn nhẫn, không có tình nghĩa.

Sau này, khi nhắc đến thành ngữ “Cạn tàu ráo máng”, người ta thường hiểu ý muốn biểu đạt là lối sống, lối ứng xử tàn nhẫn, thiếu hoặc cạn kiệt tình nghĩa giữa con người với con người.

Xem thêm:
Giải thích ý nghĩa thành ngữ ‘Qua cầu rút ván’ nói đến vấn đề gì?
Ý nghĩa câu thành ngữ “Nước mắt cá sấu” là gì?
Giải thích ý nghĩa thành ngữ 'Giàu đổi bạn sang đổi vợ' nói về điều gì?

“Cạn tàu ráo máng” - lối sống, ứng xử tệ hại

Sống không có tình nghĩa, đối xử “Cạn tàu ráo máng” với mọi người có thể gây nên những hệ quả không mong muốn.

Đánh mất sự tin tưởng, kính trọng và yêu mến của người khác: Bạn sống và đối xử với người khác như thế nào thì sẽ nhận lại y như vậy. Nói cách khác, nếu không thể đối xử tử tế với mọi người thì chúng ta cũng không thể nhận lại sự tin tưởng, yêu mến hay tôn trọng.

Khiến người khác bị tổn thương: Bạn đối xử tốt, hết lòng với một người nhưng cuối cùng lại nhận được sự bội bạc, vô ơn, tàn nhẫn. Bất cứ ai cũng sẽ bị tổn thương khi ở trong trường hợp này.

Nguồn gốc, ý nghĩa thành ngữ “Cạn tàu ráo máng” là gì? 2
Lối sống, ứng xử cạn tình cạn nghĩa làm tổn thương người khác - Ảnh: Getty Images

Đánh mất nhân cách, đạo đức của bản thân: Nhân cách và đạo đức là một trong những yếu tố hình thành nên giá trị của một con người. Đây là tài sản mà chúng ta phải coi trọng, giữ gìn. Đánh mất chúng, bạn có thể đánh mất chính mình và những điều có thể nhận được từ việc có nhân cách, đạo đức tốt đẹp.

Tự cản trở, kìm hãm sự phát triển của bản thân: Lối sống không có tình nghĩa làm con người đánh mất những mối quan hệ, cơ hội hợp tác và phát triển của chính bản thân mình. Không ai muốn giúp đỡ, hỗ trợ những người không biết đối nhân xử thế, không biết biết ơn, chỉ quan tâm đến lợi ích của mình. 

Gây xung đột, bất hòa: Khi không được đối xử tử tế, bị đối xử tệ bạc con người có thể nảy sinh sự xung đột, bất hòa thậm chí là thù hận. Đây là một hệ quả nghiêm trọng, có mức độ ảnh hưởng lớn và để lại hậu quả nặng nề.

Bài học từ thành ngữ “Cạn tàu ráo máng”

Lòng biết ơn

Từ ý nghĩa ban đầu của câu thành ngữ “Cạn tàu ráo máng”, ta có thể thấy hành động bỏ mặc những con vật từng giúp sức, góp phần nuôi sống của con người không đúng, không phù hợp.  Lẽ ra, thay vì lạm dụng, ngược đãi với chúng, người ta phải đối xử tử tế với những con vật đã giúp đỡ mình.

Cho nên, bài học đầu tiên mà mọi người cần ghi nhớ là phải phải học cách biết ơn và trả ơn. Đó có thể là công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, là công lao dạy dỗ của thầy cô giáo, là sự giúp đỡ của bạn bè, đồng nghiệp những lúc khó khăn… 

Biết ơn không chỉ là một truyền thống tốt đẹp từ bao đời của dân tộc ta. Nó còn được xem là phương châm sống và ứng xử, tạo nên nhân cách, giá trị của con người.

Nguồn gốc, ý nghĩa thành ngữ “Cạn tàu ráo máng” là gì? 3
Con người phải biết nhớ ơn, sống có tình có nghĩa - Ảnh: Freepik

Giữ gìn tình nghĩa, đối xử tử tế với mọi người

Tử tế với người khác chính là tử tế với bản thân mình. Sống có tình nghĩa, chúng ta sẽ nhận lại được sự yêu mến, tôn trọng và giúp đỡ vào những thời điểm cần thiết.

Hơn hết, con người không thể sống mà tách biệt hoàn toàn với cộng đồng. Gìn giữ, lan tỏa sự yêu thương hay năng lượng tích cực, những giá trị tốt đẹp là cách để mỗi cá nhân có được niềm vui, sự thanh thản, để xã hội phát triển lành mạnh.

Xem thêm:
Giải thích ý nghĩa thành ngữ “Khôn nhà dại chợ”
Giải thích ý nghĩa thành ngữ ‘Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa’ là gì?
GIải thích ý nghĩa tục ngữ 'Ăn quả nhớ kẻ trồng cây' nói đến điều gì?

Tổng hợp thành ngữ, tục ngữ về lối sống tình nghĩa 

Sống có tình có nghĩa là một truyền thống, một nét văn hóa đẹp từ xa xưa của người Việt. Điều này được thể hiện qua rất nhiều việc làm cụ thể, cũng được phản ánh một phần qua quan niệm, lời nhắc nhở được được người xưa gửi gắm trong thành ngữ, tục ngữ.

1. Ăn ở như bát nước đầy

2. Nhiều tiền thì thắm, ít tiền thì phai

3. Phụ tử tình thâm

4. Bà con vì tổ vì tiên, không phải vì tiền vì gạo

5. Thèm lòng, chẳng ai thèm thịt

6. Tiền là gạch, ngãi là vàng

7. Người là vàng, của là ngãi

8. Tình thâm nghĩa trọng

9. Tôi tớ xét công, vợ chồng xét nhân nghĩa

10. Trọng nghĩa khinh tài

11. Vị tình, vị nghĩa, chẳng ai vị đĩa xôi đầy

12. Hạt muối mặn ba năm còn mặn, củ gừng cay chín tháng còn cay

13. Bà con vì tổ tiên, không phải vì tiền vì gạo

Nguồn gốc, ý nghĩa thành ngữ “Cạn tàu ráo máng” là gì? 4
Thành ngữ, tục ngữ Việt Nam phong phú, để lại cho chúng ta nhiều bài học - Ảnh: Freepik

Những câu thành ngữ, tục ngữ phê phán thói vô ơn, tàn nhẫn, bội bạc

Bên cạnh việc đề cao, ca ngợi lối sống tình nghĩa, người xưa cũng không quên phê phán lối sống vô ơn, tàn nhẫn, bội bạc. Dưới đây là một số câu thành ngữ, tục ngữ tiêu biểu và khá quen thuộc với người Việt.

1. Bóc áo tháo cày

2. Nặn như bà cô bóp con cháu

3. Táng tận lương tâm

4. Bạc như vôi

5. Bẻ khoá trao chìa

6. Tham vàng bỏ ngãi

7. Càng quen càng lèn cho đau

8. Bóp hầu bóp cổ

9. Thà thiếu thuế vua, hơn thua lệ làng

10. Ăn cá bỏ lờ

11. Ăn cháo đá bát

12. Thôi chay thì thầy đi đất

13. Thôi rên quên thầy

14. Vay mật trả gừng

15. Ăn cơm nhà Phật, đốt râu thầy chùa

16. Vay ơn nhất thời, đòi oán tam đại

17. Khỏi vòng cong đuôi

18. Ơn bằng cái đĩa, nghĩa bằng con ruồi

Thành ngữ “Cạn tàu ráo máng” có ý nghĩa trái ngược với lối sống, lối ứng xử trọng nghĩa tình của người Việt Nam ta. Thông qua phần giải thích ở trên, VOH Sống đẹp hy vọng bạn đã hiểu hơn về lời nhắc nhở của ông cha ta để xây dựng cho mình lối sống phù hợp.