Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Những điều bạn chưa biết về ngày Cá tháng Tư

VOH - Trong 365 ngày, có một ngày dùng để chọc phá lẫn nhau bằng những lời nói dối vô hại, và ngày đó được gọi là ngày Cá tháng Tư.

Với một số người, ngày Cá tháng Tư tương đối đặc biệt bởi họ có thể thỏa sức trêu đùa bạn bè, người thân mà chẳng sợ bị giận dỗi. Thế nhưng, có thể nhiều người vẫn chưa biết rõ về nguồn gốc và ý nghĩa của ngày lễ này.

Tìm hiểu về ngày Cá tháng Tư 

Ngày Cá tháng Tư được biết đến là một ngày mà mọi người trêu đùa, chọc phá nhau để tạo tiếng cười, phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới. 

Ngày Cá tháng Tư là ngày gì?

Ngày Cá tháng Tư (hay còn gọi là ngày nói dối, ngày nói đùa) là ngày hội mà trong đó, người ta được phép tung nhiều tin đồn hoặc lời nói đùa vô hại để  đánh lừa người khác, nhằm mục đích mua vui cho bản thân và mọi người mà không chịu những lời chỉ trích, tác hại nào.

Người Pháp gọi những người bị lừa là Poissons D’Avirl, nghĩa là “những con cá tháng Tư”. Và có lẽ do ảnh hưởng của người Pháp nên ở Việt Nam, chúng ta gọi ngày này là ngày Cá tháng Tư.

Nguồn gốc ngày Cá tháng Tư, status hài hước dành cho “ngày nói dối” 1
Tìm hiểu về ngày Cá tháng Tư

Ngày Cá tháng Tư là ngày mấy?

Hằng năm, ngày Cá tháng Tư thường diễn ra vào ngày 1 tháng 4 dương lịch. Tuy không phải là ngày lễ chính thức nhưng tại nhiều quốc gia vẫn rất mong chờ ngày lễ này, chẳng hạn như Pháp, Mỹ, Ireland… và có cả Việt Nam.

Vậy năm nay, ngày Cá tháng Tư là ngày nào?

Năm nay, ngày Cá tháng Tư rơi vào Thứ Hai ngày 1/4/2024.

Ngày Cá tháng Tư tiếng Anh là gì?

Ngày Cá tháng Tư trong tiếng Anh là “April Fool’s Day“/ˈeɪprəl fulz deɪ/. 

Mặc dù không phải là ngày lễ chính thức, song ngày Cá tháng Tư lại được rất nhiều quốc gia hưởng ứng bằng cách tung nhiều tin đồn (rumour) hoặc nói xạo (tell lie), nói đùa (crack a joke) về các chủ đề khác nhau nhằm tạo niềm vui hay để trêu chọc ai đó.

Nguồn gốc ngày Cá tháng Tư, status hài hước dành cho “ngày nói dối” 2

Ngày Cá tháng Tư có nguồn gốc từ nước nào?

Nhiều tài liệu cho rằng, nước Pháp chính là quê hương của ngày Cá tháng Tư. Bởi vào thế kỉ 16 ở Pháp, mùa lễ hội hàng năm bắt đầu vào ngày đầu tháng Tư. Vào thời điểm đó, năm mới cũng được tính bắt đầu từ ngày 1/4, vì ngày này được xem là đầu tiên của mùa Xuân.

Đến năm 1582, Hoàng đế Charles IX đã ra lệnh chuyển ngày đầu năm mới về ngày 1/1. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết đến sự thay đổi đó. Bởi phương tiện liên lạc thời xưa còn lạc hậu, người ta truyền tin chủ yếu bằng cách chạy bộ nên không phải người dân nào cũng biết về sự thay đổi

Một số người biết nhưng vẫn không chấp nhận và tiếp tục đón năm mới vào ngày 1/4 nên bị quy là "ngớ ngẩn" và trở thành trò cười cho thiên hạ. Từ đó, người ta gọi ngày 1/4 là ngày nói dối và cái tên “Cá tháng Tư” chính thức xuất hiện.

Cùng với thời gian, trò đùa vào ngày 1/4 đã trở thành truyền thống và được lan rộng từ Pháp sang Anh và Scotland (thế kỷ 18), sau này là các thuộc địa ở Bắc Mỹ. Ngày nay, ngày Cá tháng Tư trở thành một lễ hội quốc tế được chấp nhận ở nhiều quốc gia khác nhau.

Nguồn gốc ngày Cá tháng Tư, status hài hước dành cho “ngày nói dối” 3
Vua Charles IX của Pháp - Ảnh: TTO

Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều truyền thuyết khác nói về nguồn gốc của ngày Cá tháng Tư.

Chẳng hạn như có người cho rằng, việc “chơi khăm” trong ngày Cá tháng Tư bắt nguồn từ nội dung trong cuốn truyện The Canterbury Tales (Những câu chuyện cổ tích) của nhà văn người Anh Geoffrey Chaucer.

Trong câu chuyện, có một tình tiết chơi chữ khiến độc giả nhầm lẫn. Chaucer ý muốn nói 32 ngày sau tháng Ba (tức ngày 2/5) nhưng độc giả lại hiểu nhầm thành ngày 32 tháng Ba hoặc ngày 1/4. Vì vậy, ngày này trở thành ngày để người dân nói đùa hoặc nói những câu nói dối vô hại.

Ngoài ra, giả thuyết khác cho rằng, ngày Cá tháng Tư lần đầu tiên được đề cập đến bởi nhà thơ d’Amerval. Đây được xem là nguyên bản dành cho khái niệm "Cá tháng Tư".

Nguyên nhân d’Amerval gọi như vậy là bởi tháng Tư cũng được xem là tháng của cung Song Ngư với biểu tượng hai con cá quấn vào nhau. Thêm nữa, đây cũng là thời điểm những loài cá sống trong vùng nhiệt độ ôn hòa, ví dụ như cá thu, dễ bị đánh bắt nhất do đi riêng lẻ. Vì vậy, Cá tháng Tư trở thành khái niệm ám chỉ sự khù khờ.

Ý nghĩa ngày Cá tháng Tư

Ngày Cá tháng Tư là ngày có ý nghĩa tốt đẹp, mang lại tiếng cười, niềm vui cho cuộc sống, thông qua những trò đùa vô hại. Những lời nói dối sẽ được thoải mái nói ra, miễn là chúng không đi quá xa.

Ngoài ra, ở mỗi quốc gia, trò đùa trong ngày Cá tháng Tư lại mang một ý nghĩa riêng biệt. Người dân mỗi quốc gia sẽ tiếp nhận truyền thống này theo cách riêng để trêu gia đình và bạn bè. 

Những cú lừa kinh điển ngày Cá tháng Tư của các hãng truyền thông, công nghệ

Các phương tiện thông tin đại chúng (tờ báo, tạp chí, đài phát thanh, đài truyền hình hay đôi khi trên các trang mạng), các công ty có thể tham gia vào trò đùa này, bằng cách tung tin vịt, phóng đại, chia sẻ những câu chuyện hài hước vô hại vào ngày 1/4. Sau đó, họ sẽ đính chính thông tin vào ngày hôm sau. 

Tỷ phú Bill Gates bị ám sát

Năm 2003, CNN đưa tin, William H. Gates III (Bill Gates), Chủ tịch tập đoàn Microsoft đã bị ám sát tại Los Angeles trong khi đang tham gia một sự kiện từ thiện được tổ chức tại MacArthur Park. Tin tức này đã được 3 kênh truyền hình MBC, YTN và SBS của Hàn Quốc đồng loạt đưa tin. Theo BBC, trên thực tế, thông tin đó là một trò lừa bịp lấy từ website CNN.

Nguồn gốc ngày Cá tháng Tư, status hài hước dành cho “ngày nói dối” 4
Tỷ phú Bill Gates

Hãng thông tấn AP bị mắc lừa

Năm 1983, ông Joseph Boskin, giáo sư lịch sử đại học Boston, đã khiến hãng thông tấn AP nhận một quả lừa ngoạn mục. Theo đó, ông đã giải thích về nguồn gốc Cá tháng Tư xuất phát từ việc hoàng đế La Mã Constantine tranh luận với người dân xem ai có thể điều hành đất nước tốt hơn ông.

Sau đó, vị hoàng đế này cho phép một người dân thay mình thử điều hành đất nước vào ngày 1/4. Từ đó, ngày này được nhớ đến như "ngày của sự vô lý".

Lời giải thích của ông Boskin thu hút sự chú ý của hãng tin danh tiếng AP, và câu chuyện được xuất bản rộng rãi. Một tuần sau đó, hãng tin AP mới nhận ra, họ là nạn nhân của trò chơi khăm này, bởi lời giải thích của ông Boskin hoàn toàn không có thật và cuối cùng phải muối mặt điều chỉnh.

Trò lừa của Google

Vào ngày nói dối năm 2005, Google tuyên bố sắp lấn sân sang lĩnh vực sản xuất đồ uống với sản phẩm mới có tên là Google Gulp. Theo lời quảng cáo của hãng, món đồ uống này giúp tăng trí thông minh, tốt cho sức khỏe vì là thực phẩm low carb (lượng đường và tinh bột rất thấp).

Nguồn gốc ngày Cá tháng Tư, status hài hước dành cho “ngày nói dối” 5
Google Gulp - Cú lừa ngày Cá tháng tư "kinh điển" của Google

Ngày 1/4/2007, Google thông báo cung cấp dịch vụ in ấn thư điện tử miễn phí Gmail Paper - cho phép người sử dụng gmail in ra giấy tất cả thư điện tử trong hòm thư của mình, hoàn toàn miễn phí…  

Năm 1/4/2008, Google đã mời mọi người tham gia dự án thám hiểm sao Hoả. 

Ngày Cá tháng 4 năm 2013, Google tung clip đóng cửa Youtube.

Ngoài những cú lừa trên, Google còn tuyên bố tung ra các sản phẩm đặc biệt như dịch vụ mai mối Google Romance, tính năng Gmail Custom Time giúp sửa giờ gửi email về quá khứ. Thậm chí có năm, hãng còn tuyên bố đã tìm được kho báu đảo hải tặc.

Vì “lừa bịp” khách hàng nhiều lần trong ngày Cá tháng Tư nên trong một lần nói thật, Google lại bị mang là nói dối. Cụ thể, khi hãng tuyên bố sẽ cung cấp dung lượng 1GB miễn phí cho người dùng Gmail, phần lớn khách hàng không thèm tin vì thông báo được đưa ra vào ngày 1/4.

banner-bottom-thuongthuc

Cá tháng Tư nên lừa gì để mọi người cùng

Ngày Cá tháng Tư sẽ trở nên vui vẻ khi mọi người đùa vui với nhau bằng những trò chơi khăm vô hại. 

  1. Chuyển đổi hình nền điện thoại di động của ai đó sang màn hình vỡ.
  2. Chụp ảnh màn hình máy tính của đồng nghiệp và cài đặt làm màn hình nền. Hãy chọn chế độ ẩn tất cả các biểu tượng trên desktop và xem người ấy chiến đấu thế nào với màn hình “đóng băng” kia.
  3. Đổ siro vào bình chứa xà phòng rửa tay trong nhà vệ sinh.
  4. Tặng cho ai đó một hộp quà được đóng gói lộng lẫy nhưng bên trong là những thứ linh tinh như: củ khoai tây, một gói xôi hay đơn giản là tờ giấy nhắn với dòng chữ “Chúc ngày 1/4 vui vẻ”.
  5. Trò chơi khăm ngày Cá tháng Tư cho những ông bố, bà mẹ hài hước: Khi lũ trẻ ngủ say, hãy thay đổi vị trí của chúng như đổi giường hay đổi phòng ngủ và chờ xem phản ứng của chúng thế nào khi thức dậy.
Nguồn gốc ngày Cá tháng Tư, status hài hước dành cho “ngày nói dối” 8
  1. Thay đổi ngày sinh nhật của bạn trên Facebook thành 1/4. Khi những lời chúc tốt đẹp bắt đầu xuất hiện, hãy chuyển trạng thái của bạn thành “Cá tháng Tư!”.
  2. Dán một tờ giấy lưu ý trên máy photocopy rằng: “Máy photocopy này bây giờ có thể điều khiển bằng giọng nói”.
  3. Dán băng keo vào đầu của điều khiển TV, có thể sẽ có người phải thay pin và phàn nàn cả ngày rằng điều khiển bị hỏng.
  4. Nói thẳng với người mà bạn thầm thương trộm nhớ đã lâu câu “Anh yêu em” hoặc ngược lại, ngày 1/4 là cơ hội tuyệt vời để bày tỏ tình cảm mà không sợ tẽn tò nếu chẳng được đáp lại. 
  5. Có ai tìm cậu bên dưới ấy: Khi bạn bè hay đồng nghiệp nhắn như vậy, bạn sẽ bán tín bán nghi, không biết có nên tin hay không. Nhưng rồi bạn vẫn quyết định chạy xuống vì sợ, nếu mình không xuống thì người ta sẽ bỏ đi... Thật là một trò đùa thành công.

Cá tháng Tư lừa người yêu “dở khóc dở cười”

Ngày Cá tháng Tư “troll” người yêu bằng những trò đùa sau để chuyện tình thêm vui và đối phương không giận nhé!

  1. “Em xuống mở cửa cho anh, anh đang đứng trước nhà em này!": Cô nàng sẽ chạy xuống ngay lập tức, nhưng xuống tới nơi thì không thấy chàng đâu.
  2. "Anh sẽ đến đón em đi chơi, 3 phút nữa anh có mặt, em chuẩn bị đi nhé!": Nàng cuống cuồng chuẩn bị trang điểm, phấn son để được đi chơi, rồi nhiều phút sau mới biết mình được cho “ăn cá”. 
  3. “Trên mặt em dính vết bẩn kìa”: Ngay sau đó, nàng sẽ vội vàng lấy gương soi.
  4. “Ơ, áo anh bị rách kìa”: Chàng ngay lập tức sẽ hỏi rách ở đâu và cúi xuống xem lại. Sau đó mới phát hiện, “Cá tháng Tư là lời nói dối của em”.
  5. Đổi lọ đường và lọ muối: Vào sáng 1/4, khi chàng pha cà phê sẽ trở thành cà phê muối. Hãy đón chờ phản ứng của chàng khi bị cho “ăn cá” nhé!
Nguồn gốc ngày Cá tháng Tư, status hài hước dành cho “ngày nói dối” 9
  1. Thay đổi ngôn ngữ trong điện thoại của người ấy sang tiếng Ả Rập, tiếng Hàn, tiếng Nhật… để xem đối phương phản ứng thế nào nhé!
  2. “Xin lỗi, anh có bạn trai rồi!”: Câu nói này sẽ khiến cho nàng hoang mang, và muốn khai thác thêm nhiều thông tin. Đến phút cuối, nàng mới nhận ra mình đã bị ăn một quả lừa.
  3. Giả vờ “tha thu”: Nếu người yêu không thích bạn xăm hình, hãy mua hình xăm giả rồi dán lên cánh tay. Khi nhìn thấy, đối phương sẽ bất ngờ và tức giận. Lúc này, bạn chỉ cần nói Cá tháng Tư và tẩy bỏ hình xăm là được.
  4. Thay thế phần kem của một chiếc bánh Oreo thành một lượng nhỏ sốt Mayonnaise. Đảm bảo người yêu của bạn sẽ trở thành “nạn nhân” trong ngày Cá tháng Tư này. 
  5. Giả vờ làm đồ ăn sáng cho người yêu và cho thêm một ít nguyên liệu “đặc biệt”. Chẳng hạn như cho nhiều muối, đường, chanh… hơn bình thường. Sau khi biết bản thân bị lừa, họ sẽ có phần giận dỗi. Lúc này, hãy mang cho người ấy món ăn chỉn chu mà bạn đã chuẩn bị để thắt chặt tình cảm của cả hai nhé!

Những điều tuyệt đối không nên nói dối trong ngày Cá Tháng Tư

Mặc dù nói dối ngày Cá tháng Tư nhằm mang lại niềm vui, tiếng cười cho mọi người, nhưng có những giới hạn bạn không nên vượt qua. Nếu không, nó sẽ trở thành trò đùa tai hại. Sau đây là 6 điều tuyệt đối không nên nói dối vào ngày Cá tháng Tư. 

Đùa về cái chết

Nhiều người nghĩ rằng, lời nói dối trên sẽ chẳng thể nào làm hại đến cuộc sống của bất kỳ ai. Tuy nhiên, trò đùa này thật sự không vui vẻ gì. Người nghe sau đó sẽ trở nên bất an, lo lắng, kể cả khi biết đó chỉ là một lời nói đùa thì những cảm xúc tiêu cực vẫn sẽ còn đọng lại. 

Thêm vào đó, mỗi người chỉ có một mạng sống duy nhất. Lấy cái chết ra để đùa giỡn cho thấy, bạn thiếu tôn trọng sự sống và thiếu tôn trọng người khác. Điều này sẽ khiến bạn mất điểm trong mắt mọi người. 

Cầu hôn

Trò đùa này rất phổ biến giữa những người yêu nhau. Họ thường tổ chức một buổi cầu hôn giống thật để đánh lừa đối phương. Cho đến khi đối phương đồng ý lại lật ngược tình thế. Hôn nhân là hạnh phúc trăm năm, không phải là vấn đề để lôi ra đùa cợt. Và nạn nhân của trò đùa này lại chính là người bạn đang yêu thương nhất. Điều này sẽ khiến đối phương bị tổn thương sâu sắc. 

Nguồn gốc ngày Cá tháng Tư, status hài hước dành cho “ngày nói dối” 10
Hôn nhân là chuyện trọng đại, không phải để đùa giỡn

Tỏ tình

Nếu cầu hôn là trò đùa của các cặp đôi thì tỏ tình lại là trò đùa của những người đang trong tình trạng mập mờ, “nửa lạ nửa quen”. Tình cảm không phải là vấn đề để đem làm trò đùa. Sẽ thế nào nếu có một người tỏ tình với bạn nhưng rồi lại từ chối và nói rằng, đấy chỉ là một trò đùa? Điều này chỉ khiến bạn có thêm nhiều người ghét hơn, thay vì những người yêu quý bạn. 

Mang thai

Mang thai vốn là điều thiêng liêng đối với bất cứ người phụ nữ nào. Do đó, đừng lấy chuyện này ra để làm trò đùa ngày Cá tháng Tư. Nếu điều này trở thành sự thật, thay vì nhận được những lời chúc phúc, bạn sẽ trở thành chủ đề bàn tán của mọi người. Và chắc chắn điều này sẽ mang hướng tiêu cực. 

Chia tay

Mỗi năm, đã có rất nhiều trường hợp chia tay “lừa thành thật” được lan truyền trên mạng xã hội. Tốt nhất, hãy ngừng đem chuyện tình cảm của bản thân và người khác ra đùa giỡn nếu không muốn một ai đó bị tổn thương. Điều này càng thể hiện, bạn là người không tôn trọng tình yêu. 

Thức ăn

Trước đây, từng có một nhà hàng hamburger ở Anh đã thay mayonnaise thành kem đánh răng vào trong những chiếc bánh của họ. Hậu quả là có đến 80% thực khách bị dị ứng và ngộ độc do nuốt phải lượng lớn kem đánh răng. Từ đó mới rút ra bài học rằng, dù là những trò đùa nhưng hãy nhớ, nếu để ảnh hưởng đến sức khỏe của người khác là bạn đang phạm sai lầm rồi đấy.

Nguồn gốc ngày Cá tháng Tư, status hài hước dành cho “ngày nói dối” 11
Bánh Hamburger rất phổ biến ở Anh

Vì ngày Cá tháng Tư là ngày lễ hội của sự vui vẻ, thoải mái, cho nên bạn cũng đừng quá nghiêm túc khi nhận được những lời trêu chọc từ bạn bè, hay những người xung quanh. Còn với những ai đang có ý định ghẹo người khác cho vui thì nhớ đừng đùa quá nhé, kẻo lại mất vui!

Bình luận