Cha ông ta từ xưa đã để lại cho con cháu rất nhiều câu ca dao, thành ngữ, tục ngữ bổ ích. Những câu nói này được rút ra từ kinh nghiệm sống, trải nghiệm thực tế và nó cũng là lời răn dạy cho thế hệ trẻ. Câu thành ngữ “cái khó ló cái khôn” cũng chính là một câu tục ngữ như vậy. Vậy câu nói này có ý nghĩa gì? Hãy cùng VOH tìm hiểu ngay sau đây!
“Cái khó ló cái khôn” là gì?
“Cái khó ló cái khôn” là một câu tục ngữ được sử dụng vô cùng phổ biến trong cả thời xưa lẫn thời nay. Hầu như chúng ta ai cũng đã nghe qua rất nhiều lần, thậm chí là dùng nó thường xuyên trong đời sống hằng ngày.
Đầu tiên chúng ta sẽ giải nghĩa từng cụm từ của câu tục ngữ. Cái khó được hiểu là những việc khó khăn, chướng ngại vật gây cản trở ngăn không để chúng ta làm một việc nào đó. Còn “cái khôn” được hiểu là những dự kiến, dự định, kế hoạch, các vấn đề tốt đẹp và suy nghĩ sáng suốt khi giải quyết một vấn đề nào đó.
Từ “ló” là từ được xem là khó hiểu nhất trong câu tục ngữ, nó được hiểu là xuất hiện, ý chí, là sự bình tĩnh và sáng suốt trong mọi tình huống. Nó thể hiện một ý chí không sợ sự bó buộc của hoàn cảnh sống đối với bản thân. Cuộc sống càng khó khăn thì bản thân càng phải phát triển, càng phải tiến lên phía trước. Hoàn cảnh không hiện tại không làm chúng ta lùi bước được.
Từ ý nghĩa của từ cụm từ trong câu thành ngữ, ta có thể thấy ý nghĩa câu tục ngữ “cái khó ló cái khôn” muốn nhắn nhủ chính là hoàn cảnh có thể tạo nên tích cách của con người. Khi ở trong hoàn cảnh khó khăn nhất, con người sẽ nảy sinh ra được những sáng kiến, ý định, lối thoát khôn ngoan.
Không những vậy, câu thành ngữ còn có thể tác động đến ý thức và ý chí của chúng ta. Cái “khó” trong câu tục ngữ chính là hoàn cảnh, là điều kiện để cái “khôn” tinh thần mỗi người bộc lộ.
Không chỉ được sử dụng phổ biến trong tiếng Việt mà câu tục ngữ “cái khó ló cái khôn” tiếng Anh còn được dịch thành “Necessity is the mother of invention”.
Có phải cố gắng là sẽ thành công như câu tục ngữ “cái khó ló cái khôn”?
Trên thực tế thì câu tục ngữ “cái khó ló cái khôn” chỉ biểu đạt một mặt phiến diện, lời khuyên từ tiền nhân trước chỉ biểu hiện một phần đúng. Vì nó vẫn chưa đề cập đến chiều ngược lại của ý thức và vật chất, giữa hoàn cảnh và nghị lực.
Trong cuộc sống vạn biến, khó khăn được xem là động lực để con người vươn lên và đạt được thành quả tốt nhất. Sự thành công này phụ thuộc rất nhiều vào năng lực và lòng kiên nhẫn. Do đó bạn cần phải nắm chắc thời cơ bộc lộ thì mới đạt được mục đích.
Có thể bạn sẽ không thành công được ngay trong lần đầu hay thất bại cả trong lần hai nhưng đừng nản chí vì có thất bại thì mới có kinh nghiệm, có vấp ngã thì mới có thành công. Hãy đứng lên, phấn đấu để có thể đạt được mục đích sau cùng của bản thân.
Xem thêm:
Giải thích ý nghĩa thành ngữ ‘Ở bầu thì tròn ở ống thì dài’ muốn nhắc nhở điều gì?
35 câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ nói về cảnh nghèo khó, sự giàu nghèo trong xã hội
Ca dao, tục ngữ, thành ngữ nói về tài năng của con người hay nhất
Câu tục ngữ trái ngược với “cái khó ló cái khôn”
Song song với câu tục ngữ “cái khó ló cái khôn” thì ta còn có một câu tục ngữ có ý nghĩa trái ngược hoàn toàn là “cái khó bó cái khôn”.
Tương tự với như câu tục ngữ trên “cái khó bó cái khôn” cũng chỉ về những khó khăn và cản trở trong cuộc sống mà chúng ta thường gặp phải. Nhưng khác ở từ “bó” nó không thể hiện sự kiên trì vươn lên mà thể hiện sự trói buộc hạn chế, không để bản thân thực hiện các dự định, kế hoạch được vạch ra trước đó.
Nhìn chung cả câu thành ngữ này có thể hiểu là khó khăn sẽ làm cản trở việc chúng ta thực hiện các dự định, kế hoạch tốt đẹp. Nói ra rộng hơn thì chính là hoàn cảnh sẽ làm tác động lên tinh thần và tính cách của mỗi người. Nó giải thích cho sự bất lực cũng như động viên chúng ta mỗi khi bế tắc, không tìm được phương hướng giải quyết vấn đề.
Tác hại của việc thiếu sáng tạo và dễ từ bỏ
Trong “Cái khó ló cái khôn” là khi con người ta bị ép và đường cùng, gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn có ý chí vươn lên và không từ bỏ. Nhưng có rất nhiều bạn trẻ hiện nay vì có cuộc sống quá đầy đủ và được bao bọc nên thường có suy nghĩ ỷ lại vào gia đình, ỷ lại bố mẹ.
Chính vì vậy mà khi gặp phải khó khăn hay một chút vấp ngã trên đường đời thì sẽ hoàn toàn mất đi tâm trí, họ cảm thấy bế tắc, gục ngã và không thể nào tiến lên được. Cái “khó” lúc này dường như đã nuốt chửng sự phát triển của cái “khôn” của họ.
Do đó chúng ta cần phải động não nhiều hơn, cố gắng vượt qua các khó khăn của mình. Cũng giống như một đề toán khó, với những người lười suy nghĩ thì chỉ nghe đến chữ “khó” thôi là sẽ nghĩ ngay đến việc chờ người khác cho mình đáp án hoặc là họ sẽ nghĩ ngay đến việc gập lại trang vở và trực tiếp bỏ qua bài toán đó.
Nếu tình trạng này cứ tiếp tục thì việc học của bạn sẽ bị trì trệ, cái “khó” lúc này sẽ khiến cho não của bạn chậm phát triển và mất đi sự nhanh nhạy khi giải quyết vấn đề. Chúng ta cũng có thể gọi đây là sự kìm hãm của cái “khôn”.
Vì vậy thế hệ trẻ chúng ta hãy thường xuyên rèn luyện trí óc, cố gắng học tập và tiếp thu kiến thức từ những người xung quanh. Nếu bạn có thể làm được những điều này thì nhất định bạn sẽ không bao giờ thua cuộc, cuộc sống cũng sẽ trở nên ý nghĩa hơn rất nhiều.
Từ câu tục ngữ “cái khó ló cái khôn” và “cái khó bó cái khôn” ta có thể thấy cuộc sống rất muôn màu. Nó không chỉ có mỗi một màu hồng mà còn điểm chút xanh, chút xám hay chút đỏ. Nhưng bạn vẫn sẽ thấy cuộc sống ý nghĩa nếu có mục tiêu và ước mơ để đi lên. Dù có gặp phải chông gai hay trắc trở thì đó cũng chính là động lực để chúng ta mạnh mẽ và tốt đẹp hơn hiện tại.
Đừng quên cập nhật liên tục những bài viết mới nhất, hấp dẫn nhất tại VOH Sống đẹp.