Trong mắt người đời, Tào Tháo là gian hùng thời kỳ Tam Quốc, "hùng" tất nhiên là chỉ năng lực của Tào Tháo, còn "gian" chỉ sự giảo hoạt. Tào Tháo một đời trải qua không biết bao trận chiến, cũng để lại cho hậu thế rất nhiều kho tàng văn hóa, đặc biệt là những câu nói của Tào Tháo vẫn còn được lưu truyền cho đến tận ngày nay.
1. Tào Tháo – một kẻ "gian hùng" nhưng không thể phủ nhận tài năng
Tào Tháo sinh năm 155 và mất năm 220 (thọ 66 tuổi), tự là Mạnh Đức là nhà chính trị, quân sự kiệt xuất cuối thời Đông Hán trong lịch sử Trung Quốc. Ông là người đặt cơ sở cho thế lực quân sự cát cứ ở miền Bắc Trung Quốc, lập nên chính quyền Tào Ngụy thời Tam Quốc và trở thành đối trọng lớn nhất với nhà Thục (do Lưu Bị đứng đầu) và nhà Ngô (do Tôn Quyền đứng đầu).
Trong thời gian 25 năm (196 - 220), Tào Tháo đã bình định hết các lộ chư hầu phương bắc, xây dựng chính quyền Tào Ngụy. Ngoài đóng góp về chính trị và quân sự, phải kể tới đóng góp trong khôi phục nông nghiệp thời loạn lạc của Tào Tháo.
Tào Tháo - nhân vật có thật trong lịch sử Trung Quốc. Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet)
Thời chiến loạn, nhiều chư hầu không nghĩ tới sự sống chết của nông dân: khi cần lương thực thì lùng sục để giành lấy, nhưng sau khi có được lại phung phí, đến nỗi khi không còn lương thực để cướp đoạt thì tự suy yếu tan rã, điển hình trong số đó là Viên Thuật. Trong khi nhiều quân phiệt chỉ dùng chính sách cướp đoạt của nông dân thì chính sách đồn điền của Tào Tháo đã góp phần khôi phục nông nghiệp bị tàn phá, vừa giải quyết đời sống nông dân, vừa đảm bảo lương thực cho quân đội của ông. Chính điều đó là một trong những yếu tố quan trọng làm nên chiến thắng của Tào Tháo ở Trung Nguyên.
Đông Ngô, Thục Hán sở dĩ cũng có đủ thực lực, giữ được thế cân bằng với Tào Tháo và con cháu ông sau này nhờ sớm học tập chính sách phát triển đồn điền với mô hình tương tự của Tào Tháo trong khu vực mà họ quản lý.
Tuy nhiên, cũng bởi Tào Tháo đi theo con đường bá đạo, trọng lợi hơn trọng đức; dùng người cốt hiệu quả không tính đến phẩm chất đã gây ra những "tác dụng phụ" có liên hệ mật thiết đến sự suy vong nhanh chóng của triều đại Tào Ngụy sau này. Mầm mống quyền lực của cha con họ Tư Mã nhen nhóm, không lâu sau đã lấy ngôi của con cháu Tào Tháo như cách ông đã dần dần lấy ngôi của nhà Hán. Nhà Tấn thống nhất được toàn thiên hạ sau này, phần lớn là thụ hưởng cơ nghiệp mà Tào Tháo đã xây dựng.
Trong lịch sử gần 2000 năm qua, hình tượng về Tào Tháo vẫn là một chủ đề gây tranh cãi nhiều nhất trong lịch sử Trung Quốc, hầu hết đều bị ảnh hưởng tiêu cực do tác phẩm "Tam Quốc diễn nghĩa". Chính vì thế, hình ảnh về ông không được người đời ưa thích và thường được mang ra làm biểu tượng cho sự dối trá, vô liêm sỉ, bất nhân, bất nghĩa.
Tuy nhiên, kể từ thế kỷ 20, các học giả đã có nhìn nhận khác khách quan hơn về Tào Tháo. Những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng của Trung Quốc như Lỗ Tấn hay Quách Mạt Nhược đều đánh giá Tào Tháo là anh hùng. Nhà lãnh đạo ĐCS Trung Quốc Mao Trạch Đông từng đánh giá Tào Tháo là vị đế vương mà ông khâm phục nhất, gọi ông là "vua của các vua".
Trong “Tam Quốc Chí” cũng đã từng ca ngợi Tào Tháo” “Phi thường chi nhân, siêu thế chi kiệt” (tạm dịch: Người phi thường, là người tài giỏi xuất chúng). Một số tài liệu chính sử còn cho biết ông là một người có gan có chí, quý trọng nhân tài và cực kỳ quyết đoán cùng sự kiên nghị trong tất cả mọi việc.
2. Những câu nói hay của Tào Tháo vang danh thiên cổ
Nhắc đến Tào Tháo, ngoài việc ông là một người tài giỏi trong lĩnh vực chính trị, quân sự thì ông còn là một nhà thơ xuất sắc. Ông và hai con trai Tào Phi, Tào Thực được đời sau gọi là Tam Tào, cùng với nhóm Kiến An thất tử và nữ sĩ Thái Diễm hình thành nên trào lưu mới trong văn học thời Hán mạt, gọi chung là Kiến An phong cốt.
Ngoài ra, với tài năng và mưu lược hơn người của mình, Tào Tháo đã để lại cho đời những câu nói vô cùng có giá trị, không chỉ là “kim chỉ nam” giúp ông đạt được những thành công lớn trong cuộc đời mình mà những câu nói ấy còn được lưu truyền và để lại rất nhiều bài học cho hậu thế sau này.
Dưới đây là 11 câu nói bất hủ của Tào Tháo nổi tiếng trong thiên hạ được lưu truyền cho đến ngày nay:
1. “Thà ta phụ thiên hạ chứ không để thiên hạ phụ ta.”
Đây dường như chính là triết lý sống cả đời của Tào Tháo. Chính sự đa nghi khiến ông không thể tin vào bất kỳ ai ngoài bản thân mình. Với Tào Tháo, bất kỳ ai bên cạnh cũng đều có thể quay lưng, 'trở mặt' với mình, nên ông càng sống ngờ vực và nắm thế chủ động trong mọi việc. Câu nói này nhắc nhở chúng ta đừng quá tin người mà hãy sống có chút đề phòng, hoài nghi để đề phòng người khác lừa gạt, phản bội.
2. “Kẻ nhận sai chẳng khác nào nói mình nhu nhược.”
Câu nói này dạy chúng ta rằng, con người phải có bản lĩnh, tin vào tài năng và quyết định của mình. Dù kết quả có như thế nào, cũng tuyệt đối không phủ nhận những gì mình đã làm được.
3. “Tại sao lòng bàn chân lại trắng hơn mặt và tay?”
Ở đây, Tào Tháo muốn nói rằng, đừng bao giờ phơi hết 'ruột gan' của mình cho người khác biết để họ thấu rõ tâm can của mình. Người thông minh là người biết giấu đi những điều cần giấu.
4. “Thắng bại là chuyện thường tình của binh gia.”
Câu khẳng định này thức tỉnh những người binh lính không được ngủ quên trên chiến thắng, cũng đừng chết vì thất bại. Hãy rút ra bài học từ những chiến thắng và thất bại để có những bước đi khôn ngoan hơn.
5. “Ta nhẹ nhàng đi cũng như khi ta nhẹ nhàng đến, ta vẫy tay chào không một chút vấn vương.”
Hãy học cách đón nhận và buông bỏ đúng lúc, tuyệt đối không để tình cảm chi phối lý trí quá nhiều, vì điều đó sẽ làm hỏng việc lớn.
6. “Không tin thì không dùng, đã dùng là phải tin.”
Nổi tiếng là một nhà chính trị - quân sự rất giỏi trong việc dùng người, đây chính là một trong những thuật dùng người giúp Tào Tháo thành công trong sự nghiệp của mình. Trong bất cứ việc gì, một khi đã chọn thì phải có lòng tin. Lòng tin có sức mạnh rất lớn đối với cuộc đời mỗi người, thậm chí có thể quyết định kết quả thắng hay bại.
7. “Phàm những chuyện đại sự trong thiên hạ nên về nhà hỏi vợ, vợ bảo sao cứ làm ngược lại. Ắt sẽ thành công.”
Đối với Tào Tháo, phụ nữ luôn rất cảm tính. Trước những việc quan trọng, họ thường sẽ đắn đo rất nhiều về những rủi ro có thể ập đến và đó cũng thường là tâm lý chung của con người. Vậy nên, với chuyện nhà binh, càng đi ngược lại với cảm tính thì họ càng dễ chiến thắng. Bởi vì chỉ có vượt qua được nỗi sợ hãi của con người để chiến đấu, thì mới có thể nắm chắc chiến thắng trong tay.
8. “Mỹ nhân trong thiên hạ đều tầm thường với ta, duy nhất chỉ có vợ của kẻ thù làm ta thích thú.”
Câu nói này hàm ý rằng, Tào Tháo muốn có được những thứ kẻ thù có và nắm thóp được điểm yếu của kẻ thù để tấn công.
9. “Biết sai sửa sai, nhưng không bao giờ nhận mình sai.”
Đối với Tào Tháo, nhận sai chính là nhu nhược, vì thế không được nhận mình sai về những điều mình đã làm. Nhưng bên cạnh đó, bản thân phải luôn biết điều gì khiến mình thất bại để lấy làm bài học lớn, khắc cốt ghi tâm và sửa sai để không đi vào vết xe đổ lần nữa.
10. “Can đảm cẩn trọng, dám nghĩ dám làm mới có thể thành tựu sự nghiệp.”
Nam nhi chí lớn nhất định phải có bản lĩnh và can đảm, nhưng không được vồ vập mà phải điềm tĩnh, cẩn trọng. Có như vậy mới tạo nên được những thành công và thành tựu trong sự nghiệp.
11. “Không được khích nộ sẽ làm giảm trí tuệ, không được oán hận sẽ giảm đi một nửa sức mạnh.”
Nếu không có cảm giác tức giận, thì nhiệt tâm và trí tuệ cũng trở nên thờ ơ, chẳng quan tâm đến điều gì nữa. Nếu không có oán hận, thì sẽ chẳng còn cố gắng trau dồi thêm sức mạnh chiến đấu và sức mạnh sẽ giảm bớt. Ở đây, Tào Tháo lại chú trọng vào cảm xúc của con người có vai trò to lớn trong khi hành sự.
Xem thêm:
Những danh ngôn, câu nói nổi tiếng của Quản Trọng về tư tưởng trị quốc
Tiểu sử Thương Ưởng và những pháp chế tạo nền tảng cho nhà Tần thống nhất thiên hạ
Những câu nói hay của Khổng Tử, lời dạy của Đức Thánh Khổng
3. Những câu nói hay, thấm của Tào Tháo về thất bại
Tào Tháo được đánh giá là nhân vật kiệt xuất trong thời Xuân Thu Chiến Quốc. Trải qua gần 40 năm tung hoành trên lưng ngựa nhưng tiếc thay cuối cùng ông vẫn không thực hiện được giấc mộng thống nhất giang sơn.
Trong ngần ấy năm chinh chiến, ông có những trận đánh thắng vang danh nhưng cũng có những trận đánh thất bại, điển hình là trong trận Xích Bích. Dưới đây là những trích lược về một số câu nói của Tào Tháo nói về thất bại trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung.
1. Trong đánh trận, chấp nhận chiến thắng được thì chấp nhận thất bại được.
2. Nếu đã đánh nhau thì phải thắng, tại sao lại để binh bại, mất thành?
3. Thất bại là một chuyện tốt. Thất bại, có thể dạy cho chúng ta làm sao để Thành công. Thất bại, có thể dạy cho chúng ta làm sao để Chiến thắng. Thất bại, có thể dạy cho chúng ta làm sao để đoạt lấy thiên hạ. Con người ta muốn thành đại nghiệp, phải biết nắm được buông được....
4. Trên thế gian này chưa từng có một tướng nào trăm trận trăm thắng, chỉ có bại mà không nản, càng bại càng dũng cảm, cho đến cuối cùng là người giành chiến thắng…
5. Người làm tướng, nếu như không trải qua một vài lần thất bại thì làm sao biết làm thế nào để thắng trận?
6. Thất bại không đáng sợ, điều đáng sợ là thất bại đồng thời cũng đánh mất tinh thần chiến đấu.
7. Ta nhầm mắc phải kế thất phu, thề rằng thù này thế nào cũng báo được.
8. Phép hành quân, gặp núi phải mở lối, gặp nước phải bắc cầu, có lẽ đâu bùn lầy không đi được?
9. Sống chết có số, việc gì mà phải khóc? Hễ đứa nào khóc nữa thì chém!
10. Lúc gặp nguy nan, chúng cùng hợp thành một đội, cùng đối địch với ta. Đến khi chiến thắng, chúng sẽ tự đấu đá lẫn nhau, sẽ tự nghi kỵ lẫn nhau… Sớm muộn, chúng sẽ chia rẽ. Sớm muộn, chúng sẽ thua.
4. Tổng hợp các câu nói của Tào Tháo về các vị tướng
Tào Tháo là một người mưu tài trí lược nhưng dã tâm tựa trời. Trong hoạt động chính trị, ông đề cao tài trí, coi trọng năng lực, nên ông có sự tôn trọng nhất định về các vị tướng soái, đồng thời cũng là kẻ địch của mình. Dưới đây là các câu nói hay của Tào Tháo khi nói về Quan Vũ, Tư Mã Ý và Lưu Bị trong tác phẩm Tam Quốc diễn nghĩa của tác giả La Quán Trung.
4.1 Tào Tháo nói về Quan Vũ
1. Xích Thố hợp với Quan Vũ, bảo vật hợp với anh hùng, thiên hạ tuyệt phối.
2. Lòng trung thành của Quan Vũ là hình mẫu cho tất cả các tướng quân. Ta thà rằng hắn trở thành kẻ thù của ta, cũng không nỡ giết chết hắn.
3. Ta mến tài võ nghệ của Vân Trường, chỉ mong được hắn về với ta. (Tào Tháo nới với Tuân Úc về Quan Vũ)
4. Vân Trường là người nghĩa sĩ, chắc không thất tín. (Tào Tháo nói với Trương Liêu về Quan Vũ).
5. Ta vốn mến Vân Trường là người trung nghĩa, nay được trông thấy, thực là hả lòng mong mỏi bấy nay. (Tào Tháo nói với Quan Vũ)
6. Thờ chúa không quên gốc, thật là một nghĩa sĩ trong thiên hạ. (Tào Tháo nói với Trương Liêu về Quan Vũ).
7. Không quên chủ cũ, lúc đến, lúc đi, đều phân minh, thế mới thực là trượng phu. (Tào Tháo nói về Quan Vũ)
8. Quan Vân Trường là nghĩa sĩ trong thiên hạ, tiếc vì ta kém phúc, không lưu lại được. (Tào Tháo nói với Quan Vũ).
9. Đại trượng phu phải trọng điều tín nghĩa. (Tào Tháo nói với Quan Vũ).
10. Vân Trường chết rồi, từ đây ta mới được ngủ yên! (Tào Tháo nói về Quan Vũ khi được Đông Ngô dâng thủ cấp).
4.2 Tào tháo nói với Tư Mã Ý
1. Nếu ngươi không nghe lời, ta sẽ giết ngươi, để ngươi không ra tay với Tôn Lưu. (Tào Tháo nói với Tư Mã Ý)
2. Vì sao lòng bàn chân trắng hơn tay và mặt? – Bởi vì nó được che đậy (Giai thoại Tào Tháo hỏi chuyện Tư Mã Ý)
3. Trọng Đạt à, ngươi có một chút năng lực, nhưng ngươi quá kiêu ngạo! (Tào Tháo nói với Tư Mã Ý)
4. Tư Mã Ý có tướng lang cố, hắn nhất định sẽ nhòm ngó nhà ta. (Tào Tháo nói với Tào Phi về Tư Mã Ý).
5. Nếu hắn thoái lui không đến thì cứ bắt hắn lại. (Tào Tháo nói về Tư Mã Ý khi người này không chịu đến làm quan)
4.3 Tào tháo nói về Lưu Bị
1. Nếu Lưu Bị dám đến cổng thành, ngay lập tức bắt giết, xách đầu đến gặp. (Tào Tháo nói về Lưu Bị).
2. Huyền Đức à, ban đầu ta nghĩ rằng nhân từ và chính nghĩa không có cái khác, sau này, ta nhận ra rằng khi nhân từ và chính nghĩa đến với mình, nó không chỉ là tâm của người trên thế gian, nó còn là vũ khí để giết người. (Tào Tháo nói với Lưu Bị)
3. Nghi người không dùng, dùng người không nghi. Nếu đã dùng rồi, sao có thể hối hận? Nếu Lưu Bị dám phản, vừa vặn cho ta một cơ hội tốt để lấy đầu hắn. (Tào Tháo nói về Lưu Bị)
4. Lưu Bị là một người anh hùng. Nay đương lúc dụng anh hùng, không nên giết một người để mất lòng thiên hạ. (Tào Tháo nói với Trình Dục về Lưu Bị).
5. Người ấy đã được nhận làm hoàng thúc, ta lấy chiếu vua sai khiến, lại càng phải phục tùng ta. Vả ta lại để cho ở Hứa Đô, tiếng rằng gần vua, nhưng thực ra là ở trong tay ta, ta còn ngại gì. (Tào Tháo nói với Tuân Úc và bọn mưu sĩ về Lưu Bị).
6. Anh hùng thiên hạ bây giờ chỉ có sứ quân và Tháo mà thôi. (Tào Tháo nói với Lưu Bị khi uống rượu luận anh hùng).
7. Lưu Bị là kẻ hào kiệt, nếu không đánh ngay, đợi hắn thành vây cánh rồi, thì khó lòng trị nổi. (Tào Tháo nói với Trình Dục về Lưu Bị).
8. Lưu Bị là một kẻ hèn mọn ở Bái Quận, mạo xưng là “hoàng thúc”, vốn chẳng có tín nghĩa gì. Có thể nói ngoài vỏ là người quân tử, mà trong ruột là một đứa tiểu nhân. (Tào Tháo nói với Từ Mẫu về Lưu Bị).
9. Lưu Bị như con rồng trong đám người, xưa nay chưa được xuống nước bao giờ, nay được Kinh Châu khác nào rồng khô mà vào bể lớn, trách nào ta chẳng giật mình. (Tào Tháo nói với bọn mưu sĩ về Lưu Bị).
Xem thêm:
Tiểu sử và những bài thơ kiệt tác của "Thi Tiên" Lý Bạch
Tiểu sử và những bài thơ bất hủ của Đỗ Phủ người được mệnh danh Thi Thánh
Tiểu sử Bạch Cư Dị và màu sắc hiện thực cuộc sống trong thơ của ông
5. Những câu nói hay của Tào Tháo bằng tiếng Trung
Cho đến tận bây giờ, nhiều người vẫn còn đặt ra nghi vấn Tào Tháo là anh hùng hay gian hùng? Đáp án của câu hỏi này có lẽ khó có lời giải đáp chính xác bởi khi đọc Tam Quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, mỗi người sẽ có cảm nhận riêng của mình. Và dù ông là “gian hùng” hay “anh hùng” thì những câu nói của ông vẫn là bất hủ và có giá trị mọi thời đại.
Cùng tìm hiểu thêm những câu nói hay của Tào Tháo bằng tiếng Trung để hiểu hơn về một nhân vật có thật trong thời đại xưa.
1. 我曹操虽狠,却正邪分明。
Wǒ cáocāo suī hěn, què zhèngxié fēnmíng.
Ta, Tào Tháo tuy tàn nhẫn, nhưng giữa thiện và ác vẫn có sự phân biệt rạch ròi.
2. 天地何长久,人道居之短。
Tiāndì hé chángjiǔ, réndào jū zhī duǎn.
Trời đất dài bao nhiêu, nhân gian ngắn bấy nhiêu.
3. 欲取胜他人,自己先要立于不败之地!
Yù qǔshèng tārén, zìjǐ xiān yào lì yú bù bài zhī dì!
Muốn thu phục người khác, trước hết bản thân phải là người bất khả chiến bại.
4. 人可以断臂求生,怎么能断头求生呢?
Rén kěyǐ duàn bì qiúshēng, zěnme néng duàn tóu qiúshēng ne?
Con người có thể tự cắt đứt cánh tay để mưu cầu sự sống, nhưng làm sao có thể tự chặt đầu để tồn tại?
5. 不要愤怒,愤怒会降低你的智慧,也不要恨自个儿的敌人,因为仇恨会使你丧失判断力,与其恨自个儿的敌人,不如拿它来为我所用。
Bùyào fènnù, fènnù huì jiàngdī nǐ de zhìhuì, yě bùyào hèn zì gě er de dírén, yīnwèi chóuhèn huì shǐ nǐ sàngshī pànduàn lì, yǔqí hèn zì gě er de dírén, bùrú ná tā lái wèi wǒ suǒyòng.
Đừng nóng giận, sân hận sẽ làm giảm trí tuệ của ngươi, cũng đừng hận kẻ thù của mình, bởi vì hận thù sẽ làm cho ngươi mất đi khả năng phán đoán, thay vì hận kẻ thù, không bằng sử dụng hắn cho việc của mình.
6. 我曹操,生当豪杰,死亦鬼雄。断不可堪忍受楚囚之辱!
Wǒ cáocāo, shēng dāng háojié, sǐ yì guǐxióng. Duàn bùkě kān rěnshòu chǔ qiú zhī rǔ!
Ta Tào Tháo, sinh ra làm anh hùng, chết cũng là ma. Hoàn toàn không thể chịu đựng được sự nhục nhã, đau khổ khi bị giam cầm.
7. 世人只知道曹操之威,却不知道曹操的恩典更重于威严
Shìrén zhǐ zhīdào cáocāo zhī wēi, què bù zhīdào cáocāo de ēndiǎn gèng zhòng yú wēiyán.
Thiên hạ chỉ biết Tào Tháo uy phong, mà không biết Tào Tháo xem trọng ân huệ (ơn đức) hơn uy phong.
8. 欲杀贼,必先屈身事贼!
Yù shā zéi, bì xiān qūshēn shì zéi!
Muốn giết kẻ trộm, trước tiên phải cúi đầu trước kẻ trộm.
9 .如果说,做君子的代价就是被凌辱,被践踏,被消灭,甚至被杀害的话,那我宁愿当一个可以实现自己抱负的奸雄。
Rúguǒ shuō, zuò jūnzǐ de dàijià jiùshì bèi língrù, bèi jiàntà, bèi xiāomiè, shènzhì bèi shāhài dehuà, nà wǒ nìngyuàn dāng yīgè kěyǐ shíxiàn zìjǐ bàofù de jiānxióng.
Nếu cái giá của việc làm quân tử là bị lăng nhục, bị giẫm đạp, bị tiêu diệt, thậm chí là bị giết thì ta làm một kẻ gian hùng có thể thực hiện được hoài bão của mình.
10. 所谓英雄,应该胸怀大志腹有良谋,上能洞察宇宙之妙,下能吞吐天地之机.
Suǒwèi yīngxióng, yīnggāi xiōnghuái dàzhì fù yǒu liáng móu, shàng néng dòngchá yǔzhòu zhī miào, xià néng tūntǔ tiāndì zhī jī.
Anh hùng là người trong bụng có chí lớn, có mưu cao, có tài bao trùm được cả vũ trụ, có chí nuốt cả trời đất kia.
Khách quan nhìn nhận, Tào Tháo là một chính trị gia lỗi lạc, một nhà lãnh đạo giỏi, nhà quân sự có tài. Ông là người luôn hoạt động, dám nói dám làm, như ông từng nói: “Người đời đều nói ta là gian hùng nhưng không làm được gì một kẻ gian hùng như ta. Các ngươi tự khoe mình là quân tử nhưng đều thua trong tay một kẻ gian hùng như ta. Nếu cái giá của việc làm quân tử là bị lăng nhục, bị giẫm đạp, bị tiêu diệt, thậm chí là bị giết thì ta làm một kẻ gian hùng có thể thực hiện được hoài bão của mình. Từ trước tới nay, gian xảo như trung hiền, trá ngụy tựa chân thật, trung nghĩa và gian ác đều không thể nhìn thấy được dựa trên biểu hiện bên ngoài. Có thể trước nay các ngươi đã nhìn nhầm Tào Tháo ta, bây giờ lại nhìn nhầm nhưng ta vẫn là ta. Trước giờ ta vốn không sợ người khác nhìn lầm ta”.
Nguồn ảnh: Internet