“Lạt mềm buộc chặt” là gì, có ý nghĩa gì trong tình yêu?

VOH - “Lạt mềm buộc chặt” là gì mà được người xưa coi là tuyệt chiêu giữ chồng, giữ cho gia đình ấm êm, hạnh phúc?

Lời khuyên “Lạt mềm buộc chặt” trong tình yêu và cuộc sống có ý nghĩa như thế nào? Từ kinh nghiệm lao động thực tiễn, người xưa đã đúc kết ra những bài học triết lý sâu sắc, hữu ích.

Song muốn áp dụng, trước hết bạn hãy cùng VOH Sống đẹp giải thích nghĩa đen, nghĩa bóng của câu tục ngữ này.

Giải thích “Lạt mềm buộc chặt” là gì?

“Lạt mềm buộc chặt” là câu tục ngữ truyền đạt kinh nghiệm, khuyên con người có thái độ, cách cư xử mềm mỏng, dịu dàng thì sẽ dễ nhận được kết quả tốt, dễ thành công.

lat-mem-buoc-chat-la-gi-voh
Lạt là dây buộc được làm từ tre, nứa, mây… chẻ mỏng, dẻo và là vật dụng mà không người Việt nào không biết tới - Ảnh: ITN

Ý nghĩa trên được đúc kết từ quá trình lao động của người xưa. Ấy là khi dùng lạt buộc rổ rá, buộc giàn giáo dựng nhà cửa (thời xưa)… phải chẻ lạt mỏng, ngâm nước cho mềm rồi mới sử dụng. Mục đích là để mối buộc được chặt và chắc.

Kinh nghiệm sống này đã được ông cha khái quát và đúc kết thành câu tục ngữ “Lạt mềm buộc chặt” hay “Dây dùn khó đứt, lạt mềm buộc chặt” (dùn nghĩa là chùng, không căng).

Trong đời thường, “Lạt mềm buộc chặt” thường được sử dụng cùng câu nói “Già néo đứt dây” (làm căng, găng quá dễ hỏng việc). Ngoài ra, thành ngữ Trung Quốc  欲擒故纵 (yù qín gù zòng) cũng có ý nghĩa tương tự như câu tục ngữ của ta.

Ngày nay, “Lạt mềm buộc chặt” thường được nhắc đến cùng các câu chuyện về tình yêu, hôn nhân gia đình. Trong đó, người phụ nữ là đối tượng được đề cập đến nhiều hơn cả.

Vậy với chủ đề này, ý nghĩa của câu “Lạt mềm buộc chặt” sẽ được giải thích như thế nào?

BOTTOM-BANNER-DOISONG

“Lạt mềm buộc chặt” trong tình yêu là gì?

Người xưa vẫn thường khuyên con gái sắp lấy chồng hoặc người phụ nữ đã có gia đình rằng muốn trong ấm ngoài êm thì phải “Lạt mềm buộc chặt”. Cho đến nay, chúng ta vẫn bàn luận rất nhiều về câu nói này.

“Lạt mềm buộc chặt” trong tình yêu, hôn nhân chỉ sự nhẹ nhàng, mềm mỏng, khéo léo, tinh tế của người phụ nữ trong mối quan hệ với người yêu, bạn đời. Nó có thể được biểu hiện ở nhiều phương diện như cách ăn nói, cư xử, cách xử lý các tình huống, giải quyết các vấn đề…

lat-mem-buoc-chat-hon-nhan-voh
Sự dịu dàng, mềm mỏng của người phụ nữ được người xưa cho là sẽ quyết định một phần đến hạnh phúc gia đình - Ảnh: Internet

Người xưa tin rằng, muốn giữ cho gia đình êm ấm, hạnh phúc thì người phụ nữ phải khéo léo, dịu dàng, mềm dẻo. Cho nên câu tục ngữ trên được nhiều người coi là lời khuyên hữu ích, là bí quyết để giữ gìn hạnh phúc gia đình.

Thành ngữ, tục ngữ Việt Nam cũng có những câu nói nhắc đến vấn đề trên. Ví như, “Cơm sôi bớt lửa, chồng giận bớt lời”, “Chồng tới vợ lui, chồng hòa vợ thuận”.

Thực tế đã chứng minh, quan điểm “Lạt mềm buộc chặt” của ông cha ta vẫn đúng và có giá trị. Tuy nhiên, theo sự phát triển của thời đại, cách áp dụng của chúng ta phải linh hoạt và phù hợp với từng đối tượng, tình huống.

lat-mem-buoc-chat-tinh-yeu-voh
Trong tình yêu hay hôn nhân, người phụ nữ nên học cách dịu dàng và cương quyết đúng lúc, đúng chỗ - Ảnh: Istockphoto

Phụ nữ có thể cư xử mềm mỏng, uyển chuyển, khi cần thì nhún nhường, nói đúng chỗ, im lặng đúng lúc… nhưng không nên nhẫn nhịn, chiều chuộng đối phương thái quá. Điều đó có nghĩa phải xác định được giới hạn “mềm” và cương - nhu đúng chỗ, đúng lúc.

Phụ nữ không nên dành sự dịu dàng, khéo léo cho người đàn ông bạo lực. Sự mềm mỏng với đối tượng này đa phần đều không có tác dụng “buộc chặt” mà còn khiến họ gặp phải bi kịch.

Phương pháp nào cũng có ưu điểm, nhược điểm riêng và cần được áp dụng với đối tượng, tình huống phù hợp mới cho kết quả tốt. “Lạt mềm buộc chặt” trong hôn nhân hay tình yêu cũng vậy, khi lắng nghe lời dạy của người xưa, chúng ta cần đúc kết được tinh túy và áp dụng một cách uyển chuyển.

Ý nghĩa của “Lạt mềm buộc chặt” trong cuộc sống

Thái độ, cách cư xử, giải quyết vấn đề… mềm mỏng, dịu dàng không chỉ có tác dụng nhất định với tình yêu, hôn nhân mà còn là bài học sống hữu ích.

Người ta thường nói cái gì quá cũng không tốt. “Cứng quá dễ gãy”, “mềm” quá thì dễ gục.

Sự cân bằng, vừa đủ, dễ uốn mềm nhưng không dễ gãy của tính từ “dẻo” hay cụ thể là việc biết tiến biết lùi; có mềm mỏng, có cương quyết chính là bí quyết mà mỗi người cần nắm bắt.

Với câu tục ngữ “Lạt mềm buộc chặt”, chúng ta có thể nhận ra những bài học hữu ích cho công việc, cuộc sống như của mình như:

  • Linh hoạt, tinh tế, cương nhu đúng lúc: Sự mềm mỏng, khéo léo trong cách cư xử, tiếp nhận và giải quyết vấn đề… thường có lợi, đem lại hiệu quả tốt hơn so với sự cứng nhắc, thô bạo. Ngoài ra, đây cũng cách giúp chúng ta thể hiện sự tôn trọng, lịch sự, duy trì mối quan hệ với mọi người.
  • Khả năng thích nghi: Không chỉ là sự mềm mỏng, câu tục ngữ còn là lời nhắc nhở về khả năng thích nghi với từng tình huống, thay đổi thái độ, phương pháp, để vượt qua khó khăn, thử thách.
  • Sự kiên nhẫn: Đôi khi, muốn “buộc chặt” chúng ta phải tốn nhiều thời gian và công sức. Cho nên hãy nhẫn nại, đừng vội nản lòng, bỏ cuộc.
lat-mem-buoc-chat-cuoc-song-voh
Cách cư xử nhẹ nhàng, khéo léo, tinh tế cũng giúp ích rất nhiều cho công việc và cuộc sống của mỗi người - Ảnh: thomasgriffin

Tục ngữ, thành ngữ đồng nghĩa, trái nghĩa “Lạt mềm buộc chặt”

Tục ngữ, thành ngữ Việt Nam vô cùng phong phú và đề cập đến nhiều vấn đề có mối liên hệ khăng khít với nhau. Khi giải thích và tìm hiểu “Lạt mềm buộc chặt” là gì, chúng ta cũng bắt gặp những câu nói đồng nghĩa, trái nghĩa khá hay.

  • Lưỡi mềm thì còn, răng cứng thì gẫy: khuyên con người xử sự mềm mỏng vì có lợi và giúp tránh tai họa; không nên quá cứng nhắc, háo thắng vì khó giữ an toàn cho bản thân.
  • Bó mạ lạt cứng, bó dứng (cót vách bằng tre nứa) lạt mềm: Bó mạ to, thân mạ mềm cần dùng lạt cứng (lạt dày nhưng dẻo), với dứng vách đã cứng thẳng, cần dùng lạt mềm thì buộc mới dễ.
  • Răng rắn lưỡi mềm: nên mềm mỏng, không nên cứng nhắc.
  • Mất mặn mất nhạt: chỉ cách ăn nói, cư xử thiếu mềm mỏng, bốp chát, không biết kiêng nể làm người khác mất lòng, phật ý.

“Lạt mềm buộc chặt” vừa cung cấp cho ta kinh nghiệm lao động vừa truyền đạt cho ta kinh nghiệm về thái độ, cách cư xử, tiếp nhận, giải quyết vấn đề…. Mong rằng, phần giải thích và phân tích của VOH đã giúp bạn hiểu quan điểm của người xưa cũng như rút ra cho bản thân bài học hữu ích.

Đừng quên theo dõi VOH Thường thức để cập nhập thêm nhiều kiến thức bổ ích, xu hướng thú vị!

Bình luận