Vì sao “Môn đăng hộ đối” quan trọng nhưng không phải là tất cả?

VOH - Bàn đến chuyện tình yêu, hôn nhân, người xưa có câu thành ngữ “Môn đăng hộ đối”. Vậy “Môn đăng hộ đối” là gì mà được coi trọng đến thế?

Từ xưa đến nay, “Môn đăng hộ đối” vẫn luôn là chủ đề gây tranh cãi. Muốn đưa ra ý kiến, đánh giá về vấn đề này thì trước hết bạn hãy cùng VOH giải thích “Môn đăng hộ đối” là gì và đóng vai trò như thế nào trong tình yêu, hôn nhân.

Giải thích “Môn đăng hộ đối” là gì?

Hôn nhân là chuyện trọng đại của đời người nên từ xưa đến nay ông cha ta luôn quan niệm phải chú ý và cân nhắc thật kỹ càng. Đặc biệt, chuyện “Môn đăng hộ đối” cũng được quan tâm, nhắc đến rất nhiều.

“Môn đang hộ đối” hay “Môn đương hộ đối” (门当户对: /Méndānghùduì/) ngày nay thường được đọc thành “Môn đăng hộ đối” là câu cổ ngữ nói đến quan niệm hôn nhân thời phong kiến. Giải thích ý nghĩa của từng từ, ta có “môn” là cửa, “đăng” là đèn, “hộ” là nhà, “đối” là sự tương xứng, đối xứng, tương đương.

Như vậy, nói một cách nôm na “Môn đăng hộ đối” chỉ việc từ ngoài cửa cho đến trong nhà đều tương xứng. Xét đến nghĩa sâu xa hơn, chúng ta có thể thấy, “Môn đăng hộ đối” đề cập đến chuyện tương xứng về mặt địa vị xã hội và tài sản giữa nhà trai - nhà gái trong chuyện hôn nhân.

Vì sao “Môn đăng hộ đối” quan trọng nhưng không phải là tất cả? 1
“Môn đăng hộ đối” là câu thành ngữ chỉ chuyện tương xứng giữa về địa vị và kinh tế giữa nhà trai với nhà gái - Ảnh: Getty Images/iStockPhoto

Khi kiểu hôn nhân sắp đặt “Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” còn thịnh, câu thành ngữ trên được xem như một tiêu chí, một cách để chọn thông gia. Bởi người xưa cho rằng, nam nữ đến với nhau, điều kiện kinh tế và địa vị xã hội có tương đồng thì mới hòa hợp, hạnh phúc

Mặt khác, người xưa cũng có câu thành ngữ “Giá thú bất luận tài”, tức hôn nhân không kể tới gia tài, của cải. Câu thành ngữ này đề cao tình yêu lứa đôi lứa và cho rằng sự chênh lệch về tiền bạc… không quan trọng. Đây được xem là quan niệm trái ngược với “Môn đăng hộ đối”.

Xem thêm:
Vạn sự tùy duyên là gì? Vì sao chúng ta phải học cách buông bỏ?
Kết tóc xe duyên là gì? Vì sao nói "nghĩa vợ chồng là kết tóc xe tơ"?
Kết hôn vội vàng vì đến tuổi, bạn có biết cả một đời là quá dài!

Tư tưởng “Môn đăng hộ đối” trong xã hội hiện đại

Khi hôn nhân sắp đặt dần bị thay thế bởi hôn nhân tự nguyện, quan niệm “Môn đăng hộ đối” cũng dần thay đổi. Song ta có thể thấy rằng, ngay cả trong xã hội xưa, tư tưởng này cũng không được người dân ủng hộ hoàn toàn. Minh chứng là trong truyện cổ, người ta vẫn có thể bắt gặp những cuộc hôn nhân không “Môn đăng hộ đối”, ví như Chử Đồng Tử và Tiên Dung.

Ngày nay, nói đến “Môn đăng hộ đối” người ta không chỉ nghĩ đến địa vị xã hội và điều kiện kinh tế mà còn có học thức, nhân sinh quan, nhận thức về tình yêu, bình đẳng giới, lối sống... Những tiêu chí được xem là cơ sở, nền tảng để tạo nên một cuộc hôn nhân hòa thuận, hạnh phúc không còn bị bó buộc mà đã được mở rộng, cập nhật cho phù hợp với thời đại. Chúng ta có thể thấy, yếu tố kinh tế, địa vị không còn là “nhất” nhưng vẫn giữ vai trò quan trọng.

Vì sao “Môn đăng hộ đối” quan trọng nhưng không phải là tất cả? 2
Ngày nay, khi tìm hiểu đối phương các bạn trẻ cũng quan tâm đến các yếu tố như sở thích, thói quen, lối sống - Ảnh: Pinterest

Khi cân nhắc chuyện hôn nhân, người trẻ hiện nay thường quan tâm đến sự thấu hiểu, tôn trọng, tương đồng về nhận thức, nhân sinh quan… hơn là gia cảnh, kinh tế. Bởi suy cho cùng, bối cảnh xã hội, điều kiện cuộc sống, tính cách, khả năng, nhu cầu… của thế hệ này không còn giống với thế hệ trước. Đôi khi, “Môn đăng hộ đối” còn được xem là “chướng ngại” cần vượt qua để chứng minh tình yêu và sự lựa chọn.

Vì sao “Môn đăng hộ đối” được quan tâm?

Vì sao đề cập đến “Môn đăng hộ đối” người ta thường nói về hôn nhân chứ không nói về tình yêu? Đa phần các ý kiến đều cho rằng tình yêu và hôn nhân khác nhau. Yêu có thể là chuyện của hai người nhưng hôn nhân cần nhiều hơn thế. Cuộc sống vợ chồng hạnh phúc hay không không chỉ phụ thuộc vào tình yêu mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác.

Trong tư tưởng “Môn đăng hộ đối” hiện đại, ngoài kinh tế, trình độ văn hóa và hoàn cảnh sống của nhà trai và nhà gái thường được nhắc đến khá nhiều. Phân tích một chút ta có thể thấy con người sống trong những hoàn cảnh khác nhau thường có nhân sinh quan khác nhau. Trình độ khác nhau thì sở thích, quan điểm cá nhân… cũng có sự khác biệt.

Khi khoảng cách của những yếu tố này quá lớn, hai người sẽ khó tìm được điểm chung, dễ bất đồng, xung đột. Với các yếu tố như địa vị, tiền bạc, khoảng cách và sự khác biệt có lẽ còn thể hiện rõ ràng, ảnh hưởng sâu sắc hơn đến hôn nhân. 

Vì sao “Môn đăng hộ đối” quan trọng nhưng không phải là tất cả? 3
Hai người có khoảng cách về kinh tế, có quan điểm, tính cách quá khác biệt dễ nảy sinh mẫu thuẫn - Ảnh: Cerita Tentang Senja

Kết hôn và chung sống với một người nào đó là chuyện cả đời, muốn đi đường dài chúng ta không thể chỉ dựa vào tình yêu. Cuộc sống vốn không bằng phẳng, cuộc sống vợ chồng cũng không hề đơn giản cho nên kinh tế, tri thức, tình yêu, nhân sinh quan… tương đồng ắt hẳn sẽ có lợi thế riêng. 

Chính vì vậy, xét trên một khía cạnh nào đó, tư tưởng “Môn đăng hộ đối” vẫn có thể đồng hành với cuộc sống hiện đại. Bản thân sự tồn tại của quan niệm này cũng cho chúng ta thấy vai trò của sự cân bằng, tương xứng trong hôn nhân.

Song như đã nói, cuộc sống hạnh phúc được tạo nên từ nhiều yếu tố. Nếu bạn chỉ tập trung vào câu chuyện “Môn đăng hộ đối” thì cũng khó có thể đảm bảo cho cuộc hôn nhân của mình.

Xem thêm:
True love là gì? Làm sao biết được ai là true love của đời mình?
Điều cần biết để quyết định có nên kết hôn hay không
"Sống thử" và những quan điểm trái chiều về việc nên hay không nên

“Môn đăng hộ đối” không phải là “tấm vé” đảm bảo hạnh phúc

Trong xã hội xưa, khi hôn nhân chủ yếu là sắp đặt và không có tình yêu, sự tự nguyện, “Môn đăng hộ đối” trở thành tiêu chí tối ưu nhất để lựa chọn thông gia. Thế nhưng, việc kết hôn không có nền tảng là tình yêu cũng chính là lý do khiến cho tư tưởng này không nhận được sự đồng tình.

Một cuộc hôn nhân không có tình yêu thì các yếu tố khác dù phù hợp, tương xứng đến đâu cũng không thể lấp đầy khoảng trống, không thể đem đến hạnh phúc thực sự. Ngược lại, chúng ta hoàn toàn có thể nỗ lực để có được tiền bạc, địa vị, ra sức nâng cao trình độ, cải thiện khuyết điểm của bản thân, học cách cân bằng, hòa hợp với đối phương… Có tình cảm và sự vun vén của cả hai, những khoảng trống này có thể dần được lấp đầy.

Vì sao “Môn đăng hộ đối” quan trọng nhưng không phải là tất cả? 4
Tình yêu là nền tảng của hôn nhân - Ảnh: arut.snap

Lại nói nếu khởi đầu là “Môn đăng hộ đối” nhưng trong quá trình xây dựng gia đình, chỉ có một bên cố gắng thì sẽ ra sao? Khoảng cách và sự khác biệt giữa vợ chồng sẽ ngày càng bộc lộ rõ. Kết quả là tình huống giữa hai bên trở thành không cân bằng, không tương xứng.

Cho nên, “Môn đăng hộ đối” không thể trở thành tấm vé đảm bảo cho hạnh phúc của cuộc sống vợ chồng. Nó có thể giúp hôn nhân của bạn thuận lợi, ít gặp phải hoặc dễ dàng hóa giải những khó khăn nhưng phải dựa trên nền tảng tình yêu. Không có tình yêu, sự tự nguyện, thấu hiểu, cảm thông, cùng cố gắng vun đắp, nỗ lực hòa hợp… của cả hai người thì “Môn đăng hộ đối” đến đâu cũng khó đi đến cuối con đường.

Xem thêm:
Gặp đúng người là như thế nào? Nếu gặp một người thế này, đừng bỏ lỡ!
Cách tạo cảm giác an toàn trong tình yêu cho người ấy
Tình chiếm hữu trong tình yêu là gì? Những hệ luỵ tồi tệ khi yêu bằng cách chiếm hữu

Thành ngữ, tục ngữ, ca dao “Môn đăng hộ đối”

Bàn về câu chuyện “Môn đăng hộ đối”, người xưa đã đúc kết ra nhiều bài học ý nghĩa. Những bài học này được gửi gắm qua các câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ quen thuộc với người Việt.

  1. Nồi nào vung ấy
  2. Nồi đồng lại úp vung đồng
  3. Nồi tròn úp vung tròn, nồi méo úp vung méo
  4. Rượu chua bán cho người nhỡ
  5. Bát ngọc đũa ngà
  6. Đông liễu tây đào
  7. Bậu chê qua ở biển ăn còng,
    Bậu về ở chợ ăn ròng mắm nêm.
  8. Đôi ta trót đã nặng tình
    Lấy nhau e ngại gia đình thấp cao.
  9. Con công ăn lẫn với gà
    Rồng kia rắn nọ, xem đà sao nên.

Xem thêm:
250 câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ nói về tình cảm gia đình hạnh phúc
75 câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ về tình nghĩa vợ chồng sâu sắc, ẩn chứa nhiều giá trị
130 Câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ về tình yêu đôi lứa thêu dệt những chuyện tình bình dị

Vì sao “Môn đăng hộ đối” quan trọng nhưng không phải là tất cả? 5
Ảnh: Pinterest

Những câu thành ngữ, tục ngữ về hôn nhân

“Dựng vợ gả chồng” được xem là một trong những việc quan trọng nhất của đời người. Đây là những câu thành ngữ, tục ngữ, ca dao thể hiện quan điểm, thái độ cũng như kinh nghiệm của ông cha ta về hôn nhân, về việc chọn dâu, chọn rể… cực kỳ ý nghĩa.

  1. Kết tóc xe tơ
  2. Tin ong sứ điệp
  3. Ông Tơ bà Nguyệt
  4. Giá thú bất luận tài
  5. Gieo mạ cần phải kén giống
  6. Gái hơn hai, trai hơn một
  7. Gả con đâu phải bán trâu
  8. Ép dầu ép mỡ, ai nỡ ép duyên
  9. Trai con một thì lấy, gái con một thì đừng
  10. Được cả đôi, thiên lôi đánh một
  11. Lắm mối tối nằm không
  12. Đốn cây phải rìu búa, lấy vợ phải mối mai
  13. Lấy kẻ chê chồng, chớ lấy kẻ chồng 
  14. Vợ chồng cùng một tuổi, ngồi duỗi ra mà ăn
  15. Liệu cơm gắp mắm, liệu con gả chồng
  16. Lấy vợ xem tông, lấy chồng xem giống
  17. Lấy vợ xem tuổi đàn bà
    Làm nhà xem tuổi đàn ông.
  18. Một cành tre, năm bảy cành tre
    Lấy ai thì lấy chớ nghe họ hàng.
  19. Phải duyên thì bám như keo,
    Trái duyên chổng chểnh như kèo đục vênh.
  20. Gái có chồng như gông đeo cổ,
    Gái không chồng như phản gỗ long đanh.
  21. Lấy chồng làm lẽ khỏi lo,
    Cơm nguội đầy rá, cá kho đầy nồi.
  22. Đừng ham nón tốt dột mưa,
    Đừng ham người đẹp mà thưa việc làm.
  23. Lấy chồng cho đáng tấm chồng,
    Bõ công trang điểm má hồng răng đen.
  24. Hỏi vợ thì cưới liền tay,
    Chớ để lâu ngày lắm kẻ gièm pha.
  25. Làm trai lấy được vợ hiền,
    Như cầm đồng tiền mua được miếng ngon.

Cho đến nay, vẫn có rất nhiều tranh cãi xoay quanh tư tưởng “Môn đăng hộ đối”. Dù quan điểm của bạn là gì thì cũng nên xem xét vấn đề trên nhiều phương diện và tiếp thu một cách có chọn lọc. 

Đặt trong bối cảnh xã hội hiện đại có nhiều thay đổi, lời khuyên của ông cha ta có thể không còn hoàn toàn phù hợp. Nhưng chắc chắn không phải ngẫu nhiên mà chúng có thể tồn tại cho đến tận ngày nay. Vì vậy, nhiệm vụ của thế hệ kế tiếp là chắt lọc những tinh hoa, những kinh nghiệm sống hữu ích, vận dụng một cách phù hợp đồng thời lưu giữ những giá những giá trị tốt đẹp.

Đừng quên theo dõi chuyên mục VOH - Sống đẹp để cập nhật thêm nhiều kiến thức hay, nhiều bài viết thú vị về các lĩnh vực của cuộc sống!