"Sống thử" và những quan điểm trái chiều về việc nên hay không nên

VOH - Khi yêu ai cũng muốn bên cạnh người yêu 24/7 và để thỏa mãn điều này các cặp đôi thường có xu hướng “sống thử”. Vậy sống thử là gì và vì sao nó lại trở thành đề tài tạo sự tranh luận gay gắt?

“Sống thử” là một chủ đề không mới trong cuộc sống hiện đại ngày nay, nhưng vẫn có sức “nóng” nhất định bởi những quan điểm nên hay không nên.

Rõ ràng, cùng với sự phát triển của xã hội, tư tưởng của nhiều bạn trẻ cũng “thoáng” và cởi mở hơn khi đề cập đến vấn đề sống thử. Thế nhưng, xét theo truyền thống đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam, sống thử là một lối sống không phù hợp và cần phải được ngăn chặn. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu sống thử là gì và những mặt lợi - hại của việc “góp gạo thổi cơm chung” trước hôn nhân.

Sống thử là gì?

“Sống thử” tiếng Anh là Cohabitation, ngoài ra còn được gọi là sống thử trước hôn nhân, chung sống như vợ chồng phi hôn nhân. Đây là một cụm từ dùng để chỉ những cặp đôi có quan hệ tình cảm, về chung sống một nhà như vợ chồng nhưng chưa đăng ký kết hôn hay tổ chức đám cưới và không được luật pháp công nhận cũng như bảo vệ.

Về góc độ pháp luật, theo Luật Hôn nhân và gia đình 2014, “chung sống như vợ chồng” thể hiện việc nam, nữ tổ chức cuộc sống chung và coi nhau như vợ chồng.

Sống thử 1
Sống thử là việc sống cùng nhau như vợ chồng nhưng chưa được pháp luật công nhận - Ảnh minh họa: Internet

Tình trạng sống thử trước hôn nhân và những quan điểm trái chiều

“Sống thử” có lẽ cụm từ không còn xa lạ với giới trẻ, đặc biệt là các bạn sinh viên, công nhân và những người phải sống xa nhà, xa gia đình, bị thiếu thốn vật chất và tình cảm.

Không khó để bắt gặp những đôi nam nữ sống chung như vợ chồng không có đăng ký kết hôn. Họ yêu nhau và đến với nhau trong sự tự nguyện, sau một thời gian nếu thấy phù hợp họ tiến tới hôn nhân chính thức, đăng ký kết hôn theo pháp luật. Còn nếu không phù hợp, họ sẽ chia tay mà không cần đến sự can thiệp của pháp luật.

“Góp gạo thổi cơm chung” đã và đang trở thành thứ “mốt” trong lối sống của những người trẻ. Bạn Đ.T.L. (sinh viên trường Đại học RMIT) chia sẻ, các bạn sinh viên thời nay rất năng động, có khả năng tìm kiếm việc làm, tự chủ về kinh tế và quyết đoán trong việc xây dựng tương lai. Nếu họ yêu nhau thật lòng, có chung ước mơ được song hành cùng nhau, vì sao lại không thể sống chung một nhà để san sẻ buồn vui trong cuộc sống?.

Với cái nhìn cởi mở, một sinh viên khác cho rằng, sống thử là quyền cá nhân mỗi người, xã hội cần tôn trọng. Các bạn sinh viên đã ở độ tuổi trưởng thành và có quyền làm những gì bản thân không thấy sai và không vi phạm pháp luật.

Phần lớn các bạn trẻ đều có chung suy nghĩ, việc chọn sống thử trước hôn nhân không chỉ giúp giảm bớt áp lực về tài chính mà các cặp đôi còn thỏa mãn được các nhu cầu tình cảm, tình dục, trong khi không bị ràng buộc về pháp lý, không nặng nề về lương tâm và nghĩa vụ như khi đã kết hôn.

Tuy nhiên, một bộ phận khác cho rằng, sống thử là một lối sống không phù hợp, không nên khuyến khích bởi nó tác động xấu đến đời sống, mang lại nhiều hậu quả đáng tiếc cho bản thân và xã hội.

Bạn Q.A. chia sẻ, khi vừa vào đại học, A. gặp người yêu (nay là người yêu cũ). Sau đó, cả hai dọn về sống chung như vợ chồng. Thời gian đầu “lửa yêu” vẫn còn, những tật xấu của cả hai đều dễ dàng được bỏ qua. Thế nhưng, càng về sau những mâu thuẫn hình thành, từ chuyện nhỏ nhặt nhất... Khi mâu thuẫn đến đỉnh điểm, cả hai chọn cách chia tay. Theo A., sống thử như cây đinh đóng vào tấm ván, khi dứt ra cả hai đều hỏng.

Nói về sống thử, Đ.V.H. (sinh viên trường Đại học Hàng Hải), bày tỏ “Việc các cặp đôi lao vào sống chung mà không trang bị đủ hành trang, kiến thức để bảo vệ mình, gây ra những hậu quả đáng tiếc như: cãi vã, đánh nhau, mang thai, nạo phá thai… gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và học tập”, theo báo Dân Trí.

Xem thêm:
Tình chiếm hữu trong tình yêu là gì? Những hệ luỵ tồi tệ khi yêu bằng cách chiếm hữu
Si tình là gì? 5 biểu hiện cho thấy bạn đang là một ‘kẻ si tình’
Lụy tình là gì? Những biểu hiện của một người lụy tình là như thế nào?

Tại sao nhiều người chọn sống thử trước khi kết hôn?

Nhiều bạn trẻ ngày nay coi việc sống thử là một hành động rất bình thường khi yêu.  Nó không chỉ xuất hiện trong cộng đồng những người sống xa nhà mà còn có cả những sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường. Vậy nguyên nhân nào khiến giới trẻ lựa chọn lối sống thử trước hôn nhân?

Sống thử 2
Có rất nhiều lý do để nhiều người trẻ hiện nay chọn cách "góp gạo thổi cơm chung" - Ảnh minh họa: Internet

Nguyên nhân từ bản thân

Theo GS - TS Huỳnh Văn Sơn (Hiệu trưởng trường Đại học sư phạm TPHCM), một trong những nguyên nhân dẫn đến giới trẻ sống thử trước hôn nhân là các bạn sống quá tự do, sống xa nhà, thiếu thốn tình cảm, sống buông thả.

Ngoài ra, nhiều người lựa chọn sống thử chỉ bởi vì sự tò mò và muốn trải nghiệm những điều mới mẻ giữa hai người. Đôi khi vì chạy theo trào lưu cho “bằng bạn bằng bè” một cách mù quáng.

Hơn hết, sống thử còn bởi do bản ngã của phần “con” trong người của chúng ta khi muốn thỏa mãn “chuyện ấy” nhưng không muốn bị ràng buộc, chịu trách nhiệm.

Nguyên nhân từ gia đình

Gia đình cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người chỉ thích sống thử. Cha mẹ sống không hạnh phúc, gia đình thường xuyên cãi vã, hay “ông ăn chả bà ăn nem” chính là yếu tố làm cho giới trẻ không còn niềm tin vào hôn nhân.

Đôi khi chính sự thờ ơ trong cách giáo dục của cha mẹ, ít quan quân tâm tới con cái nhất là lúc các bạn đang trong tuổi cặp kè, yêu đương cũng là tiền đề của việc con trẻ sống thử sau này. Sự thiếu hiểu biết khiến cho các bạn không đủ kiến thức cần thiết về giới tính, sức khỏe sinh sản cũng như cách hành xử để có thể tự chịu trách nhiệm nếu lỡ “gạo nấu thành cơm”.

Nguyên nhân từ xã hội

Ở phương Tây, sống thử trước khi kết hôn là một việc rất bình thường. Thế nhưng, Việt Nam là quốc gia mang nét văn hóa truyền thống phương Đông, việc sống chung khi chưa kết hôn vẫn chưa thực sự cởi mở.

Tuy cuộc “cách mạng tình dục” kết hợp với phong trào hippie đã góp phần giúp nhiều người có cái nhìn thoáng hơn về tình dục, thay đổi tư duy lỗi thời. Nhưng đồng thời nó cũng vô tình khiến cho một bộ phận giới trẻ cho rằng đây là xu hướng cách tân, hiện tại và đáng được học hỏi, nhân rộng.

“Góp gạo thổi cơm chung” nên hay không?

Dù trước đây hay hay giờ, nhắc đến hai từ “sống thử” luôn có 2 luồng ý kiến trái chiều, đó là có nên hay không nên. Nhiều người cho rằng việc sống thử sẽ giúp chúng ta hiểu rõ đối phương hơn trước khi đưa ra quyết định kết hôn, nếu rủi ro không hợp thì chia tay. Luồng ý kiến thứ hai cho rằng sống thử mang nhiều hệ lụy, đặc biệt người con gái sẽ chịu nhiều thiệt thòi cũng như định kiến xã hội.

Vậy sống thử có nên hay không?  Những thông tin dưới đây sẽ giúp bạn có được cái nhìn tổng quan về những cái được và cái mất của lối sống này nhé!

Những cái “được” khi sống thử

Thứ nhất: Tiết kiệm chi tiêu sinh hoạt

Vì ai cũng sống xa nhà nên chi phí nhà ở, tiền sinh hoạt là rất lớn, để tiết kiệm những cặp đôi thường chọn về chung một nhà “góp gạo thổi cơm chung”. Sống thử giúp cặp đôi tiết kiệm được nhiều chi phí, đặc biệt là chi phí cho những buổi hẹn hò.

Thứ hai: Hiểu rõ thói quen sinh hoạt của đối phương

Có những người khi ra đường thì bóng loáng, chỉn chu nhưng nơi ở lúc nào cũng bề bộn, còn có người chỉ nhìn thấy một miếng rác dưới chân cũng lấy làm khó chịu, phải dọn dẹp ngay. Có người lười nấu nướng, có người không thích mùi vị đồ ăn bên ngoài nên luôn tự nấu ăn. Thói quen sinh hoạt của một người không thể chỉ gặp là biết được mà phải trải qua khoảng thời gian dài ở chung một nhà mới có thể biết được.

Thứ ba: Hiểu rõ hơn về tính cách của đối phương

Những khi giận dỗi, phát sinh cãi vã là lúc con người dễ dàng bộc lộ tính xấu nhất, đặc biệt khi ở chung có nhiều chung đụng lại càng dễ dàng nhìn thấu điều đó hơn. Khi bạn đau ốm cách người đó chăm sóc như thế nào, quan tâm như thế nào, khi sống chung rồi mới rõ ràng. Như vậy, để biết mình có chịu được tính cách của một người hay không sống chung mới có câu trả lời chính xác nhất.

Sống thử 3
Sống thử trước hôn nhân giúp các bạn trẻ tiết có được nhiều lợi ích nhưng cũng không ít rủi ro - Ảnh minh họa: Internet

Những cái “mất” khi sống thử

Thứ nhất: Định kiến xã hội

Xã hội Việt Nam những năm gần đây đã không còn suy nghĩ áp đặt như ngày xưa nhưng đối với việc sống thử vẫn chưa được chấp nhận, đặc biệt định kiến đè nặng lên người con gái.

Điển hình là khi một bà mẹ chọn dâu nếu phát hiện cô gái đã từng có một thời gian sống thử trước hôn nhân chắc chắn sẽ phản đối, dù cho người sống thử với cô là con trai bà. Trong suy nghĩ của những bà mẹ, một cô gái sống thử là người phóng túng, hư hỏng, dù có kết hôn rồi thì khi gặp người đàn ông khác cũng khó mà giữ được mình.

Hoặc giả dụ sau khi sống thử hai người cảm thấy không thể đi đến hôn nhân và chọn chia tay, người đàn ông sau này của cô gái liệu có chấp nhận việc cưới một người đã từng chung sống như vợ chồng với người đàn ông khác, anh ta chắc chắn sẽ phân vân và đắn đo.

Thứ hai: Không có không gian riêng, nhanh chán

Sống thử đòi hỏi chúng ta phải chấp nhận dành toàn bộ thời gian của mình cho đối phương, nghĩ ngơi, ăn uống, xem phim… đều làm cùng nhau, bạn đi đâu, làm gì, gặp gỡ ai cũng khó mà không khai báo, cho nên việc có không gian riêng tư là không thể.

Đồng thời, tần suất gặp gỡ nhiều cũng dễ dàng khiến chúng ta quá hiểu nhau, chẳng có gì mới mẻ để tìm hiểu, để tò mò cho nên cũng mau chóng cảm thấy nhàm chán.

Thứ ba: Không biết đi về đâu khi xảy ra cãi vã, đổ vỡ

Vấn đề cãi vã khi sống chung chắc chắn sẽ xảy ra, khi đó chẳng ai muốn nhìn thấy đối phương và thường sẽ bỏ đi, nhưng biết đi về đâu. Mệt mỏi hơn là khi chia tay, món này tôi mua, món kia anh mua, món này chúng ta mua, biết chia như thế nào, rồi ai sẽ là người ở lại, ai là kẻ ra đi, tiền thuê nhà sau đó cũng sẽ trở thành gánh nặng.

Một số trường hợp vì vấn đề kinh tế mà khi chia tay cả hai vẫn chọn sống chung một nhà, thời gian sau một trong hai người có người mới, các mối quan hệ “dây mơ rễ má” càng trở nên phức tạp, nặng nề.

Thứ tư: Không có sự ràng buộc hay trách nhiệm rõ ràng

Sống thử là sự tự nguyện của cả hai mà không được pháp luật hay xã hội thừa nhận, chính vì vậy họ không chịu bất cứ sự ràng buộc hôn nhân hay nghĩa vụ gia đình nào theo quy định luật hôn nhân, điều này dẫn đến nhiều hệ lụy khi các cặp đôi xuất hiện bất đồng trong cuộc sống sinh hoạt.

Những rủi ro phải đối mặt khi “tiếng yêu” phai màu

Việc vội vàng “góp gạo thổi cơm chung” khi chưa có sự suy nghĩ thấu đáo, chín chắn rất dễ trở thành con dao hai cắt đôi mối quan hệ yêu đương của hai người. Hơn thế, việc sống cùng nhau mà không đăng ký kết hôn cũng có thể gây ra rất nhiều rủi ro tiềm ẩn.

Dễ bị tổn thương cảm xúc, tinh thần

Khi trong giai đoạn yêu thương nồng cháy, việc sống cùng nhau để được gần gũi, quan tâm, sẻ chia những buồn vui của cuộc đời có thể nói là nhu cầu của tất cả những người đang yêu.

Thế nhưng, một khi “con ong đã tỏ đường đi lối về” thì cảm xúc dễ bị phai nhạt, tình cảm cạn dần cũng là điều dễ hiểu. Lúc này, việc hợp thức hóa mối quan hệ rất khó xảy ra, bởi rõ ràng chỉ mới sống thử cùng nhau đã xuất hiện mâu thuẫn, xích mích thì chẳng ai dại dột tự “đeo gông” vào cổ mình.

Xem thêm:
Yêu vì những điều nhỏ nhặt nhất, hết yêu cũng vì những điều đó có phải không?
Đây là điều duy nhất phụ nữ không bao giờ làm để tránh bản thân bị tổn thương
45 stt buồn về vợ chồng, cap về tình cảm vợ chồng rạn nứt

Rủi ro về sức khỏe, thể xác

Sống thử 4
Mang thai ngoài ý muốn là một trong những hệ lụy thường thấy nhất khi sống thử - Ảnh minh họa: Internet

Một thực tế đáng báo động hiện nay, phần lớn những bạn trẻ thích sống thử là những người chưa có nhiều kinh nghiệm sống, chưa đủ khả năng tài chính để tiến đến hôn nhân và chăm lo gia đình sau này.

Ngoài ra, những trường hợp mang thai ngoài ý muốn khi sống thử cùng nhau cũng không hề ít. Thế nhưng, việc có con ở lứa tuổi còn trẻ, còn thích trải nghiệm, khám phá thế giới xung quanh thì không phải ai cũng chấp nhận. Và rồi, họ chọn cách phá thai, thậm chí sinh con ra rồi bỏ rơi chúng.

Bên cạnh đó, chung sống cùng nhau không hôn thú có nghĩa giữa hai người không hề có ràng buộc về pháp lý, về trách nhiệm của bản thân với mối quan hệ giữa hai bên. Do đó, rất dễ có sự xuất hiện của người thứ ba, hoặc nếu có bất đồng quan điểm cũng sẽ dễ dẫn tới bạo hành tinh thần, thể xác ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe bên còn lại.

Sống thử có phạm luật không?

Bên cạnh thắc mắc “có nên sống thử trước hôn nhân hay không?” thì nhiều người cũng đặt câu hỏi “sống thử có vi phạm pháp luật hay không?”. So với cặp vợ chồng thực thụ, sống thử hay chung sống phi hôn nhân sẽ không được pháp luật công nhận và bảo hộ, tức là họ sẽ không chịu bất kỳ sự ràng buộc nào với nhau về nghĩa vụ gia đình cũng như trách nhiệm trước các quy định của luật Hôn nhân.

Tuy nhiên, sống thử dưới góc nhìn pháp luật cũng có những điều luật dùng để điều chỉnh quan hệ này. Cụ thể, tại Điều 14 Luật Hôn nhân gia đình đã có quy định rõ về việc giải quyết hậu quả của việc nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn.

Theo đó, “Nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân gia đình chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Quyền, nghĩa vụ đối với con, tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên được giải quyết theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Luật này”.

Như vậy, việc nam nữ còn độc thân sống chung với nhau sẽ không quy phạm pháp luật, cũng không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Tuy nhiên, vấn đề con cái hay tài sản sẽ được giải quyết theo quy định của pháp luật, nhằm đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ giữa các bên, đặc biệt là quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con.

Giải pháp cho việc sống thử trước hôn nhân

Sống thử dưới góc nhìn pháp luật là không bị vi phạm khi cả nam, nữ còn độc thân và tự nguyện sống chung với nhau. Tuy nhiên, các bạn trẻ cần hiểu rằng sống thử là chấp nhận chung sống với nhau như vợ chồng chưa được pháp luật công nhận.

Đối với các bạn trẻ, trước khi quyết định có nên sống thử hay không, hãy cân nhắc, suy nghĩ thấu đáo giữa những cái được và mất để có những quyết định đúng đắn nhất cho mình. Cố gắng học hỏi, trau dồi kiến thức về tình yêu, hôn nhân gia đình, để không phải nói hay chữ “giá như” ở tương lai.

Về phía gia đình, mỗi người cha người mẹ chính là những giáo dục đầu tiên của con cái. Bởi vì cha mẹ là người đã con cái sự sống nên cần phải có bổn phận chăm sóc, yêu thương, giáo dục con trẻ, giúp trẻ có được những kiến thức nền tảng, nhất là đối với vấn đề giáo dục giới tính.

Sống thử là một quyết định quan trọng, cho nên trước khi đưa ra lựa chọn bạn hãy suy nghĩ thật chín chắn rằng mình sẽ được gì và mất gì nếu “góp gạo thổi cơm chung” với một người. Đừng chạy theo trào lưu hay nghĩ đơn giản rằng “thử” thì sẽ không sao, bởi sống thử nhưng trách nhiệm là thật!