Hằng năm, vào ngày 15/8 âm lịch, người người, nhà nhà lại cùng nhau chuẩn bị mâm cỗ Trung thu để dâng lên đất trời, tổ tiên vừa bày tỏ lòng thành kính vừa thể hiện ước nguyện sung túc, ấm no và an lành. Ngoài ra, đây còn là phong tục, là nét đẹp trong văn hóa truyền thống của người Việt Nam ta.
1. Ý nghĩa của mâm cỗ Trung thu
Khác với mâm cỗ ngày Tết Nguyên đán, mâm cỗ rằm Trung thu không quá chú trọng các món mặn mà chủ yếu gồm các loại bánh trái cho trẻ con phá cỗ. Mặc dù, mỗi vùng miền, mỗi địa phương và mỗi gia đình sẽ có cách chuẩn bị mâm cỗ khác nhau, nhưng mục đích chung là bày tỏ lòng thành kính đến đất trời, thần linh và tổ tiên; đồng thời cầu mong cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống sung túc và công việc thành công.
Không những vậy, việc chuẩn bị mâm cỗ cúng rằm Trung thu còn thể hiện rõ truyền thống “uống nước nhớ nguồn” - “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Qua đó, giáo dục cho thế hệ trẻ biết giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
2. Mâm cỗ Trung thu đơn giản gồm những gì?
Mâm cỗ Trung thu đẹp phải đảm bảo sự hài hòa của Ngũ hành, tính âm dương và thẩm mỹ. Do đó, bạn cần phải chọn lựa kỹ các loại bánh, hoa quả để dâng lên đất trời, tổ tiên. Vậy mâm cỗ Trung thu có những gì?
- Thứ 1: Nhang, gạo, muối, đèn cầy, lư hương để thắp hương rằm tháng 8.
- Thứ 2: Mâm cúng món chay hoặc mặn tùy sở thích gia chủ, thường gồm các món gà luộc, cháo, xôi, chè…
- Thứ 3: Mâm bánh gồm bánh nướng và bánh dẻo. Trong đó, bánh nướng tượng trưng cho tình thân vượt qua mọi gian nan thử thách vẫn chở che, đùm bọc nhau; còn bánh dẻo trắng trong như vầng trăng ngà tròn vành vạnh mang đến ý nghĩa đoàn viên. Đây cũng là lời chúc cuộc sống viên mãn, hạnh phúc và thành công.
- Thứ 4: Mâm ngũ quả ngày Trung Thu cân bằng giữa quả xanh mang tính âm và quả chín mang tính dương. Thông thường, mâm ngũ quả sẽ gồm:
- 1 nải chuối vàng.
- 1 quả lựu tượng trưng cho sự may mắn.
- 1 quả mãng cầu tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở.
- 1 quả hồng tượng trưng cho hy vọng.
- 1 quả bưởi tượng trưng cho những điều tốt lành, vẹn toàn, đủ đầy.
Ngoài ra, bạn có thể bổ sung thêm các loại trái cây khác để tăng thêm phần ý nghĩa mâm cỗ Trung Thu. - Thứ 5: Hoa tươi để cắm trên bàn thờ như hoa cúc, hoa đồng tiền…
- Thứ 6: Các loại trà như trà lài, trà sen… thường được dùng kèm với bánh Trung Thu khi mọi người cùng nhau quây quần thưởng trăng.
- Thứ 7: Lồng đèn Trung Thu. Mỗi loại đèn Trung thu sẽ có những ý nghĩa riêng như sau:
- Đèn ông sao: có 5 cánh tượng trưng cho Ngũ hành, là nguồn gốc cân bằng, hòa hợp. Mặt khác, đèn còn tượng trưng cho Mặt Trăng ở giữa và các vì tinh tú vây quanh trong hội trăng rằm. Người xưa tin rằng, thắp đèn ông sao có thể xua đuổi ma quỷ, cầu mong may mắn, bình an.
- Đèn cá chép: thể hiện niềm hy vọng, cố gắng, kiên trì trước mọi khó khăn thử thách.
- Đèn kéo quân: thể hiện đạo làm người, giữ mình tĩnh lặng, sáng suốt giữa 6 cảm xúc bủa vây lấy con người: thương, giận, vui, ghét, buồn, hờn…
Xem thêm:
Tại sao múa lân Trung thu trở thành phong tục lâu đời của người Việt?
3. Gợi ý cách bày mâm cỗ Trung thu
Mỗi vùng miền sẽ có cách bày mâm cỗ Trung thu khác nhau. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về mâm cỗ truyền thống của 3 miền: Bắc - Trung - Nam ngay sau đây nhé!
3.1 Cách trang trí mâm cỗ Trung thu miền Bắc
Với miền Bắc, mâm ngũ quả Trung thu sẽ gắn liền với những loại trái cây như bưởi, cam, hồng, chuối, quất, lê,... thể hiện ước nguyện tốt lành, may mắn và sinh sôi. Bên cạnh đó, các loại bánh nướng, bánh dẻo có tạo hình vuông, tròn, cá chép,... được thưởng thức cùng trà ướp hương sen là không thể thiếu trong mâm cỗ Trung Thu miền Bắc. Đặc biệt, mâm cỗ có cách bày trí bắt mắt với những tạo hình ngộ nghĩnh như ông tiến sĩ giấy, chó bông kết bằng bưởi và các con vật được làm bằng hoa quả hoặc giấy màu.
3.2 Cách bày mâm cỗ Trung thu đẹp miền Trung
Mâm cỗ Trung Thu miền Trung cũng đầy đủ bánh nướng, đèn truyền thống, mâm ngũ quả để tỏ lòng thành kính với đất trời, tổ tiên. Bên cạnh đó, ngày hội trăng rằm ở miền Trung cũng có những hoạt động thú vị như thả hoa đăng, lễ hội đèn lòng… dành cho các em nhỏ.
3.3 Cách làm mâm cỗ Trung thu miền Nam
Ngoài bánh nướng, bánh dẻo, mâm ngũ quả Trung thu miền Nam sẽ có mãng cầu, dừa, đu đủ, sung, xoài với mong muốn “cầu sung vừa đủ xài”. Đặc biệt, người miền Nam còn sử dụng 3 quả dứa (quả thơm) để làm chân đế cho mâm ngũ quả ngụ ý cho sự vững vàng, mong gia đình đông con nhiều cháu.
Khi chuẩn bị mâm cỗ Trung thu miền Nam, bạn cần tránh những loại trái cây như lê (đồng âm với lê lết), chuối (chúi nhủi), cam (cam chịu), lựu (lựu đạn) và sầu riêng.
4. Hình ảnh mâm cỗ Trung thu độc đáo
Nếu bạn chưa biết cách bày biện mâm cỗ Trung thu truyền thống sao cho đẹp và ấn tượng, hãy tham khảo ngay các mẫu gợi ý sau do chúng tôi tổng hợp.
Xem thêm:
Hướng dẫn 15 cách làm đèn Trung thu handmade đẹp đơn giản ngay tại nhà
5. Mâm cỗ Trung thu cho học sinh đầy sáng tạo
Tết Trung thu là một trong những dịp lễ quan trọng đối với người Việt. Do đó, các trường học rất chú trọng đến các hoạt động vui hội trăng rằm để mang đến cho học sinh những giây phút thú vị, bổ ích. Sau đây, chúng tôi sẽ gợi ý cho bạn các mẫu trang trí mâm cỗ Trung thu đơn giản nhưng sáng tạo dành cho các em học sinh.
6. Hình ảnh mâm cỗ Trung thu bằng bánh kẹo cho bé
Mâm cỗ Trung thu cho bé không chỉ đẹp, bắt mắt mà còn phải ý nghĩa và có giá trị giáo dục sâu sắc. Dưới đây là một vài cách trang trí mâm cỗ Trung thu đẹp mắt cho trẻ em vui hội trăng rằm.
Tết Trung thu là ngày Tết Đoàn viên, là khoảng thời gian mọi thành viên trong gia đình quây quần bên mâm cơm, cùng nhau phá cỗ, rước đèn, thưởng trăng. Việc chuẩn bị mâm cúng Trung thu tươm tất không chỉ giúp gia chủ tỏ lòng thành kính với đất trời, gia tiên, mà còn giúp cho không khí ngày hội thêm náo nhiệt, tươi vui.
(Sưu tầm - Nguồn ảnh: Internet)