Tiêu điểm: Nhân Humanity

“Miếng ăn là miếng tồi tàn” có nghĩa là gì?

VOH - Dân gian có câu “miếng ăn là miếng tồi tàn” khi nói về cái đói và miếng ăn mà nhiều người chấp đánh rơi phẩm giá con người.

“Miếng ăn là miếng tồi tàn” được trích từ câu ca dao: Miếng ăn là miếng tồi tàn/Mất đi một miếng lộn gan lên đầu. Tuy nhiên, trong thành ngữ Việt Nam có câu “miếng ăn là miếng nhục” cũng mang ý nghĩa tương tự.

“Miếng ăn là miếng tồi tàn” nghĩa là gì?

Chuyện miếng ăn vốn là những chuyện đời thường, thậm chí là chuyện tầm thường, thế nhưng lâu lâu chúng ta lại nghe ai đó nói rằng: “miếng ăn là miếng tồi tàn” hay “miếng ăn là miếng nhục”.

Nghĩa đen của câu thành ngữ ý muốn nói đến một số trường hợp vì để có được một miếng ăn mà con người ta phải chấp nhận chịu nhục, đến mức thảm hại (tồi tàn). Còn về nghĩa bóng, câu thành ngữ mang ý nghĩa con người chấp nhận hy sinh phẩm giá, danh dự bản thân để được sinh tồn.

 Đôi khi, thành ngữ “miếng ăn là miếng tồi tàn” cũng được sử dụng với ý nghĩa đối lập, tức là không chấp nhận hy sinh phẩm giá để sinh tồn.

voh-mieng-an-la-mieng-toi-tan-1

Vì sao nói “Miếng ăn là miếng tồi tàn”?

Dân gian tồn tại câu nói “miếng ăn là miếng nhục” hay “miếng ăn là miếng tồi tàn” từ rất lâu. Và câu nói ấy không chỉ đơn giản nói về “miếng ăn” mà sâu xa hơn là đang muốn nói đến sự chết dần, chết mòn về nhân cách, phẩm giá của con người.

Ngày xưa: nỗi ám ảnh về cái đói và miếng ăn

Suốt bao thế kỷ qua, cái đói và miếng ăn vẫn luôn là nỗi ám ảnh đau đớn của người dân Việt Nam. Thiên tai bão lũ, giặc giã triền miên, chế độ phong kiến kéo dài, ách thực dân tàn bạo… khiến cho “cái đói” trở thành một tai họa tàn khốc.

Nếu ai đã từng đọc qua lịch sử nước nhà đều sẽ nhớ đến nạn đói năm Ất Dậu (1944 - 1945) đã cướp đi sinh mạng của khoảng 2 triệu đồng bào ta. Nói như thế để thấy rằng, cái đói và miếng ăn là một sự thật bi thảm và cũng không phải tự dưng dân gian lại có câu “miếng ăn là miếng tồi tàn”.

Rất nhiều tác phẩm văn học Việt Nam mà điển hình là của nhà văn Nam Cao và Nguyễn Tất Tố đã khắc họa rất rõ nét về sức tàn phá ghê gớm của cái đói và miếng ăn lên hành vi cũng như nhân cách con người.

Là một trong những nhà văn tiêu biểu cho xu hướng văn chương của người đói, hàng loạt các tác phẩm truyện ngắn, truyện dài, bài tiểu phẩm… của nhà văn Ngô Tất Tố dường như đều đề cập đến tình trạng đói khát của người nông dân, cùng với đó là những lời kêu cứu khẩn thiết, đầy đau đớn và phẫn nộ.

voh-mieng-an-la-mieng-toi-tan-2
Ảnh minh họa về nạn đói năm 1945 - Ảnh: Internet

Và nếu nhữ cái đói trong các tác phẩm của Ngô Tất Tố chỉ là cái đói hữu hình thì với Nam Cao, dường như ông đã phát hiện ra một số thay đổi tâm lý của con người khi bị cái đói giày vò.

Các tác phẩm của mình, Nam Cao đã đưa cái đói lên một tầm cao mới, cũng là kêu cứu nhưng lại là tiếng kêu cứu lấy nhân cách, nhân phẩm, nhân tính của con người đang bị cái đói và miếng ăn làm cho tiêu mòn, hủy diệt.

Trong tác phẩm Một bữa no, Nam Cao đã viết: “Chao ôi! Nếu người ta không phải ăn thì đời sẽ giản dị biết bao!” hay “Những lúc đói, trí người ta thật sáng suốt”. Nhưng chua chát thay, cái “sáng suốt” của nhân vật chính là ăn “một bữa no” để rồi bội thực mà chết.

Hay như truyện Trẻ con không được ăn thịt chó chẳng hạn. Dưới ngòi bút của mình, Nam Cao đã cho thấy tình yêu đôi lúc cũng bị đem ra thử thách một cách tàn nhẫn bằng miếng ăn. Phải chăng chính nhà văn cũng đã phát hiện ra “miếng ăn là miếng nhục” nên mới có những câu nói ví von: “Trời thì cay nghiệt như một bà già thiếu ăn ngay từ lúc còn thơ”. (Trẻ con không biết ăn thịt chó - Nam Cao)

Người ta nói, văn chương luôn bắt nguồn từ hiện thực cuộc sống và những tác phẩm trên là minh chứng cho một giai đoạn mà “miếng ăn là miếng tồi tàn”. Để có được miếng ăn con người ta phải chịu đựng biết bao nỗi tủi nhục, phải từ bỏ nhân phẩm, từ bỏ tính chất người của mình. Họ gầm ghè, tranh giành nhau chung quanh một bữa ăn để rồi sau đó lại cảm thấy nhục nhã, ê chề cho chính cái sự hèn mọn của mình.

Ngày nay: vì một chữ “ngon” đánh rơi lòng tự trọng

Ở thời xưa, câu nói “miếng ăn là miếng nhục” chứa đựng biết bao nỗi chua xót của những người cùng khổ, bởi họ phải chấp nhận tủi nhục chỉ vì để có được miếng cơm manh áo.

Còn ngày nay, khi nói “miếng ăn là miếng tồi tàn” người ta lại nghĩ ngay đến những câu chuyện mà chính người trong cuộc chấp nhận “hất lòng tự trọng xuống lòng đường” chỉ vì một chữ ngon.

Câu thành ngữ này trong thời hiện đại thường dùng để nói về hành vi ứng xử bún mắng, cháo chửi (một hành vi cư xử được xem là thiếu lịch sự trong kinh doanh buôn bán). Thế nhưng, điều đặc biệt là những người chấp nhận bị chửi vì họ cho rằng “miếng ăn là miếng nhục”, cố gắng nhẫn nhục để có được miếng ăn ngon.

Thậm chí, với họ chỉ những ai biết nhẫn nhục, biết quý cái tâm của người làm ra món ăn ngon mà bỏ qua thái độ của người bán mới được xem là người sành. Còn những ai cứ giữ quan điểm “khách hàng là Thượng Đế” thì chỉ là những kẻ trưởng giả học làm sang.

Có những người vì một chữ “ngon” mà chấp nhận làm ngơ trước những lời sai quấy, dẫu có bị mắng chửi cũng chỉ cười cợt cho qua, bởi cái sự mắng mỏ ấy chẳng đáng gì so việc được thưởng thức một món thơm ngon chuẩn vị.

voh-mieng-an-la-mieng-toi-tan-3
Hình ảnh dòng người xếp hàng chờ đợi để vào thưởng thức món ăn ngon - Ảnh: Internet

Còn với những người bán hàng lại "được một lấn mười", chửi được một lần lại có lần hai, lần ba… dần dà trở thành thói quen và rồi xem đó nhưng một đặc ân mình có. Ai chịu được thì đến, còn không chịu được thì thôi, bởi đồ ăn mình ngon, mình có quyền.

Không thể phủ nhận, bàn tay người làm nên món ăn ngon khiến thực khách phải xếp hàng chờ là bàn tay của người lao động chân chính. Nếu không có tài và có tâm, miếng ăn không thể thành được miếng ngon.

Tuy nhiên, bất kỳ người lao động nào cũng phải bắt đầu từ con số 0, từ ít thành nhiều, từ những ngày mong ngóng khách hàng cho đến ngày đầu tắt mặt tối làm việc. Vậy nên, nếu đã có cái tâm với món ăn thì cũng nên có cái tình với thực khách. Trên đời này, chẳng có ai là kẻ trên và cũng không ai là kẻ dưới để phải nín nhịn, nhúng nhường.

Dẫu biết rằng, chữ “ăn” đóng vai trò quan trọng trong văn hóa người Việt đã bao đời nay. Thế nhưng, dù miếng ăn có vô cùng quan trọng, nhưng đừng chỉ vì một miếng ăn ngon mà phải vứt cả lòng tự trọng xuống lòng đường.

Thành ngữ, tục ngữ mượn “chuyện ăn” để nói về đời sống, con người

Trong kho tàng ca dao tục ngữ Việt Nam có rất nhiều những câu nói về chuyện ăn, không chỉ có “miếng ăn là miếng tồi tàn” mà còn nhiều những câu nói mượn "chuyện ăn" để nói về nhiều khía cạnh cuộc sống như:

“Miếng ăn là miếng nhục” hay “miếng ăn là miếng tồi tàn” chính là một những nỗi đau đớn khôn nguôi của lớp người đi trước và cũng là một điều đáng buồn của những người trẻ hôm nay. Mong rằng với những thông tin được chia sẻ trên đây sẽ giúp bạn hiểu được ý nghĩa câu nói này!

Theo dõi VOH - Sống đẹp để biết đâu là những cổ mỹ từ hay làm lay động lòng người nhé!

Bình luận