Ca dao, tục ngữ là kho tàng tri thức, kinh nghiệm quý báu được ông cha ta đúc rút từ ngàn xưa. Trong vốn cổ ấy, vai trò của giáo dục, học tập từng được nhắc đến nhiều lần. Câu tục ngữ “Một kho vàng bằng một nang chữ” là một ví dụ điển hình.
“Một kho vàng không bằng một nang chữ” nghĩa là gì?
Mượn thủ pháp so sánh, câu tục ngữ “Một kho vàng không bằng một nang chữ” nhấn mạnh tầm quan trọng của tri thức (nang chữ) so với của cải vật chất (kho vàng).
Vàng là một trong những kim loại quý và đắt đỏ bậc nhất. Thế nhưng, dẫu quý giá đến đâu, chúng cũng được cho là không bằng “một nang chữ” (nang chữ là túi chữ).

Sở dĩ, ông cha ta có quan niệm vậy là bởi vàng có thể mất đi hoặc cạn kiệt. Còn kiến thức, tri thức là vô tận, giá trị bền vững theo thời gian và con người có thể tự bồi đắp.
Tóm lại, học vấn, tri thức quý giá hơn của cải vật chất chính là ý nghĩa được gửi gắm thông qua câu tục ngữ “Một kho vàng không bằng một nang chữ”. Đây cũng lời khẳng định cho vai trò việc học hành cũng như giáo dục của người xưa.
Vì sao “Một kho vàng không bằng một nang chữ”?
Việc học hành được ông cha ta coi trọng và tôn vinh từ bao đời nay. Điều này được thể hiện qua nhiều phương diện, bao gồm cả kho tàng ca dao, tục ngữ Việt Nam. Song, không phải ngẫu nhiên mà dân gian lại cho rằng “một nang chữ” quý hơn “một kho vàng”.
Của cải hữu hạn, tri thức vô tận
Tiền bạc, của cải, vật chất có thể hao hụt, cạn kiệt theo thời gian còn kho tri thức của nhân loại thì vô cùng rộng lớn. Tri thức có thể được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, được mỗi cá nhân tích lũy, trau dồi theo năm tháng, từ đó tạo ra của cải.
Cho nên khi nói “Một kho vàng không bằng một nang chữ”, người xưa hẳn là muốn đề cập đến ý nghĩa này.
Tri thức thúc đẩy sự phát triển và tiến bộ
Kinh tế cũng góp phần không nhỏ vào sự phát triển của xã hội. Song tri thức mới là nền tảng vững chắc cho sự phát triển của khoa học và công nghệ - yếu tố được xem là động lực chính thúc đẩy xã hội phát triển, cải thiện cuộc sống.
Với cá nhân, tri thức không chỉ giúp chúng ta hiểu thêm về thế giới xung quanh mà còn giúp khám phá, phát triển các kỹ năng. Và nhờ tri thức mà con người thêm tiến bộ, hoàn thiện đồng thời có khả năng tạo ra nhiều của cải, tài sản hơn.

Tri thức mang đến giá trị tinh thần
Bên cạnh những giá trị về vật chất, tri thức còn đem đến giá trị tinh thần, khiến cho cuộc sống của chúng ta thêm phần ý nghĩa và hạnh phúc. Điều quan trọng là các giá trị này bền vững trong khi giá trị tinh thần đổi từ vật chất thường chỉ có tính chất tạm thời.
Rõ ràng, khi so sánh tri thức với của cải vật chất, chúng ta có thể hiểu được tại sao “Một kho vàng không bằng một nang chữ”, tại sao học vấn tri thức lại đáng giá hơn vàng bạc. Tuy nhiên, bài học mà ông cha muốn nhắn gửi qua câu tục ngữ này không chỉ có tầm quan trọng của tri thức mà còn có lời khẳng định về tầm quan trọng của học tập.
Ca dao, tục ngữ thành ngữ bàn về tri thức, học tập
Ông cha ta từng có những lời đúc kết rất ý nghĩa về vai trò, tầm quan trọng của tri thức, học tập trong cuộc sống. Vì vậy khi bàn đến vấn đề này, ngoài câu tục ngữ “Một kho vàng không bằng một nang chữ”, chúng ta có thể tham khảo thêm những ví dụ sau.

- Siêng làm thì có, siêng học thì hay
- Người mà không học, khác gì đi đêm
- Người không học như ngọc không mài
- Hay học thì sang, hay làm thì có
- Muốn biết phải hỏi, muốn giỏi phải học
- Học ăn học nói, học gói, học mở
- Học hay cày biết
- Học một biết mười
- Ăn vóc học hay
- Đi một ngày đàng học một sàng khôn
- Học hành vất vả kết quả ngọt bùi
- Học là học biết giữ giàng/ Biết điều nhân nghĩa biết đàng hiếu trung.
- Làm người mà được khôn ngoan/ Cũng nhờ học tập mọi đường mọi hay.
- Dẫu có bạc vài trăm vạn lạng/ Chẳng bằng kinh sử một vài pho.
- Làm người mà được khôn ngoan/ Cũng nhờ học tập mọi đường mọi hay.
- Nghề gì đã có trong tay/ Mai sau rồi cũng có ngày ích to.
- Dẫu rằng thông hoạt, chẳng học cũng hư đời/ Tài chí bằng trời, chẳng học cũng là phải khổ.
- Người không học, không có sự hiểu biết/ Trẻ mà không học, lớn không làm được việc gì.
- Học là học để làm người/ Biết điều hơn thiệt biết lời thị phi.
- Ngọc kia chẳng giũa cũng mài/ Cũng thành vô dụng cũng hoài ngọc đi.
Vàng bạc, của cải vật chất dẫu có quý cũng không thể quý bằng học vấn, tri thức. Đây không chỉ là ý nghĩa của câu tục ngữ “Một kho vàng không bằng một nang chữ” mà còn là lời nhắc nhở mỗi người cần coi trọng việc học hành, trau dồi bản thân. Bởi suy cho cùng tri thức chính là cái gốc, là nền tảng.
Theo dõi chuyên mục Thường thức của VOH để cập nhật thêm nhiều bài viết hay!