Lịch sử, ý nghĩa của ngày Gia đình Việt Nam 28/6

VOH - Ngày Gia Đình Việt Nam (28/6/2001 - 28/6/2023) là dịp tri ân, tôn vinh và lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt.

Ngày Gia Đình Việt Nam là ngày hội nhằm hưởng ứng, tôn vinh những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt. Đồng thời nâng cao ý thức, trách nhiệm của toàn xã hội hướng tới xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, hạnh phúc. Không những vậy, đây còn là dịp để mọi thành viên trong gia đình quây quần bên nhau, rút ngắn khoảng cách giữa các thể hệ, thêm tin yêu, gắn bó, thắt chặt tình thân.

1. Lịch sử của Ngày Gia Đình Việt Nam

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Quan tâm đến gia đình là đúng vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn, hạt nhân của xã hội là gia đình”.

Thực hiện theo lời dạy của Bác, ngày 28/6/2000, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành chỉ thị số 55-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng của cơ sở đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

Tìm hiểu lịch sử và ý nghĩa của Ngày Gia Đình Việt Nam 1
Lịch sử Ngày Gia Đình Việt Nam

Ngày 4/5/2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg về Ngày Gia đình Việt Nam.

Quyết định nêu rõ: Lấy ngày 28/6 hàng năm là Ngày Gia đình Việt Nam, nhằm đề cao trách nhiệm lãnh đạo các ngành, các cấp, các đoàn thể và tổ chức xã hội cùng toàn thể các gia đình thường xuyên quan tâm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

2. Ý nghĩa của Ngày Gia đình Việt Nam 28/6

Mỗi gia đình là một tế bào của xã hội, là môi trường quan trọng để hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách của con người. Đồng thời, gia đình là nơi bảo tồn, trao truyền và phát huy các giá trị đạo đức, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc như lòng yêu nước, yêu quê hương, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, hiếu học, cần cù…

Trải qua nhiều thời kỳ, cấu trúc trong quan hệ gia đình Việt Nam có những thay đổi, nhưng chức năng và nhiệm vụ của gia đình vẫn tồn tại, trở thành nhân tố không thể thiếu, góp phần vào quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc. 

Tìm hiểu lịch sử và ý nghĩa của Ngày Gia Đình Việt Nam 2
Hoạt động chào mừng Ngày hội Gia đình Việt Nam

Ngày Gia Đình Việt Nam 28/6 là một sự kiện văn hóa lớn đề cao vai trò của gia đình trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Đây còn là dịp để các gia đình giao lưu, chia sẻ những câu chuyện, kinh nghiệm nhằm xây dựng gia đình hạnh phúc văn hóa, duy trì nếp sống văn minh, hướng tới sự phát triển bền vững của gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Xem thêm:
Top những bài thơ về gia đình ấm áp, cảm động nhất
70 bài thơ về cha mẹ, chùm thơ nói về công ơn bố mẹ hay nhất
24 bài thơ về tình anh chị em ruột thịt cảm động và hay nhất

3. Ngày Gia Đình Việt Nam 2023 là ngày nào?

Năm 2023 đánh dấu kỷ niệm 22 năm Ngày Gia Đình Việt Nam. Vậy Ngày Gia Đình Việt Nam 2023 là ngày mấy, thứ mấy?

Theo lịch vạn niên, năm nay, Ngày Gia Đình Việt Nam 2023 sẽ rơi vào thứ Tư, ngày 28/6 dương lịch. 

Lịch sử, ý nghĩa của ngày Gia đình Việt Nam 28/6 3
Các địa phương đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam 28/6

4. Chủ đề Ngày Gia Đình Việt Nam 2023

Chủ đề Ngày Gia đình Việt Nam 28/6/2023: “Gia đình hạnh phúc - Quốc gia thịnh vượng”.

Năm nay, các địa phương trên cả nước sẽ tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình (01/6 - 30/6/2023) và Ngày Gia đình Việt Nam.

Mục đích nhằm tạo hiệu ứng tích cực nâng cao nhận thức, trách nhiệm của lãnh đạo các ngành, các cấp, các đoàn thể, tổ chức xã hội và các gia đình quan tâm xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững; ngăn chặn, phát hiện và xử lý kịp thời hành vi bạo lực gia đình trên địa bàn thành phố. Tạo sự lan tỏa và tôn vinh những giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam, đề cao các chuẩn mực đạo đức, lối sống và truyền thống văn hóa tốt đẹp của gia đình; đồng thời, biểu dương những tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho công tác gia đình, đặc biệt những người làm công tác gia đình ở cộng đồng.

Tìm hiểu lịch sử và ý nghĩa của Ngày Gia Đình Việt Nam 4
 Tác phẩm "Buổi sớm bên nhà sàn" của tác giả Ngô Minh Phương trưng bày tại triển lãm ảnh nghệ thuật đen - trắng về chủ đề gia đình tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa nghệ thuật Việt Nam

Xem thêm:
16 câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ về ông bà - tình cảm giữa ông bà và con cháu
65 câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ về lòng hiếu thảo với tổ tiên, ông bà cha mẹ
26 bài thơ lục bát về quê hương giúp bạn tìm về ký ức miền quê

5. Những bài thơ ý nghĩa về Ngày Gia Đình Việt Nam 

Nhân Ngày hội Gia Đình Việt Nam 2023, hãy cùng chúng tôi đọc và ngẫm nghĩ những bài thơ hay về gia đình để thêm yêu thương, trân trọng, nâng niu mái ấm hạnh phúc.

5.1 Gia đình - Nguyễn Xuân Viện

Bình an, hạnh phúc có nào xa

Cũng bởi tình thương tỏa khắp nhà

Nhịp bước kề vai cùng lối nhỏ

Cầm tay vượt khó rộn lời ca

 

Tâm hồn rộng mở vào nhân thế

Gió bụi hằn sâu khắc tuổi già

Tủm tỉm trông chừng đàn cháu nhỏ

Sum vầy rộn rã đón mùa hoa.

5.2 Gia đình hạnh phúc - Tùng Nguyễn

Gia đình hạnh phúc vẹn toàn gia

Nội ngoại đôi bên sống thuận hòa

Gái thảo thay chồng an ủi mẹ

Rể hiền giúp việc động viên cha

 

Con ngoan nghĩa nặng vui lòng bố

Cháu giỏi tình thâm thỏa dạ bà

Cuộc sống tuy còn nhiều trắc trở

Tin rằng trái ngọt vẫn phần ta.

5.3 Gia đình hạnh phúc - Trần Thiên  Ân

Xuân qua én cũng đi qua

Niềm vui ở lại với ta suốt đời

Công thành danh toại rạng ngời

Gia đình êm ấm ơn trời riêng ban

 

Đâu là hạnh phúc thế gian

chamẹ muôn vàn yêu thương

Con cái hiếu thảo bốn phương

Vui lòng cha mẹ vượt tường khổ đau

 

Hạnh phúc ơi đến mau mau

Và luôn ở lại cho nhau tiếng cười

Gia đình là lộc bởi trời

Con cái là lộc trong người mẹ cha.

Tìm hiểu lịch sử và ý nghĩa của Ngày Gia Đình Việt Nam 5

Ngày Gia Đình Việt Nam là dịp để các thành viên trong gia đình trao cho nhau những lời chúc, món quà ý nghĩa. Thông qua đó, các bậc phụ huynh có thể giáo dục con em mình về ý nghĩa, trách nhiệm và thêm trân trọng hai tiếng “gia đình”. 

Ảnh: Internet