Chờ...

Giải thích ý nghĩa thành ngữ “Nhất ngôn cửu đỉnh”

VOH - Cũng giống như lời hứa, lời nói tuy vô hình nhưng lại chứa đựng sức mạnh to lớn. Khi bàn giá trị và sức nặng của lời nói, người xưa có câu thành ngữ rất hay, đó là “Nhất ngôn cửu đỉnh”.

Là một trong những câu thành ngữ nổi tiếng Trung Quốc, “Nhất ngôn cửu định” chứa đựng bài học to lớn về sức mạnh của lời nói. Bài viết dưới đây, VOH sẽ giúp bạn giải mã ý nghĩa câu thành ngữ “nhất ngôn cửu đỉnh” là gì.

“Nhất ngôn cửu đỉnh” là gì?

“Nhất ngôn cửu đỉnh” là một câu thành ngữ tiếng Trung, đọc là “一 言 九 鼎” (yì yán jiǔ dǐnɡ). Trong đó:

  • Nhất ngôn: có nghĩa là một lời nói.
  • Cửu đỉnh: có nghĩa 9 cái đỉnh. “Đỉnh” là một loại đồ được làm bằng đồng, thành hơi phình, miệng rộng, có 3 chân, nặng từ vài trăm đến vài ngàn kg, dùng để đốt hương trầm trong các dịp cúng tế thần linh và tổ tiên.

Như vậy, nghĩa đen câu thành ngữ “Nhất ngôn cửu đỉnh” chính là một chữ nặng như 9 cái đỉnh bằng đồng. Còn với hàm nghĩa sâu xa, “Nhất ngôn cửu đỉnh” muốn nhấn mạnh sức nặng và giá trị của lời nói.

Giải thích ý nghĩa thành ngữ “Nhất ngôn cửu đỉnh” 1
"Nhất ngôn cửu đỉnh" là một thành ngữ nổi tiếng Trung Quốc - Ảnh: Internet

Nguồn gốc câu “Nhất ngôn cửu đỉnh”

Câu thành ngữ “Nhất ngôn cửu đỉnh” có nguồn gốc từ cuốn “Sử ký Tư Mã Thiên, phần Bình Nguyên Quân, Ngu Khanh liệt truyện”.

Điển cố kể rằng, trong thời Chiến Quốc, nước Tần tấn công nước Triệu ở Hàm Đan (kinh đô nước Triệu). Bình Nguyên Quân của nước Triệu tìm đến nước Sở cầu chi viện, muốn cùng liên kết với nước Sở để chống lại nước Tần.

Trước khi đi, Bình Nguyên Quân muốn mang theo 20 môn khách cùng đến nước Sở để thuyết phục. Thế nhưng, tìm tới tìm lui cũng chỉ được 19 người. Lúc này, có một người tên là Mao Toại tự tiến cử mình. Mặc dù Bình Nguyên Quân có ngờ vực, nhưng vẫn miễn cưỡng cho Mao Toại theo cùng.

Khi đến nước Sở, Bình Nguyên Quân bắt đầu tìm gặp Sở vương để bàn bạc về việc cùng hợp lực đánh Tần. Mao Toại cùng 19 môn khách còn lại đứng đợi bên ngoài.

Tuy nhiên, Bình Nguyên Quân và Sở vương nói chuyện từ khi mặt trời mọc cho đến lúc đứng bóng vẫn không có kết quả. Ở bên ngoài, 19 môn khách bèn đề nghị Mao Toại đại diện đi vào để thuyết phục Sở vương đem quân chi viện cho nước Sở.

Mao Toại nghe vậy liền cầm kiếm bước vào, chĩa mũi kiếm về phía Sở vương nói: “Hôm nay chúng tôi đến đây là để thỉnh cầu Ngài gửi quân tiếp viện. Ngài không nói gì, nhưng đừng quên, nước Sở tuy có nhiều binh lính và lãnh thổ rộng lớn nhưng lại từng lần lượt bị đánh bại bởi một tên Bạch Khởi.

Bạch Khởi chẳng qua chỉ là một thằng nhãi mà thôi! Nhưng hắn đem quân gây chiến với Sở, đánh một trận thì lấy được đất Yến, Sính, đánh hai trận đốt cháy Di Lăng, đánh ba trận làm nhục đến tiên nhân nhà vua. Đó là cái oán trăm đời. Theo tôi, nước Sở cần đoàn kết để chống Tần hơn nước Triệu!”

Mao Toại phân tích tình thế với một phong thái chính nghĩa, lời nói trang nghiêm, khí thế hùng hồn, khiến Sở vương nghe xong cũng phải thuyết phục, liền lập tức đồng ý đem quân sang viện trợ nước Triệu.

Bình Nguyên Quân sau khi trở về nước Triệu, nghĩ đến việc dùng cả một ngày cũng không thể thuyết phục được Sở vương, vậy mà Mao Toại chỉ với mấy câu đã khiến cho Sở vương không nói được lời nào, bèn tán thưởng Mao Toại rằng:

“Mao tiên sinh đến Sở một phen, làm cho thanh thế nước Triệu được tôn trọng hơn chín vạc, hơn chuông Đại Lữ. Ba tấc lưỡi của Mao tiên sinh mạnh hơn trăm vạn hùng bình.”

Xem thêm:
Giải thích ý nghĩa câu “Dùi đục chấm mắm cáy” là gì?
40+ câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ về lời nói, lối ứng xử trong giao tiếp hằng ngày
Ý nghĩa thành ngữ ‘Quân tử nhất ngôn - Tứ mã nan truy’ là gì?

Những giai thoại về  “Cửu đỉnh”

Theo nhiều ghi chép ở Trung Quốc, “cửu đỉnh” không chỉ xuất hiện trong câu thành ngữ “Nhất ngôn cửu đỉnh” mà bản thân nó cũng đã có rất nhiều giai thoại khác nhau.

Giải thích ý nghĩa thành ngữ “Nhất ngôn cửu đỉnh” 2
Có nhiều giai thoại khác nhau về "cửu đỉnh" của Trung Hoa - Ảnh: Internet

Giai thoại 1

Tương truyền, vào thời vua Đại Vũ, ông đã thu thập đồng trong khắp thiên hạ để đúc thành 9 cái đỉnh, tượng trưng cho 9 Châu (vùng đất). Trên mỗi đỉnh đều được điêu khắc hình ảnh non sông, cảnh vật, đặc sản và con người của mỗi châu.

Các vua thời Tam đại Trung Hoa (Hạ, Thương, Chu) đều xem “cửu đỉnh” là đại diện cho Cửu Châu, cũng là vật biểu trưng cho quyền lực trị vì thiên hạ. Khi nước Tần sang diệt Chu, phá hủy tôn miếu nhà Chu. Tần vương sai quân dời "cửu đỉnh" về kinh đô Hàm Dương. Trong lúc di chuyển, một chiếc đỉnh bị rơi xuống sông Tứ Thủy, "cửu đỉnh" chỉ còn 8 chiếc.

Về sau, Tần Thủy Hoàng và Hán Văn Đế từng cho người tìm kiếm khắp sông Tứ Thủy nhưng đều tốn công vô ích. “Cửu đỉnh” cứ thế mất tích một cách thần bí.

Giai thoại 2

Cuối triều Chu, nước Tần đánh vào Đông Chu, yêu cầu hoàng thất nhà Chua giao “cửu đỉnh”. Vua Chu đã phái Nhan Suất một viên quan trong triều đi qua nước Tề xin chi viện, đồng thời đồng ý giao “cửu đỉnh” cho nước Tề.

Sai khi nước Tề phái binh chi viên đánh lui quân Tần, chuẩn bị đi lấy “cửu đỉnh” thì bị Nhan Suất dùng mưu kế không cho lấy. Vì muốn Tề vương bỏ ý định lấy “cửu đỉnh”, Nhan Suất bèn hỏi Tề vương muốn vận chuyển “cửu đỉnh” bằng đường nào, kết quả không con đường nào phù hợp.

Sau đó, Nhan Suất bèn nói, trước kia sau trận Vũ vương phạt Trụ giành được “cửu định” đã dùng đến 9 vạn người để vận chuyển một đỉnh. Chín đỉnh cần tổng cộng 81 vạn người. Tề vương nghe xong thì đành phải bỏ cuộc vì cho dù Tề vương có đủ số lượng người cũng không có con đường nào có thể vận chuyển “cửu đỉnh” về nước.

Giai thoại 3

Thời Chiến Quốc, sau khi Tần Vũ Vương hạ thành Nghi Dương bèn tiến thẳng vào Lạc Dương, Thiên tử nhà Chu đích thân ra nghênh tiếp. Tần Vũ Vương sau đó đã đi đến tông miếu, nơi thờ tổ tiên của hoàng thất nhà Chu, thì nhìn thấy “cửu đỉnh”.

Khi  thấy cái đỉnh có khắc chữ Ung, Tần Vũ Vương liền mạnh miệng nói muốn cùng đại lực sĩ Mạnh Thuyết thi nâng đỉnh nhằm mục đích mang cái đỉnh có khắc chữ Ung về Hàm Dương, vì nước Tần chính là Ung Châu của Đế Vũ ngày xưa. 

Bản thân Tần Vũ Vương là người có sức mạnh phi thường. Thế nhưng, sau khi ông dùng hết sức bình sinh nâng đỉnh lên cao nửa thước thì đột nhiên tay bị mất sức, chiếc đỉnh rơi xuống trúng chân, khiến chân ông nát bấy và ông cũng chết ngay trong đêm đó.

Xem thêm:
Giải thích ý nghĩa câu thành ngữ ‘Nhất tự vi sư, bán tự vi sư’ nói lên điều gì?
Giải thích ý nghĩa câu thành ngữ ‘Ôn cố tri tân’ nói đến triết lý nào?
Giải thích ý nghĩa câu thành ngữ “Bách niên giai lão” là gì?

Một số câu ca dao về lời ăn tiếng nói

Nếu như câu “Nhất ngôn cửu đỉnh” là một trong những câu thành ngữ nổi tiếng của Trung Quốc thì ở Việt Nam ta cũng có rất nhiều câu ca dao tục ngữ về lời ăn tiếng nói chứa đựng những bài học, giá trị sống đáng trân trọng.

Giải thích ý nghĩa thành ngữ “Nhất ngôn cửu đỉnh” 3
Những câu tục ngữ ca dao Việt Nam về lời ăn tiếng chứa đựng ý nghĩa sâu sắc - Ảnh: Internet

1. Lời nói, gói vàng

2. Lời chào cao hơn mâm cỗ

3. Ăn ngay nói thật, mọi tật mọi  lành

4. Ăn có nhai, nói có nghĩ

5. Ăn bớt bát, nói bớt lời

6. Lời nói đọi máu

7. Lời nói không cánh mà bay

8. Học ăn học nói học gói học mở

9. Một lời nói dối, sám hối bảy ngày

10. Đất tốt trồng cây rườm rà
Những người thanh lịch nói ra dịu dàng.

11. Người thanh nói tiếng cũng thanh
Chuông kêu chuông đánh bên thành cũng kêu.

12. Nói chín thì phải làm mười
Nói mười làm chín kẻ cười người chê.

13. Kim vàng ai nỡ uốn câu
Người khôn ai nỡ nói nhau nặng lời.

14. Lời nói chẳng mất tiền mua
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.

15. Ăn lắm thì hết miếng ngon
Nói lắm thì hết lời khôn hóa rồ.

Câu thành ngữ “Nhất ngôn cửu đỉnh” mang ý nghĩa đề cao sức nặng của lời nói. Lời nói của con người chứa đựng sức mạnh vô hình to lớn, một lời nói có thể cứu sống một người và một lời nói cũng có thể giết chết một người. Vì thế, chúng ta người nên cẩn trọng trong lời nói của mình, dùng lời nói đúng lúc, đúng chỗ, đúng người để mỗi một lời nói ra đều có giá trị.

Để cập nhật thêm những kiến thức về thành ngữ, tục ngữ Việt Nam hay nhất, hấp dẫn nhất, đừng quên truy cập chuyên mục VOH Sống đẹp.