Chờ...

Top trò chơi dân gian khiến bạn muốn 'quay về tuổi thơ' lần nữa

(VOH) – Các trò chơi dân gian hầu như vùng nào cũng có và nó cũng là 1 thứ ‘đặc sản’ của tuổi thơ trẻ em Việt Nam một thời. Không chỉ vui, các trò chơi còn mang đậm văn hóa và bản sắc dân tộc.

Trò chơi dân gian là “món ăn tinh thần” của rất nhiều thế hệ trẻ em Việt Nam. Chúng được ông cha ta sáng tạo ra, lưu truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác. Các trò chơi dân gian không chỉ rèn luyện thể chất mà còn đậm tính giải trí lành mạnh, đạt tới trình độ nghệ thuật và có giá trị thẩm mỹ cao, khơi gợi trí thông minh, tài ứng đáp, phản xạ linh hoạt của con người…. Đồng thời nêu cao tính cộng đồng, thu hút mọi người cùng tham gia vui chơi trong tinh thần cộng cảm.

1. Khái niệm và đặc điểm của trò chơi dân gian

Chắn hẳn mỗi người trong chúng ta đều từng trải nghiệm chơi những trò chơi dân gian trong những năm tháng tuổi thơ. Vậy bạn có hiểu trò chơi dân gian là gì?

1.1. Khái niệm trò chơi dân gian

Trò chơi dân gian là một phần của nền văn hóa dân tộc, nó có nguồn gốc từ lâu đời và gắn bó mật thiết với đời sống tinh thần của nhân dân ta. Trò chơi dân gian có thể hiểu đơn giản là trò chơi mô phỏng lại đời sống sinh hoạt thường ngày của người dân và kết hợp thêm với giai điệu êm tai, tăng thêm sự thú vị cho người chơi.

Trò chơi dân gian được xem là một di sản văn hóa phi vật thể trong kho tàng văn hóa truyền thống của người dân Việt Nam. Cho đến hiện nay không ai biết trò chơi dân gian có từ bao giờ và ai là người đã sáng tạo ra trò chơi dân gian, chỉ biết là sản phẩm này đã gắn liền với sự tồn tại và phát triển của cộng đồng. Và các trò chơi dân gian được xem như là sản phẩm mang giá trị tinh thần cao quý mà cha ông ta để lại, được truyền tay, truyền miệng qua nhiều thế hệ.

trò chơi dân gian 1
Trò chơi dân gian gắn bó mật thiết với đời sống tinh thần của nhân dân ta

1.2. Đặc điểm của trò chơi dân gian

Trò chơi dân gian thường mang đậm dấu ấn lịch sử, văn hóa ngàn đời của người Việt. Không chỉ thể hiện sự lành mạnh và văn minh, trò chơi dân gian còn giúp cho mọi người nhạy bén, tìm được nhiều cách xử lý vấn đề thông minh, giải đáp được nhiều hơn những vấn đề trong cuộc sống.

Trò chơi dân gian Việt Nam phù hợp với mọi lứa tuổi, từ già trẻ lớn bé, trai gái đều có thể tham gia. Chính sự đa dạng về độ tuổi đã giúp cho trò chơi dân gian trở nên phong phú và đa dạng, tạo nên sự gần gũi với mọi tầng lớp.

Hơn nữa, các trò chơi dân gian có một đặc điểm đó chính là thường đi kèm với những câu ca dao tục ngữ. Điều này giúp tăng thêm tính nhịp điệu và giúp trẻ em nhớ kỹ, dễ dàng học thuộc và bồi đắp thêm giá trị tinh thần.

2. Những lợi ích của trò chơi dân gian

Các trò chơi dân gian đem lại rất nhiều lợi ích cho mỗi người, một số lợi ích có thể kể đến như:

  • Phát triển kỹ năng toàn diện: trò chơi dân gian tạo cho mỗi người cơ hội để phát triển khả năng ngôn ngữ. Hơn nữa mỗi trò chơi còn giúp cho mọi người tích lũy kiến thức, làm phong phú đời sống tinh thần, nâng cao khả năng giao tiếp và tương tác với người xung quanh.
  • Tăng thể lực và trí tuệ: không chỉ mang tính sáng tạo, trò chơi dân gian còn mang tính vận động giúp mọi người rèn luyện sức khỏe.
  • Tăng sự gắn kết: hầu hết các trò chơi dân gian đều được chơi theo nhóm, chơi tập thể, đó chính là lý do trò chơi dân gian sẽ góp phần tạo sự đoàn kết, nâng cao khả năng phối hợp, ăn ý trong tập thể. Ngoài ra khi chơi trò chơi dân gian, trẻ em còn hình thành được tinh thần trách nhiệm và yêu thương nhau.
trò chơi dân gian 2
Trò chơi dân gian phát triển kỹ năng toàn diện

Xem thêm:
Sự khác biệt của nền văn minh phương Đông và phương Tây?
Truyện đồng thoại là gì mà được xem như món ăn tinh thần dành cho các bạn nhỏ
Kể chuyện cho bé ngủ, đọc truyện ngắn cho bé mầm non ngủ ngon

3. Một số trò chơi dân gian sáng tạo, hay cho trẻ nhỏ và trẻ mầm non

Mặc dù ngày nay có rất nhiều hình thức vui chơi khác nhau dành cho trẻ, nhưng không vì thế mà làm “mai một” đi những trò chơi dân gian mang đậm tính truyền thống và bản sắc dân tộc.

Đối với lứa tuổi mầm non, những trò chơi dân gian sáng tạo không những giúp rèn luyện thể chất mà còn giúp trẻ phát huy được tối đa khả năng phản xạ, phán đoán và cả tư duy logic. Vì vậy, bậc làm cha mẹ nên dạy cho trẻ những trò chơi dân gian giúp trẻ có được tư duy cũng như các phản xạ được tốt hơn.

Một số trò chơi dân gian cho trẻ mầm non, từ 4 - 6 tuổi để phát triển khả năng tiếp thu và trau dồi ngôn ngữ, vận động một cách tốt hơn là:

3.1. Trò chơi dân gian ếch dưới ao

Mục đích chơi: Rèn luyện cho trẻ kỹ năng đi, nhảy, di động, né tránh. Hình thành tố chất nhanh nhẹn, sức bật cùng sự khéo léo. Tinh thần đồng đội cùng sự mạnh dạn. Hiểu biết thêm về môi trường một con vật cũng như hoạt động của con người.

Cách chơi:

Cô giáo hãy vẽ một vòng tròn lớn giữa sân làm ao và trẻ sẽ đứng thành vòng tròn làm ếch. Cho một trẻ đứng cách vòng tròn khoảng 3 – 4 mét, tay cầm một cái que nhỏ giả làm người đi câu ếch. Khi nghe giáo viên vỗ tay báo hiệu trò chơi bắt đầu thì những bạn làm ếch đồng thanh hát bài ca:

“Ếch ở dưới ao

Vừa ngớt mưa rào

Nhảy ra bì bọp

Ếch kêu ộp ộp

Ếch kêu ặp ặp

Thấy bác đi câu

Rủ nhau trốn mau

Ếch kêu ộp ộp

Ếch kêu ặp ặp”

“Các con ếch” từ trong ao vừa hát vừa nhảy ra ngoài vòng tròn ao để lên bờ. Khi đó, người đi câu sẽ đuổi theo, dây câu chạm vào vai trẻ nào thì trẻ ấy phải thay thế vai người đi câu ếch. “Con ếch nào” đã kịp nhảy lại ao thì sẽ không bị câu nữa.

trò chơi dân gian

3.2. Trò chơi dân gian thả đỉa ba ba 

Mục đích chơi: Rèn cho trẻ khả năng vận động nhanh nhẹn, tăng cường tính hòa đồng khi được vui chơi cùng mọi người xung quanh.

Cách chơi:

Trẻ chơi từng nhóm hoặc cả lớp và những thành viên tham gia sẽ đứng thành vòng tròn giữa sân.

Cô giáo sẽ chọn một bạn làm “đỉa”. Sau khi chọn xong, cả nhóm sẽ cùng đọc bài đồng dao “Thả đỉa ba ba”

“Thả đỉa ba ba

Chớ bắt đàn bà

Phải tội đàn ông

Cơm trắng như bông

Gạo mềm như nước

Đổ mắm. đổ muối

Đổ chuối hạt tiêu

Đổ niêu nước chè

Đổ phải nhà nào

Nhà ấy phải chịu”

Người làm đỉa đi xung quanh vòng tròn và cứ mỗi tiếng người làm đỉa lại lấy tay chỉ vào một bạn, bắt đầu tiếng thứ nhất chỉ vào mình và tiếng thứ hai người kế tiếp, rồi lần lượt đến người thứ 2, thứ 3…

Nếu chữ đỉa cuối cùng rơi vào bạn nào thì bạn đó phải sẽ đứng lại “sông” làm đỉa, còn những em khác thì chạy nhanh lên “hai bờ sông”, nếu người nào chậm chân bị “đỉa” bám ở dưới “sông” thì phải xuống “sông” làm đỉa, còn người làm “đỉa” lại được lên bờ. Và cứ như thế trò chơi lại tiếp tục…

3.3. Trò chơi dân gian mèo đuổi chuột

Mục đích chơi: Rèn luyện sự nhanh nhẹn, khéo léo, dẻo dai và tính kiên trì, có ý thức ở trẻ.

Cách chơi:

Giáo viên cho trẻ đứng thành 2 vòng tròn, vòng tròn nhỏ bên trong và vòng tròn lớn bên ngoài.

Giáo viên sẽ phân một trẻ làm mèo và một trẻ làm chuột đứng quay lưng vào nhau trong vòng tròn nhỏ.

Một trẻ vòng tròn trong, một trẻ vòng tròn ngoài đứng đối diện nắm hai tay nhau giơ cao để làm thành hang.

Khi nghe hiệu lệnh của cô giáo, trẻ làm chuột sẽ chạy trước và trẻ làm mèo đuổi theo sau. Chuột chạy vào hang nào thì mèo phải chạy vào hang đó. Trong khi đó, các trẻ làm hang thì đồng thanh đọc:

“Đã là Mèo

Phải bắt Chuột

Bắt được Chuột 

Là chén liền

Đã là chuột

Trông thấy Mèo

Phải chạy ngay.”

Khi mèo bắt được chuột ở hang nào thì 2 trẻ làm hang đó đổi vai thành mèo và chuột, còn hai trẻ đã làm mèo và chuột ban đầu sẽ nắm tay nhau làm hang.

Chuột chạy, mèo đuổi bắt. Nếu chuột chạy được 2 vòng mà mèo chưa bắt được là mèo thua cuộc.

trò chơi dân gian

3.4. Trò chơi dân gian Cáo và Thỏ

Mục đích chơi: Rèn luyện phản xạ nhanh, khéo léo. Phát triển ngôn ngữ.

Cách chơi:

Cô giáo sẽ chọn một trẻ làm cáo ngồi rình ở góc lớp. Những trẻ còn lại làm thỏ và chuồng thỏ. Cứ mỗi trẻ làm thỏ thì sẽ có một trẻ làm chuồng. Trẻ làm chuồng chọn chỗ đứng của mình và vòng tay ra phía trước đón bạn khi bị cáo đuổi bắt. Trước khi bắt đầu chơi, cô giáo hãy yêu cầu các chú thỏ phải nhớ đúng chuồng của mình. Vào trò chơi, các chú thỏ nhảy đi kiếm ăn, vừa nhảy vừa giơ bàn tay lên đầu vẫy vẫy (giống tai thỏ) vừa đọc bài thơ:

“Chú thỏ con

Tìm rau ăn

Rất vui vẻ

Thỏ nhớ nhé

Có cáo gian

Đang rình đấy

Thỏ nhớ nhé

Chạy cho nhanh

Kẻo cáo gian

Tha đi mất.”

Khi đọc hết bài thì cáo sẽ xuất hiện, cáo “gừm, gừm” đuổi bắt thỏ. Khi nghe tiếng cáo, các chú thỏ hãy chạy nhanh về chuồng của mình. Những chú thỏ nào bị cáo bắt đều phải ra ngoài một lần chơi. Sau đó, các trẻ đổi vai chơi cho nhau.

Mỗi chú thỏ (một trẻ) có một cái hang (một trẻ khác đóng). Thỏ phải nấp vào đúng hang của mình. Chú thỏ nào chậm chân thì sẽ bị cáo bắt hoặc chạy về nhầm hang của mình sẽ bị ra ngoài một lần chơi.

3.5. Trò chơi dân gian đếm sao

Mục đích chơi: Rèn luyện thể lực và khả năng ghi nhớ của trẻ. Đồng thời giúp trẻ phát huy khả năng ghi nhớ, sự nhanh nhẹn và tinh thần đồng đội.

Cách chơi:

Tất cả ngồi thành một vòng tròn, một người đứng ngoài vòng, phía sau lưng của mọi người. Bắt đầu từ một người bất kỳ, vừa đi vừa hát:

“Một ông sao sáng

Hai ông sáng sao

Tôi đố anh chị nào

Một hơi đếm hết

Từ một ông sao sáng

Đến 10 ông sáng sao.”

Mỗi từ đập vào vai một người, đến từ sao cuối cùng, trúng vào người nào thì người ấy phải đọc một hơi không nghỉ: “Một ông sao sáng, hai ông sáng sao, ba ông sao sáng….Cho đến 10 ông sáng sao. Yêu cầu phải đếm một hơi không được dừng và phải luân phiên “sao sáng” với “sáng sao” không được lộn. Số lẻ là “sao sáng” còn số chẵn là “sáng sao”. Nếu hết hơi hay đọc sai thì sẽ bị phạt.

3.6. Trò chơi dân gian chi chi chành chành

Mục đích chơi: Giúp trẻ rèn luyện khả năng nhanh nhẹn.

Cách chơi:

Giáo viên sẽ chỉ định có một người điều khiển trong trò chơi, sau khi mọi người ngồi thành vòng tròn, người điều khiển sẽ xòe bàn tay ra giữa để tất cả những người chơi khác đặt ngón trỏ vào lòng bàn tay.

Tất cả mọi người cùng đọc bài đồng dao:

“ Chi chi chành chành.

Cái đanh thổi lửa

Con ngựa chết chương

Ba vương ngũ đế

Chấp chế đi tìm

Ù à ù ập”.

Khi hát đến từ “ập”, người điều khiển nắm bàn tay lại, những người khác nhanh chóng rút ngón tay ra ngoài, ai không rút kịp và bị người điều khiển nắm được là thua. Người thua cuộc sẽ chuyển lên làm người điều khiển và trò chơi lại tiếp tục được bắt đầu.

Lưu ý: Trò chơi dân gian chi chi chành chành yêu cầu số lượng người chơi từ 3 – 7 người.

trò chơi dân gian 5

3.7. Trò chơi dân gian nu na nu nống

Mục đích chơi: Giúp trẻ vừa học đếm, vừa học hát và vừa tạo được tinh thần đoàn kết giữa các bạn nhỏ.

Cách chơi:

Cô giáo sắp xếp các bé ngồi cạnh nhau, duỗi thẳng chân và đọc bài vè của trò chơi:

“Nu na nu nống

Cái cống nằm trong

Cái ong nằm ngoài

Củ khoai chấm mật

Bụt ngồi bụt khóc

Con cóc nhảy ra

Ông già ú ụ

Bà mụ thổi xôi

Nhà tôi nấu chè

Tè he chân rụt.”

Từ cuối cùng của bài vè dừng ở chân của bạn nhỏ nào thì chân đó được co lại, chân cuối cùng không được co lại chính là chân thua cuộc.

trò chơi dân gian 6

3.8. Trò chơi dân gian dung dăng dung dẻ

Đây là một trong số các trò chơi dân gian có sử dụng những câu đồng dao – một loại hình thơ cơ dân gian truyền miệng của trẻ em Việt Nam thời xưa.

Mục đích chơi: Giúp trẻ rèn luyện thân thể, sự khéo léo, nhịp nhàng và tinh thần tập thể, đoàn kết khi chơi.

Cách chơi:

Địa điểm: Trong nhà hoặc ngoài sân

Số lượng: Từ 5 - 10 em chơi 1 nhóm

Hướng dẫn: Quản trò vẽ sẵn các vòng tròn nhỏ trên đất, số lượng vòng tròn ích hơn số người chơi. Khi chơi các bạn nắm áo tạo thành một hàng đi quanh các vùng tròn và cùng đọc:

“Dung dăng dung dẻ 

Dắt trẻ đi chơi

Đi đến cổng trời

Gặp cậu gặp mợ

Cho cháu về quê

Cho dê đi học

Cho cóc ở nhà

Cho gà bới bếp

Ngồi xệp xuống đây”

Khi đọc hết chữ này các người chơi nhanh chóng tìm một vòng tròn và ngồi xệp xuống, sẽ có một người không có vòng tròn để ngồi. Tiếp tục xoá vòng tròn và chơi như trên, sẽ có 1 bạn không có,. Trong 1 khoảng thời gian người nào không có vòng thì bị thua.

Cuối cùng trò chơi chỉ còn 2 người. Hai người này sẽ ngồi cùng 1 vòng người nào ngồi xuống trước là người chiến thắng.

trò chơi dân gian 7

3.9. Trò chơi dân gian lộn cầu vồng

Mục đích chơi: Giúp trẻ rèn luyện cơ tay, lưng. Đồng thời còn tạo khả năng gắn kết cho trẻ.

Cách chơi:

Cô giáo phân cho 2 bạn nhỏ trở thành một cặp đứng đối diện nhau, tay đu đưa sang 2 bên theo bài đồng dao:

“Lộn cầu vồng

Nước trong nước chảy

Có cô mười bảy

Có chị mười ba

Hai chị em ta

Ra lộn cầu vồng.”

Trẻ vừa đọc lời đồng dao vừa đưa tay sang mỗi bên, mỗi từ của bài là tay đưa sang một phía. Khi đọc đến từ cuối cùng của bài đồng dao thì trẻ giơ cao cánh tay và cùng chui vào bên trong, lộn một vòng tay và quay mặt ra ngoài.

Lưu ý khi chơi lộn cầu vồng, tay của 2 bé không được rời nhau. Nếu đội nào rời nhau, đội đó sẽ bị phạt. Trò chơi sẽ được tiếp tục giúp trẻ tìm ra cách chui cầu vồng, khi có bạn chui vào, khi bạn chui ra.

3.10. Trò chơi dân gian kéo cưa lừa xẻ

Mục đích chơi: Giúp trẻ rèn luyện về thể chất và ngôn ngữ.

Cách chơi:

Trò chơi này 2 bé có thể chơi với nhau hoặc có thể cô chơi với bé.

Hai bạn bắt thành cặp và ngồi đối diện nhau, dang chân ra, hai bàn chân chạm vào nhau, hai bàn tay nắm chặt nhau. Hai bạn sẽ vừa hát vừa kéo tay đẩy qua đẩy lại, giống động tác hai người thợ ngồi hiệp sức cưa gỗ:

“Kéo cưa lừa xẻ

Ông thợ nào khỏe

Về ăn cơm vua

Ông thợ nào thua

Về bú tí mẹ.”

Trò chơi kéo cưa lừa xẻ phù hợp với trẻ em mầm non bởi đây là trò chơi không phân định thắng thua. Tại trường học, cô giáo có thể tăng độ hấp dẫn của trò chơi bằng nhiều luật khác nhau để tạo sự hứng thú cho các bạn nhỏ.

Xem thêm: 
Đồng dao là gì? 50 bài đồng dao Việt Nam cho bé mầm non hát khi chơi trò chơi dân gian 
70+ bài thơ ca dân gian về tình yêu từ ‘say nắng’ đến khi chung nhà
Tuyển chọn những bài thơ về quê hương đưa bạn về với miền ký ức tuổi thơ

4. Các trò chơi dân gian thiếu nhi trong trường tiểu học

Tiểu học là lứa tuổi phù hợp để các bạn nhỏ bắt đầu nhận thức đúng đắn và rèn luyện dần các kỹ năng mềm cho tương lai. Các trò chơi dân gian cho trẻ tiểu học rất có ý nghĩa trong việc rèn luyện kỹ năng sống cho trẻ, làm phong phú thêm vốn từ và phát triển khả năng ngôn ngữ.

Một số trò chơi dân gian cho trẻ 5 – 6 tuổi mà mọi các thầy cô có thể ứng dụng trong trường tiểu học cho các bạn nhỏ:

4.1. Trò chơi dân gian ô ăn quan

Ô ăn quan, hay còn gọi tắt là ăn quan hoặc ô quan là một trò chơi dân gian của trẻ em người Kinh. Đây là trò chơi có tính chất chiến thuật thường dành cho hai hoặc ba người chơi. Có thể sử dụng các vật dụng đa dạng, dễ kiếm để chuẩn bị cho trò chơi.

Cách chơi:

Vẽ một hình chữ nhật được chia đôi theo chiều dài và ngăn thành 5 hàng dọc cách khoảng đều nhau, ta có được 10 ô vuông nhỏ. Hai đầu hình chữ nhật được vẽ thành 2 hình vòng cung, đó là 2 ô quan lớn đặc trưng cho mỗi bên, đặt vào đó một viên sỏi lớn có hình thể và màu sắc khác nhau để dễ phân biệt hai bên, mỗi ô vuông được đặt 5 viên sỏi nhỏ, mỗi bên có 5 ô.

Hai người hai bên, người thứ nhất đi quân với nắm sỏi trong ô vuông nhỏ tùy vào người chơi chọn ô, sỏi được rải đều chung quanh từng viên một trong những ô vuông cả phần của ô quan lớn, khi đến hòn sỏi cuối cùng ta vẫn bắt lấy ô bên cạnh và cứ thế tiếp tục đi quan (bỏ những viên sỏi nhỏ vào từng ô liên tục). Cho đến lúc nào viên sỏi cuối cùng được dừng cách khoảng là một ô trống, như thế là ta chặp ô trống bắt lấy phần sỏi trong ô bên cạnh để nhặt ra ngoài. Vậy là những viên sỏi đó đã thuộc về người chơi, và người đối diện mới được bắt đầu.

Đến lượt đối phương đi quan cũng như người đầu tiên, cả hai thay phiên nhau đi quan cho đến khi nào nhặt được phần ô quan lớn và lấy được hết phần của đối phương. Như thế người đối diện đã thua hết quan.

Hết quan tàn dân, thu quân kéo về. Hết ván, bày lại như cũ, ai thiếu phải vay của bên kia. Tính thắng thua theo nợ các viên sỏi.

trò chơi dân gian

4.2. Trò chơi dân gian bịt mắt bắt dê

Bịt mắt bắt dê là một biến thể của trò chơi đuổi bắt, trong đó, một người xung phong để mọi người bịt mắt lại bằng một chiếc khăn để không nhìn thấy, những người còn lại đứng thành vòng tròn quanh người bị bịt mắt.

Mọi người chạy xung quanh người bị bịt mắt đến khi nào người đó hô “bắt đầu” hoặc “đứng lại” thì tất cả mọi người phải đứng lại, không được di chuyển nữa. Lúc này người bị bịt mắt bắt đầu lần đi xung quanh để bắt được ai đó, mọi người thì cố tránh để không bị bắt và tạo ra nhiều tiếng động để đánh lạc hướng. Đến khi ai đó bị bắt và người bị bịt mắt đoán đúng tên thì người đó sẽ phải ra “bắt dê”, nếu đoán sai lại bị bịt mắt lại và làm tiếp.

trò chơi dân gian

4.3. Trò chơi dân gian rồng rắn lên mây

Rồng rắn lên mây cũng là trò chơi đề cao tinh thần tập thể, giúp các bạn học sinh tại trường tiểu học có thể tụ tập cùng nhau chơi. Khi chơi rồng rắn lên mây, các bạn nhỏ cũng không cần phải chuẩn bị đạo cụ mà chỉ cần học thuộc bài đồng dao:

“Rồng rắn lên mây

Có cây lúc lắc

Có nhà hiển binh

Thầy thuốc có nhà hay không?”

Cách chơi:

Các bạn nhỏ sẽ chia thành 2 đội đại diện cho 2 nhân vật chính là thầy thuốc và tất cả những người còn lại sẽ đóng vai là rồng rắn, trong đó có một người đi đầu (thường sẽ chọn những thành viên khỏe mạnh nhất để tránh bị ngã cho những người phía sau), các thành viên còn lại nối nhau tạo thành một một dãy các mắt xích.

Thầy thuốc sẽ là người đứng yên tại một vị trí sau đó giao lưu cùng với lại đoàn trong rắn qua bài đồng dao. Sau đó đoàn rồng rắn sẽ bám đuôi nhau và hát đến chữ cuối cùng của bài đồng dao thì sẽ dừng lại trước mặt thầy thuốc và đợi thầy thuốc trả lời câu hỏi: “Thầy thuốc có nhà hay không?”

Nếu thầy thuốc trả lời “Không”: Với bất cứ lý do nào thì đoàn rồng rắn tiếp tục hát, cho đến khi nào thầy thuốc chịu trả lời là “Có” thì tiếp tục trường hợp dưới.

Nếu thầy thuốc trả lời “Có": Thầy thuốc và đoàn Rồng rắn cùng nhau đối đáp một số câu hỏi như sau:

Thầy thuốc: Có, mẹ con rồng rắn đi đâu?

Rồng rắn: Rồng rắn đi lấy thuốc cho con

Thầy thuốc: Con lên mấy?

Rồng rắn: Con lên một

Thầy thuốc: Thuốc chẳng ngon

Rồng rắn: Con lên hai

Thầy thuốc: Thuốc chẳng ngon

Rồng rắn: Con lên ba

Thầy thuốc: Thuốc chẳng ngon

Rồng rắn: Con lên bốn

Thầy thuốc: Thuốc chẳng ngon

Rồng rắn: Con lên năm

Thầy thuốc: Thuốc chẳng ngon

Rồng rắn: Con lên sáu

Thầy thuốc: Thuốc chẳng ngon

Rồng rắn: Con lên bảy

Thầy thuốc: Thuốc chẳng ngon

Rồng rắn: Con lên tám

Thầy thuốc: Thuốc chẳng ngon

Rồng rắn: Con lên chín

Thầy thuốc: Thuốc chẳng ngon

Rồng rắn: Con lên mười

Thầy thuốc: Thuốc ngon vậy, xin khúc đầu

Rồng rắn: Cùng xương cùng xẩu.

Thầy thuốc: Xin khúc giữa.

Rồng rắn: Cùng máu cùng me.

Thầy thuốc: Xin khúc đuôi

Rồng rắn: Tha hồ mà đuổi.

Sau câu “Tha hồ mà đuổi”, thầy thuốc sẽ bắt đầu đuổi đoàn đuôi ở sau người đầu tiên, người đứng đầy sẽ ra sức bảo vệ mọi người đằng sau. Nếu thầy thuốc bắt được khúc đuôi hoặc đoàn đuôi bị đứt thì thầy thuốc sẽ chiến thắng.

4.4. Trò chơi dân gian nhảy lò cò

Nhảy lò cò là một trò chơi dân gian dễ chơi cho các bạn học sinh tiểu học. Trò chơi có thể chơi nhóm nhỏ từ 2 – 6 bạn.

Cách chơi:

Đội chơi vẽ ô nhảy lò cò trên sàn, ưu tiên vẽ các hình vuông đủ to để nhảy được một chân vào và ném gạch không dễ bị bắn ra ngoài. Một hình vẽ đơn giản thường có 7 ô, vẽ số từ ô 1 đến 7.

Người chơi đầu tiên sẽ ném một miếng gạch mỏng hoặc hòn đá phẳng vào những ô hình vuông, bắt đầu từ ô số 1. Vật được ném phải nằm gọn trong ô và không được chạm vào đường viền. Nếu người chơi ném trượt thì người chơi tiếp theo sẽ bắt đầu chơi. Nếu ném trúng, người chơi sẽ nhảy vào các ô còn lại, phải bỏ qua ô mình vừa ném và nhảy vào các ô tiếp theo.

Khi nhảy lượt về, người chơi cần nhặt miếng gạch của mình, lưu ý lúc nhặt vẫn phải đứng một chân, nhặt lên và nhảy về kết thúc vòng chơi. Trò chơi sẽ được tiếp tục khi bạn tiếp theo chơi, bắt đầu ném gạch vào ô thứ 2 và chơi liên tục đến ô số 7.

trò chơi dân gian 10

4.5. Trò chơi dân gian nhảy ô

Trò chơi nhảy ô không hạn chế số lượng người chơi, ngay cả khi bé chơi 1 mình vẫn có thể bắt đầu trò chơi. Tuy nhiên với các bạn học sinh tiểu học, trẻ nên chơi tập thể để tăng tinh thần đoàn kết.

Cách chơi:

Chuẩn bị một vạch chuẩn bị và vạch xuất phát dài 4m, 2 vạch cách nhau 1m. Từ vạch xuất phát về trước 0,6- 0,8m kẻ 2 dãy ô vuông, mỗi dãy 10 ô vuông, mỗi ô có cạnh 0,4- 0,6m kẻ vạch đích dài 4m.

Chia số lượng người chơi thành 2 đội, sau khi quản trò hô lệnh Bắt đầu thì các em số 1 bật nhảy bằng 2 chân vào sô số 1, sau đó tách hai chân hai bên vào ô số 2 và 3, sau đó lại chụm 2 chân vào ô số 4, cứ tiếp tục cho đến khi về đích và quay trở lại vạch xuất phát, chạm vào bạn tiếp theo bắt đầu trò chơi.

Đối với trò chơi dân gian nhảy ô, đội nào hoàn thành sớm và không phạm nội quy như đặt sai chân, dẫm vào vạch,… thì chiến thắng.

4.6. Trò chơi dân gian 3 người - Khiêng kiệu

Khiêng kiệu là một trò chơi đòi hỏi sự khéo léo và thể lực, do đó người chơi nên chọn những địa điểm bằng phẳng, rộng rãi để đảm bảo an toàn.

Cách chơi:

Chia làm 2 đội, mỗi đội có 3 người chơi, 2 người chơi đứng đối mặt nhau lấy tay phải nắm vào giữa tay ngay cùi chỏ của mình và tay trái thì nắm vào tay phải của người đối diện để làm kiệu. Sau đó người chơi còn lại của đội này ngồi lên kiệu của đội kia và phải giữ cho chắc để không ngã.

Khi chơi kiệu phải giữ chắc, nếu tuột tay hoặc người chơi bị ngã thì sẽ đội sẽ thua cuộc.

Các trò chơi dân gian thường xuất hiện trong ngày tết, lễ hội

Tết đến xuân về là thời điểm mà các trò chơi dân gian ở làng quê Việt Nam diễn ra sôi nổi nhất. Các trò chơi dân gian ngày Tết không chỉ giúp cho không khí đầu xuân năm mới thêm sôi động mà còn giúp các thành viên trong gia đình có thêm những phút giây vui vẻ cùng nhau.

4.7. Trò chơi dân gian kéo co

Kéo co là một trong những trò chơi dân gian phổ biến của người Việt Nam. Trò chơi kéo co thường được tổ chức ở các hội thao, hội làng ngày Tết với mục đích nêu cao tinh thần đoàn kết.

Cách chơi:

Mỗi lượt chơi kéo co thường có 3 hiệp thi đấu, đội nào chiến thắng trong 2 đội sẽ chiến thắng chung cuộc.

Người chơi chia thành hai phe, sau khi nghe hiệu lệnh từ trọng tài, các thành viên trong đội sẽ cùng dùng sức mạnh để kéo cho được bên kia ngã về phía mình. Ở giữa sợi dây thừng có buộc một cái khăn đỏ - đây chính là căn cứ để xác định bên nào thắng thua, bên nào kéo đoạn dây có buộc khăn đỏ qua vạch của mình trước là thắng.

trò chơi dân gian 11

4.8. Trò chơi dân gian ném còn

Ném còn là một trò chơi đặc trưng của đồng bào H’Mông. Quả "còn" hình cầu to bằng nắm tay trẻ nhỏ, được khâu bằng nhiều múi vải màu, bên trong nhồi thóc và hạt bông (thóc nuôi sống con người, bông cho sợi dệt vải). Quả còn có các tua vải nhiều màu trang trí và có tác dụng định hướng trong khi bay.

Sân ném là bãi đất rộng, ở giữa chôn một cây tre cao, trên đỉnh có “vòng còn” hình tròn, khung còn một mặt dán giấy đỏ (biểu tượng cho mặt trời), mặt kia dán giấy vàng (biểu tượng cho mặt trăng). Cả mặt giấy là biểu tượng cho sự trinh trắng của người con gái.

Trò chơi này bắt buộc phải tung thủng mặt còn mới được coi là may mắn. Không phải may mắn với người tung còn mà như thế là đã đem lại may mắn cho bản làng, hứa hẹn một năm mùa màng bội thu, cuộc sống bình yên, giống nòi mạnh khoẻ, sinh sôi.

4.9. Trò chơi dân gian đánh đu

Trò chơi đánh đu thường được diễn ra ở các hội làng vào những ngày đầu xuân năm mới. Số lượng người chơi trong trò chơi này không hạn chế, thông thường 2 người sẽ kết thành một đội để lần lượt chơi.

Cách chơi:

Trước khi lên đu, người chơi có thể nắm dây đu chạy tới lui để khởi động rồi bắt đầu lên dây đu, khi lên dây người chơi cần nhún người cho dây đu bay cao hơn hoặc nhờ người ở dưới đẩy giúp.

Khi dây đu đã lên cao thì cần sự phối hợp nhịp nhàng của 2 người chơi, nhún càng mạnh thì dây đu càng cao, đôi nào đánh đu được cao nhất sẽ là đôi chiến thắng.

4.10. Trò chơi dân gian thả diều

Thả diều không chỉ là một trò chơi đơn thuần mà còn là nét văn hóa đặc trưng của người Việt, mong muốn được tự do bay bổng.

Khi thả diều, người chơi cần cầm một tay ở sợi dây diều, bắt gió và cho diều chạy khoảng 20m về phía trước. Khi gió lên, người chơi thả thay ra khỏi diều và giật sau cho diều bay được ổn định. Khi diều bắt đầu ổn định, người chơi cũng dần dần thả sợi dây dài ra, điều chỉnh sợi dây diều có độ căng vừa phải để con diều bay cao hơn.

trò chơi dân gian 12

Xem thêm:
Vai trò của đạo đức trong xã hội hiện đại là gì?
Xoay quanh một khái niệm tiêu biểu của triết học: Ý thức xã hội là gì?
Phật Pháp và những câu nói giúp bạn nhận ra cuộc sống thật tươi đẹp

5. Tổng hợp các trò chơi dân gian Việt Nam truyền thống

Có thể nói, các bậc tiền bối của cư dân ba miền Bắc Trung Nam đã sáng tạo ra hàng ngàn trò chơi dân gian góp phần tạo nên sự phong phú, đa dạng và độc đáo của văn hóa truyền thống dân tộc. Dưới đây là danh sách liệt kê một số trò chơi dân gian ngày xưa phổ biến.

5.1. Trò chơi dân gian của người Kinh

Cướp cờ

Trong số những trò chơi dân gian tập thể thì không thể không kể đến trò chơi cướp cờ. Đây là trò chơi gắn liền với tuổi thơ của rất nhiều người, giúp nuôi dưỡng tâm hồn và gắn kết những tình bạn đẹp.

Cách chơi:

Quản trò chia tập thể chơi thành 2 đội có số lượng bằng nhau, mỗi đội khoảng 5 – 6 bạn, đứng hàng ngang ở vạch xuất phát của đội mình.

Đếm theo số thứ tự 1, 2, 3, 4, 5,… các bạn phải nhớ số của mình.

Khi quản trò gọi đến số nào thì số đó của 2 đội nhanh chóng chạy đến vòng tròn và cướp cờ đặt trong vòng tròn.

Quản trò có thể gọi một lúc 2,3,4, … số.

Luật chơi:

Khi đang cầm cờ, nếu bị bạn chạm vào người thì thua cuộc.

Khi lấy được cờ chạy về vạch xuất phát của đội mình mà không bị đội bạn chạm vào người thì thắng cuộc.

Số nào chạm vào số đó, không được chạm vào số khác. Nếu bị số khác chạm vào thì sẽ thua.

Số nào thua rồi, quản trò không gọi số đó chơi nữa.

Người chơi không được ôm, giữ nhau khi bạn cướp cờ.

trò chơi dân gian

Đá gà

Chơi đá gà (chọi gà) là một trong những trò chơi dân gian được trẻ em thích thú, vì gà không chỉ là con vật gần gũi với đời sống của trẻ mà nó còn mang ý nghĩa như một chiến binh khát vọng chiến thắng.

Cách chơi:

Mỗi người gấp 1 chân của mình, chân còn lại nhảy lò cò đi đá chân của người khác.

Dùng chân gấp khúc đó đá vào chân gấp khúc của người khác.

Luật chơi:

Ai mà té trước thì là người thua cuộc.

trò chơi dân gian

Nhảy bao bố

Nhảy bao bố là một trò chơi dân gian cho trẻ em và cả người lớn, rất phổ biến trong sinh hoạt cộng đồng.

Cách chơi:

Trước khi chơi, trọng tài điểm số người chơi để chia thành hai đội, mỗi đội có từ 5 đến 7 người, nếu nhiều người cùng chơi thì chia làm ba hay bốn đội có số người bằng nhau. Có bao nhiêu đội tham gia thì kẻ bấy nhiêu hàng dọc và kẻ hai vạch ranh giới ở hai đầu các hàng dọc, cách nhau khoảng 5m, một vạch là mốc xuất phát và một vạch làm điểm quay đầu.

Trước khi chơi, mỗi đội được phát một bao bố loại 100kg và xếp thành một hàng dọc trước ô hàng của đội hiệu, người tham gia trò chơi đứng đúng vạch quy định. Khi trọng tài thổi tiếng còi thứ nhất, báo hiệu cuộc chơi bắt đầu, những người đứng đầu ở các đội bước vào trong bao bố, hai tay giữ chặt miệng bao. Khi nghe tiếng còi thứ hai, thì bắt đầu nhảy, người chơi phải nhanh chân nhảy từng bước một đến vạch phía trước rồi quay trở lại vạch xuất phát đưa bao cho người thứ hai.

Cứ như vậy lần lượt đến người cuối cùng. Việc khó nhất khi nhảy bao bố là phải giữ thăng bằng vì rất dễ bị vấp ngã khi cố sức nhảy nhanh để vượt qua đối thủ. Đội nào về trước thì thắng cuộc.

Luật chơi:

Trong cuộc chơi, người chơi nào nhảy trước hiệu lệnh xuất phát, nhảy chưa đến vạch điểm quy định mà quay lại, nhảy chưa đến đích đã bỏ bao ra đều phạm luật và bị loại khỏi cuộc chơi.

Tập tầm vông

 Tập tầm vông là một bài đồng dao phổ biến khắp Bắc, Trung Nam.

Cách chơi:

Trò chơi này cần 2 người hoặc 3, 4 người chơi. Một người nắm một đồ vật nhỏ trong một bàn tay, trái hoặc phải (vd: viên sỏi) và giấu vào sau lưng. Sau đó, người đó đọc to bài đồng dao:

“Tập tầm vông

Tay không tay có

Tập tầm vó

Tay có tay không

Tay không tay có

Tay có tay không?”

Đồng thời nắm chặt lòng bàn tay và đưa hai tay ra. Những người chơi còn lại sẽ đoán xem tay nào có nắm viên sỏi.

Luật chơi:

Nếu người chơi bị đoán trúng tay nắm viên sỏi hoặc những người chơi còn lại không đoán được tay nào nắm viên sỏi thì tùy vào quy định của cuộc chơi có thể bị phạt khác nhau.

trò chơi dân gian

Nu na nu nống

Nu na nu nống là một trò chơi dân gian rất phổ biến ở Việt Nam. Theo nhiều nghiên cứu, trò chơi này đã có từ trước thời Hán thuộc, rất lâu đời.

Cách chơi:

Những người chơi ngồi xếp hàng bên nhau, duỗi chân ra, tay cầm tay, vừa nhịp tay vào đùi vừa đọc bài đồng dao:

“Nu na nu nống

Cái cống nằm trong

Cái ong nằm ngoài

Củ khoai chấm mật

Bụt ngồi bụt khóc

Con cóc nhảy ra

Con gà ú ụ

Bà mụ thổi xôi

Nhà tôi nấu chè

Tè he chân rút”.

Hoặc:

“Nu na nu nống

Cái cống nằm trong

Đá rạng đôi bên

Đá lên đá xuống

Đá ruộng bồ câu

Đá đầu con voi

Đá xoi đá xỉa

Đá nửa cành sung

Đá ung trứng gà

Đá ra đường cái

Gặp gái giữa đường

Gặp phường trống quân

Có chân thì rụt”. 

Luật chơi:

Mỗi từ trong bài đồng dao được đập nhẹ vào một chân theo thứ tự từ đầu đến cuối rồi lại quay ngược lại cho đến chữ “rút” hoặc “rụt”. Chân ai gặp từ “rút” hoặc “rụt” nhịp trúng thì co chân lại. Cứ thế cho đến khi các chân co lại hết thì chơi lại từ đầu.

Ngoài ra, còn vô số các trò chơi dân gian khác như: trò chơi dân gian banh đũa, đi cầu khỉ, đi cà kheo, nhảy sạp, chơi chuyền, tổ tôm, tứ sắc, cờ tu hú, cờ lúa ngô, đánh tam cúc, cá sấu lên bờ, đập niêu, nhảy lò cò, xia cá mè, lộn cầu vồng, chi chi chanh chanh, rồng rắn lên mây, kéo co….

Trốn tìm

Trốn tìm là trò chơi phổ biến cho trẻ em Việt Nam thời xưa, trong đó bất kỳ số lượng người chơi nào (lý tưởng ít nhất là ba) ẩn nấp trong môi trường, và một người đi tìm kiếm những người còn lại.

Theo đó, người thua (được chỉ định là "người đi tìm") sẽ nhắm mắt lại và đếm đến một dãy số được xác định trước trong khi những người chơi khác đi ẩn nấp. Ví dụ, đếm 5... 10... 15... 20... 25... đến 100. Sau khi đạt đến con số này, người đi tìm hô lên "Sẵn sàng chưa, tôi đến đây!" và sau đó cố gắng tìm ra tất cả các người chơi đã ẩn nấp.

Trò chơi có thể kết thúc bằng cách “người đi tìm” sau khi phát hiện được chỗ trốn của người cùng chơi, người đi tìm phải chạy nhanh về vị trí khoanh vùng ban đầu và hô to tên người đó.

Đấu vật

Đấu vật là một loại trò chơi dân gian mang tính cổ truyền rất phổ biến ở nhiều hội xuân miền Bắc. Các làng nổi tiếng với môn đấu vật là Gia Lâm, Vĩnh Yên, Hà Nội, Nam Định, Vĩnh Phúc…

Tại Việt Nam, một trận đấu có hai người vật nhau gọi là một keo vật, những thế vật gọi là "miếng". Một đô vật giỏi, không chỉ cần khỏe mà cần nhanh nhẹn để có thể thi thố những miếng vật bất ngờ mới đủ hạ được đối phương.

Theo phong tục Việt Nam (gọi là lệ), muốn thắng phải vật cho đối phương "ngã ngựa trắng bụng" hay "lấm lưng trắng bụng" hoặc nhấc bổng được đối phương lên.

Vật tại Việt Nam thường tổ chức dưới dạng các hội vật vào tháng Giêng âm lịch. Vật có nhiều giải phụ và 3 giải chính. Những giải phụ gọi là giải hàng dành cho ai thắng một keo vật bất kỳ. Những giải chính hàng năm đều có người giữ với điều kiện người đó phải thắng trong suốt thời gian mở hội.

Người phá giải là người vật thắng người giữ giải năm trước, tuy nhiên phải vật ngã thêm một số đô vật tham gia khác thì mới gọi là thắng giải.

5.2. Trò chơi dân gian của người H’Mông

Ném Pao được xem là trò chơi dân gian truyền thống, đặc sắc của dân tộc H’Mông ở Tây Bắc nói chung và ở Yên Bái nói riêng trong ngày Tết. Quả pao thể hiện sự cần cù, chăm chỉ và khéo léo của phụ nữ H’Mông.

Trò chơi ném pao thường được diễn ra ở những khu đất rộng tương đối bằng phẳng, người chơi được chia làm hai bên nam – nữ. Khoảng cách hai đội cách nhau khoảng 5 – 7m. Quả pao được các cô gái H’Mông tự tay khâu rất cẩn thận và tỉ mỉ từ các mảnh vải lanh thành trái tròn to bằng quả cam. Bên trong quả Pao được nhồi hạt lanh tượng trưng cho sự sinh sôi và phát triển.

Những cô gái H’Mông váy áo sặc sỡ sẽ khoe tài và sự duyên dáng của mình qua những quả pao ném qua ném lại.

trò chơi dân gian

5.3. Trò chơi dân gian của người Mường

Đối với người Mường, các trò chơi dân gian có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tinh thần vì nó phản ánh đời sống sinh hoạt, sản xuất, quan hệ giữa con người với con người và thiên nhiên. Ngoài mục đích chính là giải trí còn có mục đích rèn luyện thể lực, trí óc, giáo dục con người.

Người Mường có rất nhiều những trò chơi dân gian đặc sắc như: Ném còn, kéo co, nhún đu, đánh mảng, đánh cù, đẩy gậy, bắn nỏ, đi cà kheo, đi cầu thăng bằng, đè khà ( tương tự như vật tự do)…

trò chơi dân gian 17
Phụ nữ Mường chơi ném mảng

5.4. Trò chơi dân gian của người Ê Đê

Các trò chơi dân gian của người Ê Đê cũng rất đa dạng, trẻ em Ê Đê thường thích chơi cù quay, thả diều vằng có sáo trúc. Trò chơi đi cà kheo trên cao nguyên cũng lôi cuốn không ít thiếu niên Ê Đê ở nhiều nơi. Trò bịt mắt dê, ném lao (ném xa và ném trúng mục tiêu) cũng được nhiều trẻ em Ê Đê ưa thích.

Ngày trước, các trò chơi dân gian chính là “món ăn tinh thần” không thể thiếu của trẻ em Việt Nam, nhưng ngày nay chúng đang dần bị lãng quên bởi những trò chơi điện tử, game online, mạng xã hội…. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng, các loại trò chơi dân gian sẽ đem lại một tuổi thơ đáng nhớ và sự phát triển lành mạnh cho trẻ. Để trẻ em có được một tuổi thơ hoạt bát, năng động… thay vì để con chơi cùng với tivi, máy tính, điện thoại… hãy hướng dẫn trẻ các trò chơi dân gian thú vị này nhé.

Sưu tầm - Nguồn ảnh: Internet