Con đường đi lắm cũng mòn, người lạ gặp nhiều rồi cũng thành quen. Đây là sự thật hiển nhiên mà bất kỳ ai cũng có thể hiểu được. Và để đúc kết lại kinh nghiệm, người xưa thường có câu “trước lạ sau quen". Vậy hãy cùng phân tích chi tiết câu thành ngữ này xem có gì đặc biệt nhé!
1. “Trước lạ sau quen” có nghĩa là gì?
Để thiết lập một mối quan hệ xã hội bất kì, chúng ta cần phải có sự giao tiếp để tìm hiểu đối phương cũng như tạo ra sự gần gũi, thân thiện với họ. “Trước” và “sau” là 2 thời điểm trong quá trình giao tiếp để hình thành mối quan hệ mới.
Câu thành ngữ “Trước lạ sau quen” ý chỉ trạng thái lạ lẫm, ngại ngùng khi lần đầu gặp gỡ với một người nào đó và sau nhiều lần tiếp xúc, nói chuyện thì mọi người sẽ có sự tự nhiên cũng như sự quen thuộc, gần gũi và hiểu nhau nhiều hơn.
Ngoài cách hiểu đơn thuần như trên, câu thành ngữ “trước lạ sau quen” còn có những ý nghĩa thú vị và sâu sắc hơn trong các mối quan hệ giao tiếp cũng như trong cuộc sống hàng ngày.
2. Bài học qua câu thành ngữ “Trước lạ sau quen”
Hầu hết chúng ta đều cảm thấy khó khăn khi lần đầu tiên bắt chuyện với người khác bởi ngại ngùng, sợ hãi…Chính trạng trái không tự tin này, dường như khiến chúng ta gặp thất bại ngay trong lần đầu gặp gỡ, làm quen người khác.
Thế nhưng, dân gian đã có câu”trước lạ sau quen” như một lời nhắn gửi rằng không ai tự nhiên sinh ra đã có đầy đủ các mối quan hệ trên đời. Ngay cả cha mẹ sinh ra ta cũng cần có thời gian để “làm quen”, gắn kết; bạn bè trước khi thân cũng chỉ là người dưng, phải có gặp gỡ, nói chuyện thì dần dần chúng ta mới trở nên thân thiết và cởi mở hơn.
Vậy nên thông qua câu “trước lạ sau quen” người xưa muốn nhắn nhủ và khuyến khích con người hãy tự tin trong vấn đề giao tiếp. Có thể ban đầu chúng ta tiếp xúc với nhau sẽ có sự e dè, ngại ngùng, nhưng điều này sẽ nhanh chóng được khắc phục sau vài lần gặp gỡ.
Chưa kể, việc cố gắng tạo ra nhiều mối quan hệ mới với tâm thế “trước lạ sau quen” sẽ tạo nền tảng tốt cho công việc cũng như cuộc sống của bạn, từ đó cho bạn nhiều sự hỗ trợ và lợi thế cạnh tranh hơn. Bởi lẽ với cuộc sống hiện đại ngày nay thì “quan hệ” đóng một vai trò cực kỳ quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sự thành công của mỗi con người.
Mở rộng ra trong các công việc xã hội, câu thành ngữ “Trước lạ sau quen” còn ngầm nhắn gửi với chúng ta thông điệp rằng việc gì làm nhiều đều sẽ thành quen. Do đó, hãy sống với tâm thế đón nhận, cứ thử nhiều công việc khác nhau, cứ trải nghiệm và nghiêm túc với những công việc khó, đừng sợ hãi vì khi làm nhiều sẽ nhanh quen tay, thành thạo và tích lũy được nhiều kinh nghiệm.
Khi sống với tâm thế đó, bạn sẽ dễ dàng tìm ra được đam mê của mình, nâng cao khả năng học hỏi cũng như có thêm trải nghiệm sống quý giá. Điển hình cho khía cạnh này là hình ảnh những nhân viên khi bắt đầu công việc tại các công ty mới, họ thường bỡ ngỡ, sợ sệt và đôi khi còn gặp tình trạng “ma cũ bắt nạt ma mới”. Tuy nhiên, điều này sẽ nhanh chóng được giải quyết khi họ biết cách thích nghi với môi trường, làm quen với các đồng nghiệp cũng như xử lý tốt các công việc được giao.
Bên cạnh đó, câu thành ngữ còn chứa đựng sự động viên tinh thần “rồi mọi chuyện cũng sẽ ổn thôi” bởi vì dù có gặp công việc nào mới, khó khăn nào mới thì dần dần cũng “trước lạ sau quen” cả.
Xét về phương diện tâm lý học, điều này đúng với bản chất của con người bởi khả năng thích nghi với mọi điều kiện dù là khó khăn và khắc nghiệt nhất. Con người sẽ luôn tìm được cách ứng biến trong mọi tình huống, chỉ cần có thời gian là sẽ liên tục học hỏi để có thể nhanh chóng làm quen với môi trường.
Câu thành ngữ “trước lạ sau quen” cũng là lời động viên mỗi chúng ta hãy cứ dấn thân bước vào cuộc đời với một tinh thần tích cực, dũng cảm và luôn sẵn sàng đón nhận mọi thứ.
Xem thêm:
Bài học về giao tiếp từ câu "Nói gần nói xa chẳng qua nói thật"
3. Trước lạ sau quen dịch ra Tiếng Anh là gì?
Tiếng Việt được biết đến là một trong những ngôn ngữ khó học trên thế giới bởi sự đa dạng về ngữ nghĩa cũng như cách dùng từ linh hoạt trong từng tình huống.
Do đó, để dịch được một câu thành ngữ ẩn chứa nhiều ý nghĩa sang tiếng Anh chắc chắn là điều không dễ. Tuy nhiên, với câu “trước lạ sau quen” ta có thể dịch ra tiếng Anh thành “At first strange, now familiar”.
4. Các thành ngữ, tục ngữ liên quan đến ứng xử giao tiếp khác
Có rất ít thành ngữ đồng nghĩa với “trước lạ sau quen", tuy nhiên vẫn có một câu tương đồng điển hình mà mọi người hay nói “Nhập gia tùy tục”.
Ngoài ra, khi nói về vấn đề giao tiếp hàng ngày nhân dân ta còn có khá nhiều câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ hay khác như:
1. Chim khôn kêu tiếng rảnh rang
Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe
2. Người thanh tiếng nói cũng thanh,
Chuông kêu chuông đánh bên thành cũng kêu.
3. Lời nói chẳng mất tiền mua
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.
4. Kim vàng ai nỡ uốn câu
Người khôn ai nỡ nói nhau nặng lời.
5. Một câu nhịn bằng chín câu lành.
7. Lời nói gói vàng.
8. Nói có sách, mách có chứng.
9. Ăn có nhai, nói có nghĩ.
10. Vàng sa xuống giếng, khôn tìm,
Người sa lời nói, như chim sổ lồng.
Có thể thấy, câu thành ngữ “Trước lạ sau quen” không chỉ mang ý nghĩa về mặt giao tiếp giữa người với người, khi phân tích sâu hơn nó còn chứa đựng nhiều giá trị tinh thần khác. Mong rằng qua những phân tích về câu thành ngữ “Trước lạ sau quen” có thể giúp quý độc giả tự tin hơn và có thêm những suy ngẫm sâu sắc khi nhìn nhận cuộc sống quanh mình.