Chờ...

“Xin lửa” là gì mà gen Z sơ hở là đòi đi xin?

VOH – Khi tò mò, muốn biết thêm về một sự việc, hiện tượng nào đó trên mạng xã hội, giới trẻ thường để lại bình luận "xin lửa". Vậy cụ thể "xin lửa" có ý nghĩa gì?

Xin lửa trong quan niệm của các thế hệ trước và xin lửa của gen Z có sự khác biệt khá xa về mặt ý nghĩa. Trong từ điển của các bạn trẻ hay từ điển ngôn ngữ mạng, xin lửa chính là xin được ai đó cung cấp, chia sẻ thêm thông tin.

Từ điển gen Z – "xin lửa" là gì?

Khi quan tâm và có nhu cầu tìm hiểu về một sự việc, hiện tượng… nào đó, giới trẻ ngày nay thường bình luận “xin lửa” để nhờ cộng đồng mạng giải đáp. Người xin lửa trên mạng xã hội không xin “lửa thật” để đốt hay cầu may (theo quan niệm dân gian) mà là đang bày tỏ mong muốn được mọi người cung cấp thêm thông tin để hiểu rõ, hiểu đầy đủ về sự việc.

Xin lửa ở đây là xin được chia sẻ và ngọn lửa được ngầm hiểu là nguồn gốc, lý do dẫn đến sự việc, hiện tượng được nhắc tới. Với cách giải thích này chúng ta có thể thấy, xin lửa có ý nghĩa tương tự “xin in4”, “hóng drama”, “hóng biến”…

Hiện chưa rõ cách nói này của gen Z bắt nguồn từ đâu nhưng có thể liên quan đến việc ngọn lửa giúp soi sáng, làm rõ. Hay cách nói này cũng khiến chúng ta liên tưởng đến câu thành ngữ “Không có lửa làm sao có khói”.

xin-lua-la-gi
"Xin lửa" trên mạng xã hội được các bạn trẻ hiểu là xin thêm thông tin

Từ điển giao tiếp của gen Z rất phong phú, một số từ lóng, thuật ngữ thậm chí còn có khả năng viral mạnh trên không gian mạng trong thời gian ngắn. Xin lửa cũng là một trong số đó.

Cuối năm 2023, meme xin lửa được cộng đồng mạng yêu thích và chia sẻ vô cùng rộng rãi. Nó thường được mọi người sử dụng để xin thêm thông tin về một sự việc, hiện tượng, “drama”… mà bản thân đã bỏ lỡ, chưa kịp cập nhật để tránh “tối cổ” (chỉ người không bắt kịp các thông tin hot, các xu hướng trên mạng xã hội).

Kể từ đó, xin lửa chính thức được bổ sung vào từ điển gen Z. Song bên cạnh việc bình luận xin lửa thì giới trẻ còn sử dụng ảnh chế hài hước và diễn đạt theo nhiều cách khác nhau như “xin miếng lửa”, “xin lửa để tám”…

Xin lửa trong quan niệm của người Việt

Khác với ý nghĩa mong được cung cấp thông tin như gen Z quy ước, từ xa xưa xin lửa vốn là một phong tục.

Với người Việt, lửa và bếp được xem là linh hồn của mỗi gia đình. Thuở trước, xin lửa và giữ lửa cũng là những việc hết sức gần gũi trong cuộc sống. Nó thể hiện việc hàng xóm “tối lửa tắt đèn có nhau”, thể hiện sự gắn kết của những người dân cùng xóm, cùng làng.

tuc-xin-lua
Người dân xin lửa cầu may đầu năm ở Nam Định - Ảnh: Nguyễn Hải/Dân trí

Trong dịp Tết, người Việt ta cũng có quan niệm phải giữ lửa đủ 3 ngày để năm mới may mắn, mạnh khỏe, phát tài phát lộc, thuận buồm xuôi gió. Một số nơi có tục xin lửa đêm giao thừa ở đền, chùa để cầu mong những điều tốt đẹp đồng thời bày tỏ lòng thành kính với tổ tiên.

Tuy nhiên dân gian thường kiêng xin và cho lửa các hộ gia đình vào ngày mùng 1 đầu tháng hay đầu năm. Lý do là bởi quan niệm lửa mang đến may mắn, tài lộc và thần lửa, thần bếp có ý nghĩa rất quan trọng với một gia đình.

Cuộc sống ngày càng hiện đại, tuy rằng tục xin lửa, giữ lửa không còn phổ biến như xưa và cũng có những thay đổi nhưng xét cho cùng đây vẫn là một phong tục đẹp và có nhiều ý nghĩa.

Ngày nay, các bạn trẻ xin lửa trên mạng xã hội không phải là xin lửa theo nghĩa đen mà là muốn tìm kiếm, xin thêm thông tin. Hiện thuật ngữ này vẫn được dân tình sử dụng rộng rãi trên nhiều nền tảng mạng xã hội. Vì vậy, hy vọng phần giải thích của VOH sẽ giúp bạn không còn bỡ ngỡ khi được ai đó hỏi "xin lửa".

Đừng quên theo dõi chuyên mục Thường thức để cập nhật thêm nhiều bài viết, xu hướng thú vị!