Ý nghĩa câu nói "phá gia chi tử" là gì?

VOH - Khi con cái hư hỏng, tiêu xài phung phí hay ăn chơi bạt mạng, cha mẹ ông bà ta hay nói: “Nó là đứa phá gia chi tử”. Vậy bạn có biết, “phá gia chi tử” nghĩa là gì hay không?

“Phá gia chi tử” là câu nói rất quen thuộc, được sử dụng nhiều trong đời sống hàng ngày. Câu nói này là một lời chê bai, đồng thời cũng phản ánh sự thất bại của cha mẹ trong việc giáo dục con cái. Vậy “phá gia chi tử” là gì, hãy cùng VOH tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

“Phá gia chi tử” nghĩa là gì?

Khi nghe cụm từ “phá gia chi tử”, chúng ta ít nhiều cũng hiểu được ý nghĩa câu nói. Theo từ điển tiếng Việt, “phá gia chi tử” có nghĩa là con cái hư hỏng, làm tan nát tài sản gia đình.

Cụm từ “phá gia chi tử” cũng thường được dùng để đề cập đến những đứa con trong gia đình có thói ăn tiêu phung phí, chơi bời bạt mạng, tiêu tiền của một cách không thương tiếc.

Trong tiếng Trung, thành ngữ “phá gia chi tử” được viết là 败家子 (bài jiā zi). Câu thành ngữ dùng để ám chỉ những người không có tài, đức nhưng lại rất giỏi trong việc phá hoại gia sản do tiền nhân tạo dựng.

voh-pha-gia-chi-tu
Ý nghĩa câu nói "Phá gia chi tử" là gì? - Ảnh: Internet

Vì sao có những người được gọi là “phá gia chi tử”

Ông bà xưa có câu nói: “Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời”, bởi sự giàu nghèo có thể thay đổi do tâm tính con người. Một gia đình giàu có ở thời điểm hiện tại nhưng ngày sau chưa chắc vẫn giữ được số gia sản ấy, bởi chỉ cần họ gặp phải đứa con “phá gia chi tử” thì mọi của cải, tiền bạc có thể sẽ “mọc cánh mà bay.

Trong xã hội xưa, có rất nhiều những kẻ được mệnh danh là “phá gia chi tử”. Xã hội ngày nay, những kẻ làm khổ gia đình cũng không phải ít. Một gã đàn ông tuổi ngoài 30 nhưng vẫn lông bông không nhà không cửa, không công việc, sống bám mẹ cha.

Khi rủng rỉnh tiền bạc trong túi thì “lặn” mất tăm hơi, hàng tháng không về. Khi túi hết tiền, lại về nhà nằm dài cho cha mẹ nuôi. Cả ngày chỉ biết ăn rồi ngủ, cà phê, tụ tập bạn bè. Quần áo không biết giặt, cơm không biết nấu, chén không biết rửa. Chỉ biết một thứ duy nhất đó là ngửa tay xin tiền cha mẹ già.

Đây là một câu chuyện rất điển hình của những kẻ “phá gia chi tử” mà theo quan niệm dân gian đó là “nghiệp” của cha mẹ. Theo ông bà xưa, trong bất kỳ một gia đình nào dường như cũng sẽ có một đứa con kiểu “phá gia chi tử”. Những đứa con này sẽ gánh “nghiệp” của gia đình.

Mặc dù chỉ là quan niệm được lưu truyền trong dân gian, thế nhưng một số gia đình có con cái hư hỏng, ăn chơi hoang tàn vẫn luôn đổ lỗi cho số phận. Và nghĩ rằng những đứa con “phá gia chi tử” chính là “nghiệp” họ phải trả, mà không hề biết việc một quý tử biến thành kẻ “phá gia chi tử” đều do một tay cha mẹ uốn nắn mà ra.

Nguyên nhân khiến quý tử thành kẻ “phá gia chi tử”

Tất cả trẻ em sinh ra trên đời đều giống như những tờ giấy trắng, kiến thức cũng như sự hiểu biết của chúng bằng 0. Việc biến một đứa trẻ thành một người tri thức, thông tuệ, giỏi giang, hay một kẻ “phá gia chi tử” chính là do cách dạy dỗ của cha mẹ ngay từ đầu.

Dung túng cho hành vi sai trái, bao bọc, nuông chiều quá mức sẽ là tiền đề khiến cho con cái sớm trở thành kẻ “phá gia chi tử”. Dưới đây là 5 việc sai trái mà các bậc cha mẹ hay làm nhất đối với con cái của mình.

Nuôi dưỡng trong “sự giàu có”

Nhiều cha mẹ hiện nay rất thích nuôi dạy con cái trong sự giàu có. Họ nghĩ rằng chỉ cần cho con những gì tốt đẹp nhất thì chắc chắn chúng sẽ hạnh phúc và không chịu sự đau khổ nào ở tương lai.

Thế nhưng, những đứa trẻ được nuôi dạy trong sự giàu có lại rất dễ đi sai đường, bởi sự giáo dục sai lệch của cha mẹ tạo điều kiện cho chúng được phép lười biếng, kén chọn và không có khả năng thích nghi với mọi hoàn cảnh.

Cha mẹ chẳng thể nào đi cùng con đến hết cuộc đời. Khi cha mẹ mất, con cái mất đi điểm tựa và khiến cho những “cậu ấm cô chiêu” bỗng chốc chẳng biết mình ai và phải làm gì trên cuộc đời này. Thế nên, trong quá trình con trẻ trưởng thành, hãy để chúng tự trải nghiệm nhiều hơn.

voh-pha-gia-chi-tu-1
"Phá gia chi tử" khởi nguồn từ cách nuôi dạy sai lệch của cha mẹ - Ảnh: Internet

Chưa bao giờ bắt buộc con phải kiếm tiền

Những đứa trẻ khi được sống trong điều kiện quá thoải mái, chúng sẽ không biết được việc kiếm tiền khó khăn như thế nào.

Đừng hỏi tại sao những đứa con “phá gia chi tử” không biết quý trọng tài sản, tiền bạc của cha mẹ cực khổ kiếm được. Bởi vì, những đứa trẻ ấy chưa bao giờ phải đi kiếm tiền nên sẽ không biết được việc kiếm được những đồng tiền là khó khăn, vất vả ra sao. Và càng không biết trân trọng những đồng tiền mà cha mẹ đã cực khổ làm ra để chúng tiêu xài.

Cho con quyền được tự cao tự đại

May mắn và tai họa thường phụ lẫn nhau. Đằng sau may mắn của việc được sinh trong gia đình giàu có luôn tiềm ẩn những rủi ro nhất định, một trong số đó là trẻ có thể phá nát gia sản mà cha mẹ gầy dựng chỉ vì cha mẹ không biết cách giáo dục, định hướng cho trẻ ngay từ đầu.

Việc một đứa trẻ sinh ra có tính tự cao tự đại hoặc cha mẹ cho phép trẻ được phép tự cao tự đại sẽ có thể trở thành con dao 2 lưỡi, khiến trẻ mất đi tất cả mọi thứ ở tương lai.

Không dạy con bài học vượt qua thất bại

Chỉ số thông minh để đánh giá mức độ thông minh của một người. Chỉ số cảm xúc là khả năng hiểu, sử dụng và quản lý cảm xúc của một người. Nếu một đứa trẻ có thể vượt qua được những thất bại mà chẳng gục ngã thì mới đủ điều kiện để thành công.

Một người bình thường chỉ cần trải qua chút thất bại sẽ cảm thấy khó chịu, bực tức, chính điều này khiến họ không thể thành công được.

“Phá gia chi tử” là câu nói có từ lâu đời và ý nghĩa của nó có lẽ cũng còn nhiều điều sâu xa, bí ẩn mà đôi lúc lớp người trẻ sau này khó lòng hiểu hết. Dẫu vậy, khi đã hiểu được ý nghĩa cơ bản, hy vọng rằng tất cả chúng ta sẽ không để bản thân bị gọi là kẻ “phá gia chi tử”.

Đừng quên cập nhật liên tục những bài viết mới nhất, hấp dẫn nhất tại VOH Sống đẹp.

Bình luận