Tuy có kích thước nhỏ bé hơn nhiều so với củ cải trắng nhưng nguồn chất dinh dưỡng có trong củ cải đỏ thì không hề “thua kém”. Chính vì lý do đó nên tại một số quốc gia củ cải đỏ còn được mệnh danh là “tiểu nhân sâm”.
1. Tìm hiểu về củ cải đỏ
Củ cải đỏ (hay còn gọi là củ cải đường) có tên khoa học là Raphanus sativa, thuộc họ Cải (Brassicaceae). Củ cải đỏ thường bị nhầm lẫn với củ dền, song thực tế đây hoàn toàn là hai loại củ khác nhau.
1.1 Nguồn gốc
Theo nhiều tài liệu ghi chép, củ cải đỏ được cho là có nguồn gốc từ khu vực Châu Á, sau đó được canh trồng rộng rãi ở hầu khắp các quốc gia trên thế giới. Đặc biệt cách đây hơn 2500 năm, loài củ này đã xuất hiện phổ biến trong các bài thuốc điều trị bệnh tại Hy Lạp và La Mã cổ đại.
1.2 Đặc điểm
Cây củ cải đỏ thuộc nhóm cây thu hoạch ngắn ngày, chỉ khoảng sau 35 ngày kể từ khi gieo giống thì có thể thu hoạch củ. Phần lớn củ có dáng hình cầu nhỏ hoặc hình trụ ngắn, lớp vỏ đỏ hồng và phần lá dài, xanh mướt.
Vốn là cây trồng ưa khí hậu mát mẻ (nhiệt độ từ 17 tới 20 độ C) nên gần như tại Việt Nam, củ cải đỏ thường phát triển tập trung tại Đà Lạt hay Sapa.
2. Ăn củ cải đỏ có tác dụng gì với sức khỏe?
Bổ sung củ cải đỏ với lượng hợp lý vào khẩu phần ăn hàng ngày sẽ giúp cơ thể hấp thu thêm dưỡng chất thiết yếu như vitamin C, vitamin B6, vitamin B9, các khoáng chất và chất kháng viêm mạnh. Từ đó hỗ trợ cải thiện một số vấn đề sức khỏe thường gặp sau:
2.1 Thanh nhiệt, giải độc
Một số nghiên cứu đã được tiến hành và nhận thấy rằng củ cải đỏ cung cấp các nhóm chất vô cùng quan trọng với hoạt động đào thải độc tố của gan, điển hình như indole-3-carbinol hay betacyanin. Những hoạt chất này cũng góp phần kích thích sản xuất dịch mật – thành tố tham gia nhũ hóa chất béo.
Xem thêm: Giải nhiệt cơ thể nhanh 'cấp tốc' bằng những cách đơn giản
2.2 Cải thiện hệ miễn dịch
Dựa trên phân tích dinh dưỡng, hàm lượng vitamin C được tìm thấy trong củ cải đỏ vô cùng lớn, trung bình 100g phần ăn được của loại củ này cung cấp khoảng 20mg vitamin C, tương đương với 14% nhu cầu hàng ngày.
Theo đó, vitamin C khi vào cơ thể sẽ đảm nhiệm vai trò kích thích sản xuất các oxy phản ứng và tế bào bạch cầu trung tính, tăng cường sức để kháng để tiêu diệt mầm bệnh nguy hiểm.
2.3 Kích thích tiêu hóa
Củ cải đỏ là một trong những thực phẩm khá “thân thiện” với hệ tiêu hóa, bổ sung lượng chất xơ cần thiết cho quá trình hấp thu cũng như bài tiết chất thải. Chất xơ có khả năng đẩy nhanh quá trình lên men vi khuẩn ở ruột già, kích thích trực tràng co bóp, đồng thời tăng hút nước làm mềm phân, giúp khắc phục hiệu quả tình trạng táo bón.
2.4 Điều hòa huyết áp
Trong củ cải đỏ có chứa hàm lượng khoáng chất kali tương đối dồi dào, giúp điều hòa nồng độ chất lỏng bên trong và ngoài tế bào nhằm duy trì huyết áp ở mức ổn định. Chính vì thế, người bệnh đang điều trị huyết áp cao hoàn toàn có thể sử dụng loại củ này trong thực đơn hàng ngày.
Xem thêm: Chế độ ăn uống và thực phẩm dành cho người bệnh cao huyết áp
2.5 Ngăn ngừa tình trạng kháng insulin
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến khích chúng ta thêm củ cải đỏ vào khẩu phần ăn bởi đây là cách hấp thu thêm dưỡng chất glucosinolate và isothiocyanate. Hai hoạt chất này có đặc tính ngăn chặn sự gia tăng đường huyết đột ngột, đồng thời giảm thiểu tối đa tình trạng kháng insulin ở người bệnh tiểu đường.
2.6 Phòng chống ung thư
Không chỉ hỗ trợ kiểm soát nồng độ đường trong máu, isothiocyanate và vitamin C từ củ cải đỏ còn kết hợp với nhau lập “hàng rào” bảo vệ các tế bào khỏi sự tấn công của gốc tự do, hạn chế tỉ lệ tổn thương và nguy cơ mắc các bệnh ung thư nguy hiểm.
Xem thêm: 12 thực phẩm giàu chất chống oxy hóa giúp bạn 'hạ gục' các gốc tự do gây ung thư
2.7 Giảm căng thẳng
Nếu muốn tìm một thực phẩm giúp bạn giải tỏa căng thẳng hữu hiệu thì đừng vội bỏ qua củ cải đỏ. Thưởng thức các món ăn từ loại củ này bạn sẽ tiếp nạp thêm lượng chất betaine – một trong những thành phần quan trong thúc đẩy sản sinh hormone hạnh phúc serotonin.
2.8 Tốt cho bệnh nhân hen suyễn
Củ cải đỏ có đặc tính chống xung huyết do vậy rất có lợi cho bệnh nhân hen suyễn. Người bị bệnh hen suyễn thường bị sung huyết đường hô hấp, củ cải đỏ sẽ cải thiện được những dấu hiệu này.
Các nghiên cứu khoa học còn chỉ ra rằng, củ cải đỏ có khả năng chống các kháng nguyên gây dị ứng đường hô hấp, giúp bảo vệ các lớp lót đường hô hấp khỏi bị nhiễm trùng.
Xem thêm: Bệnh hen suyễn và những điều cần biết trong phòng ngừa, điều trị
2.9 Tăng cường hấp thu chất sắt
Bên cạnh vitamin C, củ cải đỏ cũng cung cấp vitamin B6 tự nhiên và giúp thúc đẩy sự hấp thu sắt, tham gia vào việc tổng hợp hemoglobin. Do đó, lượng oxy hemoglobin tăng cao giúp bồi bổ thể lực, phòng ngừa thiếu máu.
3. Bà bầu ăn củ cải đỏ được không?
Cũng giống như củ cải trắng, củ cải đỏ được đánh giá là thực phẩm lành mạnh mà mẹ bầu có thể yên tâm sử dụng trong thai kì. Các chất dinh dưỡng quý giá từ củ cải đỏ vừa giúp tăng cường sức khỏe của mẹ, vừa đảm bảo thai nhi phát triển khỏe mạnh, toàn diện.
4. Các món ngon từ củ cải đỏ
Như đã chia sẻ, thời gian cây củ cải đỏ cho “thành phẩm” khá nhanh nên bạn có thể tìm mua loại củ này để chế biến món ăn quanh năm với giá thành không quá cao. Củ cải đỏ thường được sử dụng trực tiếp để làm nước ép, salad hay đem ngâm chua ngọt, cầu kì hơn là đem nấu chín trong các món súp, món hầm.
Xem thêm: 'Làm mới' thực đơn với 5 món ngon từ củ cải đỏ, dễ làm mà vô cùng bổ dưỡng
5. Một số lưu ý cần biết khi ăn củ cải đỏ
Dù củ cải đỏ đem đến hàm lượng lớn các chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe nhưng đó cũng có thể là “con dao hai lưỡi”, gây ra các tác dụng phụ nguy hại nếu chúng ta không biết sử dụng đúng khoa học. Vì thể để tận dụng tối đa lợi ích sức khỏe từ loại củ này, cần ghi nhớ thực hiện đúng một số lưu ý dưới đây:
5.1 Chọn mua củ cải đỏ chất lượng
Tìm mua củ cải đỏ khá dễ dàng song phải đảm bảo rằng củ có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Chú ý lựa củ còn nguyên vẹn, không bị dập nát, lá còn xanh tươi. Không nên chọn củ có kích thước quá lớn bởi vị sẽ kém ngọt, sượng cứng rất khó ăn.
5.2 Không ăn quá nhiều
Kiểm soát lượng củ cải đỏ trong khẩu phần ăn hàng ngày là điều cần đặc biệt quan tâm. Tuyệt đối không nên lạm dụng, ăn quá nhiều, tốt nhất chỉ nên dùng khoảng 120 – 150g củ cải đỏ mỗi bữa, trong tuần ăn khoảng 1 -2 bữa là hợp lý. Ngoài ra, nếu uống nước ép củ cải đỏ thì nên duy trì ở mức 100 - 120ml mỗi lần.
5.3 Hạn chế ăn khi đang điều trị bệnh thận
Hấp thu hàm lượng khoáng chất kali vượt mức an toàn từ củ cải đỏ sẽ làm tăng áp lực lên hoạt động của thận, tăng tỉ lệ tích tụ sỏi thận oxalat. Do vậy, nếu thuộc đối tương đang điều trị các bệnh lý liên quan đến thận như sỏi thận, suy thận thì nên cân nhắc và tham vấn ý kiến bác sĩ trước khi dùng củ cải đỏ.
Xem thêm: Bệnh sỏi thận là gì? Tìm hiểu những thông tin chi tiết về bệnh sỏi thận
6. Thành phần dinh dưỡng của củ cải đỏ
Hàm lượng chất dinh dưỡng trong 100g phần ăn được của củ cải đỏ được phân tích như sau:
- Năng lượng: 15 kcal
- Vitamin C: 20mg
- Vitamin B6: 0.1mg
- Vitamin B9: 15.66 mcg
- Kali: 233mg
- Natri: 39mg
- Canxi: 25mg
- Magie: 10mg
- Sắt: 0.3mg
Hy vọng rằng những thông tin dinh dưỡng cũng như công dụng cải thiện sức khỏe của củ cải đỏ trên đây sẽ giúp ích cho bạn trong quá trình lựa chọn, bổ sung loại củ này trong thực đơn hàng ngày. Hãy sử dụng thật khoa học, hợp lý để cải thiện sức khỏe thật tốt nhé.