Tiêu điểm: Nhân Humanity

Vitamin B6 có tác dụng gì? Bổ sung thế nào cho đúng cách?

(VOH) – Vitamin B6 thuộc nhóm vitamin nhóm B và được biết đến như một loại thuốc bổ tốt cho cơ thể. Vậy vitamin B6 có tác dụng gì và bổ sung sao cho đúng cách?

Vitamin B6 là một dưỡng chất khá quan trọng đối với cơ thể, nó có nhiệm vụ duy trì sự hoạt động ổn định của nhiều cơ quan, đặc biệt là hệ thần kinh và hệ miễn dịch. Cơ thể thiếu hay thừa vitamin B6 đều sẽ gây ra nhiều hệ lụy sức khỏe.

1. Vitamin B6 là gì?

Vitamin B6 (pyridoxin) là một trong tám loại vitamin B phức hợp, có vai trò rất quan trọng đối với chức năng, hoạt động của tế bào. Đây là một loại vitamin tan trong nước, nên cơ thể không dự trữ vitamin B6 mà sẽ thải bất kỳ lượng dư thừa nào qua nước tiểu. 

Vitamin B6 tồn tại dưới 3 dạng là: Pyridoxal, Pyridoxin và Pyridoxamin. Khi vào cơ thể, các dạng này sẽ chuyển hóa thành dạng hoạt động là Pyridoxal phosphat và Pyridoxamin phosphat, hoạt động như những coenzym.

vitamin-b6-co-tac-dung-gi-voh-0
Vitamin B6 (pyridoxin) là một trong tám loại vitamin B phức hợp (Nguồn: Internet)

Tất cả các vitamin nhóm B, bao gồm vitamin B6 đều đóng một vai trò thiết yếu trong một loạt các chức năng thể chất và tâm lý của con người. Chúng giúp duy trì chức năng thần kinh, chức năng gan, trao đổi chất, tăng cường năng lượng cũng như tốt cho da, tóc và móng của bạn. Khi cơ thể thiếu vitamin B6 sẽ dễ bị mệt mỏi, khó chịu, lo âu, trầm cảm.

2. Vitamin B6 có tác dụng gì?

Vitamin B6 tham gia vào rất nhiều chức năng trong cơ thể, nó đóng một vai trò trong các phản ứng enzym. Một trong những vai trò chính của nó là giúp cơ thể chuyển hóa protein, chất béo và carbohydrate thành năng lượng.

Hơn thế, vitamin này cũng tham gia vào:

  • Chức năng hệ thống miễn dịch
  • Phát triển trí não trong thời kỳ mang thai và ở trẻ sơ sinh
  • Tạo ra chất dẫn truyền thần kinh, bao gồm serotonin và dopamine
  • Tạo ra hemoglobin, là một phần của tế bào hồng cầu mang oxy.

Dưới đây là những tác dụng của vitamin B6 đối với sức khỏe:

2.1 Cải thiện tâm trạng

Vitamin B6 đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh tâm trạng, bởi nó có thể tạo ra chất dẫn truyền thần kinh, điều chỉnh cảm xúc.

Ngoài ra, vitamin B6 cũng có thể đóng một vai trò trong việc làm giảm nồng độ axit amin homocysteine ​​cao trong máu, có liên quan đến trầm cảm và các vấn đề tâm thần khác.

Ngoài ra, một nghiên cứu ở 250 người lớn tuổi phát hiện ra rằng thiếu vitamin B6 trong máu làm tăng gấp đôi khả năng bị trầm cảm (1). Tuy nhiên, nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng sử dụng vitamin B6 không phải là một phương pháp điều trị hiệu quả cho các rối loạn tâm trạng. (2)

2.2 Ngăn ngừa suy giảm chức năng não

Vitamin B6 có thể giúp ngăn ngừa sự suy giảm chức năng não bằng cách giảm mức độ homocysteine ​​có liên quan đến bệnh Alzheimer và suy giảm trí nhớ. Bởi vitamin này có khả năng làm giảm nồng độ homocysteine ​​cao trong máu – một nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer. (3)

2.3 Ngăn ngừa và điều trị bệnh thiếu máu

Vitamin B6 góp mặt trong quá trình sản xuất hemoglobin, vì thế chúng có thể hữu ích trong việc ngăn ngừa và điều trị bệnh thiếu máu.

Cơ thể không nhận đủ vitamin B6 có thể dẫn đến hemoglobin thấp và gây thiếu máu. Vì vậy bổ sung vitamin B6 là một trong những cách để bạn có thể ngăn ngừa hoặc điều trị những vấn đề này.

Xem thêm: Tất tần tật về bệnh thiếu máu, chủ động nhận biết để điều trị kịp thời và đúng cách

2.4 Điều trị các triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt

Vitamin B6 đã được sử dụng để điều trị các triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt bao gồm lo lắng, trầm cảm và cáu kỉnh, vì chúng có thể giúp tạo ra các chất dẫn truyền thần kinh điều chỉnh tâm trạng.

2.5 Giảm ốm nghén

Giúp giảm ốm nghén trong thai kỳ chính là một trong những công dụng của vitamin B6. Khi tình trạng ốm nghén kéo dài, mẹ bầu sẽ được khuyến nghị bổ sung thêm vitamin B6.

vitamin-b6-co-tac-dung-gi-voh-1
Vitamin B6 có thể giúp giảm tình trạng nghén khi mang thai (Nguồn: Internet)

2.6 Ngăn chặn động mạch bị tắc và giảm nguy cơ mắc bệnh tim

Cơ thể được cung cấp đủ vitamin B6 có thể ngăn ngừa các động mạch bị tắc nghẽn và giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Nguyên nhân là do vitamin B6 có thể làm giảm mức độ homocysteine tăng cao, góp phần thu hẹp động mạch, từ đó giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Một số nghiên cứu cũng chứng minh, những người có nồng độ vitamin B6 trong máu thấp sẽ có nguy cơ tăng bệnh tim mạch gấp đôi so với những người có nồng độ vitamin B6 cao. (4)

2.7 Ngăn ngừa ung thư

Cung cấp đủ vitamin B6 cho cơ thể có thể làm giảm nguy cơ phát triển một số loại ung thư.

Các nghiên cứu ghi nhận, chế độ ăn uống đầy đủ vitamin B6 sẽ có tác động tích cực đến việc ngăn ngừa bệnh ung thư như ung thư đại trực tràngung thư vú. Cũng như làm giảm các bệnh mãn tính khác ảnh hưởng đến sức khỏe. (5) (6) (7) (8)

Tuy nhiên, vẫn cần thêm nhiều cuộc nghiên cứu hơn nữa để chứng minh vitamin B6 hỗ trợ tốt trong việc điều trị và ngăn ngừa ung thư.

2.8 Bảo vệ mắt, ngăn ngừa các bệnh về mắt

Vitamin B6 đóng một vai trò trong việc ngăn ngừa các bệnh về mắt, đặc biệt là một dạng mất thị lực ảnh hưởng đến người lớn tuổi được gọi là thoái hóa điểm vàng do tuổi tác (AMD).

Ngoài ra, khi lượng B6 trong máu đầy đủ cũng có thể giúp ngăn ngừa các vấn đề ảnh hưởng đến võng mạc.

2.9 Hỗ trợ điều trị viêm khớp

Một tác dụng khác của vitamin B6 là nó có thể giúp giảm các triệu chứng liên quan đến viêm khớp dạng thấp.

Nghiên cứu cho thấy, viêm liên quan đến viêm khớp dạng thấp có thể làm giảm nồng độ vitamin B6 trong máu (9). Và việc bổ sung B6 liều cao có thể giúp điều chỉnh sự thiếu hụt và giảm viêm, tuy nhiên cần phải nghiên cứu thêm để xác nhận tác dụng này.

Xem thêm: Dù còn trẻ cũng đừng thờ ơ với bệnh viêm khớp dạng thấp, có thể bại liệt nếu bạn quá chủ quan

3. Nhu cầu hàng ngày của cơ thể với vitamin B6

Theo Dược thư Quốc gia, nhu cầu vitamin B6 hàng ngày ở những người khỏe mạnh là:

  • Trẻ dưới 6 tháng tuổi: 0.1mg ( 0.01 mg/kg)/ ngày
  • Trẻ từ 6 đến 12 tháng tuổi: 0.3mg (0.03mg/kg)/ ngày
  • Trẻ từ 1 đến 3 tuổi: 0.5mg
  • Trẻ từ 4  đến 9 tuổi: 0.6mg
  • Trẻ từ 9 đến 13 tuổi: 1mg/ngày
  • Từ 14 đến 19 tuổi: nam giới  là 1.3mg/ ngày và nữ giới là 1.2 mg/ ngày
  • Từ 20 – 50 tuổi: 1.3mg/ ngày ở cả nam và nữ.
  • Người lớn hơn 50 tuổi: nam giới là 1.7mg/ ngày và nữ giới là 1.5mg/ ngày
  • Phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú: từ 2.1 đến 2.2mg/ ngày

Tuy nhiên, việc bổ sung vitamin B6 cần dựa vào tình trạng sức khỏe của mỗi người để có cách dùng phù hợp và an toàn. Do đó, tốt nhất bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng để không gặp phải những tác dụng phụ không mong muốn.

4. Vitamin B6 có trong thực phẩm nào?

Cơ thể không thể tự sản xuất vitamin B6, vì vậy bạn phải lấy nó từ thực phẩm hoặc chất bổ sung. Hầu hết mọi người nhận đủ vitamin B6 thông qua chế độ ăn uống hàng ngày.

vitamin-b6-co-tac-dung-gi-voh-2
Vitamin B6 có thể được tìm thấy từ các loại thực phẩm có nguồn gốc từ động vật và thực vật (Nguồn: Internet)

Dưới đây là một số thực phẩm giàu vitamin B6:

  • Nguồn vitamin B6 từ động vật: Thịt bò, thịt heo, thịt gia cầm, cá,...
  • Nguồn vitamin B6 từ thực vật: Ngũ cốc nguyên hạt, khoai tây, mầm đậu nành, đậu phộng, rau bina, cà rốt, súp lơ, bắp cải, dưa hấu, chuối,…
  • Vitamin B6 cũng được một số vi khuẩn đường ruột tổng hợp, cung cấp một phần cho cơ thể.

Lưu ý: Vitamin B6 rất dễ tan trong nước, dễ mất tác dụng khi nấu ở nhiệt độ cao do đó cần chú ý trong khâu bảo quản và chế biến. Thực phẩm nếu được bảo quản tốt thì lượng vitamin B6 cung cấp qua thức ăn đã có thể đáp ứng đủ nhu cầu của cơ thể.

5. Những đối tượng thường thiếu vitamin B6 trong cơ thể?

Tiêu thụ đủ lượng vitamin B6 là rất quan trọng để có sức khỏe tối ưu và thậm chí có thể ngăn ngừa và điều trị các bệnh mãn tính.

Chỉ cần sử dụng thực phẩm giàu vitamin B6 là bạn đã có thể cung cấp đủ lượng vitamin cơ thể cần mỗi ngày. Cho nên tình trạng thiếu hụt vitamin B6 thường rất ít xảy ra. Những trường hợp thiếu vitamin B6 chủ yếu xảy ra ở những người:

  • Rối loạn hấp thu, rối loạn chuyển hóa bẩm sinh hoặc rối loạn do thuốc gây nên.
  • Người bị nghiện rượu, bỏng, suy tim sung huyết, sốt kéo dài, từng lọc máu, cắt bỏ dạ dày, nhiễm khuẩn đường ruột.
  • Người điều trị lao bằng thuốc isoniazid, phụ nữ uống thuốc tránh thai.

Khi cơ thể thiếu vitamin B6 sẽ gây ra những biểu hiện bên ngoài như: ăn mất ngon, ngủ mê, buồn rầu, tinh thần dễ kích động, bắp thịt co rút, co giật, tê đầu ngón tay, da khô, thiếu hồng cầu, giảm sinh lực...

Tình trạng thiếu hụt kéo dài có thể dẫn đến các bệnh nguy hiểm như: thiếu máu nguyên bào sắt, viêm dây thần kinh ngoại vi, khô nứt môi, viêm da tăng bã nhờn. Ở một số trường hợp hiếm gặp, trẻ sơ sinh bị hội chứng lệ thuộc pyridoxin di truyền, cần phải dùng một lượng lớn Vitamin B6 trong tuần đầu sau sinh để ngăn chặn cơn co giật.

6. Các dạng thuốc bổ sung vitamin B6

Khi cơ thể thiếu hụt vitamin B6, bạn sẽ cần bổ sung vitamin này thông qua thuốc uống. Vitamin B6 hiện nay cũng được bào chế thành các dạng thuốc bao gồm:

  • Viên nén với các hàm lượng 10mg, 25mg, 50mg, 100mg, 250mg, 500mg.
  • Viên nén tác dụng kéo dài với các hàm lượng 100mg, 200mg, 500mg.
  • Viên nang tác dụng kéo dài: 150mg
  • Hỗn dịch uống hàm lượng 200mg/5ml
  • Thuốc tiêm: 100mg/ml

Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc vitamin B6 cần phải có sự tư vấn từ bác sĩ để tránh trường hợp dùng sai liều lượng dẫn đến tình trạng dư thừa vitamin B6 trong cơ thể.

7. Tác dụng phụ khi cơ thể thừa vitamin B6

Vitamin B6 thường không độc, tuy nhiên nếu bổ sung vitamin B6 trên 10mg/ngày có thể làm cho gan tạo ra các men bất thường. Đặc biệt, nếu cơ thể nhận vitamin B6 với hàm lượng 200mg/ngày hoặc hơn trong thời gian dài, có thể gây ra các tình trạng như:

Đau đầu, co giật sau khi tiêm tĩnh mạch liều cao, buồn ngủ lơ mơ.

  • Nhiễm acid, lượng acid folic trong cơ thể giảm.
  • Gây cảm giác buồn nôn, và nôn.
  • Men gan tăng.
  • Viêm dây thần kinh ngoại vi nặng với các triệu chứng là: Đứng không vững, tê cóng bàn chân, vụng về bàn tay.

Như vậy, vitamin B6 thực sự là một loại vitamin quan trọng đối với nhiều quá trình trong cơ thể. Hầu hết chúng ta đều nhận đủ vitamin B6 từ chế độ ăn uống hàng ngày. Những trường hợp thiếu vitamin B6 cần được bổ sung bằng thuốc thuốc dưới sự chỉ định của bác sĩ.

Bình luận