Bí ngòi vốn không phải là giống bí “bản địa” ở Việt Nam ta, thế nhưng chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, giống bí này đã được yêu thích và tìm mua để thêm vào thực đơn hàng ngày. Giờ thì hãy cùng tìm hiểu kĩ hơn về đặc điểm, thành phần dinh dưỡng cũng như tác dụng của bí ngòi với sức khỏe trong bài viết dưới đây nhé!
1. Bí ngòi là bí gì?
Bí ngòi (hay bí ngồi, bí Nhật Bản) là bí có nguồn gốc từ châu Mỹ, tên khoa học Cucurbita pepo, dáng hình trụ dài khoảng 20 – 25cm, nặng khoảng 300 – 400g, vỏ xanh sẫm, phần thịt màu vàng be và tương đối giòn ngọt. Tuy cùng thuộc chi bí nhưng khác với bí đao (bí xanh) thông thường, bí ngòi không leo giàn mà sinh trưởng sát mặt đất, với 2 giống bí ngòi điển hình là bí ngòi xanh và bí ngòi vàng.
2. Tác dụng của bí ngòi với sức khỏe
Tận dụng bí ngòi làm nguyên liệu chế biến các món ngon không chỉ giúp bạn “đổi vị” mới lạ mà còn chủ động bổ sung cho cơ thể rất nhiều chất dinh dưỡng quý giá, gồm chất xơ, vitamin cùng các khoáng chất. Dưới đây là những tác dụng của bí ngòi với sức khỏe mà có thể bạn chưa từng biết tới:
2.1 Tốt cho mắt
Theo phân tích dinh dưỡng, hàm lượng vitamin A được tìm thấy trong bí ngòi tương đối dồi dào và cực kì cần thiết cho đôi mắt, trung bình 100g bí ngòi chứa khoảng 200IU vitamin A. Chưa hết, bí ngòi (đặc biệt là bí ngòi xanh) còn cung cấp lutein và zeaxanthin – hai hoạt chất góp phần hình thành sắc tố võng mạc, có khả năng làm chậm tiến trình thoái hóa điểm vàng, giảm tỉ lệ bị đục thủy tinh thể.
2.2 Giữ nước cho cơ thể
Bạn có biết bí ngòi xanh có tới 95% là nước. Và đó chính là lý do những món ngon từ bí ngòi xanh rất phổ biến vào mùa hè, vì chúng vừa mang hương vị ngọt thanh, vừa góp phần không nhỏ trong việc bù và giữ nước cho cơ thể.
Xem thêm: Bất ngờ với những hậu quả khi cơ thể bị mất nước, không đơn giản như nhiều người vẫn nghĩ
2.3 Hỗ trợ giảm cân
Nếu đang thực hiện chế độ ăn giảm cân thì bạn đừng bỏ qua bí ngòi. Giống như các loại rau quả khác, bí ngòi rất giàu chất xơ nhưng lại chứa ít calo nên khi ăn bạn sẽ cảm thấy no lâu và kiểm soát cơn thèm ăn khá hiệu quả.
2.4 Tốt cho bệnh nhân tiểu đường
Tăng cường ăn các thực phẩm chứa lượng lớn chất xơ như bí ngòi cũng là một trong những khuyến cáo được đưa ra bởi các chuyên gia dinh dưỡng. Theo đó, chất xơ được xem như một chìa khóa quan trọng làm chậm quá trình chuyển hóa đường vào máu, giảm tình trạng kháng insulin và kiểm soát nồng độ đường huyết ổn định.
2.5 Điều hòa huyết áp
Bí ngòi được đánh giá là loại rau quả khá lành mạnh với sức khỏe của tim mạch bởi trong 100g bí có chứa tới hơn 230mg khoáng chất kali (tương đương hơn 6% nhu cầu hàng ngày của cơ thể). Khoáng chất này khi vào cơ thể sẽ đào thải lượng muối natri dư thừa, cân bằng thể tích dịch, điều hòa huyết áp và hạn chế nguy cơ mắc các bệnh lý liên quan đến tim mạch.
2.6 Tốt cho hệ thần kinh
Có thể nói bí ngòi được xếp vào nhóm thực phẩm cung cấp rất phong phú các vitamin nhóm B, trong đó chiếm hàm lượng lớn nhất là vitamin B6 (ngang với 13% giá trị hàng ngày). Dưỡng chất này sẽ duy trì hoạt động của hệ thần kinh, đồng thời tham gia sản xuất chất dẫn truyền thần kinh và các hormone như melatonin, serotonin hay norepinephrine.
2.7 Phòng chống ung thư
Không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì thị lực, các hoạt chất chống oxy hóa mạnh như lutein hay zeaxanthin còn là thành tố thiết yếu ức chế hình thành khối u, giảm thiểu tỉ lệ oxy hóa tế bào. Điều này chính là yếu tố then chốt ngăn chặn tối đa các căn bệnh ung thư nguy hiểm.
2.8 Củng cố xương chắc khỏe
Bổ sung bí ngòi vào khẩu phần ăn hàng ngày là lựa chọn hoàn hảo để bạn củng cố hệ vận động và nuôi dưỡng xương khớp chắc khỏe. Tuy hàm lượng các khoáng chất như canxi, magie, photpho hay mangan từ bí ngòi không quá lớn song chúng đều sẽ trực tiếp tham gia hình thành nên tế bào xương mới, tăng mật độ khoáng xương và phòng ngừa loãng xương sớm.
2.9 Ngăn ngừa dị tật bẩm sinh
Theo khuyến cáo, trong quá trình xây dựng thực đơn dưỡng thai, các bà bầu vẫn ăn được bí ngòi. Loại bí mềm ngọt này vừa dễ ăn, giúp mẹ cảm thấy ngon miệng, vừa đem tới nhiều lợi ích cho sức khỏe thai kì. Lúc này các vitamin nhóm B – điển hình là vitamin B6 và vitamin B9 (axit folic) sẽ thúc đẩy quá trình hoàn thiện chức năng hệ thần kinh của thai nhi, ngăn chặn biến dị AND, từ đó bảo vệ em bé không mắc phải các dị tật khi chào đời.
Xem thêm: 'Điểm mặt' 6 dị tật bẩm sinh ở trẻ sơ sinh thường gặp và các nguyên nhân gây bệnh
2.10 Duy trì chức năng tuyến giáp
Bí ngòi có chứa kẽm – vi chất đảm nhiệm khá nhiều chức năng ở hệ thống điều tiết nội tiết tố của các hệ cơ quan, trong đó có tuyến giáp. Theo đó, vi chất kẽm sẽ đảm bảo tuyến giáp hoạt động trơn tru, không xảy ra tình trạng bướu cổ hoặc bị cường giáp, suy giáp.
3. Hướng dẫn chọn mua và bảo quản bí ngòi
Chọn mua và bảo quản bí ngòi vốn không quá “khó nhằn”, bạn chỉ cần nằm lòng một vài hướng dẫn đơn giản sau thì chẳng băn khoăn nhiều nữa nhé.
3.1 Lưu ý chọn mua bí ngòi ngon
Hình dáng và màu sắc bên ngoài sẽ quyết định phần lớn chất lượng cùng hương vị của trái bí ngòi. Vì thế, bạn nên chú ý quan sát kĩ lưỡng những đặc điểm nổi bật sau:
- Khi mua bí ngòi bạn nên chọn những quả có da láng, bóng, xanh mượt và không có các vết cắt, không có vết sần.
- Chọn những quả có kích thước vừa phải, dài khoảng 20 – 25cm, còn nguyên cuống thì phần thịt sẽ không bị già, ít xơ.
3.2 Hướng dẫn cách bảo quản bí ngòi
Bạn có thể cất trữ bí ngòi trong tủ lạnh từ 2 – 3 ngày và thực hiện các mẹo bảo quản sau:
- Bạn có thể giữ cho bí tươi lâu bằng cách cho bí ngòi vào túi nhựa, quấn chặt lại và cho vào tủ lạnh.
- Các chuyên gia khuyên chỉ nên rửa bí ngòi trước khi đem đi chế biến, việc rửa nhiều lần rồi đem cất trữ vào tủ lạnh sẽ làm bí nhũng và dễ bị thối.
4. Bí ngòi làm gì ngon?
Vốn có đặc tính “hao hao” với những loại rau quả thuộc họ bí nên bí ngòi cũng là một nguyên liệu ẩm thực dễ “biến hóa”, dù làm món canh, món xào hay salad cũng đều ngon hết ý. Thử tham khảo một vài gợi ý hấp dẫn dưới đây và xuống bếp chế biến xem sao nhé:
- Bí ngòi xào tỏi
- Bí ngòi xào thịt bò
- Canh bí ngòi nấu tôm
- Bánh bí ngòi
- Salad bí ngòi
- Bí ngòi chiên trứng
- Gà xào bí ngòi
- Mỳ ý sốt bơ bí ngòi
Xem thêm: Xem ngay 13 gợi ý giúp bạn bớt ‘lóng ngóng’ bí ngòi làm gì ngon
5. Một số lưu ý an toàn cần biết khi ăn bí ngòi
Trong quá trình sử dụng và chế biến các món ăn từ bí ngòi, cần ghi nhớ thực hiện một số lưu ý an toàn sau:
5.1 Không ăn quá nhiều
Không nên ăn quá nhiều bí ngòi và liên tục nhiều ngày trong tuần mà hãy kết hợp đa dạng nhiều loại rau quả khác. Tốt nhất chỉ nên ăn từ 2 – 3 bữa trong tuần, mỗi lần từ 1 – 2 trái là hợp lý.
5.2 Ăn bí ngòi sống được không?
Ăn bí ngòi sống được nhưng hãy đảm bảo rằng bạn đã ngâm rửa thật sạch và không mắc chứng rối loạn tiêu hóa, hay các bệnh liên quan đến đường ruột. Ngoài ra, khi chế biến, bạn có thể giữ nguyên vỏ, vừa hấp thu đủ trọn vẹn dưỡng chất, vừa giữ cho bí không bị nhũn nát.
6. Thành phần dinh dưỡng của bí ngòi
Theo nghiên cứu, người ta tìm thấy trong bí ngòi có chứa những thành phần dinh dưỡng phổ biến sau:
Giá trị dinh dưỡng trong 100g bí ngòI |
|
Thành phần dinh dưỡng |
Hàm lượng |
Năng lượng |
16 KCal |
Chất béo |
0.3 g |
Chất đường bột |
3.1 g |
Chất đạm |
1.2 g |
Kali |
261 mg |
Natri |
8 mg |
Vitamin A |
200 IU (1IU = 0.3 µg) |
Vitamin C |
17.9 mg |
Vitamin B6 |
0.2 mg |
Canxi |
16 mg |
Sắt |
0.4 mg |
Magie |
18 mg |
Hiểu rõ hơn về đặc điểm dinh dưỡng và tác dụng của bí ngòi với sức khỏe khiến chúng ta càng an tâm bổ sung vào thực đơn đúng không nào. Mong rằng bạn sẽ chú ý sử dụng khoa học, chế biến bí ngòi đúng cách để cải thiện sức khỏe một cách tốt nhất nhé.