Chờ...

Tác dụng của atiso đối với sức khỏe tốt như thế nào?

(VOH) - Atiso là thực phẩm được nhiều người sử dụng vì không chỉ thơm ngon mà còn tốt cho sức khỏe, bởi tác dụng của atiso có thể ngăn ngừa các bệnh tim mạch cũng như bổ sung nguồn vitamin cho cơ thể.

Nụ hoa atiso thường được chế biến thành một loại trà thanh mát rất được ưa chuộng trên thị trường, thế nhưng, khi được hỏi về hoa atiso thì vẫn còn khá nhiều người chưa rõ về những công dụng cũng như cách sử dụng của nó.

1. Atiso là gì?

Atiso có tên khoa học là Cynara scolymus, là loại cây gai lâu năm có nguồn gốc ở miền Nam châu Âu và được sử dụng như một loại thảo dược quý. Vào khoảng đầu thế kỷ 20, atiso du nhập vào Việt Nam, được trồng nhiều ở Sapa, Tam Đảo và nhiều nhất ở Đà Lạt.

tac-dung-cua-atiso-voh-0
Atiso là loại cây được trồng nhiều tại Đà Lạt (Nguồn: Internet)

Cây atiso có thể phát triển tối đa khoảng 2m, trung bình cao từ 1 – 1.2m. Thân cây thẳng, cứng, có khía dọc và phủ lớp lông trắng nhìn như bông. Lá atiso dài 50 – 80cm, to và mọc so le. Hoa có kích thước to, mọc ở phần ngọn, có màu đỏ tím hoặc tím nhạt. Quả atiso nhẵn bóng, có màu nâu sẫm kèm với mào lông trắng.

Atiso được sử dụng dưới nhiều dạng khác nhau như dùng tươi, dùng khô, nấu chín, dùng làm chế phẩm… Cây atiso còn non có thể nấu ăn được, nhưng bộ phận thường được dùng nhiều nhất chính là hoa atiso (gồm đế hoa, mang hoa, các lông tơ).

2. Tác dụng của atiso đối với sức khỏe

Trong các nghiên cứu y học hiện đại, atiso có rất nhiều công dụng tốt về mặt y học và gần như không có tác dụng phụ. Dưới đây là một số tác dụng của atiso mang lại cho sức khỏe:

2.1 Giảm cholesterol LDL “xấu”

Chiết xuất từ lá atiso có thể tác động tích cực đến mức cholesterol trong cơ thể. Cụ thể là giúp làm giảm lượng cholesterol LDL “có hại” và tăng mức cholesterol HDL “tốt” ở người có cholesterol cao. (1) (2)

Lý do là vì, atiso có chứa luteolin - một chất chống oxy hóa ngăn ngừa sự hình thành cholesterol “xấu”. Đồng thời, chiết xuất từ lá atiso cũng khuyến khích cơ thể bạn xử lý cholesterol hiệu quả hơn, dẫn đến mức tổng thể thấp hơn.

2.2 Điều hòa huyết áp

Một trong những tác công dụng của atiso đối với sức khỏe là có thể hỗ trợ những người bị huyết áp cao. Một số nghiên cứu trên người cho thấy, chiết xuất atiso có thể làm giảm huyết áp tâm trương và huyết áp tâm thu (3).

Ngoài ra, atiso cũng là một nguồn cung cấp kali dồi dào, vì thế, nó có thể giúp điều hòa huyết áp tốt hơn.

2.3 Cải thiện sức khỏe của gan

Tiêu thụ atiso có thể giúp bảo vệ gan của bạn khỏi bị hư hại và thúc đẩy sự phát triển của mô mới. Nó cũng làm tăng sản xuất mật nhằm loại bỏ các độc tố có hại khỏi gan.

tac-dung-cua-atiso-voh-1
Atiso có thể giúp cải thiện sức khỏe của gan (Nguồn: Internet)

Ngoài ra, một số chất chống oxy hóa được tìm thấy trong atiso như cynarin và silymarin có thể giúp làm giảm các triệu chứng của bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu. (4) (5)

2.4 Cải thiện sức khỏe tiêu hóa

Atiso là một nguồn cung cấp chất xơ dồi dào, đây là chất có thể giúp giữ cho hệ tiêu hóa của bạn khỏe mạnh bằng cách thúc đẩy vi khuẩn có lợi cho đường ruột, làm giảm nguy cơ mắc một số vấn đề như táo bón và tiêu chảy, tình trạng đầy hơi, khó tiêu....

2.5 Giảm triệu chứng của hội chứng ruột kích thích

Hội chứng ruột kích thích gây ra những ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, chẳng hạn như đau dạ dày, chuột rút, tiêu chảy, chướng bụng, đầy hơi, táo bón... Tuy nhiên, một số nghiên cứu cho thấy, chiết xuất từ atiso có thể giúp làm giảm bớt những triệu chứng này. (6)

Các hợp chất trong atiso có đặc tính chống co thắt, do đó, chúng có thể giúp ngăn chặn tình trạng co thắt thường gặp ở hội chứng ruột kích thích, cân bằng vi khuẩn và giảm viêm.

2.6 Giảm lượng đường trong máu

Atiso và chiết xuất từ atiso có thể giúp làm giảm lượng đường trong máu bằng cách làm chậm hoạt động của alpha glucosidase - một loại enzyme phân hủy tinh bột thành glucose, có khả năng ảnh hưởng đến lượng đường trong máu.

2.7 Tốt cho xương

Hỗ trợ xương chắc khỏe là một trong những tác dụng của atiso dành cho sức khỏe. Atiso cung cấp rất nhiều các vitamin và khoáng chất, đặc biệt là canxi, magie, photpho và mangan, giúp tăng cường sức khỏe và mật độ xương, từ đó làm giảm nguy cơ mắc bệnh loãng xương.

Xem thêm: Những thực phẩm giúp phòng ngừa loãng xương hiệu quả

2.8 Giảm bớt khó chịu do rượu bia

Vì atiso có lợi cho hoạt động của gan, cho nên người ta thường sử dụng atiso như một phương pháp điều trị cảm giác khó chịu do rượu bia gây ra. Sau một đêm say rượu, bạn có thể nhai một vài lá atiso hoặc uống trà atiso để giảm bớt cảm giác khó chịu.

2.9 Có thể có tác dụng chống ung thư

Nhiều nghiên cứu trên ống nghiệm đã cho thấy một công dụng khác của atiso và chất xuất atiso là làm giảm sự phát triển của ung thư. Trong atiso có chứa một số chất chống oxy hóa như rutin, quercetin, silymarin và axit gallic, đây là những hợp chất có thể ngăn ngừa và điều trị một số loại ung thư, chẳng hạn như ung thư da.

3. Bà bầu uống atiso được không?

Atiso vốn là thực phẩm tốt cho sức khỏe, vì thế những công dụng của atiso không chỉ dừng lại ở người bình thường mà còn có cả phụ nữ mang thai.

tac-dung-cua-atiso-voh-2
Bà bầu có thể uống trà atiso trong thai kỳ của mình (Nguồn: Internet)

Bà bầu uống atiso hoặc ăn các món ăn có chứa atiso sẽ giúp nuôi dưỡng thai nhi khỏe mạnh và phát triển bình thường. Ngoài ra, nhờ nồng độ axit folic cao trong cây atiso có thể ngăn ngừa các khiếm khuyết ống thần kinh xuất hiện ở trẻ sơ sinh.

Xem thêm: Bà bầu uống trà atiso: Lợi hay hại?

4. Atiso làm món gì ngon?

Atiso có thể dùng làm nguyên liệu để chế biến món ăn, nhưng phổ biến nhất vẫn là trà atiso - loại trà được rất nhiều người ưa chuộng. Bộ phận dùng làm trà thường là rễ, thân, lá và hoa.

Tương tự như các tác dụng của atiso, uống trà atiso cũng giúp hỗ trợ, điều trị và phòng ngừa nhiều loại bệnh như: bệnh tim mạch, đột quỵ, ung thư, tiểu đường và xơ vữa động mạch.... Đồng thời giúp bổ sung vitamin C, kali, magie… để hệ tim mạch luôn khỏe mạnh.

Xem thêm: Trà atiso có tác dụng gì và uống bao nhiêu là tốt cho sức khỏe?

Bên cạnh đó, bạn cũng có thể dùng atiso để làm một số món ăn sau đây:

4.1 Gà hầm hoa atiso

Nguyên liệu

  • Gà ta: 500g
  •  Hoa atiso tươi: 300g
  •  Hành tím: 10g
  •  Táo đỏ khô: 10g
  •  Tỏi băm: 10g
  • Gia vị thông dụng

Cách làm gà hầm hoa atiso

  • Mua gà được được sơ chế sẵn, đem đi rửa sạch, để ráo nước.
  • Đem gà ướp với hành tím (1 nửa hành tím cắt lát mỏng, 1 nửa để nguyên củ). Sau đó, xoa đều 1 muỗng cà phê hạt nêm và hành tím cắt lát lên mình gà, xoa bóp thật kỹ trong 5 phút rồi ướp gà khoảng 30 phút để gà ngấm gia vị.
  • Hoa atiso rửa sạch. Phần gốc cắt thành từng khúc dài khoảng 5cm, khúc già cứng bỏ đi. Ở đoạn thân non gọt bỏ vỏ cứng bên ngoài, lấy lõi mềm để chế biến. Hoa atiso bông to cắt làm 4, bông nhỏ cắt làm đôi. Cắt bỏ nhụy bên trong để hoa không bị đắng.
  • Đặt nồi lên bếp, cho 1 muỗng canh dầu ăn vào đun nóng, cho tỏi băm vào phi thơm. Tiếp theo là gà đã ướp vào xào sơ cho thịt gà săn lại.
  • Cho vào nồi khoảng 700ml nước ấm, đun sôi nhỏ lửa rồi cho phần hành tím còn lại và táo đỏ vào nấu chung.
  • Bạn đun sôi nhỏ lửa thêm 5 phút thì cho phần gốc hoa atiso vào. Nấu sôi thêm 5 phút bạn cho hoa atiso vào đảo đều. Nêm vào nồi 1 muỗng cà phê muối, ½ muỗng cà phê đường, 1 muỗng cà phê hạt nêm (hoặc nêm theo khẩu vị) khuấy đều. Hầm nhỏ lửa thêm 30 phút nữa thì tắt bếp là hoàn thành.

4.2 Canh hoa atiso hầm giò heo

tac-dung-cua-atiso-voh-3
Canh hoa atiso hầm giò heo (Nguồn: Internet)

Nguyên liệu

  • Giò heo: 1 kg
  •  Bông atiso: 3 cái
  •  Hành và ngò rí
  •  Cà rốt: 1 củ
  •  Bắp cải trắng: 100g
  • Ớt sừng: 3 trái
  • Gia vị thông dụng

Cách hầm canh hoa atiso với giò heo

  • Hành khô và tỏi rửa sạch, bóc vỏ, băm nhuyễn. Ớt sừng rửa sạch, bỏ cuống, thái lát.
  • Cà rốt gọt vỏ, rửa sạch, cắt miếng hình tròn mỏng 0.5cm hoặc tỉa hoa theo sở thích. Bông cải trắng rửa sạch, tách miếng vừa ăn.
  • Giò heo mua về làm sạch, chặt miếng vừa ăn. Cho vào nồi luộc sơ với chút muối.  Khi nước sôi vớt giò heo ra, rửa sạch lại bằng nước lạnh. Sau đó, ướp giò với 1 muỗng hành tỏi băm nhuyễn, 2 muỗng hạt nêm, 1 muỗng bột ngọt, ½ muỗng tiêu, 1 muỗng dầu ăn trong vòng 15 phút.
  • Hoa atiso mua về cắt riêng phần bông và phần cọng. Phần bông đem rửa sạch, tước hết phần cứng bên ngoài, cắt làm 4, lấy ra hết phần nhụy bên trong. Phần cọng tước bỏ xơ, cắt khúc 3cm.
  • Bắc nồi lên bếp, phi thơm 2 muỗng dầu ăn với hành tỏi băm nhuyễn và 1 ít ớt bột để món canh hầm trở nên hấp dẫn hơn. Sau đó, đổ một lượng nước vừa đủ vào nồi sao cho nước ngập các nguyên liệu kể trên.
  • Cho giò heo vào nồi hầm với lửa lớn đến khi nước hầm sôi, dùng thìa hớt bọt phía trên để nước hầm được trong. Sau đó cho bông atiso, cà rốt, bông cải trắng vào hầm cùng. Nêm vào canh 1 muỗng muối, 1 muỗng hạt nêm, 1 muỗng bột ngọt (hoặc nêm theo khẩu vị) trộn đều canh để tan hết gia vị là có thể tắt bếp.
  • Cho canh hoa atiso hầm giò heo ra một tô lớn, cho ½ ớt thái lát, ngò rí và một ít tiêu lên trên là bạn có thể thưởng thức món canh này.

5. Thành phần dinh dưỡng trong atiso

Atiso là thực phẩm giàu dinh dưỡng, thành phần dinh dưỡng được nghiên cứu trong 100gr atiso (phần ăn được) bao gồm:

  • Nước: 84.8g
  • Protein: 4.2g
  • Chất béo: 0.2g
  • Carbohydrate (đạm): 11.3g
  • Chất xơ: 10.3g
  • Canxi: 1mg
  • Natri: 296mg
  • Photpho: 73mg
  • Kali: 286mg
  • Kẽm: 0.27mg
  • Vitamin A: 464μg
  • Vitamin B1: 0.05mg
  • Vitamin B6: 0.08mg
  • Vitamin C: 7.4mg
  • Vitamin E: 0.19mg
  • Vitamin K: 15μg

6. Phân biệt atiso và hoa bụp giấm

Hầu hết mọi người đều có nghe nói đến hoa atiso, trà atiso như một loại thực phẩm rất tốt cho sức khỏe. Hằng năm, cứ vào khoảng tháng 7 – 10 trên khắp các vỉa hè, khu chợ lại được bài bán một loài hoa màu đỏ với tên gọi là “hoa atiso đỏ”. Tuy nhiên, trên thực tế loại hoa này có tên là hoa bụp giấm và nó hoàn toàn không có họ hàng với hoa atiso xanh.

tac-dung-cua-atiso-voh-4
Hoa atiso và hoa bụp giấm là 2 loại hoa hoàn toàn khác nhau (Nguồn: Internet)

Để phân biệt 2 loại hoa này, ngoài việc nhìn vào màu sắc bên ngoài, bạn có thể so sánh một vài đặc điểm sau đây:

  • Hoa atiso xanh:  tên khoa học là Cynara Scolymus, thuộc họ nhà cúc. Bông mọc ra có lông tơ mềm bao phủ, thân cây cao từ 1 – 2m. Tác dụng của hoa atiso xanh đối với sức khỏe là: kích thích điều tiết và lưu thông máu, giải độc gan, giảm buồn nôn, chống oxy hóa…
  • Hoa atiso đỏ: (hoa bụp giấm) có tên khoa học là Hibiscus Sabdariffa, thuộc họ nhà cẩm quỳ. Thân cây cao từ 1.5 – 2m, hoa có màu đỏ. Tác dụng của hoa atiso đỏ là giúp ngăn ngừa ho, viêm họng, cảm cúm, lợi tiểu, hạ huyết áp, chống nấm và bệnh ngoài da, điều hòa cholesterol trong máu...

Thực tế, hoa atiso hay hoa bụp giấm đều có giá trị dinh dưỡng và cũng đều mang đến những công dụng tốt cho sức khỏe. Tùy vào mục đích sử dụng, bạn có thể lựa chọn loại hoa phù hợp cho mình.

Như vậy, những công dụng của atiso đối với sức khỏe là hoàn toàn có lợi, vừa giúp cân bằng sức khỏe, bổ thận, mát gan vừa giúp phòng ngừa bệnh tật. Tuy nhiên, khi sử dụng atiso nhất là trà atiso cần lưu ý một vài vấn đề để không gặp phải những tác dụng phụ không mong muốn.