Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Tác dụng của chè vằng và cách phân biệt chè vằng với lá ngón

(VOH) - Chè vằng là loài cây bụi mọc hoang ở vùng núi thấp, trung du và đồng bằng hay còn được trồng để làm cây cảnh tại gia. Đặc biệt, tác dụng của chè vằng với sức khỏe cũng được đánh giá rất cao.

Không chỉ nổi tiếng ở Việt Nam, chè vằng cũng thuộc nhóm cây thuốc quý được đưa vào nhiều nghiên cứu trên thế giới và tận dụng điều chế thuốc hỗ trợ điều trị bệnh lý. Cùng tìm hiểu thêm về loại cây này trong bài viết ngay sau đây nhé.

1. Chè vằng là gì?

Vằng hay còn gọi chè vằng, chè cước man, cẩm văn, cẩm vân, dây vắng, lài ba gân, có tên khoa học là Jasminum subtriplinerve, là loài thực vật có hoa thuộc họ Ô liu, được Blume mô tả khoa học lần đầu tiên năm 1851.

Chè vằng là một loại cây bụi nhỏ mọc hoang, thân cứng, từng đốt vươn dài hàng chục mét, phân nhánh nhiều, đường kính thân không quá 6mm, vỏ thân nhẵn, màu xanh lục. Lá hơi hình mác, cuống tròn, mũi nhọn, có ba gân chính nổi rõ ở mặt trên, mép nguyên, càng lên ngọn, cành lá càng nhỏ, mọc đối. Hoa màu trắng mọc thành xim ở đầu cành, quả hình cầu.

tac-dung-cua-che-vang-va-cach-phan-biet-che-vang-voi-la-ngon-voh-0
Chè vằng là cây bụi mọc hoang nhưng lành tính, cung cấp nhiều dưỡng chất quý giá nên thường được dùng làm dược liệu hỗ trợ điều trị bệnh lý (Nguồn: Internet)

Theo các tài liệu ghi chép, có 2 loại chè vằng phổ biến, gồm loại lá nhỏ gọi là vằng xẻ và loại lá to là vằng trâu, riêng vằng xẻ được dùng làm thuốc. Cành lá chè vằng là bộ phận được dùng làm thuốc bằng cách phơi khô hay sấy khô hoặc dùng tươi, mang vị hơi đắng, chát, tính ấm, không độc.

2. Tác dụng của chè vằng với sức khỏe

Có thể nói chè vằng là một trong những “thần dược” mà thiên nhiên ban tặng cho chúng ta bởi dù vốn chỉ mọc dại nhưng lại mang tới đa dạng chất dinh dưỡng quý giá, kể đến như chất chống oxy hóa nhóm flavonoid, phenonlic, lycopene hay nhóm vitamin E. Chính vì vậy, nếu duy trì bổ sung đúng cách, đúng liều lượng, bạn có thể chủ động cải thiện một số vấn đề sức khỏe sau:

2.1 Bảo vệ tim mạch, giảm huyết áp

Các nghiên cứu y khoa đều nhận thấy rằng chè vằng là thực phẩm khá lành mạnh dành cho đối tượng đang điều trị bệnh huyết áp cao. Cụ thể, nhóm chất chống oxy hóa flavonoid được tìm thấy trong chè vằng có khả năng ngăn chặn sự tích tụ cholesterol xấu ở thành mạch, thúc đẩy dòng luân chuyển máu ổn định, từ đó hỗ trợ duy trì huyết áp ở mức an toàn.

Xem thêm: Chế độ ăn uống và thực phẩm dành cho người bệnh cao huyết áp

2.2 Tác dụng của chè vằng hỗ trợ giảm cân

Một trong những tác dụng của chè vằng thường được nhắc đến đó là hỗ trợ giảm cân và duy trì vóc dáng thon gọn. Theo đó, glycoside - hoạt chất tạo nên vị đắng đặc trưng của chè vằng khi vào cơ thể sẽ tham gia chuyển hóa, trung hòa lượng chất béo trong cơ thể, tăng cường đốt cháy lượng mỡ thừa hiệu quả.

tac-dung-cua-che-vang-va-cach-phan-biet-che-vang-voi-la-ngon-voh-1
Nếu đang lên kế hoạch giảm cân, bạn có thể uống nước chè vằng để thúc đẩy chuyển hóa chất béo, đốt cháy lượng mỡ dư thừa (Nguồn: Internet)

2.3 Phòng chống ung thư

Như đã chia sẻ, chè vằng được đánh giá là nguồn cung cấp hàm lượng các chất chống oxy hóa mạnh như flavonoid, ancoloid hay phenolic,…nên thường được khuyến khích sử dụng để phòng ngừa các bệnh ung thư nguy hiểm. Những hoạt chất này sẽ liên kết với nhau để tạo “lá chắn” bảo vệ các tế bào khỏi sự tấn công của các gốc tự do, đồng thời làm ức chế khả năng hoạt động của chúng.

Xem thêm: 12 thực phẩm giàu chất chống oxy hóa giúp bạn 'hạ gục' các gốc tự do gây ung thư

2.4 Cải thiện bệnh viêm loét dạ dày

Nếu đang điều trị các bệnh lý liên quan đến dạ dày, điển hình như viêm loét dạ dày, bạn cũng có thể tham khảo uống nước chè vằng. Tiếp nạp các chống oxy hóa, chất kháng viêm từ chè vằng sẽ giúp làm lành vết loét ở niêm mạc dạ dày, giảm thiểu tối đa tình trạng xuất huyết dạ dày xảy ra.

2.5 Tác dụng của chè vằng điều hòa kinh nguyệt

Không chỉ có đặc tính làm lành vết thương nhanh chóng, các hoạt chất chống oxy hóa trong chè vằng còn hoạt động với công dụng như papaverin, góp phần làm giảm co thắt tử cung và đẩy huyết ứ đọng dễ dàng hơn. Từ đây giúp điều hòa kinh nguyệt và xoa dịu cơn đau bụng kinh ở phái nữ.

Xem thêm: Mách chị em 7 cách làm giảm đau bụng nhanh nhất trong ngày ‘đèn đỏ’

2.6 Hỗ trợ hạ sốt

Bên cạnh uống nước chanh, nước lá tía tô hay nước rau diếp cá, uống nước chè vằng cũng là phương pháp hạ sốt hữu hiệu bạn có thể áp dụng. Tuy nhiên trong trường hợp sốt cao trên 39 độ C thì hãy liên hệ bác sĩ chuyên khoa để được chỉ định dùng thuốc hạ sốt kịp thời, tránh gây nguy hiểm tính mạng.

tac-dung-cua-che-vang-va-cach-phan-biet-che-vang-voi-la-ngon-voh-2
Uống nước chè vằng cũng là phương pháp hỗ trợ hạ sốt, giải nhiệt khá hiệu quả bạn có thể tham khảo áp dụng (Nguồn: Internet)

2.7 Tốt cho làn da

Trong chè vằng có chứa nhóm vitamin E rất cần thiết cho quá trình nuôi dưỡng làn da mịn màng. Loại vitamin này sẽ kết hợp cùng các chất chống oxy hóa phục hồi tầng biểu bì dưới da, tăng tính đàn hồi và xóa mờ vết thâm sạm.

Xem thêm: Nên hay không nên uống vitamin E và đây là lời khuyên bạn cần biết

3. Tác dụng của chè vằng sau sinh lợi sữa có đúng không?

Giai đoạn đầu sau sinh, các chị em phụ nữ thường khá lo lắng khi bị tắc tia sữa, dẫn tới không có đủ nguồn sữa để nuôi dưỡng em bé. Vì thế, để sớm cải thiện tình trạng này, các chuyên gia dinh dưỡng chia sẻ rằng mẹ hoàn toàn có thể uống chè vằng sau sinh với lượng hợp lý để sữa “nhanh về”.

Tuy nhiên, hãy chú ý rằng chỉ uống ở thời kì hậu sản và tuyệt đối cần tránh sử dụng khi mang thai vì các hoạt chất trong chè vằng có thể để lại tác động xấu, làm tăng nguy cơ sảy thai.

Xem thêm: Phụ nữ uống chè vằng sau sinh có tác dụng gì và liệu có tốt như lời đồn?

4. Một số tác hại của chè vằng khi dùng sai cách

Hiện nay, bạn có thể tìm mua chè vằng dưới dạng lá tươi, lá khô hoặc cao chè vằng để đun nước uống trực tiếp. Song chỉ nên sử dụng nước chè vằng như một thức uống bổ trợ, mỗi ngày chỉ dùng tối đa 30g, không lạm dụng và thay thế hoàn toàn cho nước lọc thông thường nhằm hạn chế mắc phải các tác hại của chè vằng:

  • Hạ huyết áp thấp quá mức an toàn
  • Rối loạn nhu động ruột
  • Mất cân bằng chất điện giải

Xem thêm: Dùng chè vằng bồi bổ sức khỏe phải đúng cách để tránh mắc 4 tác dụng phụ này!

5. Phân biệt chè vằng và lá ngón

Lá ngón (tên khoa học là Gelsemium elegans Benth) là một loại cây cực độc. Ở Việt Nam và Trung Quốc, lá ngón được coi là một trong bốn loại cây có độc tính hàng cao nhất (thuốc độc bảng A), một số người cho rằng chỉ cần ăn vài ba lá là đủ chết người.

Tác dụng của chè vằng và cách phân biệt chè vằng với lá ngón 4
Lá ngón, loài cây cực độc, một số người cho rằng chỉ cần ăn vài ba lá là đủ chết người (Nguồn: Internet) 

Vì hình dạng bên ngoài thân, cành chè vằng có đôi nét tương đối giống với thân, cành lá ngón, nhất là khi đã chặt khỏi gốc và bỏ hết lá nên 2 loại cây này rất dễ nhầm lẫn với nhau. Tuy nhiên, nếu chú ý kỹ chúng ta sẽ nhận biết được chúng qua những đặc điểm bên ngoài sau:

Đặc điểm

Chè vằng

Lá ngón

Thân

 

Cây nhỏ dạng bụi,

Màu sắc toàn cây nhạt xỉu.

Cây leo, thân cành mập,

Màu sắc cây sẫm bóng.

 

Lá có 3 gân dọc trong đó 2 gân bên uốn cong theo mép lá, rõ rệt.

Xanh nhẵn bóng, mép lá nguyên, dài 7–12 cm.

Hoa

Màu trắng,

Có mười cánh hoa.

Màu vàng,

Mọc thành chùm, phân nhánh nhiều lần (từ 2 đến 3 lần).

Quả

Hình cầu cỡ hạt ngô,

Chín màu vàng, có một hạt rắn chắc

Hình trụ (khoảng 0,5x1cm),

Khi chín tự mở, nhiều hạt (tới 40 hạt), nhỏ, hình thận, có diềm mỏng, phát tán theo gió.

Như vậy, có thể thấy rằng để tận dụng hiệu quả các tác dụng của chè vằng, chúng ta cần tìm hiểu và chọn mua chè vằng từ nguồn cung cấp uy tín, chất lượng, tránh trường hợp mua nhầm phải các lá không an toàn. Ngoài ra, hãy ghi nhớ thực hiện các lưu ý sử dụng an toàn, khoa học để cải thiện sức khỏe thật tốt và không mắc phải các tác dụng phụ nguy hại.

Bình luận