Chờ...

9 tác dụng của rau dệu có thể bạn chưa biết

(VOH) - Cây rau dệu là nguồn bổ sung dồi dào chất đạm, chất xơ và vitamin cho các bữa ăn hằng ngày. Ngoài ra, loại tác dụng của rau dệu còn chữa một số bệnh thường gặp rất tốt.

Rau dệu là một loại rau dại có hình dạng bên ngoài khá giống với cây cỏ mực. Loại rau này thường mọc hoang dại được người dân dùng nấu canh ăn, nhưng ít ai biết rằng, rau dệu cũng có nhiều công dụng hữu ích cho sức khỏe.

1. Cây rau dệu là cây gì?

Cây rau dệu (Alternanthera sessilis) còn có tên gọi khác là kê tràng thái, rau giệu, rau rệu, diếp bò, diếp không cuống, là loài thực vật có hoa thuộc họ Dền.

Rau dệu là cây thân thảo, bò sát mặt đất, thường dài tới 40-60cm, có nhiều nhánh và ở mỗi khớp phân nhánh thường có rễ phụ. Lá dệu có hình mũi mác nhọn, dài 1-3cm, mọc đối, có phiến lá đơn. Hoa rau dệu màu trắng thường mọc ra từ nách lá. 

tac-dung-cua-cay-rau-deu-voh-0
Rau dệu là loại cây mọc hoang dại khắp nơi (Nguồn: Internet)

Rau dệu tái sinh tự nhiên bằng hạt. Mọc theo đám dày đặc, lan trên mặt đất. Chúng thường mọc chủ yếu ở ven sông, đầm hồ hoặc những bãi ruộng, bãi đất ẩm có nhiều dưỡng chất.

Các loại rau dệu phổ biến như rau dệu tía, rau dệu xanh. Dân gian thường lấy ngọn và lá non của cây dùng làm thực phẩm. Một số nơi, người dân thu hái rau dệu, rửa sạch đất cát, để tươi hoặc sấy khô, bảo quản nơi thoáng mát để dùng làm thuốc, bởi toàn thân cây rau dệu đều có thể sử dụng làm dược liệu.

2. Những tác dụng của rau dệu cho sức khỏe

Từ xưa, người dân đã sử dụng rau dệu như một loại rau ăn hàng ngày, có thể kết hợp với những loại rau khác để canh. Tuy nhiên, trong y học rau dệu còn là một loại thảo dược mang nhiều công dụng chữa bệnh.

Các tài liệu Đông y ghi nhận, cây rau rệu có vị ngọt nhạt, tính mát. Rau dệu có tác dụng chống viêm, lọc máu, lợi tiểu, tiêu sưng, chống ngứa, thanh nhiệt, giải độc, cầm máu. Thường được dùng để chữa bệnh hô hấp, viêm hầu họng, ho ra máu, kiết lỵ, đi tiểu khó, tiểu ít và các bệnh ngoài da.

Nghiên cứu y học hiện đại cũng cho cho thấy, trong cây rau dệu có chứa nhiều thành phần dinh dưỡng, chẳng hạn như protein, chất béo, chất xơ, chất sắt, canxi, các loại vitamin như vitamin C, vitamin B6, vitamin B12, vitamin D...

Do đó, khi bạn ăn rau thường xuyên là bạn cũng có thể nhận được những lợi ích sức khỏe sau đây:

2.1 Giúp ngủ ngon

Một trong những tác dụng của rau dệu là giúp cải thiện giấc ngủ. Các thành phần trong rau dệu có thể điều chỉnh hệ thống thần kinh trung ương, cải thiện bộ nhớ và giúp não được thư giãn.

2.2 Trị quáng gà

Rau dệu là một trong những loại thực phẩm có thể giúp cải thiện và tăng cường thị lực. Theo kinh nghiệm dân gian, những người bị bệnh quáng gà nếu ăn hoa của rau dệu có thể sẽ giúp cải thiện thị lực.

tac-dung-cua-cay-rau-deu-voh-1
Ăn rau dệu có tác dụng cải thiện thị lực (Nguồn: Internet)

Ngoài ra, rau dệu cũng giúp tăng cường các dây thần kinh mắt và giúp cơ mắt được khỏe hơn.

2.3 Tăng sức đề kháng

Nhờ có hàm lượng vitamin C nên ăn rau dệu có thể giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể và phòng ngừa một số bệnh cảm thông thường.

2.4 Cải thiện khả năng sinh sản

Dân gian lưu truyền, ăn rau dệu có thể giúp chữa tình trạng vô sinh và bệnh lậu ở ở nam giới. Tuy nhiên, những nghiên cứu y học hiện đại về tác dụng này của rau dệu vẫn còn thiếu.

Xem thêm: Những thực phẩm tốt cho sức khỏe sinh sản nam giới nên biết

3. Một số bài thuốc chữa bệnh từ cây rau dệu theo dân gian

Rau dệu vốn là loại dược liệu Đông y, do đó, những tác dụng của cây rau dệu cũng được ghi nhận nhiều ở Đông y. Dưới đây là một số bài thuốc từ cây rau dệu thường được nhân dân sử dụng:

3.1 Chữa các chứng máu nóng (huyết nhiệt)

Bài thuốc từ cây rau dệu có tác dụng chữa các chứng nổi ban ngứa, chảy máu cam, ho ra máu, tiểu tiện ra máu do huyết nhiệt. Do đó, bạn có thể dùng cây rau dệu ăn sống, uống nước để điều trị các bệnh trên.

Ngoài ra, cây rau dệu còn dùng làm nguyên liệu chế biến các món ăn hàng ngày như luộc, xào, nấu canh,...đều có tác dụng chữa các bệnh do máu nóng gây ra.

3.2 Chữa viêm đường tiết niệu, tiểu buốt, bí tiểu

Tác dụng của rau dệu được phát huy hiệu quả trong việc chữa viêm đường tiết niệu, tiểu buốt, bí tiểu.

Bạn có thể dùng cây rau dệu khô hoặc tươi đều được, sau đó đem sắc chung với cây mã đề, rễ cỏ tranh, rau má, bồ công anh, cỏ mần trầu và cam thảo đất. Để mau lành bệnh, bạn nên chia làm 2 lần uống trước bữa ăn và sử dụng liệu trình này liên tục từ 5 - 7 ngày. 

3.3 Điều trị đại tiện ra đờm máu, tỳ hư, uất nhiệt ở người già

Bạn có thể sử dụng bài thuốc từ cây rau dệu để điều trị chứng ra đờm máu khi đại tiện ở người già. Với cách làm đơn giản, bạn chỉ cần chuẩn bị một nắm rau dệu tía đem nấu canh với 2 con ếch đã lọc lấy nạc và dùng vào nhiều bữa trong ngày. 

3.4 Chữa đi ngoài ra máu do táo bón

Một tác dụng của rau dệu đó chính là chữa chứng đi ngoài ra máu do táo bón. Bạn cần chuẩn bị cây rau dệu khô hoặc tươi, với cỏ mực, kinh giới và lá huyết dụ. Sau đó, bạn đem tất cả nguyên liệu đem sắc đặc, chia làm 2 lần uống trước bữa ăn. Bài thuốc này được sử dụng liên tục trong 5 ngày.

Xem thêm: Phương pháp giúp bạn thoát khỏi nỗi ám ảnh 'táo bón' mà không cần dùng thuốc nhuận trường

3.5 Viêm da có mủ, mẩn ngứa, nấm

Nếu bạn đang gặp phải tình trạng viêm da có mủ, mẩn ngứa, nấm, bạn có thể sử dụng cây rau dệu tươi đem giã lấy bã đắp lên vết thương và phần nước dùng để uống.

tac-dung-cua-cay-rau-deu-voh-2
Rau dệu chủ yếu được dùng làm dược liệu trong Đông y (Nguồn: Internet)

Hoặc bạn có thể sắc đặc cây rau dệu khô làm thuốc uống trong ngày. Với liệu trình này bạn nên đắp và sử dụng liên tục từ 5 - 7 ngày.

3.6 Chữa ban sởi

Tác dụng của rau dệu giúp thúc đẩy sởi mọc nhanh, hạn chế các biến chứng do bệnh này gây ra. Do đó, bạn có thể sử dụng loại dược liệu này đem nấu canh với cá diếc hoặc dùng phần nước này nấu cháo.

Ngoài ra, bạn cũng có thể kết hợp cây rau dệu với rau kinh giới hoặc tía tô, sau đó đem nấu chín, dùng để ăn cái và uống nước đều được. 

3.7 Trị tràng nhạc 

Bên cạnh các lợi ích được kể trên, tác dụng của cây rau dệu còn được kể đến với công hiệu trong việc điều trị bệnh tràng nhạc hiệu quả.

Bạn chỉ cần chuẩn bị một nắm cây rau dệu, đem rửa sạch, giã nát, rồi dùng 1/2 nước cốt dùng để uống, số còn lại đem đặt lên lá chuối có rắc 1 ít phác tiêu và đắp vào chỗ đau. Để tình hình được cải thiện nhanh chóng, bạn nên sử dụng liệu trình này mỗi ngày một lần.

3.8 Chữa sưng hạch ở nách bẹn

Sưng hạch ở nách bẹn gây ra những khó khăn khi hoạt động thường ngày. Vì thế, bạn có thể sử dụng bài thuốc từ cây rau dệu để điều trị loại bệnh này.

Bạn chuẩn bị cây rau dệu cùng bèo tía và củ gừng sống, sau đó đem giã nát, rồi sắc đặc. Khi uống, bạn cho một ít muối, còn bã đem đắp vào chỗ đau. Một lưu ý nhỏ khi dùng bài thuốc này là bạn nên bôi trước một lớp nước vôi xung quanh chỗ đau để độc khỏi lan xung quanh.

3.9 Hỗ trợ giảm sốt do say nắng

Ngoài ra, tác dụng của rau dệu còn giúp hỗ trợ giảm sốt do say nắng hiệu quả. Bạn chỉ cần đem cây rau dệu nấu canh cùng với cá diếc hoặc thịt nạc, dùng vào các bữa cơm hàng ngày. Đối với liệu trình này, bạn nên sử dụng liên tục trong 3 ngày để bệnh mau khỏi. 

Lưu ý: Cây rau dệu từ lâu đã được người dân sử dụng làm thuốc chữa bệnh. Tuy nhiên, để giảm thiểu những rủi ro trong quá trình sử dụng, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc thầy thuốc về liều dùng cũng như cách sử dụng đúng.

4. Cây rau dệu làm món gì ngon?

Không chỉ là thực phẩm có tác dụng chữa bệnh, cây rau dệu còn có thể là nguyên liệu chế biến ra nhiều món ăn như canh, xào cực kỳ hấp dẫn và thơm ngon, điển hình như món canh rau dệu tôm đất dưới đây:

4.1 Nguyên liệu

  • Rau dệu: 400g
  • Tôm đất: 100g
  • Đậu hũ tươi: 2 miếng
  • Hành tím băm: 2 củ
  • Gia vị thông dụng
tac-dung-cua-cay-rau-deu-voh-3
Canh rau dệu nấu tôm đất (Nguồn: Internet)

4.2 Cách nấu canh rau dệu tôm đất

Rau dệu rửa thật sạch để loại bỏ đất và bụi bẩn, sau đó để ráo.

Tôm đất mua về rửa sạch, bóc vỏ, loại bỏ chỉ trên lưng.

Đậu hũ tươi cắt thành 4 hoặc 6 miếng vừa ăn.

Bắc nồi lên bếp, cho dầu ăn vào, dầu nóng cho hành vào phi thơm. Sau đó, cho tôm vào nồi xào cho săn thịt, thêm nước mắm, đường, muối và hạt nêm theo khẩu vị.

Cho nước vào nồi, đun sôi thì cho đậu hũ tươi vào. Đợi nước sôi lại lần nữa thì cho rau dệu vào, không đậy nắp. Nấu đến khi thấy canh sôi thì nêm nếm lại gia vi cho vừa ăn. Cuối cùng múc canh ra tô và thưởng thức.

Ngoài ra, bạn cũng có thể dùng rau dệu để nấu:

  • Canh rau dệu nấu với tép
  • Rau dệu xào trứng
  • Rau dệu xào thịt bò
  • Rau dệu luộc
  • Canh rau dệu nấu cá đồng hoặc thịt bằm

5. Giá trị dinh dưỡng của rau dệu

Dân gian thường lấy ngọn và lá non của cây rau dệu dùng làm thực phẩm hoặc dùng làm thuốc. Bởi cứ 100g cây rau rệu có chứa các thành phần sau đây:

  • Nước: 89.3g
  • Chất đạm: 4.5g
  • Chất xơ: 2.1g 
  • Canxi: 98mg 
  • Sắt: 1.2mg 
  • Photpho: 22mg
  • Beta-Carten: 5.1mg 

Như vậy, có thể nói thành phần dinh dưỡng có trong cây rau dệu rất có lợi cho sức khỏe con người. Mặc dù tác dụng của rau dệu hỗ trợ nhiều trong việc điều trị bệnh nhưng cần sử dụng đúng cách và nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng trị bệnh.