Trà xanh là một trong những loại thức uống quen thuộc và phổ biến trong đời sống hàng ngày. Tác dụng của trà xanh cũng được nhiều nghiên cứu ghi nhận và đánh giá cao trong việc phòng và hỗ trợ điều trị nhiều bệnh lý.
1. Trà xanh là gì?
Trà xanh hay chè xanh được làm từ lá cây trà (tên khoa học là cây Camellia sinensis) chưa trải qua quá trình héo và oxi hóa. Trà xanh có nguồn gốc ở Trung Quốc nhưng quy trình sản xuất lan rộng tới nhiều quốc gia ở châu Á.
Cùng với trà xanh, trà ô long và trà đen cũng được chế biến từ loại cây này, nhưng được chế biến ở mức độ oxy hóa khác nhau.
Hiện nay, trà xanh có nhiều loại khác nhau, những khác biệt này chủ yếu do sự đa dạng giống trà, điều kiện trồng trọt, phương pháp canh tác, quá trình thu hái và cách thức chế biến.
Ngoài việc sử dụng trà xanh như một loại thức uống giải khát, người ta còn chế biến trà thành dạng bột. Bột trà xanh có tác dụng làm sáng da, trị mụn và thâm nám vô cùng hiệu quả.
2. Tác dụng của trà xanh dành cho sức khỏe
Trà xanh là thức uống quen thuộc của nhiều người. Đây không chỉ là thói quen mà còn là cách sống khỏe, phòng tránh bệnh tật. Trong trà xanh giàu dưỡng chất như: polyphenol, alkaloid, amino axit, vitamin, flavonid, flour, tanin, saponin… Chính nhờ những hoạt chất này mà uống trà xanh mang lại cho bạn rất nhiều lợi ích sức khỏe như:
2.1 Phòng ngừa ung thư
Uống trà xanh có thể giúp phòng ngừa ung thư. Trà xanh giàu hoạt chất polyphenol, đây là hợp chất tự nhiên có tác dụng chống ung thư. Ngoài ra, trà xanh có chứa catechin gọi là epigallocatechin-3-gallate (EGCG). Catechin là chất chống oxy hóa tự nhiên giúp ngăn ngừa tổn thương tế bào và cung cấp các lợi ích khác.
2.2 Giảm huyết áp
Một trong những tác dụng của trà xanh là giúp giảm huyết áp cũng như ngăn ngừa lão hóa. Chất polyphenol và vitamin C trong trà có thể giúp giảm mỡ, giảm huyết áp, cải thiện chức năng mạch máu.
2.3 Cải thiện chức năng não
Trà xanh không chỉ giúp cơ thể tỉnh táo khi sử dụng mà còn có thể tăng cường chức năng não. Thành phần caffeine trong trà xanh có thể giúp kích thích não bộ. Tuy hàm lượng cafein trong trà xanh không nhiều như trong cà phê nhưng vẫn đủ để tạo ra phản ứng tỉnh táo mà không gây ra hiệu ứng “bồn chồn” do hấp thụ nhiều cafein gây ra.
2.4 Sát khuẩn, giảm viêm
Trà xanh đối với vi khuẩn (E.coli), tụ cầu khuẩn (Staphylococcus) và virus… đều có tác dụng ức chế. Bởi hợp chất polyphenol như polyphenolic, xanthin trong trà sẽ kết hợp với protein của virus, làm giảm hoạt tính của các virus và giúp giảm viêm hiệu quả.
2.5 Giảm stress
Nhờ thành phần theanine mà trà xanh được cho là có công dụng giảm stress. Hơn nữa, trong trà xanh còn có chứa cafein, có tác dụng hưng phấn thần kinh, giúp bạn tỉnh táo và tập trung hơn.
2.6 Tăng cường sức khỏe tim mạch
Ngăn ngừa một số bệnh tim mạch là một trong những tác dụng của trà xanh. Uống trà xanh có thể làm giảm cholesterol toàn phần và cholesterol LDL (xấu), cũng như bảo vệ phần tử LDL khỏi quá trình oxy hóa.
Một số nghiên nghiên cứu cho thấy những người uống trà xanh có nguy cơ mắc bệnh tim mạch thấp hơn (1) (2). Ngoài ra, trong trà xanh có chất polyphenol có thể giảm huyết áp và chức năng biểu mô, giúp giam nguy cơ bệnh tim ở những người thừa cân, béo phì.
Xem thêm: 7 căn bệnh có thể xuất phát từ bệnh béo phì, hầu hết là bệnh mãn tính nguy hiểm
2.7 Giảm cân
Các chất catechins trong cà phê và trà xanh có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình chuyển hóa năng lượng, tốt cho việc giảm cân. Một vài nghiên cứu cho thấy, trà xanh có thể tăng cường đốt cháy chất béo và tăng tỷ lệ trao đổi chất trong thời gian ngắn. (3) (4) (5)
2.8 Ngăn ngừa bệnh tiểu đường tuýp 2
Các nghiên cứu cho thấy trà xanh có khả năng cải thiện insulin và giảm lượng đường trong máu, từ đó giúp giảm làm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2. (6) (7)
2.9 Giảm hôi miệng
Trong trà xanh chứa chất catechin có lợi cho sức khỏe răng miệng, bởi chúng giúp ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn trong miệng, đồng thời làm giảm nguy cơ nhiễm trùng.
2.10 Giảm nguy cơ mắc bệnh alzheimer và parkinson
Tác dụng của trà xanh không chỉ cải thiện chức năng não trong thời gian ngắn mà còn bảo vệ não khi cơ thể già đi. Các hợp chất hoạt tính sinh học trong trà xanh có tác dụng bảo vệ não, bảo vệ tế bào thần kinh, làm giảm nguy cơ sa sút trí tuệ, bệnh alzheimer hay parkinson – những căn bệnh phổ biến ở người cao tuổi.
3. Tác dụng của trà xanh trong làm đẹp
Bên cạnh những lợi ích về mặt sức khỏe, tác dụng của trà xanh còn được ghi nhận ở lĩnh vực chăm sóc sắc đẹp và làn da phụ nữ.
3.1 Chống lão hóa da
Với chức năng chống oxy hóa cao gấp 20 lần so với vitamin E, uống trà xanh mỗi ngày sẽ giúp bạn tránh khỏi những vết chàm (nám). Chất chống oxy hóa trong trà xanh cũng giúp loại bỏ gốc tự do gây ra nếp nhăn và đường nhăn – biểu hiện của tuổi già đang kéo đến.
Bên cạnh đó, phụ nữ có thể dùng trà xanh như một loại nước dưỡng da, cho nước trà vào bình xịt và xịt lên toàn bộ cơ thể sau khi tắm là cách giúp da tươi mát, mịn màng và chống lão hóa.
Ngoài ra, dùng trà xanh để xông mặt khoảng 30 giây đến 1 phút sẽ giúp thông thoáng lỗ chân lông rất hiệu quả.
3.2 Cải thiện vùng da bị viêm
Trà xanh có đặc tính chống viêm, thành phần chính của nó là epigallocatechin-3-gallate (EGCG). Các mỹ phẩm chiết xuất từ trà xanh có tác dụng thúc đẩy phản ứng chống viêm khi bôi tại chỗ.
3.3 Làm sạch lỗ chân lông bị tắc
Trà xanh là một phương pháp trị mụn hiệu quả giúp thu nhỏ lỗ chân lông và loại bỏ mụn đầu đen và mụn mà không có tác dụng phụ nghiêm trọng. Các sản phẩm chăm sóc da có chiết xuất trà xanh có thể giúp loại bỏ vi khuẩn có thể làm tắc nghẽn lỗ chân lông và giảm sưng để giảm thiểu sự xuất hiện của mụn nhọt hiện có.
3.4 Giảm bọng mắt và quầng thâm
Nhiều người có thói quen sử dụng túi trà xanh đã qua sử dụng để làm giảm thâm quầng mắt. Lý do là vì trong trà xanh chứa lượng cafein và tanin vừa phải. Tanin và cafein đều có tác dụng thu nhỏ mạch máu. Điều này giúp làm giảm các bọng mắt và quầng thâm.
4. Bà bầu uống trà xanh có tốt không?
Bà bầu có thể uống trà xanh nhưng phải đảm bảo trong liều lượng an toàn. Nguyên nhân là do trong trà xanh có chứa cafein và đây là một chất không có lợi cho sức khỏe thai kỳ nếu được tiêu thụ với một lượng lớn.
Tuy vậy, nếu bà bầu uống trà xanh trong giới khoảng 3 - 5 gram mỗi ngày thì sẽ nhận được khá nhiều những lợi ích sức khỏe, chẳng hạn như giúp tăng cường hệ miễn dịch, ngăn ngừa một số vấn đề về tim mạch,....
Xem thêm: 5 lợi ích sức khỏe giúp bạn giải tỏa băn khoăn “bà bầu uống trà xanh được không?”
5. Tác hại của trà xanh là gì?
Sử dụng trà xanh tốt cho sức khỏe nhưng khi uống trà xanh quá nhiều sẽ khiến bạn gặp phải những rủi ro không mong muốn.
Tác hại dễ thấy nhất khi uống trà xanh quá mức là khiến bạn mất ngủ, khó ngủ. Ngoài ra, bạn có thể sẽ bị giảm khả năng hấp thụ sắt, bị đây hơi, trào ngược dạ dày, hoa mắt chóng mặt... và nhiều vấn đề sức khỏe khác khi tiêu thụ trà xanh quá mức cho phép mỗi ngày.
Xem thêm: 7 tác hại của trà xanh không một ai mong muốn gặp phải
Chính vì thế, để đảm bảo hạn chế thấp nhất khả năng gặp phải những tác hại của trà xanh bạn cần lưu ý một số điều sau đây:
5.1 Không uống trà xanh quá nhiều
Một người bình thường có thể uống trà xanh ở mức 2-3 tách mỗi ngày. Ngoài ra, không vượt quá 200-300 mg/ml cafein. Bạn có thể uống trà xanh đã được tách cafein nhưng vẫn phải tuân theo liều lượng tiêu chuẩn.
5.2 Không uống trà ngay sau bữa ăn
Uống trà ngay sau bữa ăn không những làm loãng dịch vị, gây trở ngại tiêu hóa mà còn làm chậm nhu động đường ruột, kéo dài thời gian phân lưu lại trong ruột nên dễ gây táo bón. Do đó, uống trà sau 1 giờ sau bữa ăn là thích hợp nhất.
5.3 Không uống trà trước khi đi ngủ
Uống trà có thể gây hưng phấn thần kinh và đi tiểu nhiều. Do đó, nếu bạn uống trà trước khi đi ngủ, nhất là trà đậm, sẽ khiến bạn mất ngủ.
5.4 Không uống trà khi đang sốt cao
Nước trà sẽ làm mất tác dụng của một số loại thuốc hạ sốt. Ngoài ra, axit tannic trong trà còn ảnh hưởng đến việc bài tiết mồ hôi, cản trở cơ thể thải nhiệt bình thường.
Ngoài ra, bạn cũng không nên uống trà để qua đêm, trà quá lạnh hoặc quá nóng, trà nấu nhiều lần cũng như không uống trà khi đang đói để tránh những tác dụng phụ không mong muốn mà trà xanh mang lại.
6. Một số món ngon từ trà xanh
Thực tế, lá trà xanh tươi thường được sử dụng nhiều nhất là pha nước uống. Quy trình nấu cũng vô cùng đơn giản: Bạn chỉ cần rửa sạch lá trà xanh rồi thành những khúc nhỏ khoảng 2cm hoặc dùng tay để vặn nhẹ, sau đó cho lá trà tươi vào ấm. Tiếp tục, đun nước sôi khoảng 70 – 80 độ C rồi rót vào ấm. Khi nước trà đã ngấm vị thì bắt đầu rót ra cốc thưởng thức.
Còn muốn dùng trà xanh để chế biến món ăn, bạn cần sử dụng bột trà xanh. Bạn có thể mua bột trà xanh từ cửa hàng hoặc tự làm bột trà xanh tại nhà bằng lá trà xanh tươi hoặc lá trà khô.
Dưới đây một số món ăn làm từ trà xanh mà bạn có thể tự làm tại nhà:
6.1 Matcha trà xanh đá xay
Nguyên liệu
- Sữa đặc: 30ml
- Bột trà xanh: 1/3 muỗng cà phê
- Sữa tươi: 30ml
- Đá viên: 50g
- Bột frappe: 5g
- Máy xay sinh tố
Cách làm matcha trà xanh đá xay
- Hòa tan bột matcha trà xanh trong nước sôi, nếu bạn dùng bột matcha Nhật Bản thì chỉ cần khoảng 1/3 muỗng cà phê là được.
- Cho dung dịch vừa hòa tan vào máy xay sinh tố cùng với 30 ml sữa đặc, 30ml sữa tươi và đá viên. Có thể thêm vài giọt vanilla để nước ngon hơn. Sau đó xay khoảng 40 giây đến khi hỗ hợp mịn là được.
- Rót ra ly là bạn đã có ngay một ly matcha trà xanh đá xay mát lạnh, thơm ngon để thưởng thức rồi.
6.2 Kem trà xanh
Nguyên liệu
- Sữa tươi: 100ml
- Bột matcha: 20g
- Sữa đặc: 240g
- Kem tươi: 400ml
Cách làm kem trà xanh
- Cho 100ml sữa tươi vào nồi đun với lửa vừa đến khi sôi thì tắt bếp.
- Tiến hành rây 20g bột matcha vào tô, chờ sữa nguội thì cho sữa vào tô đựng matcha, dùng phớ đánh đều hỗn hợp.
- Cho 240g sữa đặc vào hỗn hợp matcha, đánh đều rồi dùng rây lọc lại hỗn hợp.
- Cho 400ml kem tươi vào tô, dùng máy đánh tránh đánh bông lên. Sau đó, cho hỗn hợp matcha vào và tiếp tục dùng máy đánh trứng trộn đều.
- Chi kem matcha vào ngăn đông tủ lạnh khoảng 3 tiếng rồi lấy ra trộn đều. Sau đó, tiếp tục cho vào ngăn đông tủ lạnh khoảng 2 tiếng, lại lấy ra trộn đều trong 3 phút. Cho tiếp kem vào tủ lạnh thêm 2 tiếng nữa là hoàn thành.
6.3 Bánh mousse matcha trà xanh
Nguyên liệu
- Bột trà xanh: 6g
- Đường: 25g
- Chocola trắng: 100g
- Kem tươi dạng lỏng: 150ml
- Sữa tươi: 100ml
- Trứng gà: 1 quả
- Bột gelatin:10g
Cách làm bánh mousse matcha trà xanh
- Đánh bông lòng trắng trứng cùng 4-5 giọt nước chanh cho đến khi kem bông mịn và sánh lại.
- Cho sữa tươi và chocolate vào nồi, bắt lên bếp nấu cho chảy ra hoặc có thể làm tan chúng bằng lò vi sóng.
- Bột làm bánh và 1 cái trứng cho vào hỗn hợp đã làm tan ở trên rồi khuấy đều. Sau đó cho bột trà xanh vào quậy tiếp đến khi hỗn hợp mịn thì đổ hỗn hợp ra khuôn và nướng khoảng 25 phút.
- Lấy phần lòng trắng trứng ở bước 1 đổ vào khuôn bánh. Tiếp đến, đánh bông kem tươi nước, thêm đường và ½ bột gelatin đã làm tan vô đánh đều đến khi hỗn hợp quyện và mịn. Đổ chúng vào khuôn bánh và để bánh vào tủ lạnh để lớp mousse đông lại.
- Trộn trà xanh với ½ bột gelatin đã làm tan rồi đổ lên mặt bánh. Tiếp tục bỏ vào tủ lạnh để lớp mặt được đông.
- Lấy bánh ra và cắt miếng vừa ăn, có thể trang trí hoặc rắc 1 ít bột trà xanh lên trên để món ăn trong đẹp hơn.
Ngoài ra, còn rất nhiều những món ăn khác bạn có thể sử dụng bột trà xanh để làm nguyên liệu chế biến như: sữa chua trà xanh, bánh trà xanh, bánh Flan trà xanh, chè khúc bạch trà xanh...
7. Giá trị dinh dưỡng của trà xanh
Như đã nói trà xanh có giá trị dinh dưỡng rất cao. Dưới đây là hàm lượng dinh dưỡng trong 100g trà xanh:
- Năng lượng: 0.96 kcal
- Vitamin B1: 0.007 mg
- Vitamin B2: 0.06 mg
- Vitamin B3: 0.03 mg
- Vitamin B6: 0.005 mg
- Vitamin C: 0.3 mg
- Sắt: 0.02 mg
- Magie: 1 mg
- Mangan: 0.18 mg
- Kali: 8 mg
- Natri: 1 mg
- Nước: 99.9 g
- Caffeine: 12 mg
Như vậy, trà xanh là thức uống tốt cho sức khỏe. Bạn có thể nhận được rất nhiều những lợi ích từ trà xanh, tuy nhiên hãy lưu ý về thời điểm sử dụng để có thể phát huy hiệu quả những tác dụng của trà xanh nhé!