Chờ...

Hàn Quốc chống… bạo lực học đường như thế nào?

(VOH) - Hàn Quốc đang phải chật vật đối phó với tình trạng ngày càng nhiều thanh thiếu niên gặp khó khăn khi trở lại trường học sau đại dịch - liên quan tới bạo lực học đường.

Khi học kỳ mùa xuân trở lại vào tháng 3, các cố vấn tại Trung tâm Tư vấn và Phúc lợi Thanh thiếu niên tại Changwon (Hàn Quốc) trở nên bận rộn bởi những trẻ em… sợ đến trường. Đây là nơi cung cấp các bài kiểm tra tâm lý, tư vấn và liệu pháp vui chơi miễn phí cho thanh thiếu niên từ 9 - 24 tuổi bị bắt nạt ở trường học. 

Trung tâm Changwon hiện có 10 cố vấn, giám sát 264 học sinh được gửi đến từ các trường trong khu vực. Đây là một trong 240 trung tâm tư vấn công lập trên khắp Hàn Quốc chuyên hỗ trợ trẻ em bị bạo lực học đường và gia đình.

bạo lực học đường
Học sinh bị bắt nạt học đường ngày càng trẻ hóa - Ảnh: 123rf

Hàn Quốc đã đạt được nhiều tiến bộ trong vấn đề này, với nhiều trung tâm tư vấn pháp luật hơn để ngăn chặn các vụ bạo lực học đường bị che đậy, nhưng các sự kiện gần đây cho thấy, các trường hợp bị bạo lực tiếp tục gia tăng.

Một tư vấn viên tại Trung tâm Tư vấn và Phúc lợi Thanh thiếu niên Changwon cho biết, từ bạo lực gia đình đến khó khăn kinh tế, có rất nhiều yếu tố đằng sau các vấn đề tâm thần của thanh thiếu niên, nhưng bạo lực học đường là nguyên nhân chính trong suốt những năm qua. Ngoài ra, trẻ em bị bắt nạt học đường ngày càng trẻ hóa.

Số lượng trẻ em cần giúp đỡ ngày càng tăng một phần cũng do đại dịch Covid-19 khiến các em mất đi những cơ hội quan trọng để thực hành xây dựng mối quan hệ.

Người đứng đầu Trung tâm Phòng chống Bạo lực Học đường - Choi Woo-sung cho biết thêm, bắt nạt học đường đang phát triển và chuyển sang các lĩnh vực mới, đặc biệt là thông qua Internet.

"Bạo lực trong thế giới mà người lớn không biết đang gia tăng, chẳng hạn như tấn công nạn nhân thông qua công nghệ deepfake chỉnh sửa khuôn mặt của nạn nhân thành những hình ảnh xúc phạm hoặc chế giễu họ thông qua các ứng dụng trò chuyện ẩn danh" - Choi nói.

Đọc thêm: Nạn nhân bị bạo lực học đường dễ có nguy cơ tự tử

Những bước tiến trong việc chống… bạo lực học đường tại Hàn Quốc

Noh Yoon-ho, luật sư chuyên về bạo lực học đường cho biết, ngày nay, nạn bắt nạt không thể che đậy được nữa – bởi không giống như trước đây - khi mỗi trường phụ trách và tự giải quyết các vụ việc xảy ra trong cơ sở của họ.

Bà nói: “Kể từ năm 2020, văn phòng giáo dục ở mỗi khu vực chịu trách nhiệm về bạo lực học đường, vì vậy chúng tôi có thể nói rằng mọi thứ đang diễn ra một cách chuyên nghiệp và công bằng hơn” và theo bà: “Những gì các nạn nhân muốn là một lời xin lỗi chân thành từ thủ phạm và quay trở lại cuộc sống hàng ngày của họ với sự đảm bảo rằng bạo lực như vậy sẽ không xảy ra nữa”.

Một sửa đổi pháp lý vào năm 2021 tại Hàn Quốc bắt buộc phải tách nạn nhân khỏi thủ phạm. Hiệu trưởng phải ngay lập tức tách thủ phạm ra khỏi nạn nhân - kể cả đó là giáo viên - ngay sau khi nhận ra sự việc.

Hơn nữa, một giai đoạn "hòa giải xung đột" phải được thiết lập trong quá trình quản lý bạo lực học đường trong nhà trường để ngăn chặn các vụ việc nhỏ phát triển thành các vụ kiện và hạn chế hành động trả đũa bừa bãi.

"Trong trường hợp các vụ việc nhẹ mà cả nạn nhân và thủ phạm đều đồng ý chấp nhận hòa giải, các trường học có thể yêu cầu sự giúp đỡ từ văn phòng giáo dục trong khu vực, cố gắng hàn gắn mọi thứ trước khi vụ việc đến giai đoạn pháp lý", một giáo viên tiểu học ở Incheon cho biết.

Các trường đại học tại Hàn Quốc cũng đang xem xét các yếu tố "lịch sử bắt nạt của học sinh" khi xem xét hồ sơ nhập học. Kim Dong-won, hiệu trưởng Đại học Korea xác nhận rằng, trường đang xem xét chính sách liên quan đến các trường hợp bắt nạt nghiêm trọng trong quá trình tuyển sinh.

“Bạo lực học đường không chỉ là vấn đề của thủ phạm và nạn nhân. Nó có thể bị ảnh hưởng bởi bạo lực gia đình, sự thiếu giáo dục, hoặc có thể do xã hội thúc đẩy học sinh cạnh tranh quá mức, hoặc do sự quản lý học sinh không công bằng của một số giáo viên. Không thể coi các vụ bạo lực học đường là vấn đề của một cá nhân trẻ em”, ông Chung nói và nhấn mạnh tính phức tạp của vấn đề bạo lực học đường và kêu gọi cần có những biện pháp toàn diện hơn là chỉ lên án một số cá nhân.

“Xã hội cần nhìn nhận nguyên nhân bạo lực học đường là sản phẩm phức tạp của gia đình, xã hội và nhà trường” - ông Chung nói.

Loạt phim truyền hình siêu thành công của Netflix "The Glory" dường như đã khơi dậy sự quan tâm mới của công chúng Hàn Quốc đối với vấn đề bạo lực học đường.

"Bộ phim được xếp loại R nên không có nhiều trẻ em nói về nó, nhưng nó đã có ảnh hưởng to lớn đến người lớn và xã hội. Các vụ bạo lực học đường dường như đã bước sang một chương mới" - Yang Mi-jin, giáo sư tại Đại học Quốc gia cho biết.