Hơn một nửa số hồ nước trên thế giới đang dần cạn nước

VOH - Theo một nghiên cứu mới, hơn một nửa số hồ và hồ chứa nước lớn nhất thế giới đã mất lượng nước đáng kể trong 3 thập kỷ qua, nguyên nhân chủ yếu là do biến đổi khí hậu và sử dụng nước quá mức.

Trên khắp thế giới, mực nước các hồ quan trọng nhất đang giảm mạnh. Hồ Mead của sông Colorado ở Tây Nam Hoa Kỳ đã rút đi đáng kể trong bối cảnh siêu hạn hán và sử dụng quá mức. Biển Caspian, nằm giữa châu Á và châu Âu – vùng nước nội địa lớn nhất thế giới – từ lâu đã suy giảm cũng do biến đổi khí hậu và sử dụng quá mức.

cạn nước, hạn hán
Một chiếc thuyền bị đắm xuất hiện trên lòng hồ khô cạn của Hồ Mead vào ngày 14/6/2022 - Ảnh: Getty

Theo nghiên cứu của một nhóm các nhà khoa học quốc tế, được công bố trên tạp chí Science, mặc dù các hồ chỉ chiếm khoảng 3% diện tích hành tinh, nhưng chúng chứa gần 90% lượng nước ngọt trên bề mặt và là nguồn cung cấp nước uống, thủy lợi và năng lượng thiết yếu, đồng thời cung cấp môi trường sống quan trọng cho động vật và thực vật.

Mực nước hồ dao động để đáp ứng sự thay đổi khí hậu tự nhiên nhưng chúng ngày càng bị ảnh hưởng bởi hoạt động của con người.

Xem thêm: Hạn hán tồi tệ nhất thế kỷ tiếp diễn tại Tây Ban Nha

Các nhà nghiên cứu đã sử dụng số liệu vệ tinh trong nhiều năm của gần 2.000 hồ và hồ chứa lớn nhất thế giới, chiếm 95% tổng lượng nước hồ trên Trái đất.

Kết quả phát hiện ra rằng, 53% các hồ và hồ chứa đã bị mất một lượng nước đáng kể, với mức giảm ròng khoảng 22 tỷ tấn mỗi năm. Báo cáo cho thấy hơn một nửa lượng nước bị thất thoát trong các hồ tự nhiên có thể là do các hoạt động của con người và biến đổi khí hậu.

Báo cáo cho thấy, những tổn thất trong trữ lượng nước hồ ở khắp mọi nơi, kể cả ở vùng nhiệt đới ẩm và Bắc Cực lạnh giá. Điều này cho thấy xu hướng “sấy khô” trên toàn thế giới và rộng hơn so với suy nghĩ trước đây.

Nghiên cứu cho thấy, mực nước các hồ co lại sẽ góp phần làm “khô cằn” lưu vực sông xung quanh, từ đó làm tăng sự bốc hơi và đẩy nhanh tốc độ suy giảm lượng nước của chúng.

Đối với các hồ ở những nơi lạnh hơn trên thế giới, sự bốc hơi vào mùa đông là một vấn đề ngày càng gia tăng do nhiệt độ ấm hơn làm tan lớp băng bao phủ. Những thay đổi này có thể có tác động theo tầng, bao gồm giảm chất lượng nước, tăng tảo độc nở hoa và mất đời sống thủy sinh.

Sự suy giảm chất lượng nước của các hồ do khí hậu ấm hơn, gây áp lực lên nguồn cung cấp nước cho các cộng đồng sống dựa vào chúng.