Khai mạc Diễn đàn châu Á Bác Ngao

(VOH) - Hội nghị thường niên Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2022 hôm qua (21/4) khai mạc tại tỉnh Hải Nam, Trung Quốc.

Sáng kiến an ninh toàn cầu đã được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công bố khi phát biểu tại đây.Diễn đàn thường niên châu Á Bác Ngao 2022 diễn ra trong 3 ngày (20-22/4) tại tỉnh Hải Nam, Trung Quốc, với chủ đề “Dịch bệnh và thế giới: Chung tay thúc đẩy phát triển toàn cầu, xây dựng tương lai chung”. Với hơn 30 diễn đàn phụ và các hoạt động, diễn đàn thảo luận các vấn đề đang được cộng đồng quốc tế quan tâm nhất hiện nay là phục hồi kinh tế thế giới và phát triển bền vững sau đại dịch. Tham dự diễn đàn lần này có hơn 300 khách mời là lãnh đạo nhiều quốc gia trong khu vực, chính khách, người đứng đầu các tổ chức quốc tế, các chuyên gia học giả, các doanh nghiệp theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến.

Trong bài phát biểu qua video tại lễ khai mạc diễn đàn, ông Tập Cận Bình cho rằng, tư tưởng Chiến tranh Lạnh sẽ phá hoại khuôn khổ hòa bình toàn cầu, chủ nghĩa bá quyền và chính trị cường quyền sẽ gây nguy hiểm cho hòa bình thế giới và đối đầu giữa các khối sẽ làm trầm trọng thêm các thách thức an ninh trong thế kỷ 21. Đây là bài phát biểu thứ 6 của Chủ tịch Trung Quốc tại Diễn đàn châu Á Bác Ngao. Hơn 600 đại biểu đến từ 42 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự diễn đàn năm nay, trong đó có các nhà lãnh đạo của Israel, Mông Cổ, Nepal, Philippines, Kazakhstan và Lào, cùng Tổng giám đốc Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có bài phát biểu tại lễ khai mạc Diễn đàn châu Á Bác Ngao (Boao) ở tỉnh Hải Nam, Trung Quốc ngày 21-4 - Ảnh: REUTERS

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có bài phát biểu tại lễ khai mạc Diễn đàn châu Á Bác Ngao (Boao) ở tỉnh Hải Nam, Trung Quốc ngày 21/4 - Ảnh: REUTERS

Theo đó, Trung Quốc đã đưa ra Sáng kiến an ninh toàn cầu với các nội dung chính như tuân thủ quan điểm an ninh chung, tổng hợp, hợp tác và bền vững; tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các nước, không can thiệp vào công việc nội bộ, tôn trọng con đường phát triển và chế độ xã hội của các quốc gia; tuân thủ tôn chỉ và nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc, từ bỏ tư tưởng Chiến tranh Lạnh, phản đối chủ nghĩa đơn phương; coi trọng mối quan tâm hợp lý về an ninh của các quốc gia; giải quyết hòa bình các bất đồng và tranh chấp giữa các nước thông qua đối thoại hiệp thương; phối hợp duy trì an ninh trong các lĩnh vực truyền thống và phi truyền thống.

Về kinh tế, các quốc gia cho rằng cần thúc đẩy phục hồi kinh tế và xây dựng một nền kinh tế thế giới mở, “duy trì sự ổn định của chuỗi công nghiệp chuỗi cung ứng toàn cầu”. Trong bài phát biểu trực tuyến tại phiên khai mạc Diễn đàn châu Á Bác Ngao (BFA) thường niên năm 2022 diễn ra ở Trung Quốc, ông Tập Cận Bình cũng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục cam kết xây dựng một nền kinh tế thế giới mở, đồng thời cho rằng cần đẩy mạnh nỗ lực để đi đầu trong xu hướng chủ đạo của toàn cầu hóa kinh tế, tăng cường điều phối chính sách vĩ mô và thúc đẩy sử dụng khoa học và công nghệ để có thêm động lực tăng trưởng.

Trong “Báo cáo thường niên năm 2022: Triển vọng kinh tế và tiến trình hội nhập của châu Á” công bố tại Diễn đàn ngày 20/4, các chuyên gia cho biết  kinh tế châu Á dự báo sẽ tiếp tục xu thế phục hồi trong năm nay với tốc độ tăng trưởng khoảng 4,8%, thấp hơn so với năm 2021 do ảnh hưởng của nhiều nhân tố như dịch COVID-19, xung đột Nga-Ukraine. Theo báo cáo, cần quan tâm tới 6 nhân tố lớn có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế khu vực này, bao gồm xu thế phát triển của dịch bệnh COVID-19; cục diện địa - chính trị sau xung đột Nga-Ukraine; nhịp độ và cường độ điều chỉnh chính sách tiền tệ của Mỹ và châu Âu; vấn đề nợ của một số quốc gia; nguồn cung hàng hóa cơ bản then chốt và  sự thay đổi chính phủ của một số quốc gia.

Cũng tại Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2022, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cảnh báo tình trạng giảm tốc kéo dài của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới Trung Quốc có thể tác động đáng kể đối với nền kinh tế toàn cầu, nhấn mạnh rằng nỗ lực của Trung Quốc nhằm ngăn nền kinh tế giảm tốc có ý nghĩa then chốt đối với sự phục hồi kinh tế toàn cầu. Bà đánh giá Trung Quốc đang sở hữu không gian chính sách để cung cấp sự hỗ trợ cho chính sách kinh tế vĩ mô, bao gồm chuyển trọng tâm sang các hộ gia đình dễ bị tổn thương nhằm đẩy mạnh tiêu dùng, từ đó cũng có thể góp phần hỗ trợ các mục tiêu khí hậu của Trung Quốc thông qua việc hướng hoạt động kinh tế sang các ngành nghề có mức phát thải carbon thấp hơn.

Những nỗ lực chính sách mạnh mẽ hơn trong lĩnh vực bất động sản cũng có thể góp phần đảm bảo sự phục hồi cân bằng. Trước đó, IMF hồi đầu tuần này đã hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc trong năm nay xuống còn 4,4% - thấp hơn nhiều so với mục tiêu mà Bắc Kinh đề ra là xấp xỉ 5,5%.

Theo đánh giá chung, tăng trưởng kinh tế châu Á phục hồi mạnh trong năm 2021. Theo dự báo mà Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) công bố vào tháng 1, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của các nền kinh tế châu Á trong năm 2021 là 6,3%. Trong số 47 nền kinh tế châu Á, ngoại trừ Myanmar, Afghanistan, Bhutan và Iran, tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế khác đều cao hơn so với năm 2020. Tính theo tiêu chuẩn sức mua tương đương, năm 2021, quy mô kinh tế châu Á chiếm 47,4% tỷ trọng kinh tế thế giới, tăng 0,2 điểm phần trăm so với năm 2020.

Trong bối cảnh đó, theo giới phân tích, các chuỗi cung ứng và công nghiệp toàn cầu cần được duy trì ổn định, cũng như cần ngăn chặn những tác động tiêu cực nghiêm trọng từ việc điều chỉnh chính sách ở một số quốc gia. Để giải quyết tình trạng phát triển không đồng đều và chưa phù hợp, các  nước nhấn mạnh cần quan tâm đúng mức đến nhu cầu cấp bách của các nước đang phát triển, đồng thời thúc đẩy hợp tác thiết thực trong các lĩnh vực chính như xóa đói giảm nghèo, an ninh lương thực, tài trợ phát triển và công nghiệp hóa.