Điện Biên Phủ - dấu son rực rỡ của lịch sử quân sự Việt Nam (Bài 2) - Thời sự 05g30 06/05/2019

(VOH) - Ngày 17/12/1953, Đại tá Piroth, chỉ huy lực lượng pháo binh của Pháp ở Điện Biên trình bày với Đại tướng Navarre kế hoạch phản pháo trong trường hợp bị Việt Minh tấn công.

Đứng trước bản đồ có ghi rõ vị trí Điện Biên Phủ và những cao điểm mà Việt Minh có thể bố trí pháo, Đại tá Piroth hứa danh dự sẽ “không để cho bất cứ khẩu pháo nào của Việt Minh bắn quá ba phát mà không tiêu diệt được chúng”.

Thái độ huênh hoang đó đến từ những tính toán của Bộ chỉ huy quân đội Pháp, khi cho rằng Việt Minh không thể đưa được những khẩu pháo lên Điện Biên Phủ.

Ấy vậy mà, chính Đại tá Piroth đã phải tự sát ngay tại hầm chỉ huy, vì xấu hổ và bất lực trước sức tấn công của cơn mưa đại bác từ các khẩu pháo của quân Việt Minh dội xuống cứ điểm Him Lam. Sức mạnh của pháo binh chúng ta lớn đến mức nào, câu hỏi này sẽ được trả lời trong bài 2 “Oai dũng pháo binh” của loạt bài “Điện Biên Phủ - dấu son rực rỡ của nghệ thuật quân sự Việt Nam”.

-----

Bài 2: Oai dũng pháo binh

“Mở đường đưa đại bác vào Điện Biên Phủ là công việc của Hecquyn. Những đường mòn đơn giản cũng chẳng bao giờ được vạch ra”. Rõ ràng, khả năng Việt Minh đưa trọng pháo vào tham chiến ở Điện Biên Phủ đã được các chỉ huy Pháp xem xét.

Không có Hecquyn nào, nhưng đã có 5.000 con người cùng nhau mở con đường dài 15km và kéo những khẩu pháo nặng 2 tấn bằng những công cụ thô sơ.

Đại tá Trần Liên – nguyên Tham mưu trinh sát Trung đoàn 367, Đại đoàn 351 nhớ lại: “Không có dây cáp như bây giờ đâu. Lính phải bện nứa và dây cóc trong rừng thành dây kéo, chặt cây gỗ làm tời. Có một cái dốc tôi gọi là dốc 7 tời, tức là phải 7 lần kéo như thế để lên núi, nên phải nói là gian khổ lắm. Nhưng phải hết sức giữ bí mật, mở đường đến đâu, kéo đến đâu, tối kéo xong là 5 giờ sáng hôm sau phải ngụy trang lại bằng cây rừng để giữ bí mật cho con đường”.

Vượt qua mọi dự đoán của phía Pháp, quân đội Việt Minh đã đưa được pháo lên Điện Biên Phủ. Đây là một trong những yếu tố quyết định chiến thắng của trận chiến.

Ngoài trục đường chính Tuần Giáo – Điện Biên dài hơn 80km được mở để tiếp cận trận địa, vận chuyển, chi viện lương thực, vũ khí cho mặt trận thì còn có 6 con đường nhỏ dành riêng cho xe cơ giới bí mật đã được công binh mở trong chưa đầy 20 ngày.

Để giữ bí mật, việc kéo pháo diễn ra hoàn toàn vào ban đêm. Tuy nhiên, xe ô tô chỉ kéo pháo vào cách Điện Biên Phủ 15km, sau đó bộ đội đã dùng tay không kéo pháo trực tiếp vượt núi.

Là một trong những chỉ huy kéo pháo trong suốt 10 ngày đêm, Đại tá Trần Xuân Hồng – nguyên Đại đội trưởng Đại đội 803, Trung đoàn pháo binh 45, Đại đoàn 351 chưa bao giờ quên thời khắc khó khăn đó: “Mỗi khẩu pháo ngoài pháo thủ ra thì phải chuẩn bị 2 dây chão to, dài. Khi kéo thì ít nhất phải 20 người một dây, nhưng chỗ nào dốc cao thì phải tăng cường 30 người một dây, mỗi đêm có thể đi được 3 – 5 km. Trong lúc kéo pháo đường dốc, không bằng phẳng nên phải tận dụng cái chèn. Anh em pháo thủ khá vất vả, mỗi người sau bánh xe dùng hai tay, khi pháo nhích lên thì mình chèn lại để cho nó khỏi trôi xuống. Nếu mình chèn không tốt, pháo vượt xuống thì lại phải kéo lần thứ hai”.

Việc kéo pháo bằng tay vượt qua bao dốc cao, vực sâu đã trở thành bản hùng ca của dân tộc. Chính anh Tô Vĩnh Diện đã hi sinh chèn mình để cứu pháo tại dốc Chuối.

Sau bao gian lao, vất vả, có cả những sự hy sinh quên mình, những trận địa pháo kiên cố được Việt Minh thiết lập, pháo được phân tán trên các điểm cao thành đường vòng cung, bao vây tập đoàn cứ điểm, có thể ngắm bắn trực tiếp mục tiêu ở lòng chảo.

Các trận địa được xây dựng sâu trong sườn núi, ngụy trang kín đáo tránh tầm quan sát của máy bay trinh sát. Các trận địa giả cũng được ta bố trí để đánh lừa địch.

Trong suốt 55 ngày đêm, pháo binh được che giấu an toàn trong khi 80% bom đạn của địch đã đánh vào trận địa giả. Một bất lợi nữa của quân Pháp, đó là chúng đã “trọc hóa” các ngọn đồi, khiến gần như toàn bộ các vị trí của chúng hiện rõ trong tầm quan sát của pháo binh ta. Ngược lại, vị trí đặt pháo của Việt Minh luôn là dấu hỏi.

Thiếu tướng Vũ Quang Đạo – nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam phân tích: “Pháp đã sai lầm khi chọn tập trung xây dựng tập đoàn cứ điểm tại thung lũng Điện Biên Phủ, trong khi không tính toán đến địa hình xung quanh là núi. Khi có người hỏi tình hình Điện Biên Phủ thế nào, Bác Hồ đã lấy cái mũ đội trên đầu và ngửa ra, Bác nói: lòng mũ như thung lũng Điện Biên Phủ, còn xung quanh vành mũ là bộ đội chúng tôi. Tổ chức trận địa pháo binh, chúng ta đặt pháo ở các sườn núi phía trên và bắn trực tiếp vào trận địa của địch phía dưới, chứ không phải bắn cầu vồng từ sườn núi bên này đến đỉnh núi bên kia, đây là lợi thế của ta. Thứ hai, trận địa của ta được giữ bí mật, nhưng trận địa của Pháp thì phơi bày ra”.

Sau nhiều lần thay đổi ngày giờ nổ súng, 13/3/1954 chính thức được lựa chọn trở thành ngày mở màn chiến dịch với mục tiêu là trung tâm đề kháng Him Lam.

Lần đầu tiên trong chiến tranh Đông Dương, một cơn mưa đại bác bắn chính xác vào cứ điểm của địch, từ trên các điểm cao, hỏa lực bắn cấp tập về phía dưới tập đoàn cứ điểm, ngay cả Piroth - Chỉ huy phó Tập đoàn cứ điểm, phụ trách pháo binh cũng không hề biết được nguồn căn của những loạt đạn pháo ấy.

Ngay trong đêm, Piroth dội hơn 6.000 loạt đại bác về phía xung quanh nhằm tiêu diệt pháo Việt Minh nhưng vô hiệu, ta nhanh chóng làm chủ tình hình, buộc địch từ thế chủ động sang thế bị động đối phó.

Sự hoang mang nhanh chóng lan tới toàn bộ quân địch tại đây, nhiều lính Pháp còn liên tưởng tới ngày tận thế. Cả quả đồi Him Lam rực sáng vì những loạt đạn pháo. Sau sự thất bại nhanh chóng của cứ điểm Him Lam, Piroth vì bất lực và xấu hổ, đã tự sát bằng lựu đạn ngay tại hầm chỉ huy.

Sang đợt tấn công thứ hai vào trung tâm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, cùng với các đơn vị cao xạ, sơn pháo và súng cối, lựu pháo 105mm trực tiếp yểm trợ bộ binh tiến công các cứ điểm: A1, D1, C1, E, chế áp pháo binh địch, sát thương và tiêu diệt một lực lượng cơ động địch ở trung tâm phía Đông Mường Thanh.

Đặc biệt, giai đoạn này, thành công lớn nhất của ta là loại bỏ được khả năng làm việc của sân bay Mường Thanh khi từ đầu tháng 4 trở đi, không một chiếc máy bay nào của Pháp tiếp cận được với Điện Biên Phủ. Khoảng không mà Pháp coi là an toàn trước đó cũng bị đe dọa bởi các loại pháo và súng cối của ta, buộc Pháp phải bay cao thả dù.

Đại úy Công Phương Khương – Bộ môn Lịch sử kỹ thuật, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, cho biết thêm: “Cả Việt Nam và Pháp đều biết điểm yếu chí tử của nhau là công tác bảo đảm hậu cần ở chiến dịch Điện Biên Phủ. Chính vì vậy mà người Pháp hoàn toàn tự tin vào sức mạnh không quân của mình và thực tế giai đoạn đầu đã phát huy vai trò trên chiến trường.

Thế nhưng với sự xuất hiện của pháo 37 ly đã làm đảo lộn mọi tính toán của thực dân Pháp. Pháp đã phải tiến hành một điều mà họ không muốn, đó là tiến hành tiếp tế bằng dù, vô tình làm một cuộc tiếp tế ngược cho quân ta tham chiến trên chiến trường Điện Biên Phủ. Vì vậy có thể nói sự xuất hiện của pháo 37 ly đã làm đảo lộn mọi tính toán của thực dân Pháp và góp phần làm nên chiến thắng chung”.

Sự xuất hiện của pháo binh đã góp phần quan trọng tạo nên chiến thắng làm nức lòng quân dân. Theo một số tài liệu, trận Điện Biên Phủ, thực dân Pháp đã bắn hết hơn 110 ngàn quả đạn pháo cỡ 105 ly, gấp 5 lần số đạn pháo ta đã dùng. Như vậy vai trò của pháo binh trong trận đánh này là vô cùng quan trọng, ta đã thành công trong việc tổ chức đánh hiệp đồng binh chủng bộ binh, pháo binh mà trước đó chưa từng áp dụng. Cũng theo đó pháo 105 ly đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bắn mở cửa, chế áp quân địch và tiêu diệt những mục tiêu quan trọng, góp phần làm nên chiến thắng vang dội của quân ta trên “chảo lửa” Điện Biên Phủ.

VOH

Tin Audio Liên Quan

Bình luận

Đọc Báo