Chờ...

Chấp niệm là gì? Làm sao để buông bỏ chấp niệm?

VOH - Người ta thường nói, buông bỏ chấp niệm chính là "thanh lọc" tâm trí, tìm lại an yên. Vậy chấp niệm là gì?

Cuộc sống này là một chuỗi những sự kiện như ý và bất như ý. Chúng ta không thể trông đợi mọi thứ đều xảy ra hoàn hảo như ta muốn. Khi đó, nếu cứ cố chấp bám víu vào những điều làm bản thân phiền não, ta sẽ không thể sống thoải mái và tự do. Đó cũng chính là biểu hiện của sự chấp niệm.

Vậy chấp niệm là gì? Vì sao cần phải buông bỏ chấp niệm? Cùng VOH tìm hiểu trong bài viết sau.

Chấp niệm là gì?

Chấp niệm là một khái niệm trừu tượng được cấu tạo bởi 2 phần là "chấp" và "niệm". Trong đó, "chấp" có nghĩa là cầm nắm, nắm chặt, "niệm" là suy nghĩ.

Trong tiếng Trung, chấp niệm là 执念 /zhí niàn/ mang nghĩa chỉ một loại ham muốn vô cùng mãnh liệt. Trong đó, "chấp" còn mang nghĩa là cố chấp.

Như vậy, chấp niệm dùng để chỉ một người nào đó cố chấp đến mức khó mà có thể thay đổi đươc ý nghĩ (hoặc cách nghĩ). Những suy nghĩ sẽ luôn tồn tại dai dẳng trong tâm trí của người đó, rất khó để chấp nhận hoặc ngừng nghĩ về nó. Đôi khi còn chiếm lĩnh cả tư tưởng và chi phối hành động một người.

Chấp niệm là gì? Làm sao để buông bỏ chấp niệm? 1
Ảnh: Canva

Xem thêm:
Chánh niệm là gì?  Ý nghĩa và cách thực hành chánh niệm trong đời sống
Hoài niệm là gì mà khiến chúng ta đắm chìm trong miền ký ức?
Bát Chánh Đạo là gì mà giúp con người sống an lạc, hạnh phúc?

Các loại chấp niệm phổ biến

Trong cuộc sống, mỗi người sẽ có những chấp niệm riêng. Trong đó, có một số loại phổ biến như sau: 

Chấp niệm tình cảm

Chấp niệm tình cảm là một trong những chấp niệm gây phiền não lớn nhất của con người. Đây là sự quấn quýt, vương vấn đối phương mãi không quên. Cho dù tình yêu không hạnh phúc, yêu đơn phương hoặc đã đánh mất ai đó, người mang chấp niệm tình cảm vẫn sẽ không cam lòng, suy nghĩ liên tục về người mình yêu. 

Những người mang trong mình chấp niệm tình cảm thì luôn tự trách bản thân mình. Đặc biệt, họ không bao giờ từ bỏ và luôn cố gắng để lấy lại những gì mình đã mất, dù đôi khi biết rằng mình không thể.

Chấp niệm là gì? Làm sao để buông bỏ chấp niệm? 2
Chấp niệm tình yêu sẽ mang đến muộn phiền và đau khổ - Ảnh: Canva

Chấp niệm sự nghiệp

Người mang chấp niệm sự nghiệp sẽ luôn canh cánh trong lòng làm sao để thành công. Họ luôn có suy nghĩ mong muốn tìm cách để thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn, thay đổi cuộc sống.

Loại chấp niệm này đôi khi vừa là động lực để chúng ta phấn đấu đạt được mục tiêu mình đặt ra, cũng vừa là nguyên nhân khiến ta luôn cảm thấy áp lực.

Chấp niệm hoàn cảnh

Chấp niệm về hoàn cảnh sẽ gây ra cho chúng ta sự ưu phiền, đặc biệt là những hoàn cảnh khổ đau. Chúng ta cần nhớ rằng, quá khứ đã qua còn tương lai chưa đến. Hãy cố gắng chấp nhận quá khứ, sống trọn vẹn trong hiện tại để tiến về tương lai.

Chấp niệm trong Phật pháp

Đức Phật răn dạy rằng, mỗi người nên hiểu rõ cần nên loại bỏ điều gì trong tâm trí thì mới có thể sống một cách thanh thản và tự do. Điều này được thể hiện như sau:

Điển tích: câu chuyện về ông lão nghiện rượu

Hơn 2000 năm trước, khi Đức Phật Thích Ca vẫn còn tại thế, cách tịnh xá Kỳ Hoàn của Ngài khoảng 7 dặm, có một ông lão rất mê rượu. Đệ tử của Đức Phật là ngài A Nan thường đi khuyên nhủ ông, khuyên ông tới gặp Đức Phật.

Trước đó, ông lão cũng từng muốn đi gặp Đức Phật. Nhưng khi ông nghe nói Đức Phật đang dạy đệ tử về các điều cấm, có một điều là không được uống rượu. Đối với ông lão mà nói, nếu không được uống rượu, ông chẳng khác nào trẻ sơ sinh không được uống sữa vậy. Vì vậy ông lão vẫn uống rượu không ngừng từ ngày này qua ngày khác và không tới gặp Đức Phật nữa.

Một ngày nọ, ông lão uống say mèm, loạng choạng đi trên đường hướng về nhà. Vô tình, ông vướng phải một nhánh cây bên đường và té ngã, nhất thời cảm thấy như trời đất đổ sụp xuống, toàn thân ông đau nhức vô cùng.

Ông lão chịu đựng cơn đau, miệng lầm bầm: “Đau khổ này tới thật là nhanh.” Ông nhớ tới lời của ngài A Nan, thế là trong lòng bỗng nảy ra nguyện vọng muốn lễ Phật.

Trước đây, mọi người khuyên ông lễ Phật, ông không nghe. Cho nên hôm nay khi ông tự mình đi lễ bái, tất cả mọi người kinh ngạc vô cùng.

Ông lão cố nén đau đớn đi tới bên ngoài cửa tịnh xá Kỳ Hoàn, ngài A Nan biết ông tới, vui mừng đi báo với Phật Thích Ca.

Đức Phật nói: “Ông lão này không thể tự mình tới được, là bị 500 con voi trắng cố ép kéo tới đây.”

Ngài A Nan nghe không hiểu lời Phật nói, nhưng người xuất gia không được nói dối, thế là nghiêm túc nói: “Không phải là 500 con voi trắng kéo ông ấy tới đâu ạ, là một mình ông ấy tự tới.”

Phật Thích Ca giải thích cho ngài A Nan hiểu: “500 con voi trắng đó ở chính trong người ông lão.”

Ý của Đức Phật tức là, ông lão vốn coi rượu như tính mạng, cho dù người khác có khuyên răn ra sao, ông cũng không chịu nghe lời, không chịu tới đây. Giờ ông tới giống như phải dùng tới sức của 500 con voi trắng mới kéo nổi ông.

Chấp niệm là gì? Làm sao để buông bỏ chấp niệm? 3
Câu chuyện về chấp niệm trong Phật giáo - Ảnh: Internet

Hôm nay ông lão tự nguyện tới lễ Phật, đương nhiên trên người ông đã có sức mạnh của 500 con voi. Sau đó, ngài A Nan dẫn ông lão vào bái Phật Thích Ca. Ông lão thành kính làm lễ quỳ bái, xin Đức Phật xóa bỏ tội lỗi của ông.

Phật Thích Ca hỏi ông lão: “Để đốt cháy 500 xe củi đã tích lũy được, cần dùng bao nhiêu xe lửa mới thiêu hủy được toàn bộ chỗ củi đó?”

Ông lão quả quyết nói: “Không cần nhiều lửa, chỉ cần một mồi lửa nhỏ như hạt đậu thì trong nháy mắt lập tức thiêu hủy được toàn bộ.”

Đức Phật lại hỏi: “Bộ quần áo trên người này, ông mặc đã bao lâu rồi?”

Ông lão đáp: “Con đã mặc được hơn một năm.”

Đức Phật hỏi tiếp: “Vậy nếu muốn giặt sạch những vết ố bẩn trên quần áo phải cần mấy năm mới giặt sạch được?”

Ông lão trả lời: “Chỉ cần dùng một cốc nước tro nguyên chất, một lát là có thể giặt sạch.”

Đức Phật từ bi nói: “Ác nghiệp mà ông tích tụ cũng giống như 500 xe củi và vết bẩn trên bộ quần áo ông đã mặc hơn một năm kia”.

Đức Phật thông tuệ chỉ dùng một ví dụ đơn giản, để tháo gỡ vướng mắc trong lòng ông lão. Ông lão được mở mang khai sáng, bỗng nhiên giác ngộ, trong nội tâm cuối cùng cũng hiểu lời giáo huấn của Phật. Ông can tâm tình nguyện vứt bỏ chấp niệm uống rượu, tuân theo giới luật, dần dần tâm hồn trở nên thanh tịnh tự tại.

Đó chính là tinh túy trong lời Phật dạy về chấp niệm mà Người muốn truyền dạy cho ông lão.

Bài học từ câu chuyện

Qua lời lời Phật dạy về chấp niệm với ông lão bên trên có thể thấy, chấp niệm của con người rất lớn. Phật giáo vẫn luôn nhắc nhở rằng: buông bỏ chấp niệm, vạn sự tùy duyên.

Trong đôi mắt phàm nhân, vạn vật trên thế gian đều là vật thực. Con người dùng đôi mắt trần vốn có của mình để nhìn nhận vạn vật và đánh giá, nhận xét mọi thứ.  Đó cũng chính là nguyên nhân khiến con người thường bị những thị phi, phiền não, sinh ra đau khổ nhưng cũng không biết làm cách nào để thoát khỏi. 

Để giải thoát mọi muộn phiền, trước hết cần phải tịnh tâm và dùng đôi mắt tinh tấn để nhìn bao quát thế gian. Để cuộc đời thanh thản, cuộc sống bình yên, hãy buông bỏ những chấp niệm xấu.

Xem thêm:
Phật Pháp và những câu nói giúp bạn nhận ra cuộc sống thật tươi đẹp
Những câu nói hay của thiền sư Thích Nhất Hạnh giàu giá trị nhân đạo
Những câu nói hay của thầy Minh Niệm mang đậm triết lý nhân sinh

Cách buông bỏ chấp niệm

Việc buông bỏ chấp niệm đòi hỏi sự quyết tâm, lòng dũng cảm và sự kiên trì để cuộc sống hạnh phúc hơn. Từng bước loại bỏ những chấp niệm, ta sẽ có cái nhìn nhẹ nhàng hơn với cuộc đời.

Học cách chấp nhận

Chúng ta phải nhận thức rằng mỗi người không thể kiểm soát hay sở hữu bất kỳ ai. Trong đó, tình yêu không thể ép buộc. Chúng ta nên chấp nhận rằng mối quan hệ có thể kết thúc và mỗi người có thể thay đổi cuộc sống của mình. 

Sự vô thường là quy luật vận hành của cuộc sống mà chúng ta không thể nào tác động được. Vạn vật đều có thể thay đổi, không có gì bền vững mãi mãi, kể cả những điều ta tự cho là chắc chắn nhất.

Chính vì vậy, điều đầu tiên cần làm chính là học cách chấp nhận những điều xảy ra để tránh quá muộn phiền và bất mãn.

Chấp niệm là gì? Làm sao để buông bỏ chấp niệm? 4
Học cách chấp nhận để thêm yêu cuộc sống - Ảnh: Canva

Sống với hiện tại

Quá khứ không bao giờ có thể quay lại và thay đổi. Nếu bạn cố chấp sống cùng quá khứ đau buồn, bạn sẽ vô tình bỏ qua những gì tốt đẹp đang diễn ra xung quanh mình. Sự đau khổ, dằn vặt cứ thế mà nối tiếp không có điểm dừng.

Hãy luôn nhớ rằng, quá khứ không thể đổi thay nhưng hiện tại và tương lai thì có thể. Cuộc sống không tước đoạt đi của ai tất cả, bạn cần biết gom nhặt những điều nhỏ bé để tự tạo nên niềm vui, hạnh phúc của riêng mình.

Tập quen với niềm vui, nỗi buồn

Trong cuộc sống, chẳng ai dám chắc mọi thứ đều diễn ra suôn sẻ. Niềm vui, nỗi buồn, hạnh phúc, khổ đau đều có thể xảy ra liên tiếp nhau. Đó là việc hết sức bình thường của cuộc sống.

Vì vậy, hãy giữ vững tâm thế đón nhận mọi cảm xúc. Có vui, buồn, hỉ, nộ, ái, ố mới chính là cuộc sống trọn vẹn nhất.

Trên đây là những lý giải của VOH về chấp niệm là gì cùng những bài học về triết lý nhân sinh. Hy vọng bài viết đã có thể giúp bạn hiểu thêm về chấp niệm và tập luyện buông bỏ để cuộc sống bình yên, hạnh phúc hơn.

Đừng quên theo dõi VOH - Sống đẹp để cập nhật liên tục những kiến thức mới nhất, hấp dẫn nhất.