Chờ...

Bát Chánh Đạo là gì mà giúp con người sống an lạc, hạnh phúc?

VOH - Trong quá trình tìm hiểu về Phật giáo, chúng ta thường xuyên bắt gặp khái niệm Bát Chánh Đạo. Vậy Bát Chánh Đạo là gì và có ảnh hưởng thế nào trong cuộc sống?

Đức Phật từng dạy đệ tử của ngài rằng: “Tu hành bất kỳ pháp môn nào đều phải nương tựa theo Bát Chánh Đạo. Đây cũng chính là con đường đưa đến sự giải thoát.” Bát Chánh Đạo là một giáo lý quan trọng trong Phật pháp, nói về những điều mà con người cần phải thực hành để có thể sống hạnh phúc. 

Vậy Bát Chánh Đạo - con đường chuyển hóa đưa tới sự giải thoát và an lạc trong giáo lý nhà Phật là gì? Hãy cùng VOH tìm hiểu trong bài viết này nhé.

Bát Chánh Đạo là gì? 

Trước khi tìm hiểu về Bát Chánh Đạo, chúng ta cần hiểu "Đạo" và "Chánh Đạo" là gì. Trong Đường xưa mây trắng - Theo gót chân bụt, Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng giảng rằng:

  • "Đạo không tách rời khỏi cuộc sống hiện thực của chúng ra, trong đó những khổ đau mà chúng ta đang trải qua. Đạo không phải tự trên trời rơi xuống đất. Đạo tức là con đường tìm ra ngay trong hoàn cảnh khổ đau."
  • "Sở dĩ gọi là Chánh Đạo vì con đường này không phải là con đường trốn tránh đau khổ mà là con đường đối diện trực tiếp khổ đau để diệt trừ khổ đau. Con đường Bát Chánh này là con đường của sự sống tỉnh thức..."

Như vậy, ta có thể hiểu "Đạo" và "Chánh Đạo" là con đường dẫn tới sự an lạc, bình an, những điều mà chúng ta luôn tìm kiếm trong cuộc đời này. 

Bát Chánh Đạo (Bát Chính Đạo) là con đường dẫn đến trí tuệ, giải thoát và an lạc, gồm các phương thức thực hành để thoát khỏi luân hồi hay đau khổ. Đây cũng là con đường tu hành cổ xưa nhất của Phật giáo.

Tám chi bao gồm:

  1. Chánh kiến (Samma-ditthi): Thấy đúng.
  2. Chánh tư duy (Samma-sankappa): Nghĩ đúng.
  3. Chánh ngữ (Samma-vaca): Nói đúng.
  4. Chánh nghiệp (Samma-kammanta): Làm đúng. 
  5. Chánh mạng (Samma-ajiva): Sống đúng.
  6. Chánh tinh tấn (Samma-vayama): Siêng năng đúng.
  7. Chánh niệm (Samma-sati): Nhớ đúng.
  8. Chánh định (Samma-samadhi): Tập trung đúng.
Bát Chánh Đạo là gì mà giúp con người sống an lạc, hạnh phúc? 1
Bát chánh đạo thường được biểu hiện bằng hình vẽ một chiếc bánh xe có 8 nan hoa - Ảnh: Canva

Xem thêm:
Phật Pháp và những câu nói giúp bạn nhận ra cuộc sống thật tươi đẹp
Ngộ ra nhiều chân lý cuộc sống qua 16 câu nói của sư thầy Thích Tâm Nguyên
Những câu nói hay của thiền sư Thích Nhất Hạnh giàu giá trị nhân đạo

Bát Chánh Đạo là như thế nào?

Trong bài viết dưới đây, VOH sẽ tổng hợp những nội dung chính về tám chi của Bát Chánh Đạo, những điều mà con người cần thực hành trên con đường tu tập, chấm dứt khổ đau.

Chánh kiến

Chánh kiến trong tiếng Phạn là Samma-ditthi. Theo nghĩa của từ ngữ, "Samma" dịch là chánh, đúng đắn, hợp lý, "Ditthi" dịch là trí, quan điểm, nghĩa là hiểu đúng, thấy đúng, cái biết, cái thấy cao quý. Như vây, ta có thể hiểu Chánh kiến là sự nhận thức sáng suốt và hợp lý trên căn bản của trí tuệ, không bị ảnh hưởng bởi tà kiến, si mê sai lầm.

Khi thực hành Chánh kiến, ta cần có sự hiểu biết về bốn sự thật khổ đau:

  • Nhận thức được khổ đau.
  • Nhận thức được nguyên nhân của khổ đau.
  • Nhận thức được sự chấm dứt của khổ đau.
  • Nhận thức được con đường đưa đến sự chấm dứt của khổ đau.

Theo giáo lý Phật pháp, chúng ta cũng nên có Chánh kiến về những gì đang hiện diện xung quanh. Tất cả sự vật hiện hữu trên thế gian này đều do duyên sinh khởi phát, không trường tồn và luôn luôn biến chuyển. Cái gì có sinh thì phải có diệt là vô thường; Cái gì vô thường thì là khổ; Cái gì khổ mà nó biến đổi theo duyên sinh chính là vô ngã. Đây là ba pháp ấn Khổ - Vô thường - Vô ngã trong đạo Phật.

Chúng ta cũng nên nhận thức được rằng, mỗi hành động của chúng ta đều sinh ra nhân quả - nghiệp báo. Hẳn ai cũng có đau khổ phiền não bởi Tham - Sân - Si, dễ sinh ra tức giận, mất bình tĩnh, hành động sai lầm. Khi ta có Chánh kiến, có nhận thức, quan điểm đúng đắn, ta sẽ tạo nên hành động và lời nói đúng đắn. Khi hành động đúng đắn, ta mới có thể có được sự an lạc chính mình trong hiện tại và không mắc phải nghiệp báo xấu trong tương lai

Có lẽ vì vậy mà theo Đức Phật, việc đầu tiên trên con đường Bát chánh đạo là phải có Chánh kiến - thấy, hiểu đúng vì nó ảnh hưởng đến nhận thức bây giờ và sau này của chúng ta về thế giới, nhân sinh. 

Bát chánh đạo là gì mà giúp con người an lạc, hạnh phúc? 2
Chánh kiến nghĩa là thấy, hiểu đúng - Ảnh: Internet

Chánh tư duy

Tư duy là suy nghĩ. Chánh tư duy là suy nghĩ chân chính, đúng với lẽ phải, có lợi cho mình và cho người.

Suy nghĩ chân chính theo Phật pháp là suy nghĩ đến nguyên nhân đau khổ của mình và chúng sanh, ở đó vô minh là nguồn gốc của mọi tội lỗi. Khi nhận thức được điều đó, ta sẽ biết mà tu tập nhằm tìm được giải thoát cho mình và cho người. Theo triết lý Phật giáo, phương pháp giải trừ vô minh là con đường Bát Chánh Đạo, cụ thể là thực hành Chánh tư duy.

Như vậy, suy nghĩ không chân chính là những suy nghĩ về tài sắc, danh vọng, tìm trăm mưu nghìn kế để hại người, hoặc suy nghĩ cách để hơn người, mưu mô trả thù; dựa vào lòng tin của con người để làm điều xấu.

Chánh ngữ

Ngữ là lời nói, Chánh ngữ là nói lời chân thật, công tâm, ngay thẳng và hợp lý. Chánh ngữ cũng là sử dụng lời nói không làm tổn hại đến đời sống cùng danh dự của người khác.

Trong Chánh ngữ, ta nên thực hành những điều sau:

  • Nói lời ngay thẳng, thành thật, hợp lý, không thiên vị.
  • Nói năng hòa nhã, giản dị.
  • Nói lời mang tính chất tuyên dương đạo lý làm người; tuyên dương chánh pháp Từ bi và Trí tuệ.
  • Không nói lời gây chia rẽ, không đúng sự thật.
  • Không nói lời xuyên tạc, thiên vị, nịnh nọt.
  • Không nguyền rủa, mắng nhiếc, nói lời thô tục.

Chánh nghiệp

Theo Bát Chánh Đạo, Chánh nghiệp nghĩa là hành động trong đời sống cần phải sáng suốt, chân chính, không phát sinh các hành vi xấu như trộm cắp, tà dâm, sát sinh. Đó cũng được gọi là giữ giới, kiểm soát được bản thân.

Theo Chánh nghiệp, ta nên hành động theo lẽ phải, tôn trọng quyền sống của người khác, hành động thận trọng, không gây tổn hại đến mọi người. Sống có lương tâm, gìn giữ đạo đức, biết gìn hy sinh chính đáng để đem lại hạnh phúc cho bản thân và mọi người. 

Bát chánh đạo là gì mà giúp con người an lạc, hạnh phúc? 3
Chánh nghiệp hướng con người sống có lương tâm, yêu đời yêu người - Ảnh: Unplash

Chánh mạng

Mạng là sự sống, đời sống. Phật giáo đề cao sự bình đẳng của mọi chúng sinh. Vì thế, Chánh mạng là sống chân chính, làm công việc lương thiện, ngay thẳng, không bóc lột, xâm hại đến lợi ích chung của người khác.  

Cụ thể như: sống bằng khả năng, tài năng của mình, không lừa dối gạt người, sống thanh cao, không chạy theo mê tín, dị đoan, không sống nương tựa vào kẻ khác.

Chánh tinh tấn

Tinh tấn là siêng năng, chuyên cần, chú tâm vào mục đích và lý tưởng lý tưởng đúng đắn mà minh đang theo đuổi. Sự quan trọng của Chánh tinh tấn là nếu ta đặt ra mục tiêu nhưng không kiên trì đến cùng thì sẽ không thể gặt được quả ngọt.

Chánh tinh tấn cũng là vun đắp những điều tốt, trau dồi trí tuệ và phước đức, kiểm soát bản thân, ý nghĩ sao cho đúng đắn, ngay thẳng.

Để thực hành Chánh tinh tấn, ta có thể làm như sau:

  • Loại bỏ suy nghĩ xấu, ngăn ngừa việc xấu nảy sinh.
  • Chuyên cần trau dồi phước đức và trí tuệ.
  • Không làm tổn hại đến người khác, không tiết chế bản thân.

Chánh niệm

Niệm là ghi nhớ. Trong Chánh niệm được chia làm hai yếu tố là chánh ức niệm (suy nghĩ về quá khứ) và chánh quán niệm (quan sát hiện tại, bắt đầu tương lai). Như vậy, Chánh niệm được hiểu là ghi nhận, chú tâm một cách trọn vẹn, toàn diện những gì mình đặt trong suy nghĩ.

Chánh niệm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, giúp ta nhận thức được bản thân đang hiện diện trong từng giây phút. Trong thiền tập, nếu chúng ta không thực hành chánh quán niệm, sống trọn vẹn trong những giây phút hiện tại, ta sẽ bỏ qua những thức quý báu nhất trong đời, bỏ qua những cơ hội chuyển hóa suy nghĩ sâu sắc.

Để thực hành Chánh niệm, ta cần phải nhớ đến những điều chúng ta có trong cuộc sống. Đồng thời cũng nên nhớ đến những lỗi lầm ngày xưa để không tái phạm trong hiện tại và tương lai, không phải để oán hận hay phục thù.

Bát chánh đạo là gì mà giúp con người an lạc, hạnh phúc? 4
Thực hành Chánh niệm và Chánh định sẽ giúp ta sống tận hưởng trong từng giây phút trong cuộc đời - Ảnh: Internet

Chánh định

Định trong Phật học được hiểu là Thiền định, nghĩa là tập trung tư tưởng tu tập. Chánh định cũng là tập trung tư tưởng vào vấn đề chính đáng, đúng chân lý, những điều có lợi có mình và người khác.

Trên hành trình đến giác ngộ chân lý và niềm an lạc, chúng ta phải thực sự thực hành, thực hành liên tục chứ không thể chỉ dựa vào lý thuyết suông. Khi ta đạt được trạng thái định tâm, tập trung hoàn toàn vào mục đích, đối tượng thì tâm trí ta sẽ thấy được điều ta muốn.

Lợi ích khi thực hành Bát Chánh Đạo

Bát Chánh Đạo là phương pháp phổ biến trong giới tu hành hoặc đối với những người có tâm thiện hướng về Phật giáo vì mang đến nhiều lợi ích cho thân, tâm. Cụ thể:

  • Giúp con người có kiến thức chân chính, không bị mê hoặc và lôi cuốn bởi tà giáo.
  • Không bị sa vào lỗi lầm đen tối.
  • Khi có những lời nói, hành động chân chính, sẽ được mọi người kính trọng và ngưỡng mộ.
  • Khi siêng năng tu tập, tích lũy phúc đức sẽ thu được nhiều quả tốt trong tương lai.
  • Trí huệ phát triển, đời sống an lạc.

Cuộc đời mỗi người đều là sự biến chuyển, khởi duyên và vô thường. Đi trên con đường Bát Chánh đạo, con người sẽ học được sự vị tha, chân chính, hướng về vẻ đẹp của sự Chân - Thiện - Mỹ của cuộc sống. Cũng từ đó, có thể hình thành được tấm lòng từ bi hỷ xả của Đức Phật để loại bỏ đi khổ đau muộn phiền. 

Những con số ý nghĩa trong đạo Phật 

Bên cạnh Bát Chánh Đạo, tức là tám chi trên con đường dẫn đến an lạc, hạnh phúc, mỗi con số gắn với giáo lý trong Phật pháp đều mang những ý nghĩa nhiệm màu. Cùng VOH tìm hiểu ngay sau đây.

Bát chánh đạo là gì mà giúp con người an lạc, hạnh phúc? 5
Mỗi giáo lý, khái niệm trong Phật pháp đều hướng con người đến với những điều tốt đẹp, bình an trong cuộc sống - Ảnh: Internet

0: Vô thường: Vô thường là một khái niệm trung tâm của đạo Phật. Tất cả mọi sự vật, hiện tượng có thể tồn tại, trao đổi và biến đổi từ dạng này sang dạng khác, không gì có thể tồn tại độc lập, vĩnh viễn.

1: Nhất tâm niệm Phật (Một lòng niệm Phật): Niệm Phật là một pháp tu, dùng miệng hoặc niệm thầm trong lòng câu "Nam Mô A Di Đà Phật" hay "A Di Đà Phật". Một lòng niệm Phật tức là thành tâm niệm Phật.

3: Tam Bảo (Ba ngôi báu): Trong Phật giáo, Tam Bảo là 3 nền tảng của Phật giáo, bao gồm: Phật (bậc giác ngộ), Pháp (lời dạy của Đức Phật) và Tăng (đệ tử xuất gia của Đức Phật).

4: Tứ Diệu Đế (Bốn chân lý giải thoát): Tứ Diệu Đế là nội dung trong bài kinh đầu tiên Đức Phật giảng dạy. Tứ Diệu Đế bao gồm: Khổ Đế (sự đau khổ), Tập Đế (nguyên nhân của đau khổ), Diệt Đế (kết quả đạt được khi diệt được tham ái) và Đạo Đế (con đường diệt khổ).

5: Ngũ Giới (Năm giới): Trong Phật pháp, người tu hành có năm điều trọng yếu cần giữ gìn, còn gọi là năm giới bảo vệ con người khỏi nghiệp xấu: Không sát sinh, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối, không dùng chất gây nghiện.

6: Lục Độ Ba-la-mật (Sáu Pháp Ba-la-mật): Đây là sáu pháp tu giải thoát của hàng Bồ tát, gồm: Bố thí Ba-la-mật, Trì giới Ba-la-mật, Nhẫn nhục Ba-la-mật, Tinh tấn Ba-la-mật, Thiền định Ba-la-mật, Trí huệ Ba-la-mật.

7: Bảy bước chân Phật khi đản sanh.

9: Cửu Phẩm Liên Hoa (Chín phẩm sen vàng): Đây là 9 bậc vãng sanh thế giới Cực Lạc theo kinh Quán Vô Lượng Thọ.

10: Thập Đại Nguyện Vương (Mười nguyện vĩ đại của bồ tát Phổ Hiền trong kinh Hoa Nghiêm), đó là: Lễ kính chư Phật, Xưng tán Như Lai, Rộng tu cúng dường, Sám hối nghiệp chướng, Tùy hỷ công đức, Thỉnh đức Phật chuyển pháp luân, Thỉnh đức Phật ở lại nơi đời, Thường học theo đức Phật, Hằng thuận chúng sanh, Hồi hướng khắp tất cả.

Hy vọng VOH đã cung cấp đến độc giả những thông tin về Bát Chánh Đạo là gì cũng như cách để thực hành Bát Chánh Đạo. Bát Chánh Đạo là phương pháp tu tập phổ biến cho tại gia lẫn xuất gia, phù hợp với mọi người. Thực hành tu tập, thiền định, ta sẽ thấy cuộc đời này vẫn đẹp và bình an xiết bao.

Đừng quên theo dõi VOH - Sống đẹp để cập nhật liên tục những kiến thức mới nhất, hấp dẫn nhất.