Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Con sen là gì? Vì sao giới trẻ hay ví von bản thân là "kiếp con sen"?

VOH - Nhiều bạn trẻ khi nói chuyện với nhau thường tự nhận mình là “con sen”. Vậy con sen là gì và nó có nguồn gốc từ đâu?

Lướt mạng xã hội, hay nói chuyện với bạn bè hàng ngày, không khó để bạn nghe thấy ai đó tự nhận bản thân là “con sen” đang chăm sóc cho “ Boss” hoặc “hoàng thượng” ở nhà. Trong bài viết dưới đây, VOH sẽ cùng bạn tìm hiểu ý nghĩa từ “con sen” là gì cũng như nguồn gốc và những lưu ý khi sử dụng.

Con sen là gì?

Trong Từ điển tiếng Việt, “con sen” có nghĩa là kẻ hầu người hạ, người ở, người giúp việc.

Trong xã hội xưa, cụm từ này chủ yếu dùng để chỉ người hầu gái. Thời Pháp thuộc, “con sen” chính là người giúp việc cho các gia đình khá giả, quyền quý.

Ngày nay, cụm từ “con sen” vẫn dùng để chỉ người ở, kẻ hầu người hạ nhưng với sắc thái vui tươi, dí dỏm hơn. Bạn có thể nghe thấy cụm từ “con sen” được thốt ra từ miệng của người chăm sóc thú cưng, bởi họ tự nhận mình là con sen, tức là kẻ hầu người hạ cho các “Boss, hoàng thượng chó, mèo”.

Con sen là gì 1
"Con sen" là cụm từ thường xuất hiện trong cuộc nói chuyện của các bạn trẻ - Ảnh: Internet

Ý nghĩa từ “con sen” trong giới trẻ

Giới trẻ hiện nay hay nói đùa với nhau rằng bản thân là “kiếp con sen”. Dựa vào phân tích thì cụm từ này có thể có hai ý nghĩa.

Trêu nhau, khinh bỉ

Vì ý nghĩa của từ “con sen” là kẻ hầu người hạ, người giúp việc, người ở… nên một số người đã dùng cụm từ này với mục đích khinh bỉ, miệt thị, phân biệt giai cấp đối với một cá nhân hay tổ chức nào đó, khiến họ bị tổn thương và có cảm giác không được tôn trọng.

Trêu đùa bạn bè thân thiết

Ý nghĩa thứ hai của cụm từ “con sen” trong giới trẻ chính là dùng để trêu đùa bạn bè thân thiết. Trên các hội nhóm mạng xã hội bạn sẽ dễ dàng bắt gặp những caption như: “Nhân ngày nhận lương hôm nay dẫn Con Sen xuống phố” “Hôm nay đi chơi cùng với Con Sen”,… kèm theo đó là bức ảnh chụp với đứa bạn thân. Cách dùng từ “con sen” như thế này rất dễ thương và gần gũi.

Con sen nghĩa là gì trên Facebook?

Mạng xã hội ngày càng phổ biến trong cộng đồng, nhất là giới trẻ. Chúng ta có thể bắt gặp cụm từ “con sen” trên các nền tảng Facebook, TikTok, Instagram… Đa số bạn trẻ đều dùng từ “con sen” để trêu chọc nhau hoặc thể hiện tình cảm giữa con người và vật nuôi.

Con sen là gì 2
"Con sen" là cụm từ thân thương được bạn trẻ dùng khi nói về mối quan hệ giữ chủ và vật nuôi - Ảnh: Internet

Trên Facebook có một câu nói rất phổ biến đó là “Sen đâu cho Hoàng thượng ăn nào!” đây là câu nói viral suốt một khoảng thời gian bởi sự dễ thương và tình cảm giữa người chủ và vật nuôi.

Ngoài ra, “con sen” cũng được dùng trong mối quan hệ giữa người với người trên mạng xã hội. Một hội nhóm có tên Tâm Sự Con Sen được lập ra vào đầu năm 2020 với mục đích chia sẻ những chuyện buồn vui nghề content, cũng đã thu hút được rất nhiều thành viên tham gia. Từ “con sen” lúc này ám chỉ người làm thuê, làm công ăn lương hay những người làm trong ngành dịch vụ.

Xem thêm:
Trí trá là gì? 6 kiểu người trí trá bạn thường xuyên gặp phải
Xà lơ là gì? Ăn nói xà lơ là gì và bắt nguồn từ đâu?
Ba gai là gì? Tính ba gai có ảnh hưởng thế nào?

Cụm từ “con sen” có nguồn gốc từ đâu?

Cụm từ “con sen’ xuất hiện trong xã hội Việt Nam khoảng cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Có hai giả thuyết được đưa ra khi nói về nguồn gốc của từ “con sen”.

Giả thuyết đầu tiên cho rằng, con sen chính là phiên âm của từ servante trong tiếng Pháp, mang ý nghĩa là người hầu, người giúp việc. Đây là giả thuyết được chấp nhận rộng rãi nhất.

Giả thuyết thứ hai ít phổ biến hơn, cụm từ “con sen” bắt nguồn từ chữ สาวใช้ trong tiếng Thái, từ này đọc là săao chai - người giúp việc. Và “sen” là biến âm của săao.

Trong tác phẩm Lột Trần Việt Ngữ của nhà văn hóa Bình Nguyên Lộc có nhắc đến từ “con sen” và chia sẻ, đã có thời, người giúp việc trong nhà, nếu là con gái sẽ được gọi là “Sen”. Có lẽ vì thế mà thời nay khi chọn tên để đặt cho con gái, nhiều người kỵ đặt tên Sen, đặc biệt là người miền Bắc.

Không chỉ xuất hiện trong đời sống hàng ngày, cụm từ “con sen” đã từng xuất hiện trong nhiều bài báo trước năm 1954, điển hình như trong tác phẩm Cơm thầy cơm cô của nhà văn Vũ Trọng Phụng có đoạn kể về chuyện một con ở/con sen/osin là cái Đũi sau bữa cơm khuya, còn thấy đói nên: “liền khoắng vào cái liễn trong gác-măng-dê lấy ra ba miếng thịt vịt” (tr.78).

Có thể thấy, "con sen" trong xã hội xưa là một cụm từ để chỉ về người ở đợ, osin, kẻ hầu người hạ có cuộc sống bất hạnh, cùng quẫn và bị phân biệt đối xử.

“Con sen” bắt đầu phổ biến từ khi nào?

Khi xu hướng nuôi thú cưng ngày càng nở rộ thì cụm từ “con sen” dường như cũng được sử dụng phổ biến theo. Người trẻ thường sử dụng “con sen” với hàm nghĩa châm chọc và trêu đùa mối quan hệ thân thiết giữa chủ và vật nuôi. Cụ thể hơn là hoàng thượng, Boss chính là chó, mèo và người nuôi chúng là “con sen”.

Con sen là gì 3
Từ khi xu hướng nuôi thú cưng nở rộ, cụm từ "con sen' cũng được dùng nhiều hơn - Ảnh: Internet

Chỉ cần đọc qua một vài câu như: “Con Sen đâu rồi? Boss đang đói bụng này!”, “Con Sen lại "phạm thượng" rồi đấy!”, “ Con Sen đâu, thấy Boss ngã mà còn đứng cười à!”… là bạn cũng đã có thể hình dung được công việc mà các “Con sen” phải làm, đó là nuôi, cho ăn và bảo vệ mọi điều liên quan đến thú cưng của mình.

Những lưu ý khi dùng từ “con sen” trong giao tiếp

Trong giao tiếp, bạn nên tránh dùng từ “con sen” trong những trường hợp nói chuyện xã giao bạn bè bình thường, không quá thân thiết. Với những người bạn không có thiện cảm hay thậm chí là ghét ai đó, bạn cũng không nên tùy ý sử dụng từ “con sen” để xúc phạm.

Đặc biệt với những người lớn tuổi, cho dù họ là ai và đang làm công việc gì đi chăng nữa thì họ đều xứng đáng được tôn trọng. Nghề giúp việc cũng là một nghề chân chính và chúng ta cần phải biết tôn trọng những người xung quanh.

“Con sen” một cụm từ phổ biến trong ngôn ngữ giới trẻ, được yêu thích và sử dụng rộng rãi trong đời sống hàng hàng. Hy vọng sau khi đã biết được ý nghĩa cụm từ con sen là gì, chúng ta sẽ sử dụng nó đúng mục đích, hoàn cảnh và đối tượng giao tiếp để không bị hiểu lầm là đang xúc phạm người khác. 

Đừng quên theo dõi VOH Thường thức để cập nhật liên tục những kiến thức mới nhất, hấp dẫn nhất. 

Bình luận