Ba miền nước ta với những tập quán sinh hoạt khác nhau, giọng nói và từ ngữ giao tiếp hàng ngày ở mỗi vùng miền cũng có nhiều khác biệt. Dù sử dụng chung một ngôn ngữ, nhưng ở mỗi địa phương lại có dị biệt, phương ngữ, tiếng địa phương khác nhau. Bài viết dưới đây, VOH sẽ cùng bạn tìm hiểu nhức nách là gì và vì sao lại có câu “ngon nhức nách” mà nhiều người hiện nay vẫn hay dùng.
Nhức nách là gì?
Trong kiến thức y khoa, nhức nách, đau nách là triệu chứng của tình trạng cơ nách bị kéo căng quá mức, đôi lúc nó còn là dấu hiệu để nhận biết các bệnh lý như: zona thần kinh, sưng hạch bạch huyết, dị ứng dưới cánh tay… Thế nhưng, trong ngôn ngữ của giới trẻ, “nhức nách” khi kết hợp với một danh từ sẽ mang ý nghĩa hoàn toàn khác.
“Nhức nách” nếu kết hợp với từ “ngon”, sẽ thành cụm từ “ngon nhức nách” với ý nghĩa là ngon hết sảy, ngon hết cỡ, ngon số một, ngon quá mức chịu đựng, ngon không còn gì để chê.
Hay khi “nhức nách” kết hợp với từ “đẹp”, tạo thành cụm từ “đẹp nhức nách”. Cụm từ này có ý nghĩa là tuyệt đẹp, rất đẹp, đẹp hoàn hảo, đẹp không có chỗ nào để chê.
Nguồn gốc câu nói “ngon nhức nách”
“Ngon nhức nách” (Delicious) là một cụm từ thuộc về ngôn ngữ Nam Bộ. Cụm từ này được người dân truyền miệng sử dụng, theo thời gian dần trở nên phổ biến khắp cả nước. Bên cạnh "ngon nhức nách", một số từ “ngon bá chấy”, “ngon bà cố”, “ngon bá chấy bọ chét”… cũng xuất phát từ Nam Bộ và mang ý nghĩa tương tự.
Nhiều ý kiến cho rằng, câu nói “ngon nhức nách” có nguồn gốc từ thế kỷ trước. Cụm từ này xuất hiện vào thời điểm các loại xe máy nổ, xe hơi, máy Kohler… bắt đầu được nhập ồ ạt vào miền Nam.
Vào thời này, những người thợ sửa xe, sửa máy ở miền Nam chưa có nhiều thiết bị hỗ trợ cho quá trình sửa chữa. Trong lúc sửa, nếu cần thử bộ đánh lửa, những người thợ thường sẽ dùng một tay cầm vào dây bugi để thử độ mạnh/yếu của tia điện.
Với máy Kohler thời xưa còn thô sơ, bình xăng hình trụ, được thiết kế nằm ngang ở phía trên để tiện cho việc tiếp nhiên liệu, bánh quay ở mặt trước, có rãnh để quấn dây vào giật cho máy khởi động.
Do đó, người thợ sửa đã sáng tạo một cách thử điện như sau: Một tay họ cầm vào đầu dây bugi, tay còn lại quay bánh quay. Nếu dưới bắp tay bị giật điện nhẹ là tia điện yếu, còn nếu bắp tay bị giật càng mạnh thì chứng tỏ tia điện mạnh.
Còn khi người thợ điện bị giật một phát nhức lên thấu nách tức là tia điện mạnh tối đa, là tia đánh lửa tốt nhất. Nhiều người thợ sửa chữa sau khi bị giật như thế đã vội thốt lên “Ngon nhức cả nách rồi”, ý chỉ sự hài lòng rất tốt, hạng nhất, số một…
Trước đây, “ngon nhức nách” chỉ là cụm từ sử dụng phổ biến ở miền Nam, lý do miền Bắc không phổ biến nhiều là vì họ không dùng máy nổ nhiều như miền Nam. Tuy nhiên, ngày nay cụm từ “ngon nhức nách” khi áp dụng vào ẩm thực, ăn uống thì nó đã dần phổ biến trên cả nước.
Xem thêm:
Tiếng lóng là gì? Một số tiếng lóng mà giới trẻ hay sử dụng
Ý nghĩa của từ lỏ là gì trên Facebook, TikTok?
Mãi mận, mãi keo là gì trong ngôn ngữ thế hệ gen Z?
Một số kiểu từ ngữ Nam Bộ nghe lạ mà quen
Miền Nam nói chung và người miền Tây nói riêng đều có những nét đặc trưng ngôn ngữ riêng biệt. Từ ngữ địa phương của dân Nam Bộ rất phong phú, dường như được sinh ra từ ruộng đồng, thôn xóm nên từ nào cũng đậm chất quê, phóng khoáng, giàu tính hình tượng.
Với cách ăn nói xởi lởi, thiệt tình, người dân miền Nam đã sáng tạo ra rất nhiều kiểu nói chuyện lạ lẫm, đậm chất miền Tây, “ngon nhức nách” là một ví dụ điển hình. Ngoài ra, một số kiểu từ ngữ miền Tây dưới đây sẽ khiến bạn phải “mắt chữ O mồm chữ A” bởi sự sáng tạo duyên dáng trong ngôn ngữ miền Tây.
1. Buông dầm cầm chèo: Chỉ sự tháo vát, linh hoạt
2. Lội bộ: Đi bộ
3. Bự tổ chảng/Bự chà bá: Rất lớn
4. Mèn đét ơi/Chèn ơi: Trời ơi
5. Bận: Mặc
6. Miết: Lặp lại hoài
7. Xa mút chỉ cà tha: Rất xa
8. Huốc: Qua lượt, mất lượt, đi qua
9. Hằm bà lằng xá bấu: Lộn xộn, không theo thứ tự, quy tắc
10. Bang bang: Đi hiên ngang không có mục đích
11. Đía: Lươn lẹo, không thật thà
12. Rề rề: Chậm chạp
13. Chưng hửng: Hụt hẫng, đờ đẫn
14. Đâm bang/Đâm xuồng bể: Nói chuyện lạc đề
15. Bầy hầy: Không gọn gàng
16. Tới nái/Tới bến: Vui quá mức
Dù nói và viết chung một ngôn ngữ nhưng tại mỗi vùng miền, địa phương lại có một nét đặc trưng riêng về ngôn ngữ. Với người Nam Bộ, từ ngữ thường rất mộc mạc, gần gũi, giống như cụm từ “ngon nhức nách” hay những cụm từ mà chỉ cần thốt lên là người nghe sẽ biết ngay nó thuộc về ngôn ngữ miền Nam.
Đừng quên cập nhật liên tục những bài viết mới nhất, hấp dẫn nhất tại VOH Sống đẹp.