"Mẹ thiên nhiên" là gì? Vì sao cần sống có trách nhiệm với "Mẹ thiên nhiên"?

VOH - Nhắc đến cụm từ “thiên nhiên” người ta thường nghĩ ngay đến những thứ bao la, rộng lớn như: không khí, đất, nguồn nước, động thực vật, địa hình… Vậy còn “Mẹ thiên nhiên” là gì?

“Mẹ thiên nhiên” là cụm từ thường xuyên xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, hay trong giao tiếp hàng ngày. Nhất là mỗi khi xảy ra mưa lũ, động đất, sóng thần... thì cụm từ ấy càng được nhắc nhiều hơn. Vậy “Mẹ thiên nhiên” là gì mà lại được nhắc đến nhiều như thế? Hãy cùng VOH tìm hiểu ngay!

Mẹ thiên nhiên là ai?

Theo nhiều tài liệu nghiên cứu, cụm từ “Mẹ thiên nhiên” được tìm thấy trong các bản ghi chép bằng tiếng Hy Lạp của người Mycenaean có niên đại vào năm 12 hoặc 13 trước Công Nguyên.

“Mẹ thiên nhiên” (đôi khi được gọi là Mẹ Trái Đất) chính là một nhân cách hóa tự nhiên của người La Mã, tập trung vào các khía cạnh mang lại sự sống và nuôi dưỡng của thiên nhiên bằng cách thể hiện nó dưới hình thức của người mẹ.

Thuật ngữ “Mẹ thiên nhiên” được phiên âm là ma-ga hoặc Mẹ Gaia. Khái niệm này ra đời vào thời kỳ tiền Socrates. Sau đó, nó được nhà triết học Hy Lạp Aristotle tiếp tục ủng hộ.

voh-me-thien-nhien-1
Cụm từ "Mẹ Thiên nhiên" lần đầu xuất hiện vào khoảng năm 12 - 13 trước Công Nguyên - Ảnh: Internet

Các nền văn hóa khác trên thế giới cũng chấp nhận quan điểm trên và cho rằng “thiên nhiên” có mối quan hệ đặc biệt với con người. Thế nhưng, ở mỗi khu vực hình tượng “Mẹ thiên nhiên” lại không hoàn giống nhau.

Ví dụ, ở các quốc gia Đông Nam Á như Campuchia, Thái Lan, Myanmar, Lào, “Mẹ thiên nhiên” được nhân cách hóa là Phra Mae Thorani - nữ thần Trái Đất trong thần thoại Phật giáo Nguyên thủy. Tuy vậy, vai trò của bà lại khác biệt đáng kể so với "Mẹ thiên nhiên" theo quan niệm của người La Mã.

Hay ở khu vực quần đảo Mã Lai, vai trò “Mẹ thiên nhiên” sử dụng hình tượng nữ thần Dewi Sri - người Mẹ lúa ở Đông Ấn. Còn ở Nam Mỹ, tại thung lũng dãy núi Andes, người da đỏ bản địa tôn Nữ thần Pachamama giống như “Mẹ thiên nhiên”…

Ý nghĩa “Mẹ thiên nhiên” trong Kinh thánh là gì?

Trong sách Sáng thế (Sáng Thế Ký), Sách Khởi Nguyên - Cuốn sách đầu tiên của Kinh Thánh Cựu Ước có viết, sau khi tạo dựng mọi loài mọi vật, Thiên Chúa tạo dựng con người. Lý do con người xuất hiện sau cùng là vì Thiên Chúa muốn chuẩn bị đầy đủ mọi thứ cho họ, giống như cha mẹ chuẩn bị tất cả mọi đồ dùng cần thiết trước khi đứa con yêu quý chào đời.

Mối quan hệ giữa thiên nhiên và con người tương quan với nhau, gọi là “Thiên - Địa - Nhân”. Con người gọi thiên nhiên với danh xưng trìu mến: “Mẹ thiên nhiên”.

Giống như người mẹ nuôi con bằng dòng sữa ngọt ngào, “Mẹ thiên nhiên” mang đến cho con người thức ăn, nước uống và tất cả mọi nhu cầu của cuộc sống hàng ngày. Nhờ đó, mà nhân loại từng thế hệ nối tiếp nhau sinh sống và phát triển.

voh-me-thien-nhien-2
Hình ảnh "Mẹ thiên nhiên" xuất hiện trong Kinh Thánh - Ảnh: Internet

Ý nghĩa “Mẹ thiên nhiên” trong Phật học

“Mẹ thiên nhiên” với con người trong Phật học có thể hiểu là một mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau, gắn bó khắng khít với nhau. Sự sinh tồn của loài này là điều kiện để loài kia tồn tại.

Và ngược lại, khi sự sống của một loài chấm dứt sẽ kéo theo sự diệt vong của loài khác. Có cái này sẽ có cái kia, cái này sinh thì cái kia sinh, cái này diệt thì cái kia cũng diệt.

Giáo lý nhà Phật luôn dạy rằng, sống không tham lam, không tàn ác, không mù quáng làm tổn hại đến muôn loài. Nên sống hài hòa với thiên nhiên. Từ bi và có trách nhiệm bảo vệ thiên nhiên sẽ giúp môi trường được trong sạch, lành mạnh.

Một khi môi trường sống trong sạch, lành mạnh sẽ giúp cho đời sống con người và vạn vật thanh thoát, nhẹ nhàng, an lạc từ thể chất đến tinh thần.

Trong mắt “Mẹ thiên nhiên” tất cả chúng ta đều bình đẳng. Dù giàu hay nghèo, thiên nhiên cũng đều đối xử với chúng ta theo cách đồng đều và công bằng nhất. Vì con người và thiên nhiên không thể tách rời nên chỉ cần “Mẹ thiên nhiên” khỏe mạnh thì con người sẽ được khỏe mạnh, bởi chúng ta đang mượn những thành tố của thiên nhiên để sinh tồn…

Ý nghĩa “Mẹ thiên nhiên” trong đời sống xã hội

Trong đời sống hàng ngày, thuật ngữ “Mẹ thiên nhiên” được sử dụng để chỉ toàn bộ môi trường. Đôi khi, nó được dùng cùng với các ý thức chính trị và văn hóa như: sự nóng lên toàn cầu, chủ nghĩa môi trường hay biến đổi khí hậu

Đối với một số người, các sự kiện thời tiết diễn biến bất thường, mực nước biển dâng cao, cháy rừng, động đất, sóng thần, giông bão, bệnh tật,… đều quy lại là bởi sự nổi giận của “Mẹ thiên nhiên”.

voh-me-thien-nhien-3
“Mẹ thiên nhiên” trong đời sống là cụm từ được dùng để chỉ toàn bộ môi trường sống trên Trái Đất - Ảnh: Internet

Trong bài viết Tài nguyên thiên nhiên là một dạng của cải đặc biệt” có đoạn viết: “Để hiện hữu và tồn tại trong cả cuộc đời, mỗi chúng ta đều được nuôi sống bằng rất nhiều sản vật của Trái Đất: khí trời, nước sạch, thảo vật, thịt các loài thú nuôi. Dù vậy, không phải ai cũng có thể nhắc nhớ với mình để biết ơn, tri ân, cám ơn vì những phúc lộc mà thiên nhiên ban tặng con người.

Có thể nói, chính nhờ “Mẹ thiên nhiên” mà con người mới có được cuộc sống, được nuôi dưỡng từ những nhu cầu cấp thiết của cuộc sống đến việc phát triển kinh tế để đạt được những tinh hoa rực rỡ.”

Thiên nhiên là tất cả những gì thuộc về thế giới tự nhiên. Một bụi cây, ngọn cỏ, thậm chí là cánh rừng đại ngàn hay biển cả bảo la cũng đều thuộc về “Mẹ thiên nhiên”. Và dù con người có đang dần tiến hóa trong tự nhiên, cũng không thể nào tách rời hoàn toàn khỏi tự nhiên. Do đó, sống hài hòa với thiên nhiên chính là cách tốt nhất để loài người tồn tại và phát triển.

Sự tức giận của “Mẹ thiên nhiên”

“Mẹ thiên nhiên” chính là người mẹ chung cho tất cả mọi người sống trên Trái Đất này. Thế nhưng, chúng ta đang ngày càng trở thành “kẻ vô ơn” với người mẹ ấy. Hàng loạt những hành động của con người như: tàn phá rừng, khói bụi nhà máy… đã khiến cho “Mẹ thiên nhiên” bị tổn thương và tức giận.

Và dĩ nhiên, khi “Mẹ thiên nhiên” tổn thương thì chúng ta cũng sẽ bị tổn thương. “Mẹ thiên nhiên” một khi tức giận thì chính chúng ta là những người sẽ hứng chịu hậu quả. Hãy cùng xem trong năm 2023, những lần “Mẹ thiên nhiên” nổi giận chúng ta đã phải hứng chịu những thảm họa nào!

voh-me-thien-nhien-4
Những thảm họa đến từ "Mẹ thiên nhiên" thường để lại hậu quả vô cùng nặng nề - Ảnh: Internet
  • Ngày 6/2, tại miền Nam và miền Trung Thổ Nhĩ Kỳ cũng như miền Bắc Syria xảy ra 2 trận động đất liên tiếp trong vòng 12 giờ đồng hồ. Độ lớn trận động đất được ghi nhận là 7,8 độ Richter. Tuy chỉ kéo dài khoảng 75 giây ở mỗi trận động đất nhưng nó đã cướp đi sinh mạng của khoảng 47.000 người, phá hủy khoảng 70.000 tòa nhà và 264.000 căn hộ.
  • Ngày 4/8, một trận lũ lụt tồi tệ đã xảy ra ở vùng núi thuộc quận Mentougou, phía tây Bắc Kinh (Trung Quốc). Lượng mưa được ghi nhận là lớn nhất trong 140 năm qua, do ảnh hưởng từ cơn bão Doksuri. Cơn bão này cũng đã khiến ít nhất 21 người thiệt mạng và hàng ngàn người mất nhà cửa.
  • Ngày 1/9, một đám cháy lớn cực lớn đã bùng phát tại Công viên Quốc gia Dadia ở vùng Evros, Hy Lạp.
  • Sau đó 7 ngày, vào 8/9, một trận động đất mạnh 6.8 độ Richter xảy ra tại dãi High Atlas ở Morocco, khiến nhiều thành phố rung chuyển. Trận động đất phá hủy hàng loạt nhà cửa, 2.862 người thiệt mạng và 2.562 người bị thương.
  • Đến ngày 18/9, trận bão lũ lịch sử đã khiến cho vùng đất Dermna, Libya rúng động. Sau trận lũ, có hơn 11.300 người được xác định là thiệt mạng trong thảm họa.
  • Ngày 7/10, trận động đất liên hoàn với cường độ lên đến 6,3 độ Richter đã xảy ra tại Afghanistan khiến hơn 2.000 người chết và hơn 9.000 ngàn người bị thương.
  • Ngày 30/11, ở Mororo, Đông Bắc Kenya đã xảy ra trận lũ lụt kinh hoàng khiến hàng ngàn người dân rơi vào cảnh khó khăn.
  • Và sự tức giận của “Mẹ thiên nhiên” một lần nữa xuất hiện vào ngày 10/12. Trận lốc xoáy xảy ra tại Madison, Tennessee (Mỹ) cướp đi sinh mạng ít nhất 6 người và hơn 20 người bị thương.

Trong năm 2023, đã có hơn 10 sự kiện có thể gọi là thảm họa thiên nhiên xảy ra trên khắp thế giới. Tuy nhiên, đây chỉ là những sự kiện nổi bật bởi hậu quả mà nó để lại vô cùng nghiêm trọng. Thế giới ngoài kia vẫn còn rất nhiều những thảm họa mà tác nhân đến từ sự tham lam, vô tâm, ích kỷ của loài người.

Đã đến lúc loài người cần nhìn thẳng vào thực tế là chúng ta không thể “cãi nhau”, chinh phục, hay chiến thắng được thiên nhiên. Và nếu chúng ta thật sự coi thiên nhiên là “Mẹ” thì hãy dừng lại những hành động tàn phá thiên nhiên ngay lập tức.

Top những bài thơ, câu nói về Mẹ thiên nhiên

Thiên nhiên chính là nơi bắt đầu, cùng là biểu hiện đẹp nhất của sự sống. Dựa vào ý nghĩa đẹp đẽ ấy, các nhà thơ tự do đã viết nên nhiều câu chuyện tình đời, tình người, tình yêu liên quan đến “Mẹ thiên nhiên” như sau:

Bài thơ cảm ơn Mẹ thiên nhiên

Cảm ơn Mẹ thiên nhiên
Vì hạt cơm cây lúa
Vì giọt mưa ánh sáng
Cho cây lá đâm chồi
Cơm này con lấy rồi
Con nguyện lòng ăn hết.

Mẹ thiên nhiên

Sương mùa tẻ núi tả ngàn phương
Khói quyện len non đến mọi đường
Biến dạng chung hòa mưa ngập phố
Thay hình tách biệt rãi trên nương
Người sinh dạ cỏ mà sao đoán?
Đất diệt lòng thiên thật khó lường
Lắp biển xây nhà tham mộng lớn
Phong hòn quét sạch bọn tàn cương.

Mẹ thiên nhiên gây sự

Bỗng giọt sương tràn phủ mắt em
Hàng mi chảy lệ ướt bên rèm
Trong chiều gió thổi từng cơn mạnh
Giữa cảnh mây về mấy trận êm
Lạnh buốt hồn ai ngày bão nổi
Tàn luôn mộng đó bữa say mèm
Quên vài chữ hạn người nhanh nản
Uổng lọn dây tình đã rối mem.

voh-me-thien-nhien-5
Bài thơ "Cảm Ơn Mẹ Thiên Nhiên" - Ảnh: Internet

Câu nói hay về “Mẹ thiên nhiên”

1. Con người bất luận là văn minh hay hoang dã, đều là con đẻ của thiên nhiên chứ không phải là người chủ của thiên nhiên.

2. Con người và thiên nhiên không phải là hai thực thể riêng biệt, mà là một phần của cuộc sống lớn hơn, hòa mình vào nhau như là bức tranh tuyệt vời của sự sống.

3. Sự đẹp đẽ của thiên nhiên là hiện diện của sự hoàn hảo, và con người có nhiệm vụ giữ gìn và tôn trọng nó.

4. Con người là một phần của thiên nhiên. Sự chăm sóc và bảo vệ môi trường là cách chúng ta bảo vệ chính bản thân mình.

5. Thiên nhiên là bản nhạc hoàn hảo và con người là những nghệ sĩ tạo ra những nốt nhạc đẹp bằng cuộc sống hàng ngày.

6. Thiên nhiên cỏ cây luôn chào đón chúng ta, chỉ có con người là luôn thay đổi và đối xử tệ với muôn loài.

7. Cảnh đẹp thiên là tạo hóa tuyệt diệu của đấng tối cao, ngài ban cho chúng ta thưởng thức và giữ gìn chúng.

8. Cây cối là nỗ lực bất tận của mặt đất để nói với thiên đường đang lắng nghe.

9. Chúng ta không được nếm trải hương vị thiên nhiên đó là thiệt thòi to lớn của mỗi người. Hãy tận hưởng thiên nhiên khi còn có thể.

Hãy nhớ rằng, cuộc sống của chúng ta luôn có sự đồng hành, chở che của “Mẹ thiên nhiên”. Thiên nhiên giống như người Mẹ sẽ vẫn mãi chở che và bảo vệ con người. Vậy nên, mỗi người phải luôn ý thức được trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ thiên nhiên và môi trường sống cho các loại sinh vật trên Trái Đất này.

Đừng quên theo dõi chuyên mục Thường thức của voh.com.vn để cập nhật liên tục những kiến thức mới nhất, hấp dẫn nhất.

Bình luận