Ngụy biện là gì mà trở thành “bẫy độc hại” trong giao tiếp?

VOH - Ngụy biện là gì mà ai cũng dễ dàng mắc phải trong giao tiếp? Ngụy biện sẽ tạo nên những cuộc tranh luận không chất lượng, kém hiệu quả.

Người xưa có câu "Học ăn, học nói, học gói, học mở". Trong cuộc sống, lời nói, lối ứng xử, cách giao tiếp đóng vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng hình ảnh bản thân và kết nối các mối quan hệ. 

Giao tiếp là cả một nghệ thuật. Nếu không chú ý, ta rất dễ mắc phải những lỗi có thể khiến những cuộc trò chuyện hoặc tranh luận trở nên tiêu cực và thành một cuộc chiến không hồi kết. Một trong những lỗi mà ai cũng dễ dàng mắc phải chính là ngụy biện.

Trong bài viết này, cùng VOH tìm hiểu ngụy biện là gì, vì sao lối tư duy ngụy biện lại rất nguy hiểm cho người nói và gây khó chịu cho người nghe để tránh mắc phải hành vi này trong cuộc sống.

Ngụy biện là gì?

Ngụy biện (fallacy) là cố ý vi phạm về mặt logic, đưa ra những lập luận sai nhằm bóp méo sự thật và thao túng đối phương. Nói cách khác, ngụy biện là lập luận sai về mặt logic để giành phần lợi trong tranh luận, trong đối thoại. Từ đó có thể biến sai thành đúng, biến đúng thành sai. Hầu hết những lập luận ngụy biện thường được bao bọc bởi lớp vỏ ngoài của lý lẽ và sự thuyết phục, đưa chúng ta đến những kết luận sai lầm.

Nguyên nhân khiến ta mắc lỗi ngụy biện thường do tâm lý háo thắng và muốn bao biện cho bản thân. Chúng ta có thể đã vô tình lướt qua các lỗi ngụy biện ở khắp nơi trong đời sống hằng ngày như trong các cuộc đối thoại hay tranh cãi trực tiếp trên mạng xã hội.

Những câu nói ngụy biện mà chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp như:

  • "Nhìn lại mình đi rồi hẵng nói người khác"
  • "Bạn làm được như người ta chưa mà ý kiến"
  • "Thế bạn chưa làm điều này bao giờ à?"
  • "Tất cả mọi người đều ý kiến với việc đó"
  • "Sao bạn nghĩ điều đó không đúng? Bạn chứng minh tôi sai đi"
Ngụy biện là gì mà trở thành “bẫy độc hại” trong giao tiếp? 1
Ngụy biện là hành vi sử dụng lý lẽ sai để giành phần thắng trong đối thoại - Ảnh: Canva

Hậu quả của hành vi ngụy biện

Các lỗi ngụy biện trong tư duy phản biện tưởng chừng không đáng kể nhưng nếu không khắc phục, tần suất mắc lỗi càng nhiều thì càng dẫn đến các hậu quả to lớn. Có thể kể đến như:

  • Chệch hướng, giảm chất lượng chủ đề tranh luận.
  • Không giải quyết được vấn đề.
  • Lập luận thiếu sắc bén, tư duy theo lối mòn.
  • Ảnh hưởng đến tình cảm trong các mối quan hệ.

Xem thêm:
40+ câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ về lời nói, lối ứng xử trong giao tiếp hằng ngày
Giải thích ý nghĩa tục ngữ “họa từ miệng mà ra”
Giải thích “Ăn đơm nói đặt” là gì? Vi phạm phương châm hội thoại nào?

Các loại ngụy biện thường gặp nhất và ví dụ

Các lỗi ngụy biện không những dễ mắc phải mà còn rất khó để ta phát hiện ra. Sau đây là những lỗi ngụy biện thường xuất hiện trong quá trình tranh luận cũng như trong giao tiếp cuộc sống hàng ngày.

Công kích cá nhân

Ngụy biện công kích cá nhân là một kiểu ngụy biện rất phổ biến trong tranh luận. Chúng ta dễ dàng thấy kiểu ngụy biện này ở các bài đăng bày tỏ ý kiến trên mạng xã hội.

Thay vì bàn luận vào chủ đề, người tranh luận lại sỉ nhục, hạ bệ, công kích đối tượng tranh luận bằng ngôn từ để làm giảm uy tín của họ.

Ví dụ:

A: Nhà hàng này nấu ăn dở quá!

B: Có nấu được như người ta không mà nói?

Ngụy biện là gì mà trở thành “bẫy độc hại” trong giao tiếp? 2
Công kích cá nhân là kiểu ngụy biện rất phổ biến - Ảnh: Canva

Bôi xấu người khác

Bôi xấu người khác là một kiểu ngụy biện rất gây khó chịu. Đây là khi nói điều không tốt về người đang tranh luận với mình để hạ uy tín của người đó trước khi đưa ra luận điểm.

Ví dụ: “Thôi đừng nói về B làm gì. Gu chọn nhạc của nó tệ lắm!”

Trong ví dụ trên, người này đã mắc lỗi ngụy biện bôi xấu để làm giảm uy tín của B trước khi tranh luận.

Kiểu người rơm

Kiểu người rơm là kiểu ngụy biện bóp méo luận điểm của đối phương bằng cách chế giễu, xuyên tạc, cường điệu hóa,... Đây là kiểu ngụy biện tấn công nhận định của họ, nhằm cho thấy ý kiến của mình là đúng đắn và có lý hơn.

Ví dụ:

A: "Bức tranh này để ở đây không phù hợp lắm."

B: "Không trang trí nhà cửa thì nhìn cái nhà chán quá trời, không ai muốn vào ở!"

Rõ ràng rằng người B tấn công người A bằng cách nói cường điệu hóa "không đặt tranh là không trang trí nhà cửa" trong khi luận điểm của người A nhằm vào tính thiếu hợp lý khi đặt bức tranh.

Cá trích đỏ

Đây là kiểu ngụy biện đánh lạc hướng hay làm dừng cuộc tranh luận. Họ sẽ đưa những phát ngôn không liên quan, dính dáng đến chủ đề đang được đề cập.

Ví dụ:

A: "Môi trường đang bị ô nhiễm trầm trọng, chúng ta cần phải có ý thức bảo vệ chúng!"

B: “Tại sao phải lo lắng về môi trường? Bạn lo lắng được cho bản thân và gia đình bạn chưa?”

Trong ví dụ này, B thay vì đưa ra ý kiến về vấn đề “bảo vệ môi trường”, anh ta lái vấn đề sang hướng khác mang ý trách móc để khiến A cảm thấy tội lỗi, từ đó tấn công vào luận điểm của A.

Đe dọa người khác

Thay vì dùng lý lẽ, logic thì kiểu ngụy biện đe dọa lại dùng lời ám chỉ, đe dọa để bắt người đối thoại phải đồng ý với ý kiến của mình. Kiểu ngụy biện này thường xuất hiện khi hai người tranh luận ở trong một mối quan hệ bất bình đẳng, chẳng hạn như người lớn - trẻ con, cấp trên - cấp dưới.

Ví dụ:

A: “Anh ơi, việc này quá sức với em, em cần sự giúp đỡ.”

B: “Hoặc anh chấp nhận làm, hoặc nghỉ việc, thế thôi.”

“Anh cũng vậy”

Với kiểu ngụy biện này, người nói nhắc đến thiếu sót, khuyết điểm của người tranh luận cùng để phủ định ý kiến hoặc lý luận của người đó. Đôi khi sẽ phạm luôn vào lỗi công kích cá nhân.

Ví dụ:

A: “Ông gian lận trong thi cử như vậy là sai.”

B: “Làm như ông chưa từng gian lận bao giờ vậy."

Thực chất thì việc anh A có sai sót gì trong quá khứ, có làm được gì hay không làm được gì trong quá khứ đều không liên quan đến tính logic đang tranh luận đang diễn ra.

Ngụy biện là gì mà trở thành “bẫy độc hại” trong giao tiếp? 3
Chúng ta rất dễ mắc phải lỗi ngụy biện trong đời sống - Ảnh: Canva

Trượt dốc

Kiểu ngụy biện thường sử dụng lối nói kéo theo, đưa ra những viễn cảnh bất hợp lý. Người nói sẽ suy diễn thiếu căn cứ, tùy tiện về tương lai để chứng minh một điều nào đó là sai hoặc đạt được mục đích của mình. 

Ví dụ:

A: "Hôm nay ở nhà nhé."

B: "Hôm nay mà con không được đi chơi, bạn bè sẽ ghét con, con sẽ bị cô lập và không còn ai bên cạnh nữa!"

Hai sai thành đúng

Lỗi ngụy biện này sử dụng khi người trao đổi thay vì bàn về cái sai của sự việc đang xét, lại đưa ra một sự vật sai tương tự để biện hộ, hay giảm nhẹ, hay làm lạc hướng cho cái sai của nó.

Ví dụ:

A: "Nước M tệ nạn nhiều quá."

B: "Nước nào mà không có tệ nạn."

Bằng chứng vụn vặt

Thay vì đưa ra luận điểm và bằng chứng, thì lại đưa ra những kinh nghiệm vụn vặt cá nhân để làm cơ sở bác bỏ luận điểm của người khác. Ví dụ:

A: “Hút thuốc rất có hại cho sức khỏe.”

B: “Ông nội của tôi hút thuốc nhưng vẫn khỏe mạnh có bệnh tật gì đâu.”

Lợi dụng đám đông

Lợi dụng sự ủng hộ của đám đông để biến luận điểm của mình thành đúng. Ví dụ như một cô gái nói với bạn trai của mình: “Anh ơi mua cho em cái áo đó nhé, bạn của em đứa nào cũng có."

Lợi dụng quyền lực nặc danh

Trong trường hợp này, người ngụy biện chỉ nói chung chung, không nêu danh tính người có thẩm quyền và cũng không ai có thể kiểm chứng sự chính xác của lời phát biểu. Đây được giống như dùng lời đồn đại để làm dẫn chứng.

Ví dụ: "Nghe mọi người nói, bạn rất hay nói xấu người khác."

So sánh ẩu

So sánh hai điều chỉ giống như ở một khía cạnh nhỏ chứ không thật sự tương đồng để có thể mang ra so sánh. So sánh ẩu cho phép kẻ ngụy biện chuyển hướng cuộc tranh luận, bóp méo sự việc.

Ví dụ: "Những người mà không lập gia đình cũng giống như những người sống ích kỷ, chỉ nghĩ cho mình."

Gây cảm giác tội lỗi

Gây cảm giác tội lỗi là một kiểu ngụy biện đánh vào tâm lý "cực hay". Người ngụy biện sẽ khiến đối phương cảm thấy tội lỗi khi đưa ra ý kiến của mình.

Ví dụ:

A: "Ông M lúc còn sống làm hại nhiều người lắm."

B: "Bạn không thấy xấu hổ khi chỉ trích một người đã khuất ư?"

Câu nói trên của B tuy ngắn, nhưng đã đánh vào cảm giác, tâm lý thương hại, trắc ẩn người đối thoại, để giành lợi cho luận điểm của mình. B đưa cái chết ông M vào để gợi lòng trắc ẩn của họ. Bên cạnh đó, B còn "bóp méo lời nói" của A khi cho rằng A đang chỉ trích ông M.

Làm thế nào để ứng phó với sự ngụy biện?

Đa phần các lỗi ngụy biện trên đều xuất phát từ việc đuối lý hoặc không xác định rõ chủ đề chính là gì. Khi gặp những trường hợp này, bạn có thể làm những việc sau để tránh bị xuôi theo sự vô lý đó:

  • Giữ bình tĩnh khi tranh luận.
  • Đánh giá lập luận của người khác một cách từ tốn và chính xác.
  • Kiểm tra tính xác thực của thông tin.
  • Phản bác lập luận bằng cách đặt câu hỏi "Làm thế để đi đến được đến kết luận đó?"
  • Nâng cao kiến thức cá nhân.

Như vậy, VOH đã giải thích ngụy biện là gì, những lỗi ngụy biện ta rất dễ bắt gặp trong tranh luận hằng ngày. Hy vọng bài viết đã cung cấp những thông tin hữu ích để giúp bạn nhận biết, hạn chế bản thân mắc phải cũng như tránh được sự ngụy biện từ người khác. Hãy tranh luận logic, hợp tình hợp lý để các cuộc tranh luận chất lượng, hiệu quả, phục vụ mục đích trao đổi văn minh nhé.

Đừng quên theo dõi VOH Thường thức để cập nhật liên tục những kiến thức mới nhất, hấp dẫn nhất.

Bình luận