Khôn lỏi là gì? Nhận biết và ứng xử với người khôn lỏi thế nào?

VOH - Cùng là khôn nhưng tại sao khôn ngoan, khôn khéo được ngợi ca còn khôn lỏi lại thường bị chê trách? Hiểu khôn lỏi là gì, bạn sẽ có được câu trả lời.

Trong cuộc sống, không phải cái khôn nào cũng nhận được sự đồng tình. Ví như người khôn lỏi thường không được mọi người yêu mến. Vậy khôn lỏi là gì và làm thế nào để đối phó với kiểu người này? Mời bạn cùng VOH tìm hiểu trong bài viết sau.

Khôn lỏi là gì?

Khôn là tính từ dùng để miêu tả người nhạy bén, có khả năng suy xét để xử sự một cách có lợi nhất đồng thời tránh những việc làm, thái độ không nên có. Khôn được chia thành nhiều kiểu, trong số đó khôn ngoan, khôn khéo, khôn lỏi, khôn vặt, khôn ranh… thường được nhắc đến nhiều nhất.

Khôn lỏi là gì? Nhận diện và ứng xử với người khôn lỏi thế nào? 1
Để đạt được mục tiêu, để giành được lợi ích, người khôn lỏi có thể làm bất cứ điều gì - Ảnh: Pixabay

Khôn lỏi (khẩu ngữ) chỉ những người khôn vặt, luôn muốn giành lợi ích cho bản thân bằng mọi cách, kể cả gây hại cho người khác. Có thể nói, người khôn lỏi giành lợi ích cho mình một cách ích kỷ. Họ cũng thường sở hữu một số tính cách, đặc điểm nhất định nên việc nhận biết kiểu người này không quá khó.

Xem thêm:
Tư duy là gì? Cách rèn luyện tư duy hiệu quả giúp bạn giải quyết vấn đề
Trí tuệ là gì? Trí tuệ có từ lúc mới sinh hay do luyện tập mà ra?
Đạo đức là gì? Khái niệm chuẩn mực đạo đức xã hội là gì?

Phân biệt khôn lỏi với khôn ngoan, khôn khéo và thông minh

Thông minh, khôn ngoan, khôn khéo thường được sử dụng với ý nghĩa tích cực, dùng để khen trong khi đó khôn lỏi lại gắn với ý nghĩa không mấy tích cực, chứa đựng hàm ý chê trách. Có thể thấy, bốn khái niệm này khác nhau.

Khôn lỏi là gì? Nhận diện và ứng xử với người khôn lỏi thế nào? 2
Khôn cũng có nhiều kiểu và không phải kiểu nào cũng được hoan nghênh - Ảnh: Pixabay
  • Khôn ngoan là khôn trong cách xử sự, biết thích ứng với tình hình, biết tránh điều không hay, biết phân biệt đúng sai... Đây được xem là một kỹ năng quan trọng giúp con người người giải quyết các vấn đề một cách hiệu quả, tinh tế. Người khôn ngoan cũng là người có khả năng đối phó với tình huống bất ngờ.
  • Khôn khéo là sự kết hợp của khôn ngoan và khéo léo. Thế mạnh của người khôn khéo là sự thông minh, nhanh nhạy, tinh ý và khả năng điều chỉnh hành vi, lời nói trong việc ứng xử với con người hay trong các tình huống khác nhau.
  • Còn thông minh là có năng lực trí tuệ, hiểu nhanh, tiếp thu nhanh, có khả năng ứng biến nhanh nhạy, tinh tế trong những tình huống bất ngờ, phức tạp.

So sánh với định nghĩa về khôn lỏi ở trên, ta có thể thấy, bốn khái niệm này có điểm tương đồng nhưng cũng có sự khác biệt rất rõ ràng. Vì vậy, không thể đánh đồng hay coi khôn vặt, khôn lỏi chính là khôn ngoan, khôn khéo hay thông minh.

Nhận diện người khôn lỏi

Tự cao tự đại

Người khôn lỏi thường cho rằng bản thân là người giỏi nhất và cũng thích phóng đại khả năng của bản thân. Họ coi nhẹ, coi thường tài năng của người khác, không biết lắng nghe, không biết khiêm tốn cũng không tôn trọng người khác

Mưu mẹo, thích đi “đường tắt”, không ngại làm chuyện bất chính

Để giành được lợi ích, để đạt được mục đích của bản thân, người khôn lỏi có thể làm bất cứ điều gì. Thay vì bỏ công sức, họ thường dùng mưu mẹo, thủ đoạn, tìm cách “đi đường tắt”. Kiểu người này ích kỷ nên dù hành động của bản thân gây ảnh hưởng, gây hại cho người khác… thì họ cũng cũng không quan tâm. Nó thể hiện rõ sự thiếu trung thực và thiếu đạo đức.

Khôn lỏi là gì? Nhận diện và ứng xử với người khôn lỏi thế nào? 3
Tham lam, không biết đủ là một trong những đặc điểm của người khôn lỏi - Ảnh: Freepik

Tham lam, ích kỷ

Người khôn lỏi luôn muốn thu lợi ích cho bản thân, không biết biết ơn, không biết chia sẻ thậm chí là sẵn sàng lợi dụng, đạp lên người khác để đạt được mục đích. Thực tế, họ tham lam, ích kỷ, không biết hài lòng với những gì bản thân đang có và muốn biến mọi thứ thành của mình. Tuy nhiên, đặc điểm này thường không được bộc lộ quá rõ ràng.

Sống giả tạo, lợi dụng người khác

Người khôn lỏi thường có nhiều bộ mặt, sống giả dối và làm bất cứ điều gì cũng có mục đích mà cái đích cuối cùng luôn là có lợi cho bản thân. Họ có thể thường xuyên nhờ vả người khác, lấy người khác làm vật hy sinh, lợi dụng người khác để thăm dò, để tránh rủi ro cho bản thân… Có thể nói, đây là biểu hiện của sự hèn nhát, thiếu sự tự tin.

Xem thêm:
Trí trá là gì? 6 kiểu người trí trá bạn thường xuyên gặp phải
Tự phụ là gì? Tính tự phụ sẽ mang tới tác hại như thế nào?
Ích kỷ là gì? Đừng yêu nếu bạn là một kẻ ích kỷ

Ứng xử, đối phó với kiểu người khôn lỏi như thế nào?

Thế giới rộng lớn, cuộc sống có nhiều lựa chọn nhưng không phải lúc nào chúng ta có cũng có thể tránh được việc gặp gỡ, làm việc… với người khôn lỏi, khôn vặt. Trên thực tế, việc đối phó với kiểu người này cũng không hề đơn giản. Do đó, để bảo vệ bản thân bạn nhớ “nằm lòng” những tips ứng xử sau.

Tỉnh táo và kiểm soát cảm xúc

Sự kích động, tức giận sẽ ảnh hưởng đến phán đoán và hành vi của con người. Cho nên, khi đối mặt với những người lắm mưu mẹo, chỉ quan tâm đến mục đích của bản thân bạn nên giữ thái độ ôn hòa và kiểm soát cảm xúc. Đặc biệt, hãy tỉnh táo, đừng để bản thân rơi vào bẫy của đối phương hay bị thao túng, lợi dụng.

Không ngại từ chối

Thích nhờ vả, thích xin sự giúp đỡ từ người khác nhưng lại không biết ơn, không trả ơn, đây chính là đặc điểm của người khôn lỏi. Với kiểu người này, nếu bạn quá dễ dãi, họ sẽ được nước lấn tới. Chính vì vậy, hãy học cách từ chối đối với những việc không thích hợp, không cần thiết hay bạn không muốn làm đồng thời giải thích rõ lý do để tránh gây hiểu lầm hoặc xích mích.

Khôn lỏi là gì? Nhận diện và ứng xử với người khôn lỏi thế nào? 4
Với người toan tính, khôn vặt, bạn nên học cách từ chối - Ảnh: Freepik

Trao đổi trực tiếp, bày tỏ quan điểm cá nhân

Trò chuyện trực tiếp là một trong những cách giải quyết vấn đề nhanh và hiệu quả nhất. Khi làm việc với người khôn lỏi, nếu có bất đồng hoặc cần trao đổi bất cứ điều gì chúng ta nên chọn cách này để tránh những sự hiểu lầm, nhầm lẫn không cần thiết. Ngoài ra, hãy bày tỏ quan điểm, suy nghĩ của bản thân và cho đối phương biết ranh giới của bạn.

Phân chia công việc rõ ràng

Làm việc với người khôn lỏi, luôn muốn giành lợi ích cho bản thân nhưng lại không muốn bỏ công sức, bạn nên lên kế hoạch và phân chia công việc một cách rõ ràng. Điều này sẽ ngăn chặn tình trạng phải gánh vác những phần việc không thuộc trách nhiệm của mình.

Tìm sự giúp đỡ

Giữa lý thuyết và thực tế luôn có một khoảng cách nhất định và thực tế là không phải ai cũng có đủ khả năng, kỹ năng để đối phó, giải quyết các rắc rối với một người khôn lỏi. Chính vì vậy, lựa chọn khả quan nhất có lẽ là tìm người có thể trực tiếp giúp đỡ hoặc đưa ra lời khuyên cho trường hợp của mình. Tuy nhiên, bạn cũng không nên ỷ lại, hãy học cách ứng xử và tích lũy kinh nghiệm, kỹ năng để vừa bảo vệ bản thân vừa đối phó với những trường hợp khác.

Xem thêm:
Những câu nói hay về nhân cách sống đáng suy ngẫm, đọc là “thấm”
Những câu nói hay về lòng dạ con người cực thâm thúy
40 câu nói hay về tâm đức của những con người sống có tâm

Những câu nói hay về khôn lỏi, toan tính

Khi bạn sống toan tính, khôn lỏi bạn không chỉ khiến bản thân mệt mỏi mà tự hạn chế tầm nhìn, tiềm năng phát triển của bản thân. Vì vậy, hãy thay đổi tư tưởng, học hỏi, sử dụng trí tuệ của mình đúng lúc, đúng chỗ, đúng cách và luôn thành thật.

Khôn lỏi là gì? Nhận diện và ứng xử với người khôn lỏi thế nào? 5
Ảnh: Canva

1. Đừng sống khôn lỏi, hãy sống khôn ngoan.

2. Người khôn ngoan nhất là người không bao giờ nghĩ rằng mình khôn. (Nicolas Boileau)

3. Khôn ngoan chỉ tìm thấy ở trong sự chân thật. (Goethe)

4. Một người khôn ngoan là người không quan tâm, không để ý đến những gì mà anh ta không thể có được. (G.Herbert)

5. Kẻ ngốc có hai kiểu: một là những người cố tỏ ra thông minh, hai là những người nghĩ rằng mình thông minh. (Raheel Farooq)

6. Khôn lỏi, “đi tắt” có thể giúp bạn đạt được lợi ích một cách nhanh chóng, dễ dàng, không tốn sức lực nhưng nó không khiến người khác thán phục bạn. 

7. Làm người, đừng cố toan tính, khôn lỏi. Đừng nghĩ rằng khắp thiên hạ, chỉ có mình bạn khôn. Núi cao còn có núi cao hơn.

8. Sự toan tính khiến con người không biết đủ, không biết hài lòng, không được tận hưởng cảm giác an nhiên, tự tại.

9. Người ta sẽ cư xử với bạn theo cách mà bạn cư xử với họ. Nếu bạn cứ sống khôn lỏi, khôn vặt thì một lúc nào đó, khi cần sự giúp đỡ, sẽ chẳng có ai đưa tay ra cho bạn nắm.

10. Càng toan tính, càng sợ thiệt thì lại càng phải chịu thiệt thòi.

11. Ngộ nhận khôn lỏi và khôn ngoan, sớm muộn gì bạn cũng tự rơi vào hố sâu.

12. Ăn cỗ đi trước, lội nước đi sáu (Tục ngữ - thành ngữ)

13. Khôn lỏi sao bằng giỏi đàn (Tục ngữ - thành ngữ)

14. Ngỗng ông lễ ông (Tục ngữ - thành ngữ)

15. Tay người vỗ xuống đá (Tục ngữ - thành ngữ)

Sở dĩ người khôn lỏi không được hoan nghênh, không gây được thiện cảm với mọi người bởi họ chỉ quan tâm đến mục đích của bản thân, vì lợi ích của bản thân mà bỏ qua tất cả các yếu tố khác. Kiểu người này khác hoàn toàn với người khôn ngoan, khéo léo hay thông minh. Hy vọng bài viết giải thích khôn lỏi là gì của VOH Thường thức đã giúp bạn phân biệt được những khái niệm này.

Bình luận