Hằng năm, vào ngày 3/3 Âm lịch, nhiều gia đình lại tất bật chuẩn bị những đĩa bánh chay, bánh trôi để tỏ lòng thành với tổ tiên, cũng như cầu mong một năm an lành. Bài viết dưới đây, VOH sẽ cùng bạn tìm hiểu ý nghĩa bánh trôi bánh chay ngày Tết Hàn thực.
Ý nghĩa bánh trôi, bánh chay Tết Hàn thực: Hướng về nguồn cội
Tết Hàn thực 2024 rơi vào ngày 3/3 Âm lịch, tức ngày thứ Năm 11/4 Dương lịch. Mặc dù phỏng theo phong tục ở Trung Quốc, song Tết Hàn thực của người Việt vẫn mang sắc thái riêng.
Và hằng năm, cứ đến ngày 3/3 Âm lịch, các gia đình lại làm bánh trôi, bánh chay để cúng ông bà, tổ tiên. Bởi trong tâm niệm nhiều người, Tết Hàn thực là dịp để con cháu hướng về nguồn cội, tưởng nhớ ân đức tổ tiên.
Theo các chuyên gia văn hóa, việc dùng bánh trôi bánh chay Tết Hàn thực mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp. Nó thể hiện cho nền văn hóa lúa nước. Nguyên liệu chính của hai thứ bánh đều được làm từ bột gạo nếp thơm, thành quả lao động vất vả mới có được để dâng lên cúng tổ tiên, ông bà.
Bên cạnh đó, những viên bánh có hình dạng tròn cũng gợi nhớ đến tích truyện “bọc trăm trứng của mẹ Âu Cơ”. Nhiều người lý giải, bánh trôi tượng trưng cho 50 quả trứng nở ra thành 50 người con lên rừng theo Mẹ. Bánh chay tượng trưng cho 50 quả trứng nở ra thành 50 người con xuống biển theo Cha.
Cho nên, khác với ý nghĩa Tết Hàn thực ở Trung Quốc, vào ngày Tết Hàn thực của người Việt cùng với món bánh trôi bánh chay - văn hóa ẩm thực truyền thống chủ yếu mang ý nghĩa hướng về nguồn cội và tưởng nhớ công lao của những người đã khuất.
Bánh trôi, bánh chay: Món ăn truyền thống ngày Tết Hàn thực
Tháng 3 Âm lịch, thời tiết bắt đầu nóng lên, chuẩn bị bước sang mùa Hè. Người Việt xưa đã sáng tạo ra món bánh trôi, bánh chay là những món ăn nguội, có tính mát. Món ăn này vị ngọt thanh, rất phù hợp cho những ngày nóng nực.
Từ xa xưa, bánh trôi bánh chay đã đi vào thơ ca dân tộc như những món ăn đặc trưng phổ biến của người Việt. Bánh trôi nặn viên nhỏ, ngoài trắng, trong nhân là đường đỏ, thả luộc trong nồi nước sôi, khi bánh nổi lên mặt nước thì vớt ra ngoài. Còn bánh chay thì nặn tròn dẹt, không nhân, đặt lên bát nhỏ, khi ăn đổ nước đường lên trên, rắc thêm chút hạt vừng rang trông rất bắt mắt.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa - TS. Nguyễn Ánh Hồng (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) “Bánh trôi nguyên bản là màu trắng, hình tròn đầy thể hiện cho khát vọng về những điều tốt đẹp, viên mãn tròn đầy, tinh khiết trong cuộc sống”.
Theo thời gian, món ăn truyền thống này đã có nhiều biến tấu, từ sắc màu nguyên bản là trắng đục, bánh trôi bánh chay ngày nay đã có thêm nhiều nhiều màu sắc và hình dáng để phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.
Tuy việc sáng tạo hình dáng, màu sắc chiếc bánh trôi, bánh chay là không giới hạn nhưng hồn cốt của bánh trôi bánh chay Tết Hàn thực là được làm từ gạo nếp truyền thống vẫn được giữ nguyên vẹn nhằm truyền tải trọn vẹn thông điệp “Uống nước nhớ nguồn”, cùng nét đặc trưng văn hóa, lối sống và những khát vọng mơ ước của người dân Việt.
Tục ăn bánh trôi bánh chay Tết Hàn thực có từ khi nào?
Theo nhà nghiên cứu Trần Quang Dực, tục ăn bánh trôi bánh chay Tết Hàn thực ở Việt Nam có thể đã du nhập vào thời Lê và bắt đầu hưng thịnh từ giai đoạn Lê Trung Hưng - Nguyễn (1533 - 1789).
Trong các ghi chép về văn hóa dân gian, Lê Quý Đôn cũng viết rằng “Tục nước ta trọng nhất bánh trôi nước, mỗi năm cứ ngày mồng 3 tháng 3 thì làm bánh ấy.” đã chứng tỏ phần nào sự lâu đời của tục ăn bánh trôi, bánh chay ở nước ta.
Trong cuốn từ điển Hán - Nôm Chỉ Nam ngọc âm giải nghĩa có giải thích về hình dáng chiếc bánh trôi như sau: “Trôi nước có hiệu Thủy đoàn/Trong đường, ngoài bột nổi hòn lênh đênh”.
Có thể nói rằng, Tết Hàn thực là một ngày lễ đã ăn sâu vào tiềm thức, tâm khảm của mỗi người dân đất Việt. Để rồi cứ đến ngày mùng 3/3 Âm lịch hằng năm, người người nhà nhà lại tất bật chuẩn làm bánh trôi bánh chay với ý nghĩa con cháu một lòng hướng về tổ tiên, nguồn cội.
Đừng quên cập nhật liên tục những bài viết mới nhất, hấp dẫn nhất tại voh.com.vn - Thường thức.