Đứt dây chằng là gì? Cách nhận biết và điều trị

(VOH) – Chấn thương dây chằng là tình trạng phổ biến ở những người hoạt động thể thao, hoặc trong các tai nạn giao thông. Một trong những chấn thương thường gặp nhất chính là đứt dây chằng.

Dây chằng bao gồm các mô liên kết sợ cứng, có nhiệm vụ cố định và bảo vệ đầu khớp, kết nối các xương với nhau. Nếu dây chằng bị giãn quá mức sẽ dẫn đến đứt. Đứt dây chằng nếu không được điều trị kịp thời sẽ có thể gây ra những biến chứng, ảnh hưởng đến khả năng vận động của toàn bộ cơ thể.

1. Đứt dây chằng là gì?

Đứt (rách) dây chằng là một chấn thương khá phổ biến, xảy ra do có lực tác động quá lớn đến các khớp, chẳng hạn như té ngã khi chơi thể thao, tai nạn nghề nghiệp, ngã từ trên cao xuống, va chạm do tai nạn....

dut-day-chang-la-gi-cach-nhan-biet-va-dieu-tri-voh-0
Đứt dây chằng là chấn thương thường gặp ở dây chằng (Nguồn: Internet)

Đứt dây chằng có thể xảy ra ở nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể chẳng hạn như:

  • Đứt dây chằng đầu gối: dây chằng chéo trước (ACL), dây chằng chéo sau (PCL), dây chằng giữa gối (MCL), dây chằng bên ngoài (LCL)...
  • Đứt dây chằng khớp cổ chân (mắt cá chân): dây chằng sên-mác trước (ATFL), dây chằng gót-mác (CFL), dây chằng sên-mác sau (PTFL), dây chằng delta...
  • Đứt dây chằng cổ tay: Có khoảng 20 loại dây chằng chạy dọc trong ống cổ tay
  • Đứt dây chằng cổ
  • Đứt dây chằng lưng

Như vậy, về mặt lý thuyết bất kỳ dây chằng nào trên cơ thể cũng có thể bị rách và đứt, nhưng trên thực tế các vị trí ở đầu gối, bàn chân hay ngón tay là những vị trí thường gặp nhiều nhất.

2. Dấu hiệu nhận biết đứt dây chằng

Nếu bạn gặp một chấn thương xuất hiện các dấu hiệu hoặc triệu chứng sau đây, rất có thể bạn đã bị đứt dây chằng:

  • Nghe thấy một tiếng “lách cách” hoặc tiếng “bốp” ngay tại thời điểm bị thương nếu dây chằng bị đứt hoàn toàn.
  • Cơn đau xuất hiện. Mức độ đau sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của thương tích.
  • Vết bầm tím xuất hiện nhanh chóng hoặc ngay lập tức.
  • Chạm vào thấy mềm ở xung quanh khu vực chấn thương dây chằng.
  • Có vết lõm ở khớp nối dây chằng bị rách.
  • Bị co thắt cơ.
  • Giảm hoặc mất khả năng vận động.

Xem thêm: Đau dưới lòng bàn chân – ‘tín hiệu’ cảnh báo nguy cơ mắc 7 vấn đề sức khỏe sau

3. Nguyên nhân dẫn đến đứt dây chằng

Đứt dây chằng chỉ xảy ra khi có một lực rất lớn tác động lên dây chằng khiến các mô liên kế bị rách và bạn hoàn toàn có thể tạo ra lực này với trọng lượng cơ thể mình thông qua các hình thức té ngã, vận động sai tư thế...

Tình trạng đứt dây chằng thường xảy ra ở nam giới trung niên, người lớn tuổi và người mắc một số bệnh chẳng hạn như bệnh gout, cường tuyến cận giáp. Ở người trẻ, tình trạng đứt dây chằng sẽ kèm theo rách cơ.

dut-day-chang-la-gi-cach-nhan-biet-va-dieu-tri-voh-1
Những vận động viên là đối tượng rất dễ gặp phải chấn thương đứt dây chằng (Nguồn: Internet)

Dưới đây là những nguyên nhân chung dẫn đến đứt dây chằng:

  • Gặp các chấn thương trực tiếp như tai nạn, té ngã, va chạm... thường thấy ở các vận động viên chơi thể thao.
  • Tuổi cao: Càng lớn tuổi, nguồn cung cấp máu của cơ thể càng giảm. Điều này dẫn đến giảm lượng máu đến gân và dây chằng, khiến chúng bị yếu đi.
  • Sử dụng thuốc kháng sinh: Một số loại thuốc kháng sinh có thể làm tăng nguy cơ đứt dây chằng, đặc biệt là gân Achilles (dải gân cứng nói cơ bắp chân và xương gót).
  • Sự kết hợp co – duỗi cơ không hợp lý: Khi cơ của bạn đang co lại nhưng nó lại bị kéo căng ra theo hướng ngược lại, sẽ gây căng cơ quá mức và điều đó có thể làm ảnh hưởng đến những dây chằng có liên quan.
  • Hoạt động thể chất nặng nhọc như nâng vật nặng lên cao, bưng bê các đồ vật nặng cần rất nhiều sức lực của cơ bắp và nó có thể làm kéo căng dây chằng, khiến chúng bị tổn thương và đứt.
  • Tiêm steroid vào gân.

4. Phương pháp chẩn đoán và điều trị đứt dây chằng

4.1 Chẩn đoán

Bác sĩ sẽ chẩn đoán tình trạng đứt dây chằng bằng cách khám tổng quát vùng bị chấn thương, đồng thời hỏi về tiền sử của bạn. Bạn cần cung cấp cho bác sĩ thông tin về hoàn cảnh dẫn đến chấn thương, những chấn thương từng gặp và các bệnh mãn tính nếu có.

Sau khi thăm khám tổng quát, bạn sẽ được chỉ định chụp X-quang và chụp cộng hưởng từ (MRI) để đánh giá tình trạng dây chằng bị đứt.

Xem thêm: Tìm hiểu về chụp MRI - kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh cận lâm sàng giúp phát hiện 'vô vàn' bệnh lý

Dựa trên tình trạng chấn thương dây chằng, sẽ chia thành 3 mức độ:

  • Mức độ 1: Chấn thương nhẹ làm tổn thương dây chằng, nhưng không gây rách hoặc rách một phần không đáng kể.
  • Mức độ 2: Chấn thương vừa phải, đứt một phần dây chằng, khiến khớp có biểu hiện lỏng lẻo bất thường.
  • Mức độ 3: Chấn thương nặng, đứt toàn bộ dây chằng, mất chức năng của dây chằng và khớp gần như mất khả năng vận động.

4.2 Điều trị

Hầu hết các tình trạng đứt dây chằng đều có thể được chữa lành nếu bạn tuân thủ theo các phác đồ điều trị của bác sĩ.

Trường hợp bị đứt dây chằng mức độ 1 và 2, bác sĩ sẽ áp dụng phương pháp trị liệu RICE, tức là:

  • R-Rest (Nghỉ ngơi): Người bị chấn thương cần dành thời gian nghỉ ngơi cho đến khi vết thương hồi phục hoàn toàn.
  • I-Ice (Chườm đá): Trong vài đầu sau chấn thương, bạn nên thực hiện đều đặn việc chườm đá từ 15 – 30 phút/lần. Mỗi lần cách nhau ít nhất 2 giờ. Đây là phương pháp đơn giản nhưng rất hiệu quả trong việc giảm đau cho vùng bị thương.
  • C-Compression (Băng ép): Vùng bị đứt dây chằng sẽ được băng bó, ép chặt để giúp giảm sưng, đau.
  • E-Elevation (Nâng cao): Nâng cao vùng tổn thương giúp kiểm soát lưu lượng máu đến khu vực bị thương, từ đó giảm sưng viêm hiệu quả. Sau vài ngày, những chấn thương mức độ nhẹ sẽ dần hồi phục.
dut-day-chang-la-gi-cach-nhan-biet-va-dieu-tri-voh-2
Chườm đá giúp bạn giảm đau hiệu quả (Nguồn: Internet)

Với những trường hợp bị đứt dây chằng mức độ 3, vết đứt ảnh hưởng đến hơn 1/3 mặt cắt ngang của cơ, hoặc nếu có chảy máu trong nhiều, hay mất toàn bộ chức năng cơ, bác sĩ sẽ xem xét đến việc chỉ định phẫu thuật nối cơ.

5. Đứt dây chằng có nguy hiểm không?

Dây chằng bị đứt nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến sự mất ổn định của khớp. Nếu để tình trạng kéo dài, sẽ dẫn đến sự thoái hóa của sụn và thoái hóa khớp, khiến người bệnh luôn sống trong đau đớn kéo dài, chất lượng cuộc sống suy giảm, thậm chí phải đối mặt với nguy cơ tàn phế, phải thay khớp sau này.

Xem thêm: Ấn vào một khớp nào đó và cảm thấy đau, bạn có thể đang mắc một trong các loại bệnh viêm khớp

6. Phòng ngừa đứt dây chằng bằng cách nào?

Để phòng tránh bị đứt dây chằng trong tương lai, bạn cần lưu ý một số điều sau đây:

  • Trước khi chơi thể thao hãy khởi động đúng cách để làm nóng cơ bắp, các khớp cũng như tăng lưu thông máu, giúp hạn chế chấn thương.
  • Ngừng tập luyện nếu thấy cơ thể mệt mỏi.
  • Nên chú trọng các bài tập giúp hỗ trợ tăng độ dẻo dai cho dây chằng.
  • Tránh các kỹ thuật sai khi chơi thể thao. Đồng thời hạn chế việc mang vác các đồ vật nặng, cẩn thận với các tai nạn té ngã, xe cộ...
  • Bổ sung các nguồn thực phẩm giàu canxi để tăng cường độ dẻo dai cho dây chằng, phòng ngừa chấn thương.

Đứt dây chằng không chỉ gây đau đớn mà còn ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Vì thế, cần hạn chế những nguyên nhân khiến dây chằng bị đứt, nếu phát hiện đứt dây chằng hãy đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và điều trị sớm.