1. Viêm khớp cùng chậu là gì?
Hai khớp cùng chậu nằm ở phía sau, giữa 2 mông, nơi tiếp giáp giữa xương cùng cụt nằm dưới cột sống thắt lưng và phía sau của 2 xương cánh chậu.
Viêm khớp cùng chậu là tình trạng viêm khớp giữa cột sống và xương chậu, có thể bao gồm nhiều khớp hoặc chỉ một khớp.
Đau do viêm khớp cùng chậu có thể ảnh hưởng đến vùng mông, lưng dưới, chân, hông,…
Hình ảnh khớp cùng chậu bị viêm (Nguồn: Internet)
2. Đối tượng dễ mắc bệnh viêm khớp cùng chậu
Viêm khớp cùng chậu thường xảy ra sau khi bệnh nhân bị các bệnh ở đại tràng như viêm đại tràng, viêm nhiễm đường tiết niệu sinh dục.
Phụ nữ trong giai đoạn mang thai, khi thai lớn, chèn ép tiểu khung, gây ứ huyết vùng khung chậu, chèn ép bàng quang nên việc thải tiết nước tiểu khó khăn, dễ gây nhiễm khuẩn ngược dòng. Từ chỗ nhiễm khuẩn chỉ khu trú trong vùng sinh dục tiết niệu, dần dần lan đến vùng khớp cùng chậu. Do đó, viêm khớp cùng chậu dễ gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, thời kỳ mang thai hoặc sau sinh.
Ngoài ra, những đối tượng bị viêm cột sống dính khớp hoặc bị tổn thương vùng chậu do tai nạn giao thông hay té ngã cũng dễ gây viêm khớp cùng chậu.
3. Biểu hiện viêm khớp cùng chậu
Khi khớp cùng chậu bị viêm, người bệnh thấy đau âm ỉ, kéo dài ở vùng cột sống thắt lưng cùng, giữa 2 mông, có thể kèm theo teo cơ mông. Với triệu chứng này, nhiều người bị chẩn đoán nhầm là tổn thương cột sống, đau thắt lưng do thoái hóa cột sống thắt lưng, đau thần kinh tọa…
Triệu chứng viêm khớp cùng chậu phổ biến là đau nhức (Nguồn: Internet)
Cơn đau trong viêm khớp cùng chậu thường có tính chất âm ỉ, kéo dài dai dẳng. Đau thường nặng hơn khi người bệnh đứng trong một thời gian dài, đi lên hoặc xuống cầu thang, chạy hoặc đi bộ với những bước dài.
Những trường hợp sản phụ sau khi sinh bị đau vùng khớp cùng chậu dữ dội đến mức không thể chịu được, từ đó ảnh hưởng đến vận động như không thể ngồi, có cúi xuống, nghiêng hay xoay người rất khó khăn.
Đau do viêm khớp cùng chậu còn làm cho người bệnh mất ngủ, gây tâm trạng buồn rầu, lo lắng. Viêm khớp cùng chậu có thể lây lan gây tổn thương dây thần kinh tọa, làm teo cơ đùi, cơ mông.
4. Phương pháp chẩn đoán viêm khớp cùng chậu
Để chẩn đoán bệnh viêm khớp cùng chậu, bác sĩ thường bắt đầu với kiểm tra lâm sàng, có thể bao gồm ấn các điểm ở vùng hông hoặc mông và di chuyển 2 chân. Để xác định cơn đau ở trong khớp cùng chậu mà không phải ở một nơi nào khác ở phần lưng dưới, bác sĩ có thể đề nghị tiêm một số loại thuốc tê trực tiếp vào khớp. Tuy nhiên, thử nghiệm này thường không cho kết quả chính xác vì thuốc tiêm vào có thể lan sang các khu vực khác.
Ngoài kiểm tra lâm sàng, bác sĩ cũng có thể yêu cầu chụp X-quang để xác nhận, chụp MRI có thể được sử dụng nếu bác sĩ nghi ngờ người bệnh bị viêm cột sống dính khớp.
5. Viêm khớp cùng chậu có nguy hiểm không?
Viêm khớp cùng chậu nếu để lâu không được chữa trị sẽ ảnh hưởng lớn đến quá trình vận động (không thể ngồi lâu để làm việc hoặc khó cúi xuống, nghiêng hay xoay người rất khó khăn do cứng cột sống thắt lưng, lưng và cổ).
Hơn nữa, viêm khớp cùng chậu có thể lan ra, gây tổn thương dây thần kinh tọa, thậm chí làm teo cơ đùi và để lâu thì teo cơ mông.
Viêm khớp cùng chậu ở nữ giới nếu để lâu có thể dẫn đến dính khớp, làm cho khung chậu không thể giãn ra được trong thời kỳ mang thai, khi sinh sẽ khó, dẫn đến phải mổ đẻ.
6. Cách điều trị viêm khớp cùng chậu
Hiện nay, để điều trị viêm khớp cùng chậu bác sĩ thường chỉ định dùng các kháng sinh có hoạt phổ rộng hoặc tốt nhất là theo kháng sinh đồ. Những trường hợp nặng cần phải dùng phối hợp các thuốc cefotaxime, ceftriaxone với metronidazole, azithromycine, roxithromicine, clindamycine, gentamycine...
Chữa viêm khớp cùng chậu chủ yếu bằng thuốc (Nguồn: Internet)
Điều trị triệu chứng cần dùng các loại thuốc chống viêm, giảm đau, tiêm corticoid vào khớp cùng chậu. Ở giai đoạn lui bệnh, người bệnh cần tập thể dục theo hướng dẫn của bác sĩ để duy trì các chức năng vận động của cột sống, tránh các tư thế xấu sau này.
Người bệnh viêm khớp cùng chậu có thể chườm đá hoặc tập một số bài tập vật lý trị liệu để giảm những cơn đau do bệnh gây ra. Bài tập hiệu quả và đơn giản mà người bệnh có thể tự tập là nằm ngửa trên nền phẳng, chân trái co về sát ngực, 2 tay vòng lấy chân, giữ người ở tư thế thẳng, rồi quay hết cỡ về bên phải, đến khi đầu gối chạm sàn, sau đó tiếp tục quay ngược lại bên trái, nghiêng người hết cỡ để đầu gối chạm sàn.
Khi điều trị bằng thuốc kết hợp với vật lý trị liệu mà bệnh không giảm, triệu chứng đau ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt hằng ngày và có nguy cơ gây biến chứng thì chỉ định điều trị ngoại khoa sẽ được cân nhắc.