Trên thế giới còn rất nhiều bộ tộc sống tách biệt với thế giới hiện đại, họ có những phong tục riêng rất phong phú đa dạng và quan điểm về cái đẹp cũng vô cùng đặc biệt.
Bộ tộc Mursi - Bộ tộc đeo đĩa môi
Bộ tộc Mursi sinh sống trong thung lũng Omo, cách thủ đô Addis Ababa của Ethiopia 1.840 km. Những người phụ nữ thuộc bộ tộc Mursi có tục lệ kỳ lạ là đeo những chiếc đĩa rất to ở môi dưới.


Khi các cô gái đến độ tuổi 15 – 16 sẽ bắt đầu được khoét môi dưới và nhổ ít nhất 2 – 4 chiếc răng cửa ở hàm dưới để có thể gắn vừa chiếc đĩa môi. Trong quá trình kéo căng môi người Mursi sẽ tăng dần kích thước những chiếc đĩa cho đến khi môi dưới có thể đeo vừa chiếc đĩa có đường kính 10 – 15cm. Một cô gái đeo đĩa tượng trưng cho sự trưởng thành và đã đến độ tuổi sinh sản.

Những cô gái chưa lấy chồng có thể đeo đĩa bất cứ khi nào xuất hiện ở chốn đông người. Còn những người phụ nữ đã lấy chồng sẽ ít đeo hơn, thường họ chỉ đeo khi chuẩn bị bữa cơm cho chồng, tiếp khách và khiêu vũ. Những người phụ nữ goá chồng thì sẽ không đeo đĩa trên môi kể từ khi chồng của họ không còn nữa.

Nhờ sự đặc biệt này mà người Mursi thu hút du lịch và những ai muốn chụp hình với họ sẽ phải trả một khoản phí. Vài năm trở lại đây nhiều cô gái Mursi đã từ chối tiếp tục thực hiện phong tục này vì quá trình diễn ra đau đớn của nó.
Bộ tộc Mangtegu - Bộ tộc kéo dài đầu
Người Mangtegu có một quan niệm kỳ lạ là đầu ai càng dài thì càng đẹp, càng quý phái, càng thông minh, vì vậy họ chấp nhận đau đớn để kéo dài đầu. Và dài không cũng chưa đủ mà đầu phải có độ nghiêng về phía sau tạo thành một góc khoảng 45 độ so với mặt đất mới đạt chuẩn.

Người có đầu dài nhất trong bộ tộc sẽ được phong làm tộc trưởng vì đó được xem là người thông minh nhất và có khả năng giao tiếp với thần linh. Bên cạnh đó người Mangtegu cũng tin rằng một người có chiếc đầu dài sẽ khiến thần linh hài lòng và ban nhiều phước lành cho.

Quá trình kéo đầu dài của người Mangtegu được bắt đầu từ khi 1 tháng tuổi vì lúc ấy xương sọ còn mềm và dễ uốn nắn. Những đứa bé sẽ được mẹ dùng vải mềm hoặc một loại sợi được tước từ thân một loài cây bản địa quấn chặt nhiều vòng từ trán đến hết phần đỉnh đầu. Khi xương sọ dài và cứng cáp lại thành hình dạng cố định vòng dây sẽ được gỡ ra, thường thì phần dài ra này sẽ gấp 1,5 – 2 lần so với kích thước trước khi được kéo dài.

Tuy nhiên hiện nay tập tục kéo dài đầu của người Mangtegu đã dần mai một vì họ nhận ra sự bất tiện và không cần thiết của một chiếc đầu quá khổ.
Bộ tộc Kayan - Bộ tộc cổ dài
Bộ tộc Kayan hay còn gọi là bộ tộc Padaung là một dân tộc thiểu số trong nhóm ngôn ngữ Miến – Tạng có nguồn gốc cổ xưa của Myanmar. Tiêu chuẩn cái đẹp của người phụ nữ Kayan là ai sở hữu chiếc cổ dài và đeo nhiều vòng hơn thì sẽ được đàn ông trong tộc yêu thích hơn. Bộ tộc Kayan còn quan niệm vùng da cổ là vùng cấm địa trên cơ thể người phụ nữ cho nên họ phải che chắn thật kỹ, đến cả người chồng cũng không được phép nhìn thấy.

Và để có được chiếc cổ dài như vậy khi 5 tuổi các bé gái Kayan bắt đầu đeo những chiếc vòng cổ đầu tiên và số lượng vòng sẽ tăng lên theo thời gian gây sức ép kéo dài xương cổ. Bộ vòng này khá nặng thậm chí còn làm cho xương sườn của những người phụ nữ nghiêng 45 độ so với thông thường.


Dù cho bộ vòng rất nặng nề nhưng phụ nữ Kayan lại không muốn tháo nó ra. Phần vì họ đeo những chiếc vòng từ bé nên nó đã trở thành một phần cơ thể của họ, làn da ở cổ cũng có màu sắc nhợt nhạt những người phụ nữ sẽ cảm thấy không thoải mái nếu không được che chắn bởi những chiếc vòng. Nguyên do nữa là những người phụ nữ phản bội chồng bắt buộc phải tháo bỏ vòng khỏi cổ như một sự trừng phạt và sẽ bị dân làng xa lánh cho nên không một phụ nữ nào thuộc bộ tộc Kayan muốn bị tháo vòng.

Bộ tộc Apatani - Bộ tộc nhét đồng xu lên mũi
Apatani là bộ tộc sinh sống tại một ngôi làng nhỏ của thung lũng Ziro, bang Arunachal Pradesh, Ấn Độ. Bộ tộc Apatani có một phong tục kỳ lạ là nhét những đồng xu vào hai cánh mũi, đồng xu trên mũi cô gái nào to hơn thì được xem là xinh đẹp hơn, bên cạnh đó họ còn xăm lên mặt một đường dọc từ trán xuống cằm.

Nguyên nhân hình thành phong tục kỳ lạ này là vì hàng trăm năm trước bộ tộc Apatani bị tấn công và những cô gái bị bắt đi không bao giờ trở lại. Để chống lại việc này họ đã tự khiến gương mặt trở nên kém sắc để không bị xâm hại.


Hiện tại phong tục kỳ lạ này đã chấm dứt từ năm 1970, hình ảnh phụ nữ xăm mặt và nhét đồng xu lên mũi chỉ còn ở những người lớn tuổi. Thế nhưng bộ tộc Apatani vẫn thu hút đông đảo khách du lịch về thăm hằng năm với mục đích tìm hiểu và khám phá các câu chuyện về họ.
Nguồn ảnh: Internet