- Mặt nạ cho da mụn dầu, mụn đầu đen, mụn đầu trắng, mụn cám
- Mặt nạ cho da mụn li ti, mụn đỏ
- Mặt nạ cho da có mụn nang
- Nên chọn mặt nạ giấy, tránh mặt nạ lột
- Nên kết hợp nhiều loại mặt nạ, tránh mặt nạ sủi bọt
- Nên chọn mặt nạ có thành phần chống viêm, chữa lành, tránh mặt nạ chứa tinh dầu và chiết xuất cam quýt
- Cách đắp mặt nạ cho da mụn
Bổ sung mặt nạ vào quy trình skincare có thể giúp da mụn được cải thiện và nhanh hồi phục hơn. Tuy nhiên, muốn chọn được loại mặt nạ cho da mụn vừa dịu nhẹ lại vừa hiệu quả thì bạn phải ‘nằm lòng’ loạt bí quyết sau.
1. Mặt nạ cho da mụn dầu, mụn đầu đen, mụn đầu trắng, mụn cám
Tình trạng tắc nghẽn lỗ chân lông thường xảy ra ở vùng chữ T (trán, mũi, cằm) – nơi có tuyến bã nhờn hoạt động mạnh mẽ nhất. Đi kèm với nó là các vấn đề phổ biến như lỗ chân lông to, mụn cám hay mụn đầu trắng, mụn đầu đen. Với khả năng hấp thụ dầu thừa, loại bỏ cặn bẩn giúp da sạch khỏe, lỗ chân lông nhỏ mịn thì mặt nạ đất sét chính là lựa chọn lý tưởng nhất trong trường hợp này.
Lưu ý: Tránh chọn mặt nạ đất sét chứa tinh dầu, cồn biến tính… vì chúng có thể gây kích ứng da, làm tình trạng đổ dầu hay nổi mụn trầm trọng hơn.
Xem thêm: Chẳng lo da bóng dầu, nổi mụn, xỉn màu với 5 loại mặt nạ đất sét thanh lọc da cực ‘đỉnh’ này
2. Mặt nạ cho da mụn li ti, mụn đỏ
Dạng mụn nhỏ li ti này thường có đầu mụn “kín”, đi kèm với mụn đỏ, mẩn ngứa và xuất hiện ở vùng trán, má hay vùng dưới mặt. Để vừa khắc phục vấn đề vừa cải thiện kết cấu da và giảm mẩn đỏ, sưng tấy, chúng ta nên chọn mặt nạ chứa AHA hoặc BHA. Khả năng thẩm thấu vào lỗ chân lông và giải quyết cả mụn lẫn nhược điểm của các thành phần tẩy tế bào chết hóa học này sẽ giúp da nhanh hồi phục và ít phải đối mặt với thâm sẹo hơn.
3. Mặt nạ cho da có mụn nang
Mụn nang là loại mụn trứng cá “ăn sâu” vào da, viêm nhiều và gây khó chịu nhiều hơn so với các dạng mụn khác. Vì vậy, công thức mặt nạ dành cho các trường hợp này cần phải chứa thành phần trị mụn mạnh mẽ như BHA (salicylic acid) hoặc lưu huỳnh. Tuy nhiên, hãy lưu ý thêm rằng, nếu vấn đề của bạn xuất phát từ việc sử dụng sản phẩm có tính chất lột tẩy mạnh thì trước hết hãy ưu tiên mặt nạ có tác dụng làm dịu, chống viêm được bổ sung yến mạch, vitamin B…
4. Nên chọn mặt nạ giấy, tránh mặt nạ lột
Mặt nạ dạng lột thường có cách hoạt động khá mạnh nên chúng không phải là lựa chọn phù hợp với da mụn vốn nhạy cảm và dễ bị tổn thương. Thay vào đó, bạn nên chọn mặt nạ giấy nếu có nhu cầu cấp nước, làm dịu hoặc hỗ trợ cho quá trình trị mụn.
Xem thêm: 7 ‘thủ thuật’ giúp bạn đắp mặt nạ giấy tại nhà hiệu quả hơn
5. Nên kết hợp nhiều loại mặt nạ, tránh mặt nạ sủi bọt
Mặt nạ sủi bọt có thể tăng thêm sự thú vị cho quy trình chăm sóc da hay giúp ích cho làn da ở một mức độ nào đó. Tuy nhiên, đây cũng không phải là gợi ý lý tưởng nhất cho dành cho da mụn. Nếu muốn nhận được hiệu quả cải thiện làn da một cách tối ưu từ bước skincare bổ sung này, da mụn nên cân nhắc đến cách sử dụng nhiều công thức cùng một lúc. Vì mỗi vùng da thường có nhu cầu khác nhau, ví như vùng chữ T/ vùng mụn thì đổ dầu nhiều còn vùng má thường bị khô. Bằng cách giải quyết vấn đề chuẩn xác, làn da của chúng ta sẽ khỏe và đẹp hơn từng ngày.
Xem thêm: Công thức đắp mặt nạ kiểu multi-mask giúp gái Hàn có làn da chạm ngưỡng hoàn hảo
6. Nên chọn mặt nạ có thành phần chống viêm, chữa lành, tránh mặt nạ chứa tinh dầu và chiết xuất cam quýt
Tinh dầu và chiết xuất cam quýt có thể dẫn đến viêm, kích ứng và khiến cho mụn trứng cá trở nên nghiêm trọng hơn. Đó là lý do vì sao mà bạn nên tránh các công thức có chứa chúng trong quá trình điều trị. Ngược lại, những thành phần chống viêm, trị mụn như lưu huỳnh, salicylic acid, kẽm… hay chữa lành da như hyaluronic acid, nha đam, niacinamide… lại đặc biệt hữu ích cho việc loại bỏ mụn nên rất cần được ưu tiên.
Xem thêm: Top 5 thành phần mỹ phẩm ‘không đội trời chung’ với da dầu, da dễ nổi mụn
7. Cách đắp mặt nạ cho da mụn
7.1 Đắp mặt nạ cho da mụn vào ban đêm
Ban đêm là thời điểm đắp mặt nạ lý tưởng dành cho mọi loại da, bao gồm cả da mụn. Bởi khi đó, dưỡng chất sẽ có đủ thời gian để thẩm thấu và phát huy tác dụng. Chúng ta cũng không phải lo lắng quá nhiều về việc da trở nên nhạy cảm và bị tác động bởi tác nhân gây hại từ môi trường.
7.2 Đắp mặt nạ cho da mụn với tần suất phù hợp
Tần suất đắp mặt nạ cho da mụn sẽ tùy thuộc vào loại da cũng như loại sản phẩm. Ví như da mụn khô có thể đắp mặt nạ nhiều hơn da mụn dầu, da đang bùng phát mụn có thể đắp mặt nạ làm dịu với tần suất nhiều hơn để cải thiện vấn đề. Tương tự như vậy, các loại mặt nạ có tác dụng mạnh như chứa thành phần tẩy tế bào chết nên được sử dụng ít hơn để tránh gây kích ứng.
Chọn mặt nạ cho da mụn, ngoài việc chú ý đến sản phẩm, chúng ta còn cần phải để ý thêm cả loại mụn hay tình trạng da. Bởi nếu không hiểu rõ vấn đề của bản thân thì dù chi tiền cho mỹ phẩm nhiều đến đâu thì bạn cũng sẽ khó có thể nhận được kết quả tối ưu nhất.
Nguồn ảnh: Internet