Từ lâu, cồn đã được gắn cho cái danh thành phần xấu mặc dù bản chất của nó không hoàn toàn như vậy. Đương nhiên, mỗi người sẽ có cách chăm sóc da khác nhau nhưng mặc định sản phẩm chứa cồn gây hại cho da thì quả thực sẽ là một sự hiểu lầm lớn và rất thiệt thòi. Do đó, hiểu rõ hơn về cồn trong mỹ phẩm chính là cách để bạn có được cái nhìn toàn diện cũng như giúp bản thân xác định rõ ràng đâu là thứ cần hoặc nên tránh.
-
Cồn cũng có loại xấu và loại tốt
Cồn cũng có loại xấu và loại tốt (Nguồn: Internet)
Cồn là thành phần được sử dụng cực kỳ phổ biến, thậm chí là thành phần chính của nhiều sản phẩm chăm sóc da. Nhưng bạn nên biết rằng cồn cũng có nhiều loại và cách mà chúng được tạo ra không phải là như nhau. Về cơ bản, cồn được chia thành 2 loại là cồn khô (drying alcohol) và cồn béo (fatty alcohol). Trong đó, hầu hết những mối quan tâm hay vấn đề về cồn được nhắc tới đều có ý chỉ cồn khô.
-
Cồn khô (drying alcohol)
Cồn thường được sử dụng làm dung môi hoặc chất nhũ hóa cho mỹ phẩm và việc dùng loại nào sẽ phụ thuộc vào trọng lượng phân tử của chúng. Các loại cồn khô có trọng lượng phân tử thấp như isopropyl alcohol, ethanol (thường được liệt kê trong bảng thành phần với cái tên SD alcohol hoặc denatured alcohol/alcohol-denat), methanol rất hữu ích trong việc giúp sản phẩm đạt được kết như mong muốn. Chúng dễ bay hơi nên không gây cảm giác nặng trên da, đây là điều cực kỳ hấp dẫn với những bạn có làn da dầu.
Cồn khô giúp sản phẩm thấm nhanh và thẩm thấu tốt hơn (Nguồn: Internet)
Ngoài ra, cồn khô cũng hoạt động như một phương tiện giúp hòa tan các thành phần không tan trong nước cũng như làm tăng sự xâm nhập (đưa vào da sâu hơn) của các hoạt chất như vitamin C, retinol. Mặc dù có thể đem lại cảm giác thông thoáng, mát mẻ hay giúp các thành phần chăm sóc da hấp thụ tốt hơn nhưng về lâu dài, cồn khô có thể làm to lỗ chân lông, tăng độ nhờn và ảnh hưởng đến hàng rào tự nhiên. Vì vậy, nếu bạn có da dầu, da nhạy cảm hay dễ bị mụn thì nên tránh bất cứ các sản phẩm nào chứa chúng đồng thời chú ý đến nồng độ cồn khô trong danh sách thành phần.
-
Cồn béo (fatty alcohol)
Hầu hết cồn béo đều có nguồn gốc từ thực vật (Nguồn: Internet)
Khác với cồn khô, các loại cồn béo như cetyl alcohol, stearyl alcohol, cetearyl alcohol, glycol, propylene glycol, lauryl alcohol, myristyl alcohol thường được biết tới bởi các công dụng có lợi cho làn da. Chúng có nguồn gốc từ chất béo (tổng hợp hoặc tự nhiên như dầu dừa) và được sử dụng làm chất nhũ hóa, chất ổn định cũng như đóng góp rất nhiều vào kết cấu, khả năng dưỡng ẩm. Trọng lượng phân tử nặng của cồn béo đem lại cảm giác dày, nặng cho các sản phẩm đồng thời bảo vệ, hút độ ẩm và tăng cường hàng rào bảo vệ tự nhiên cho da. Đó là lý do mà bạn thường xuyên thấy sự xuất hiện của chúng trong các loại kem dưỡng ẩm, đặc biệt là dành cho da khô.
-
Sử dụng sản phẩm quá nhiều cồn không có lợi
Mặc dù không phải tất cả các loại cồn đều xấu nhưng việc sử dụng các sản phẩm chăm sóc da có chứa 2 loại cồn trên đều có một số nhược điểm nhất định nên bạn hãy cân nhắc cẩn thận.
Trước hết, các loại cồn khô có thể khử nước của da trong quá trình hoạt động. Khả năng quét sạch dầu hay giúp thành phần khác thẩm thấu tốt hơn của chúng nghe thì có vẻ hấp dẫn nhưng trên thực tế lại là tác nhân làm hỏng hàng rào bảo vệ tự nhiên của da khiến chúng dễ bị tổn thương, nhanh lão hóa thậm chí còn nhạy cảm và dễ kích ứng hơn. Thêm vào đó, việc loại bỏ đột ngột lớp dầu hữu ích này còn khiến da phản ứng bằng cách sản xuất ra nhiều bã nhờn hơn để thay thế. Công dụng làm tăng khả năng hấp thụ sản phẩm của cồn khô cũng sẽ chỉ có lợi với các thành phần hoạt chất còn với các tác nhân gây kích ứng tiềm năng như hương liệu, tinh dầu thì bạn sẽ có nguy cơ gặp phải vấn đề lớn hơn.
Dùng sản phẩm chăm sóc da chứa nhiều cồn không tốt (Nguồn: Internet)
Mặc dù cồn béo được xem là không gây kích ứng và gây hại cho da nhưng hầu hết chúng đều có nguồn gốc từ thực vật như dầu dừa hoặc dầu cọ. Điều này có nghĩa là cần cân nhắc đến cả khả năng gây kích ứng, dị ứng và làm tắc nghẽn lỗ chân lông khi sử dụng các sản phẩm chứa thành phần cồn béo. Đặc biệt, những bạn có làn da hỗn hợp, da dầu, da mụn hay nhạy cảm cần cân nhắc thật cẩn thận.
-
Lưu ý khi sử dụng sản phẩm chăm sóc da chứa cồn
Các sản phẩm chứa nồng độ cồn khô cao không có lợi cho da (Nguồn: Internet)
Cồn không phải là thành phần chăm sóc da xấu hoàn toàn, quan trọng là bạn phải xác định được loại cần tránh, lượng cồn và có cách sử dụng hợp lý.
- Cân nhắc kỹ các sản phẩm có nồng độ cồn cao (thường 3 – 5 vị trí đầu tiên trong bảng thành phần).
- Luôn luôn thử sản phẩm trước khi quyết định sử dụng vì ngoài nồng độ cồn thì các thành phần khác trong công thức cũng có thể gây ảnh hưởng.
- Không nên sử dụng các sản phẩm chứa cồn khô, đặc biệt là có nồng độ cao trong thời gian dài.
Ngoài ra, mỗi loại da sẽ phù hợp với một loại cồn nhất định:
- Với da dầu, một số loại cồn khô (như ethyl alcohol) có thể giúp bạn loại bỏ và kiểm soát dầu thừa tốt hơn, tuy nhiên da nhạy cảm sẽ cảm thấy khô hoặc kích ứng.
- Với da khô, hãy tìm sản phẩm chứa cồn béo (như cetyl và stearyl) để mang lại cảm giác ẩm mượt hơn.
- Với da nhạy cảm, nên thận trọng khi sử dụng bất cứ sản phẩm chăm sóc da nào có chứa cồn (kể cả cồn béo). Tốt nhất, bạn chỉ nên gắn bó với các thành phần nhẹ nhàng và đủ an toàn.
Cồn được sử dụng vô cùng phổ biến trong chăm sóc da nhưng có lợi hay có hại còn phụ thuộc vào công thức, nồng độ và cách sử dụng. Do đó, đừng ngại lựa chọn các sản phẩm chứa chúng nếu bạn có nhu cầu, đặc biệt là khi đã hiểu đúng, hiểu rõ về cả mặt lợi lẫn mặt hại của thành phần này. Đương nhiên, lựa chọn hay không lựa chọn cũng đều nằm ở bạn nên hãy dưỡng da một cách thông minh.
Những sự thật về chất parabens trong mỹ phẩm: (VOH) - Parabens là thành phần được sử dụng trong ngành công nghiệp mỹ phẩm với mục đích bảo quản. Song điều này lại tạo nên những luồng ý kiến trái chiều và khiến nhiều người phải hoang mang.
'Hé lộ’ 9 lầm tưởng làm đẹp ai cũng nghĩ là đúng: (VOH) – Chúng ta vẫn thường nghe, thấy rất nhiều lời khuyên về việc làm đẹp từ mọi người, trên internet hoặc chỉ đơn giản là tự bản thân cảm thấy hợp lý. Nhưng có bao nhiêu trong số đó thực sự đúng?