Tiêu điểm: Nhân Humanity

Ăn mực có tốt không? Cách chọn mua, chế biến và lưu ý cần biết

(VOH) – Với các ‘tín đồ’ mê hải sản có lẽ sẽ không thể quên kể tới mực – nguyên liệu ẩm thực hấp dẫn. Nhưng nếu bạn còn băn khoăn liệu ăn mực có tốt không thì bài viết này sẽ giải đáp tất cả.

Mực (hay cá mực) thuộc nhóm sinh vật thân mềm, sinh sống tập trung ở khu vực cửa sông, biển sâu và vùng nước ngoài khơi. Đặc biệt mực cũng nằm trong danh sách các loại hải sản được ưa thích và tiêu thụ phổ biến nhất trên thế giới.

1. Ăn mực có tốt không?

Các chuyên gia dinh dưỡng chia sẻ rằng ăn mực hoàn toàn tốt cho sức khỏe, và nếu bạn biết cân đối liều lượng hợp lý trong khẩu phần ăn hàng ngày thì sẽ nhận được những lợi ích tuyệt vời dưới đây:

1.1 Phòng chống thiếu máu

Có thể nói mực là một trong những thực phẩm cung cấp hàm lượng vi chất đồng khá dồi dào, tương đương với khoảng 90% nhu cầu mà cơ thể cần mỗi ngày. Dưỡng chất này sẽ đảm nhiệm vai trò hỗ trợ chuyển hóa chất sắt, nhằm tăng sinh tế bào hồng cầu và ngăn ngừa tình trạng thiếu máu xảy ra. (1)

an-muc-co-tot-khong-cach-chon-mua-che-bien-va-luu-y-can-biet-voh-0
Dưỡng chất từ mực rất cần thiết cho quá trình chuyển hóa chất sắt trong cơ thể (Nguồn: Internet)

1.2 Tốt cho xương khớp

Bổ sung thêm mực vào thực đơn được xem như cách giúp chúng ta chủ động hấp thu thêm những khoáng chất cần thiết cho hệ vận động như canxi, magie hay photpho. Các thành tố này sẽ trực tiếp tham gia vào quá trình hình thành tế bào xương mới, đồng thời giúp tăng mật độ khoáng xương, nhằm duy trì xương khớp chắc khỏe, dẻo dai. (2)

Xem thêm: Giảm đau nhức xương khớp bằng các món ăn đơn giản hàng ngày

1.3 Tái tạo tế bào

Mực đem tới khá đa dạng các nhóm axit amin – thành phần chính để tạo nên protein phục vụ cho quá trình hình thành và tái tạo tế bào. Từ đây đảm bảo mọi hoạt động chuyển hóa trong cơ thể diễn ra hiệu quả. 

1.4 Điều hòa huyết áp

Cùng với canxi hay photpho, mực còn được đánh giá là thực phẩm giàu khoáng chất kali. Theo đó, kali khi vào cơ thể sẽ góp phần đào thải lượng muối natri dư thừa, giảm nguy cơ tích nước và kiểm soát huyết áp ở mức ổn định, không tăng cao đột ngột. (4)

Xem thêm: Cao huyết áp và những biến chứng nguy hiểm không phải ai cũng biết

1.5 Cải thiện hoạt động não bộ

Giống như các loại hải sản khác, mực cũng mang lại lượng lớn axit béo omega – 3 cho cơ thể. Hoạt chất này sẽ kết hợp với vi chất đồng, selen “củng cố” kết nối giữa các tế bào thần kinh, tăng cường khả năng ghi nhớ và giảm căng thẳng. (5)

an-muc-co-tot-khong-cach-chon-mua-che-bien-va-luu-y-can-biet-voh-1

Omega - 3 từ mực rất cần thiết cho não bộ (Nguồn: Internet)

1.6 Ngăn ngừa ung thư

Nhiều nghiên cứu nhận thấy rằng các phân tử polysacarit từ mực có đặc tính hoạt động giống với những nhóm chất chống oxy hóa, chúng sẽ ức chế hoạt động của gốc tự do và giảm thiểu tỉ lệ mắc phải các bệnh ung thư. (5)

2. Bà bầu ăn mực được không?

Trong giai đoạn mang thai, nhiều mẹ bầu thường khá “ái ngại” khi thêm mực vào khẩu phần hàng ngày dù rất yêu thích và “thèm”.

Thế nhưng trên thực tế, các chuyên gia sức khỏe chia sẻ rằng nếu mẹ không có tiền sử dị ứng mực trước đó thì hãy yên tâm rằng loại hải sản này vẫn rất an toàn với thai kì, đồng thời còn giúp cải thiện một số vấn đề sức khỏe như:

  • Phòng chống thiếu máu thai kì
  • Giải tỏa căng thẳng, lo lắng
  • Giảm đau nhức xương khớp
  • Bổ sung omega – 3, ngăn ngừa dị tật bẩm sinh ở thai nhi

Xem thêm: Bà bầu ăn mực được không? Đây là 6 lý giải mẹ nên biết 

3. Hướng dẫn cách chọn mực ngon và bảo quản đúng

Tùy theo sở thích cũng như nhu cầu chế biến, bạn có thể chọn mua mực tươi sống hoặc mực đã phơi khô bởi mỗi loại đều mang hương vị đặc trưng riêng. Nhưng để lựa được những con mực chất lượng thì đừng quên “bỏ túi” một vài mẹo nhỏ này nhé.

3.1 Cách chọn mực tươi ngon

Các giống mực tươi vốn rất đa dạng, kể đến như mực ống, mực trứng, mực sim, mực lá hay mực nang, có giá thành dao động từ 150.000 – 350.000/kg.

an-muc-co-tot-khong-cach-chon-mua-che-bien-va-luu-y-can-biet-voh-2
Mực tươi có màu sắc tươi sáng, râu và đầu mực còn nguyên vẹn (Nguồn: Internet)

Nếu muốn chọn “chú mực” tươi, giòn ngọt, nhìn chung bạn hãy chú ý những đặc điểm nổi bật sau:

  • Màu sắc của mực tươi sáng, lớp da bên ngoài có màu nâu sậm, không nhợt nhạt, còn râu mực và phần thân bên trong trắng đục.
  • Màu mắt của mực trong veo, không bị lồi ra hay chảy dịch vàng, thậm chí bạn sẽ thấy rõ con người của mắt mực.
  • Râu mực, phần đầu còn dính chặt vào thân.
  • Chạm tay vào thân mực sẽ thấy có độ đàn hồi, tránh chọn những con mềm nhũn vì có thể đã bị ươn.

3.2 Cách chọn mực khô ngon

So với mực tươi thì mực khô có giá thành “nhỉnh hơn”, khoảng từ 300.000 đồng tới hơn 1 triệu đồng/kg.

an-muc-co-tot-khong-cach-chon-mua-che-bien-va-luu-y-can-biet-voh-3
Mực khô có lớp phấn trắng phủ dày thì thịt ngon, ngọt (Nguồn: Internet)

Do vậy nếu đã “cất công” chọn mua thì bạn cần quan sát kĩ lưỡng một vài đặc điểm dưới đây để tránh gặp phải mực khô giả:

  • Nên chọn những con mực có lớp phấn trắng phủ dày bên ngoài thì thịt sẽ giòn, ngọt.
  • Màu sắc của thân mực phải tươi sáng, không bị thâm hay sỉn màu.
  • Râu mực, đầu mực còn nguyên vẹn, gắn chặt với thân.
  • Mực khô thật, chất lượng sau khi chế biến sẽ giòn thơm, dùng tay xé được dễ dàng.

3.3 Bảo quản mực đúng cách

Để tránh hao hụt dưỡng chất của mực, hãy áp dụng các lưu ý sau trong quá trình bảo quản mực:

Bảo quản mực tươi

  • Sau khi mua mực về, nên lọc bỏ phần ruột, xương sống bên trong và phần da nâu bên ngoài. Rửa sạch bằng giấm hoặc rượu trắng.
  • Cất mực vào túi zip hoặc hộp đựng thực phẩm và bảo quản ở ngăn đông của tủ lạnh.

Bảo quản mực khô

  • Gói mực khô trong giấy báo sạch rồi đem cất trữ ở ngăn đông của tủ lạnh, thời gian bảo quản có thể lên tới 4 tháng.
  • Trung bình từ 2 – 3 tuần, nên đem mực ra kiểm tra và phơi nắng để duy trì độ giòn thơm.

4. Gợi ý món ngon từ mực

Mực giòn giòn, lại mang hương vị ngọt thơm nên có vô vàn các món ngon từ mực đã ra đời và “chinh phục” rất nhiều tín đồ ẩm thực.

an-muc-co-tot-khong-cach-chon-mua-che-bien-va-luu-y-can-biet-voh-4
Mực là nguyên liệu có thể biến tấu thành đa dạng món ăn, hương vị độc đáo và rất hấp dẫn (Nguồn: Internet)

Dù bạn không phải là một đầu bếp chuyên nghiệp nhưng chỉ cần chuẩn bị mực cùng các nguyên liệu quen thuộc trong gian bếp thì có thể “biến hóa” được các món ăn hấp dẫn này đấy:

  • Chả mực
  • Mực xào dứa
  • Hủ tiếu mực
  • Mực nướng sa tế
  • Mực hấp gừng
  • Mực nhúng giấm
  • Mực chiên mắm tỏi

Xem thêm: Lên thực đơn’ với 9 món ngon từ mực này đảm bảo hấp dẫn, giàu dinh dưỡng mà ai cũng ‘ghiền’

5. Một số lưu ý an toàn khi ăn mực cần biết

Là một thực phẩm giàu dưỡng chất song các tác dụng của mực với sức khỏe chỉ phát huy hiệu quả khi chúng ta sử dụng đủ hàm lượng và đúng khoa học. Do đó bạn cần lưu ý thực hiện đúng các khuyến cáo an toàn sau:

5.1 Không ăn quá nhiều

Ăn quá nhiều mực liên tục trong thời gian dài là thói quen bạn nên sớm thay đổi. Lời khuyên là chỉ ăn tối đa 150g mực/tuần và khoảng 2 – 3 lần/ tháng. Điều này giúp bạn không cảm thấy ngán và không còn lo lắng liệu rằng ăn mực có béo không nữa.

5.2 Không ăn mực sống

Chỉ nên ăn mực đã sơ chế và chế biến chín, tuyệt đối không ăn mực còn sống nhằm phòng ngừa nguy cơ ngộ độc thủy ngân.

Xem thêm: Khi ăn hải sản bạn tuyệt đối không nên ăn những phần này

5.3 Hạn chế tích trữ trong thời gian dài

Chúng ta có thể mua mực và bảo quản trong tủ lạnh nhưng đừng vì thế mà gom góp nhiều và  tích trữ quá lâu, để tránh làm hao hụt các dưỡng chất, tốt nhất hãy sử dụng hết trong khoảng 1 tháng. Ngoài ra, sau khi chế biến mực, bạn cũng nên dùng hết món ăn trong ngày.

5.4 Không ăn khi bị dị ứng ngứa ngáy

an-muc-co-tot-khong-cach-chon-mua-che-bien-va-luu-y-can-biet-voh-5
Nếu có dấu hiệu ngứa ngáy cần tạm dừng ăn mực (Nguồn: Internet)

Khi tiếp nạp các món ăn từ mực, nếu nhận thấy có dấu hiệu ngứa ngáy, phát ban đỏ ở vùng mặt, vùng cổ hay bàn tay, hãy tạm dừng ngay và nhanh chóng tới cơ sở y tế để kịp thời điều trị.

6. Thành phần dinh dưỡng của mực

Thành phần dưỡng chất trong 100g mực được phân tích như sau:

  • Năng lượng: 175
  • Kali: 7% giá trị hàng ngày
  • Chất đạm: 36% giá trị hàng ngày
  • Vitamin C: 7% giá trị hàng ngày
  • Đồng: 90% giá trị hàng ngày
  • Canxi: 3% giá trị hàng ngày
  • Sắt: 5% giá trị hàng ngày
  • Vitamin B6: 5% giá trị hàng ngày
  • Cobalamin: 20% giá trị hàng ngày
  • Magiê: 9% giá trị hàng ngày

Có thể thấy rằng, thêm mực vào thực đơn không chỉ giúp “đổi gió” cho bữa cơm hàng ngày mà còn cung cấp khá nhiều chất dinh dưỡng quan trọng cho cơ thể. Hãy lưu lại những thông tin trên đây và tận dụng loại hải sản này đúng cách, an toàn nhé.

Bình luận