Mỗi năm, mùa niễng chỉ kéo dài khoảng 1 tháng, nên các chị em thường tranh thủ “truy lùng” loại củ này để chế biến thành nhiều món ăn lạ mắt, hấp dẫn. Các món ăn từ củ niễng thường cho vị ngon ngọt, thanh đạm dễ ăn. Một số cách chế biến củ niễng phổ biến mà bạn nên làm thử để thưởng thức cho “kịp thời” như:
1. Củ niễng xào thịt bò
Củ niễng xào thịt bò là một trong những món ngon từ củ niễng vô cùng thơm ngon, hấp dẫn mà bạn nhất định phải ăn thử một lần.
1.1 Nguyên liệu
- Củ niễng: 250g
- Thịt bò: 200g
- Tỏi băm: 50g
- Dầu ăn
- Gia vị thông dụng
1.2 Cách làm củ niễng xào thịt bò
Củ niễng mua về bóc sạch lớp vỏ già bên ngoài để lộ phần củ trắng bên trong. Sau đó đem đi rửa sạch rồi ngâm trong nước muối loãng khoảng 15 phút, rồi dùng dao cắt xéo thành từng lát dày khoảng 0.3cm.
Thịt bò rửa sơ qua, dùng dao thái lát mỏng. Tiếp theo, cho thịt bò vào tô ướp cùng hạt nêm, dầu ăn theo khẩu vị, để gia vị thấm trong khoảng 5 phút.
Bắc chảo lên bếp, cho dầu vào, dầu nóng cho tỏi vào phi thơm. Sau đó, cho tiếp thịt bò vào xào khoảng 2 phút thì múc ra đĩa.
Tiếp tục dùng chảo đó, cho dầu ăn vào, sau đó là củ niễng, đảo đều trên bếp, rồi tiến hành nêm gia vị gồm bột ngọt và hạt nêm theo khẩu vị. Xào vài lượt thì cho phần thịt bò đã xào trước đó vào lại, đảo đều khoảng 30 giây thì tắt bếp.
Cho món ăn ra đĩa cho thêm hành ngò nếu thích rồi thưởng thức cùng cơm nóng.
Xem thêm: Bật mí tác dụng của thịt bò và 10 món ăn tốt cho sức khỏe
2. Củ niễng xào trứng
Củ niễng xào trứng cũng là một trong những món ngon từ củ niễng. Món ăn này có hương vị thơm ngon, hấp dẫn, lại rất dễ ăn.
2.1 Nguyên liệu
- Củ niễng: 250g
- Trứng gà: 1 quả
- Hành lá: 2 nhánh
- Gia vị thông dụng
2.2 Cách làm củ niễng xào trứng
Củ niễng mua về loại bỏ lớp vỏ màu sẫm bên ngoài, chỉ lấy phần thịt củ niễng trắng bên trong. Sau đó đem đi rửa sạch và ngâm nước muối khoảng 10 phút rồi để ráo nước. Đem củ niễng thái mỏng thành từng lát dày khoảng 0.3cm.
Đập trứng gà cho vào chén cùng một ít muối, hạt nêm và tiêu, dùng muống đánh đều.
Hành lá cắt bỏ gốc, rửa sạch, dùng dao cắt nhỏ. Để riêng phần đầu hành đã cắt nhỏ.
Bắc chảo lên bếp, cho dầu vào, dầu nóng phi phần đầu hành cho thơm. Sau đó, cho củ niễng vào xào và thêm ít hạt nêm, đảo đều khoảng 5 phút. Tiếp theo, cho trứng gà theo kiểu rải đều khắp chảo, sao cho phủ toàn bộ phần củ niễng, rồi đảo đều khoảng 3 phút, rồi tắt bếp.
Cho món ăn ra đĩa, cho thêm hành lá và tiêu xay vào cho thơm. Ăn cùng cơm nóng sẽ ngon hơn.
3. Củ niễng xào tỏi và cà rốt
Củ niễng kết hợp với tỏi và cà rốt sẽ cho ra một món ăn đẹp mắt và lạ miệng. Cùng tìm hiểu cách chế biến củ niễng trong món ăn này như thế nào nhé!
3.1 Nguyên liệu
- Củ niễng: 250g
- Cà rốt: ½ củ
- Hành lá, rau mùi, tỏi khô
- Dầu ăn
- Gia vị thông dụng
3.2 Cách làm củ niễng xào tỏi
Củ niễng mua về bóc bỏ phần vỏ già bên ngoài, lấy phần thịt củ niễng trắng phía bên trong đem đi rửa sạch, ngâm nước muỗi loãng 10 phút thì thái mỏng.
Cà rốt gọt vỏ, rửa sạch, thái mỏng, dài.
Hành lá, rau mùi rửa sạch, cắt khúc ngắn. Tỏi bóc vỏ, đập dập, băm nhuyễn.
Bắc chảo lên bếp, cho dầu vào, dầu nóng thì cho tỏi vào phi thơm. Tỏi thơm, bạn cho củ niễng và cà rốt vào xào sơ. Sau đó, tiến hành nêm nếm với các gia vị như hạt nêm, muối, nước mắm theo khẩu vị. Có thể thêm chút nước để các gia vị tan hết.
Xào củ niễng và cà rốt đến khi chín thì tắt bếp. Múc món ăn ra đĩa, rắc tiêu xay lên trên và thưởng thức ngay lúc còn đang nóng.
Xem thêm: ‘Bật mí’ đến bạn 11 món ngon từ cà rốt nhất định phải thử Tết này
4. Củ niễng xào rươi
Các món ăn chế biến từ rươi luôn có hương vị độc đáo và bổ dưỡng. Món củ niễng xào rươi cũng là một món ăn có hương vị lạ miệng hấp dẫn, đầy đủ dinh dưỡng cho một bữa cơm gia đình.
4.1 Nguyên liệu
- Rươi: 300g
- Củ niễng: 500g
- Thịt ba chỉ: 200g
- Hành tây: 1 củ
- Trứng gà: 1 quả
- Vỏ quýt: 1 ít
- Hành lá, lá gấc non, rau thì là, ngò
- Nước mắm, dầu ăn
- Gia vị thông dụng
4.2 Cách làm củ niễng xào rươi
Mua rươi tươi, bạn cần sơ chế rươi bằng cách cho rươi vào chậu nước rồi dùng tay rửa nhẹ để rươi không bị vỡ bụng. Tiếp đó, pha nước nóng khoảng 60 độ rồi cho rươi vào, dùng đũa khuấy nhẹ vài lần, để bùn đất, lông và chân rươi rụng ra, nổi lên thì vớt rươi ra.
Củ niễng lột bỏ phần vỏ già bên ngoài, lấy phần thịt trắng bên trong đem rửa sạch, ngâm nước muối loãng vài phút, vớt ra rửa lại với nước sạch rồi cắt lát xéo.
Thịt ba chỉ ngâm vào nước muối loãng trong 10 phút, sau đó đem trụng sơ cho sạch rồi vớt ra, để ráo.
Rửa sạch vỏ quýt, hành tây, lá gấc non, hành lá và rau thì là. Cắt nhỏ vỏ quýt và củ hành. Hành lá, rau thì lá cắt khúc dày khoảng 2 lóng tay.
Đập trứng gà vào chén rồi đánh tan.
Bắc chảo lên bếp cho vào 2 muỗng canh dầu ăn đun nóng thì cho vỏ quýt, hành tím cắt nhỏ vào phi thơm. Sau đó, cho ½ muỗng canh nước mắm vào rồi vặn lửa lớn, cho rươi vào xào, đảo chậm để rươi không bị nát khoảng 1 - 2 phút, tắt bếp và múc rươi ra đĩa.
Cho tiếp 1 muỗng canh dầu ăn vào chảo đã xào rươi rồi đun nóng, thì thêm thịt ba chỉ vào xào với lửa lớn đến khi cháy cạnh thì cho thêm củ niễng, củ hành và 1/3 chén nước vào trộn đều.
Khi củ niễng gần chín, cho rươi đã xào cùng với các loại gia vị như muối, đường và bột ngọt và theo khẩu vị, đảo chậm. Khi các nguyên liệu đã chín, cho thêm trứng gà, hành lá và rau thì là vào, nấu cho đến khi trứng chín thì tắt bếp.
Cho món ăn ra dĩa rồi cho lên lá gấc non, rau mùi và 1 ít tiêu để tăng hương vị.
5. Củ niễng xào tôm
Một trong những món ngon từ củ niễng không thể không nhắc đến chính là món củ niễng xào tôm. Món ăn khá đơn giản và ai cũng có thể tự chế biến ngay tại nhà.
5.1 Nguyên liệu
- Củ niễng: 300g
- Tôm tươi: 200g
- Lá hẹ: 1 bó nhỏ
- Hành tím
- Bột canh, dầu ăn
- Gia vị thông dụng
5.2 Cách làm củ niễng xào tôm
Củ niễng mua về bóc bỏ phần vỏ già bên ngoài, lấy phần thịt non bên trong đem đi rửa sạch, ngâm nước muối loãng 10 phút, rửa lại lần nữa để ráo nước và thái lát.
Tôm tươi rửa sạch, bóc vỏ, bỏ đầu, lấy chỉ trên lưng. Sau đó đem đem tôm ướp với chút bột canh.
Bắc chảo lên bếp, cho dầu vào phi thơm hành băm, sau đó cho tôm vào xào chín khoảng 2-3 phút thì trút tôm ra đĩa riêng.
Vẫn sử dụng chảo đó, cho dầu ăn, phi hành tím, rồi cho tiếp củ niễng vào xào với chút hạt nêm, khi thấy củ niễng chín tái thì cho tôm vào xào cùng khoảng 2-3 phút, lúc này cho lá hẹ cắt khúc vào đảo chung khoảng 30 giây thì tắt bếp.
Cho món ăn ra đĩa rắc thêm chút hành ngò cho thơm và ăn cùng cơm nóng.
Xem thêm: Những tác dụng đáng kinh ngạc của tôm, ăn thường xuyên nhưng ít người biết đến
6. Cháo củ niễng
Củ niễng không chỉ được dùng cho các món xào mà còn dùng để nấu cháo. Cháo củ niễng vừa ngon vừa tốt cho sức khỏe, đặc biệt là với những người đang bị viêm tuyến tiền liệt thiên về tính nhiệt.
6.1 Nguyên liệu
- Củ niễng: 100g
- Thịt lợn băm: 50g
- Gạo tẻ: 100g
- Nấm hương: 25g
- Dầu vừng
- Gia vị thông dụng
6.2 Cách nấu cháo củ niễng
Nấm hương đem ngâm nở rồi thái sợi.
Củ niễng mua về loại bỏ hết phần lá già bên ngoài, lấy phần thịt non bên trong ngâm với nước muối loãng 10 phút, sau đó rửa sạch với nước rồi thái chỉ.
Bắc chảo lên bếp, cho dầu vừng vào, dầu nóng cho thịt lợn băm, củ niễng, nấm hương, các gia vị như muối hạt nêm, bột ngọt theo khẩu vị, xào thơm thì múc ra chén.
Gạo tẻ vo sạch cho vào nồi nấu cháo, nấu đến khi cháo nhừ thì cho chén thịt xào vào đảo đều, nêm nếm lại gia vị cho vừa ăn, rồi đun cháo cho sôi lại là được.
Có thể nói, củ niễng là loại rau củ dân dã tạo ra những bữa ăn ngon lành, bổ dưỡng mà bạn không nên bỏ qua. Nếu chưa từng ăn củ niễng, hãy tranh thủ tìm mua và học cách chế biến củ niễng thành các món ăn kể trên bạn nhé!