Có thể nói, so với các loại đậu thân thuộc như đậu đen, đậu xanh hay đậu đỏ,…thì việc tìm mua đậu gà sẽ khó hơn một chút bởi đây là giống đậu ngoại nhập (chủ yếu từ Ấn Độ), bạn cần mua đậu ở các đơn vị cung cấp có chứng nhận nhập khẩu chính xác, uy tín.
Loại đậu này thường có màu vàng be, đầu nhọn và cong như mỏ gà, vỏ tương đối dày song chứa nguồn chất dinh dưỡng vô cùng dồi dào, giàu protein, chất xơ và khoáng chất. Vì thế, hãy “bỏ túi” ngay 10 cách chế biến đậu gà sau để cải thiện thực đơn hàng ngày cũng như bồi bổ sức khỏe của cả nhà.
1. Sữa đậu gà
Sữa đậu gà là một trong những gợi ý đầu tiên mà bạn nhất định nên thử qua nếu còn lăn tăn chưa biết đậu gà nấu món gì ngon. Cùng kết hợp đậu gà và đậu đỏ theo công thức sau để pha chế ly sữa đậu gà xem sao nhé!
1.1 Nguyên liệu
- Đậu gà: 50 – 60g
- Đậu đỏ: 50g
- Nước lọc ấm: 1 lít
- Đường phèn hoặc đường cát trắng
1.2 Cách làm sữa đậu gà
- Rửa sạch đậu gà và đậu đỏ. Tiến hành ngâm nở cả hai loại đậu trong khoảng 8 – 10 tiếng.
- Hấp chín các loại đậu, sau đó đem xay nhuyễn với máy xay sinh tố. Dùng rây lọc bỏ bã, chắt lấy sữa.
- Bắc nồi lên bếp, bật lửa nhỏ và đun nóng sữa khoảng 5 – 10 phút, thêm chút đường, khuấy tan đều là hoàn thành sữa đậu gà.
2. Cháo đậu gà
Đậu gà thơm bùi xay nhuyễn mịn hầm cùng bí đỏ béo ngậy, quyện với hạt gạo mềm ngọt – tất cả tạo nên món cháo đậu gà giàu dinh dưỡng với hương vị cực kì độc đáo.
2.1 Nguyên liệu
- Đậu gà: 30 – 50g
- Bí đỏ: 30g
- Gạo tẻ: 100g
- Gia vị: nước mắm, hạt nêm, hạt tiêu
2.2 Cách làm cháo đậu gà
- Rửa sạch và ngâm đậu gà trong nước khoảng 8 – 10 tiếng (có thể ngâm qua đêm). Tiến hành hấp chín đậu trong khoảng 20 – 30 phút, rồi đem nghiền nhuyễn mịn.
- Gọt vỏ bí đỏ, lọc bỏ ruột và hạt, rồi thái nhỏ.
- Vo sạch gạo, bắc nồi nấu cháo. Khi cháo sôi lần đầu thì trút lần lượt đậu gà, bí đỏ vào, nêm chút gia vị. Hầm cháo trong khoảng 1 – 2 tiếng để các nguyên liệu chín mềm là có thể thưởng thức cháo đậu gà.
Xem thêm: Băn khoăn không biết bí đỏ nấu gì ngon hãy thử 12 món ăn này
3. Chả đậu gà
Viên chả đậu gà được chiên giòn rụm, thơm phức, thấm vị tiêu cay cay là món chay khá nổi tiếng tại các quốc gia Trung Đông. Nguyên liệu không cầu kì, công đoạn chế biến đậu gà đơn giản nên bạn có thể tự làm chả đậu gà ngay tại nhà đấy!
3.1 Nguyên liệu
- Đậu gà: 100 - 150g
- Bột mì: 3 – 4 thìa canh
- Tỏi
- Hành tây
- Hành tím
- Ngò rí (rau mùi)
- Gia vị: hạt nêm, hạt tiêu
3.2 Cách làm chả đậu gà
- Rửa và ngâm đậu gà trong nước ít 8 tiếng, sau đó đem xay nhuyễn mịn.
- Bóc vỏ hành tây, hành tím, tỏi và thái thật nhuyễn nhỏ, ngắt nhỏ rau ngò rí. Tiếp đến đem tất cả nguyên liệu này trộn với đậu gà vừa xay nhuyễn, thêm bột mì và gia vị.
- Khéo léo nặn hỗn hợp thành từng viên nhỏ rồi đem chiên chín vàng đều là cố thể thưởng thức.
Xem thêm: Ghi ngay vào sổ tay công thức làm chả giò rế chay giòn rụm
4. Salad đậu gà
Đậu gà luộc chín, bùi bở, hòa trộn với vài trái cà chua bi, dưa leo thanh mát cùng nước sốt chua chua ngọt ngọt cho ra đời món salad đậu gà đầy màu sắc và hấp dẫn.
4.1 Nguyên liệu
- Đậu gà: 100 – 150g
- Dưa leo (dưa chuột): 2 trái
- Cà chua bi: 7 – 10 trái
- Dầu ô liu
- Hành tây
- Lá bạc hà
- Nước cốt chanh
- Phô mai sợi
- Muối
4.2 Cách làm salad đậu gà
- Ngâm đậu gà trong nước từ 8 – 10 tiếng. Sau khi ngâm thì đem hấp chín đậu.
- Ngâm rửa sạch dưa leo, cà chua bi, lá bạc hà. Gọt vỏ dưa leo, cắt thành miếng hạt lựu. Cắt đôi trái cà chua bì, ngắt nhỏ rau bạc hà.
- Bóc vỏ hành tây, thái lát mỏng.
- Pha chế nước trộn salad gồm nước cốt chanh, dầu ô liu, muối và tỏi, nêm nếm vừa ăn.
- Cho lần lượt đậu gà, dưa leo, cà chua bi, hành tây vào tô, rưới nước trộn lên và trộn thật đều. Cuối cùng rắc phô mai và xếp lá bạc hà lên rồi thưởng thức.
Xem thêm: Cập nhật 7 món ngon từ dưa leo để đổi vị cho bữa cơm gia đình
5. Súp đậu gà
Nước hầm xương đậm đà nấu cùng đậu gà, khoai tây ngọt thơm, thêm chút sữa ngầy ngậy là sự kết hợp hoàn hảo cho một tô súp đậu gà sánh mịn, bổ dưỡng.
5.1 Nguyên liệu
- Đậu gà: 50 – 70g
- Khoai tây: 1 – 2 củ nhỏ
- Cà chua: 1 trái nhỏ
- Sữa tươi không đường (hoặc whipping cream)
- Hành tím
- Sườn heo: 100g
5.2 Cách làm súp đậu gà
- Rửa và ngâm đậu gà trong nước từ 8 – 10 tiếng rồi đem hấp chín.
- Gọt vỏ khoai tây, cắt miếng nhỏ vừa ăn, ngâm trong nước muối loãng khoảng 15 phút.
- Rửa sạch cà chua, cắt thành hình múi cau.
- Sơ chế sườn heo, chặt khúc vừa ăn và đem hầm trước khoảng 1 tiếng.
- Phi thơm hành tím, cho cà chua vào xào trước, tiếp đến là khoai tây và đậu gà. Sau đó trút toàn bộ vào nước hầm sườn.
- Đun hầm tới khi các nguyên liệu chín mềm, nhuyễn mịn thì hòa sữa (hoặc whipping cream) vào, đun thêm khoảng 5 – 7 phút thì tắt bếp và thưởng thức cùng với bánh mì nướng.
Gợi ý: Nếu muốn súp nhuyễn mịn thì bạn có thể xay nhuyễn khoai tây và đậu gà trước khi đem xào.
Xem thêm: Đi chợ phải biết mẹo chọn khoai tây vừa ngon vừa an toàn cho sức khỏe
6. Chè đậu gà
Đậu gà đem nấu chè thì sẽ có hương vị thế nào nhỉ? Ngọt mát, thơm thơm, tuy lạ mà ngon đến bất ngờ đấy nhé!
6.1 Nguyên liệu
- Đậu gà: 150 – 200g
- Bột năng: 100g
- Bột sắn dây: 30g
- Viên đường nâu
- Sữa đặc (không bắt buộc)
6.2 Cách làm chè đậu gà
- Rửa và ngâm đậu gà trong nước khoảng 8 – 10 tiếng. Tiếp đến đem hấp chín mềm đậu, có thể tách bỏ lớp vỏ trắng bao bên ngoài.
- Nghiền nhuyễn mịn đậu gà, trộn thêm chút bột năng, sữa đặc. Tiến hành nặn đậu thành từng viên nhỏ, đặt viên đường nâu ở giữa, lăn tròn đều.
- Tiến hành đun nước đường, cho viên đậu gà vào lại, đun khoảng 5 – 10 phút thì hòa bột sắn vào để nước chè sánh sệt là hoàn thành.
Xem thêm: Tổng hợp 10 món ngon từ đậu đen dễ nấu mà cực bổ dưỡng
7. Cà ri đậu gà
Nếu đang tìm một món cà ri chay để “đổi vị” thì cà ri đậu gà chính là một lựa chọn lý tưởng. Vẫn từ nước cốt dừa beo béo, bột cà ri thơm lừng nhưng món cà ri đậu gà lại không hề ngán ngấy chút nào!
7.1 Nguyên liệu
- Đậu gà: 350 – 400g
- Ớt chuông đỏ: 1 – 2 trái
- Nước cốt dừa: 400ml
- Hành tím
- Hành tây
- Ớt tươi
- Tỏi
- Bột cà ri: 1 – 2 thìa canh
- Đường cát trắng
- Gia vị: hạt nêm, hạt tiêu
7.2 Cách làm cà ri đậu gà
- Rửa và ngâm đậu gà trong nước từ 8 – 10 tiếng, nên ngâm qua đêm để tiết kiệm thời gian.
- Rửa sạch ớt chuông, lọc bỏ hạt rồi đem cắt hạt lựu nhỏ.
- Bóc vỏ hành tây và cũng cắt hạt lựu nhỏ.
- Băm nhỏ tỏi và ớt tươi, phi thơm, thêm bột cà ri, đong lượng nước vừa ăn rồi đun sôi. Khi nước sôi thì trút khoảng nước cốt dừa và đậu gà vào, nêm chút hạt nêm, rồi hầm chín đậu gà.
- Hầm khoảng 30 – 35 phút khi đậu gà chín thì chút hành tây, ớt chuông vào, nêm lại vị rồi có thể tắt bếp và dùng món.
Xem thêm: Top 10 món ngon từ ớt chuông giúp bạn 'xuất chiêu' đãi cả nhà
8. Đậu gà kho tiêu
Đậu gà chín bở, kho đều lửa với tiêu cay cay, chẳng cần “nhiều nhặn” gì mà lại rất ngon cơm.
8.1 Nguyên liệu
- Đậu gà: 150 – 200g (tùy nhu cầu)
- Hành tím
- Gia vị: nước tương, hạt tiêu, hạt tiêu
8.2 Cách làm đậu gà kho tiêu
- Rửa sạch và ngâm đậu gà trong nước từ 8 – 10 tiếng. Sau đó đem hấp chín đậu khoảng 20 phút.
- Phi thơm hành tím, cho đậu gà vào, đảo đều tay rồi nêm nếm gia vị vừa ăn và cho chút nước vào. Đun lửa nhỏ khoảng 10 – 15 phút, trước khi tắt bếp thì cho hạt tiêu xay nhuyễn vào.
Xem thêm: ‘Bật mí’ 5 món ăn thơm ngon từ nấm rơm – nguyên liệu giàu dinh dưỡng, giòn ngọt ai cũng thích
9. Đậu hũ từ đậu gà
Đậu gà được xem là “ứng viên” khá phù hợp mà bạn có thể dùng thay thế đậu nành để làm đậu hũ bởi công đoạn nhanh chóng và đơn giản hơn.
9.1 Nguyên liệu
- Đậu gà: 80 – 100g
- Nước lọc: 500ml
9.2 Cách làm đậu hũ từ đậu gà
- Rửa sạch và ngâm trong nước từ 8 – 10 tiếng.
- Cho đậu gà và nước vào máy xay sinh tố, xay nhỏ, xay càng nhuyễn mịn thì đậu hũ sẽ càng ngon.
- Dùng rây lọc bỏ bã, chắt lấy nước. Chú ý lọc nhẹ tay, đảm bảo không còn bã thì đậu hũ sẽ không bị vón cục.
- Bắc nồi và đun nước đậu gà với lửa nhỏ, liên tục khuấy đều tay tới khi thấy sánh lại thì tắt bếp, trút vào khuôn, để nguội rồi đem bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh khoảng 4 – 5 tiếng rồi lấy ra sử dụng như đậu hũ thông thường.
10. Đậu gà nướng cay
Đậu gà bùi thơm, quyện với vị cay của ớt, chút mằn mặn của muối, đem nướng giòn thơm nức, nhâm nhi ăn vặt ngon hết ý!
10.1 Nguyên liệu
- Đậu gà: 400g (tùy nhu cầu)
- Ớt bột
- Muối tinh
- Dầu ô liu
10.2 Cách làm đậu gà nướng cay
- Rửa sạch và ngâm đậu gà trước, từ 8 – 10 tiếng.
- Trộn đều hỗn hợp gồm đậu gà, ớt bột, muối và dầu ô liu.
- Làm nóng lò nướng (hoặc nồi chiên không dầu) ở mức 190 độ C trong khoảng 10 phút. Cho hỗn hợp đậu gà vào nước ở mức 170 – 180 độ C trong 15 – 10 phút là hoàn thành.
Có thể thấy rằng cách chế biến đậu gà khá đa dạng đúng không nào, từ món ăn chính tới món ăn vặt thì loại đậu này đều “cân tất”. Lưu ngay những công thức trên đây để dùng dần bồi bổ cho cả nhà nhé!