Khoai mỡ là khoai gì? Tác dụng, cách chế biến và dinh dưỡng

(VOH) – Khoai mỡ là nguyên liệu nấu ăn quen thuộc của nhiều gia đình. Khoai mỡ chứa đa dạng thành phần dinh dưỡng, chính vì thế, ăn khoai mỡ bạn sẽ nhận được nhiều lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe.

Được biết đến như một loại thức ăn quen thuộc với người dân Việt nam. Nhiều nơi, trồng khoai mỡ đại trà và dùng thay lương thực sau lúa và ngô. Thế nhưng, rất ít người biết đến nguồn gốc, tác dụng cũng như giá trị dinh dưỡng mà loại củ này mang lại.

1. Khoai mỡ là khoai gì?

Khoai mỡ có tên khoa học là Dioscorea alata, thuộc chi Củ nâu Dioscorea. Khoai mỡ thuộc dòng dây leo cho nhiều củ, được trồng nhiều ở Ấn Độ, Malaysia và Châu Phi.

Khoai mỡ có hình dáng bên ngoài to hơn khoai lang, màu nâu đen, dính nhiều bùn đất, lớp vỏ bên ngoài thường xù xì, đôi khi còn nhiều rễ do bám chặt với lòng đất. Bên trong, ruột khoai mỡ có màu tím đặc trưng, hoặc có màu trắng tím nhạt.

khoai-mo-la-gi-tac-dung-cach-che-bien-va-dinh-duong-voh-0
Khoai mỡ thường có màu tìm đặc trưng ở phần thịt bên trong (Nguồn: Internet)

Ở Việt Nam, khoai mỡ còn được gọi với nhiều tên gọi khác như khoai tím, khoai vạc, củ mỡ... được trồng nhiều ở khắp các vùng nông thôn để lấy củ ăn, nhưng nhiều nhất là ở các tỉnh Long An, Cần Thơ, Đồng Tháp Mười,....

Khoai mỡ là loại cây ưa thời tiết nóng khô, nhiều nước, thường được trồng theo kiểu độc canh. Trong điều kiện tự nhiên, cây sẽ sinh trưởng và cho ra củ sau khoảng 4-5 tháng. Sau cây lúa và ngô, khoai mỡ được xem là một trong những loại cây nông sản, chủ lực trong cơ cấu nông nghiệp tại Việt Nam.

Trên thế giới, khoai mỡ được xếp vào danh sách những loại cây lương thực tốt cho sức khỏe. Với vị ngọt tự nhiên và hương thơm nhẹ, khoai mỡ được sử dụng trong rất nhiều món ăn ngon như canh khoai mỡ, bánh khoai mỡ....và mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe.

2. Giá trị dinh dưỡng của khoai mỡ

Khoai mỡ là một loại củ giàu tinh bột, carbs, kali và vitamin C. Hạm lượng calo trong khoai mỡ cũng được đánh giá là thấp, trong 100gr khoai mỡ chỉ chứa khoảng 140 calo.

Dưới đây là những thành phần dinh dưỡng có trong100gr khoai mỡ đã được nấu chín:

  • Calo: 140
  • Carbs: 27gr
  • Chất đạm:1gr
  • Chất béo: 0.1gr
  • Chất xơ: 4gr
  • Natri: 0.83% giá trị hàng ngày (DV)
  • Canxi: 2% DV
  • Kali: 13.5% DV
  • Sắt: 4% DV
  • Vitamin C: 40% DV
  • Vitamin A: 4% Dv

Ngoài ra, khoai mỡ còn giàu các hợp chất thực vật và chất chống oxy hóa mạnh mẽ như anthocyanins – chất giúp mang đến màu sắc cho khoai.

3. Tác dụng của khoai mỡ đối với sức khỏe

Theo Bộ Nông nghiệp Hoa kỳ, khoai mỡ là loại củ chứa rất nhiều vitamin và khoáng chất, cũng là nguồn cung cấp chất chống oxy hóa dồi dào. Nếu bạn ăn khoai mỡ thường xuyên, những lợi ích sức khỏe bạn sẽ nhận được là:

  • Giúp duy trì huyết áp ổn định do khoai mỡ có chứa hàm lượng kali rất cao.
  • Tốt cho những người có các bệnh lý về tim mạch bởi khoai mỡ rất giàu chất chống oxy hóa như anthocyanins và vitamin C.
  • Hàm lượng vitamin B6 trong khoai mỡ rất cao nên có thể giúp cơ thể phá vỡ homocysteine, từ đó ngăn ngừa được bệnh tim và đột quỵ.
  • Khoai mỡ giàu mangan có thể giúp hỗ trợ chuyển hóa carbohydrate, cung cấp thêm năng lượng cho cơ thể.
  • Khoai mỡ có tác dụng kiểm soát đường huyết trong máu hiệu quả nhờ có chứa chất xơ và carbohydrate phức hợp cao.
  • Khoai mỡ cũng là một loại thực phẩm có tác dụng tốt trong việc chống viêm, đặc biệt là viêm bàng quang, đường tiểu, giúp giảm đau bụng, đau thần kinh, chống căng cơ, chuột rút....

Xem thêm: Khoai mỡ không chỉ là thực phẩm tốt cho sức khỏe mà còn giúp giữ dáng, giảm cân, xứng đáng là món quà cho phái đẹp

4. Khoai mỡ có tốt cho bà bầu?

Khoai mỡ là thực phẩm mẹ bầu nên ăn trong suốt giai đoạn thai kỳ. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, bổ sung khoai mỡ trong bữa ăn mẹ bầu sẽ nhận được nhiều lợi ích sức khỏe như:

  • Giúp kiểm soát lượng đường huyết trong máu.
  • Kiểm soát quản lý cân nặng, ngăn ngừa tình trạng tăng cân béo phì trong thai kỳ.
  • Khoai mỡ có tác dụng chống viêm nhiễm. Đặc biệt, bà bầu ăn khoai mỡ vào những tháng cuối thai kỳ có thể phòng ngừa được tình trạng bị chuột rút khi mang thai.
  • Có thể giảm tình trạng căng thẳng, mệt mỏi nhờ chứa hàm lượng vitamin B6 dồi dào.

Xem thêm: Bà bầu ăn khoai mỡ được không? 7 lợi ích tuyệt vời mẹ sẽ không nhận được nếu bỏ qua khoai mỡ  

5. Khoai mỡ tốt cho bé thế nào?

Khoai mỡ được xem là một trong những loại thực phẩm lành mạnh cho bé ăn dặm.

Trong khoai mỡ có chứa hàm lượng vitamin B6, chất xơ và các khoáng chất dồi dào. Đây chính là những thành phần rất tốt đối với hệ tiêu hóa của trẻ. Bên cạnh đó, các món ăn dặm làm từ khoai mỡ không chỉ thơm ngon mà còn rất dễ ăn và dễ chế biến nên rất phù hợp với trẻ.

khoai-mo-la-gi-tac-dung-cach-che-bien-va-dinh-duong-voh-1
Các món ăn dặm làm từ khoai không chỉ thơm ngon mà còn rất dễ ăn (Nguồn: Internet)

Trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên hoặc khi đã bắt đầu tập ăn dặm, mẹ có thể nghiền chút khoai mỡ luộc để vào cháo để giúp tạo độ ngọt, giúp bé dễ ăn hơn, đồng thời cũng cung cấp thêm dinh dưỡng cho trẻ. Canh khoai mỡ và tôm, cháo khoai mỡ thịt bằm, khoai mỡ nghiền sữa... là một số món mẹ có thể tham khảo khi bé đã quen với việc ăn dặm.

6. Khoai mỡ làm món gì ngon?

Khoai mỡ vốn là loại củ có thể được chế biến đa dạng trong ẩm thực. Ở philippines, khoai mỡ còn được chế biến thành bột, dùng trong các loại thực phẩm có màu sắc như kẹo, bánh ngọt, món ăn tráng miệng và mứt. Người Việt thường dùng khoai mỡ tím để nấu xôi, làm bánh, chiên giòn, nấu cháo, nấu canh...

Dưới đây là một số món ăn ngon từ khoai mỡ bạn có thể dễ dàng thực hiện tại nhà:

6.1 Canh khoai mỡ

Canh khoai mỡ là món canh cực kỳ phổ biến trong các bữa cơm gia đình Việt. Cách chế biến đơn giản dễ làm, bạn hoàn toàn có thể nấu canh khoai mỡ với tôm, thịt bằm, cá... để có được món ăn ngon chiêu đãi cả nhà.

Xem thêm: Hướng dẫn cách nấu canh khoai mỡ tôm thịt, món ăn đơn giản cho bữa cơm nhà ấm cúng

6.2 Bánh khoai mỡ

khoai-mo-la-gi-tac-dung-cach-che-bien-va-dinh-duong-voh-2
Thơm ngon, lạ miệng với món bánh khoai mỡ (Nguồn: Internet)

Bánh khoai mỡ là món ăn vặt dễ làm, nhưng lại vô cùng bắt mắt, ngon miệng. Bánh khoai mỡ có lớp da giòn bên ngoài, phần ruột bên trong lại xốp mềm, có vị ngọt nhẹ. Đây là loại bánh rất được trẻ con lẫn người lớn yêu thích.

Ngoài ra, khoai mỡ còn có thể chế biến thành rất nhiều các món ăn ngon khác như cháo thịt bằm khoai mỡ, bánh canh khoai mỡ, chè khoai mỡ...

Xem thêm: Chẳng cần băn khoăn ‘hôm nay ăn gì’, có 6 món ăn ngon từ khoai mỡ ‘không thử là tiếc ngay’

7. Cách chọn mua khoai mỡ ngon

Để mua được những củ khoai mỡ chất lượng từ bên ngoài lẫn bên trong bạn cần chú ý một số điểm sau khi mua:

  • Chọn những củ khoai càng tối màu càng tốt.
  • Hình dáng củ suôn dài, không méo mó hoặc mất cân đối. Không mua những củ có tình trạng bị dập nát hoặc không nguyên vẹn.
  • Dùng tay bấm thử vào củ khoai, nếu thấy cứng thì khoai rất chắc và dẻo, nếu thấy khoai ra nước nhớt thì chứng tỏ khoai còn non.
  • Không mua những củ khoai mỡ bị mềm nhũn, kích thước quá to hoặc có mùi lạ.

8. Phân biệt khoai mỡ và khoai môn

Khoai mỡ và khoai môn là loại củ hoàn toàn khác nhau, tuy nhiên, có rất nhiều người vẫn đang quy đồng chúng là một loại hoặc không thể phân biệt được 2 loại củ này.

khoai-mo-la-gi-tac-dung-cach-che-bien-va-dinh-duong-voh-3
Khoai mỡ và khoai môn là 2 loại củ khác nhau (Nguồn: Internet)

Nếu bạn muốn phân biệt 2 loại củ, rất đơn giản, bạn có thể nhận diện thông qua các đặc điểm sau đây:

8.1 Hình dáng

  • Khoai mỡ: Có hình thuôn dài, đôi khi không có sự cân xứng giữa 2 đầu. Phần vỏ ngoài thường xù xì, có thể có râu tua bên ngoài, dính nhiều bùn đất.
  • Khoai môn: Thường có hình bầu dục hoặc tròn. Phần vỏ ngoài thường có các đường vân chạy dọc hoặc nằm ngang thân củ.

8.2 Màu sắc bên ngoài

  • Khoai mỡ: Có màu nâu đen đặc trưng.
  • Khoai môn: Phần vỏ có thể chia thành từng lớp màu theo đường vân của nó, thường có màu nâu nhạt.

8.3 Ngoài sắc bên trong (phần thịt)

  • Khoai mỡ: Thịt khoai mỡ thường có màu tím hoặc màu trắng tím. Thịt củ thường có những đốm trắng.
  • Khoai môn: Màu sắc thịt củ sẽ biến động từ trắng, vàng nhạt, tím nhạt, tím đậm...

8.4 Hương vị

  • Khoai mỡ: Phần thịt xốp, vị ngọt và ít béo
  • Khoai môn: Phần thịt chắc, có vị bùi và béo.

9. Những lưu ý khi ăn khoai mỡ

Để đảm tốt cho sức khỏe thì khi ăn khoai mỡ nên lưu ý các vấn đề sau:

  • Không nên ăn khoai mỡ nhiều quá mức.
  • Lá khoai mỡ không nên ăn sống vì có nhiều nhớt, tại một số vùng miền thì lá khoai mỡ được chế biến thành các món xào, rau luộc hoặc nấu canh cũng rất ngon.
  • Phụ nữ đang mang thai nên hạn chế ăn khoai mỡ
  • Khoai mỡ chứa nhiều khoáng chất và protein nên những có vấn đề về thận nên cẩn thận khi ăn.
  • Những người đang bị thiếu protein S thì không nên ăn khoai mỡ vì có thể làm máu đông.
  • Những người mắc các bệnh ung thư vú, lạc nội mạc tử cung, u xơ tử cung, ung thư buồng trứng thì không nên ăn.

Nhìn chung, khoai mỡ là một loại củ chứa rất nhiều dưỡng chất quan trọng để duy trì sức khỏe tốt. Hương vị và màu sắc bắt mắt là một trong những lý do để khoai mỡ có mặt trong hầu hết bữa cơm gia đình. Vì sức khỏe cả nhà, hãy thêm ngay loại thực phẩm này vào thực đơn bữa ăn tiếp theo nhé!