Công dụng và những ảnh hưởng sức khỏe của bắp (ngô) cần lưu ý
Bắp hay còn được gọi là ngô - món ăn thân thuộc này đem đến rất nhiều lợi ích trong việc cải thiện sức khỏe có thể bạn chưa biết đến.
1. Trái bắp có công dụng gì?
1.1. Hỗ trợ hệ tiêu hóa
Một trong những công dụng của trái bắp là giúp cho hệ tiêu hóa khỏe mạnh vì bắp rất giàu chất xơ không hòa tan. Chất xơ này cũng hỗ trợ cho sự phát triển của vi khuẩn có lợi trong ruột già và đổi lại, vi khuẩn giúp biến chất xơ thành chuỗi axit béo ngắn.
1.2. Tốt cho người tiểu đường
Theo nhiều nghiên cứu, nếu thường xuyên ăn bắp sẽ giảm được nguy cơ tiểu đường. Trong một cuộc thử nghiệm ở 40.000 người cho thấy, những phụ nữ thường xuyên ăn ngô giảm được nguy cơ mắc bệnh tiểu đường hơn 30% so với những người không ăn hoặc ăn ít.
Chất xơ cũng giúp làm chậm quá trình chuyển hóa thức ăn thành đường, từ đó giúp hạ thấp nồng độ đường trong máu.Tuy nhiên cần lưu ý ăn kết hợp bắp với thực phẩm khác vì nếu chỉ ăn riêng, nồng độ này cũng có thể tăng nhanh.
1.3. Phòng chống ung thư
Trái bắp có chứa rất nhiều chất beta-crytoxanthin, một loại carotenid có tác dụng chống oxi hóa, giúp ngăn ngừa ung thư phổi hiệu quả.
Ngoài ra, những người ăn ngũ cốc nguyên hạt như bắp sẽ giảm được nguy cơ ung thư vú đáng kể. Lý do là trong bắp có chứa hàm lượng chất xơ cao cũng như chất chống oxi hóa, giúp bảo vệ tế bào khỏi bị ung thư.
1.4. Cải thiện trí nhớ
Vitamin B1 có nhiều trong bắp, loại vitamin này có khả năng giúp tránh được tình trạng đầu óc mệt mỏi và giảm trí nhớ. Một chén bắp có thể đáp ứng được khoảng 24% lượng vitamin mà cơ thể cần mỗi ngày.

1.5. Ngăn ngừa bệnh tim mạch
Các chất xơ hòa tan trong bắp liên kết với cholesterol trong mật, được bài tiết từ gan, sau đó lan truyền đi khắp nơi trong cơ thể để hấp thụ tiếp cholesterol có hại.
Ngoài ra, lượng vitamin B trong bắp cũng giúp làm giảm homocysteine (nếu homocysteine tăng cao có thể phá hủy các mao mạch, từ đó dẫn đến nhồi máu cơ tim, đột quỵ). Vì vậy, bắp được đánh giá là thực phẩm tốt cho tim mạch.
1.6. Bổ sung dưỡng chất cho phụ nữ mang thai
Bắp rất giàu folate (vitamin B9) – là chất giúp ngăn ngừa nguy cơ sảy thai và thai nhi khuyết tật. Vì vậy, các bác sĩ thường khuyên phụ nữ mang thai nên tăng cường bổ sung folate có trong trái bắp.
Nếu phụ nữ mang thai thường xuyên ăn bắp thì không cần bổ sung các viên folate, nó sẽ giúp thai nhi tổng hợp tế bào mới và khỏe mạnh, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
1.7. Tăng cường sức khỏe mắt
Bắp có chứa flanonoid, có tác dụng nhất định đối với điểm vàng võng mạc. Do đó, tác dụng của trái bắp có thể bảo vệ mắt, phòng tránh thoái hóa điểm vàng, làm sáng mắt, tăng cường thị lực. Ngoài ra, selen có thể điều tiết tuyến giáp, ngăn chặn sự xuất hiện của đục thủy tinh thể.
1.8. Hỗ trợ giảm cân
Bắp có chứa ít chất béo nên khả năng tích trữ mỡ trong cơ thể bạn sẽ được hạn chế. Ăn bắp sẽ giúp lấp đầy ống tiêu hóa, giảm sự thèm ăn ở cơ thể và ngăn ngừa cảm giác đói.
1.9. Giảm tình trạng thiếu máu
Bắp bổ sung các vi chất dinh dưỡng như vitamin B12, axit folic và sắt hỗ trợ việc sản sinh các tế bào hồng cầu trong cơ thể, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh thiếu máu.
2. Ảnh hưởng sức khỏe khi ăn nhiều bắp
Dù bắp là một loại thực phẩm dễ ăn và được nhiều người yêu thích, tuy nhiên, tiếp nạp một lượng lớn món ăn này có thể để lại những ảnh hưởng sức khỏe khá nghiêm trọng.
2.1. Gây hại dạ dày
Cơ thể chúng ta không thể tiêu hóa hết bắp vì chúng chứa xen-lu-lô. Hệ thống tiêu hóa không thể làm triệt để vì thiếu các enzyme. Hơn nữa, loại thực phẩm này cung cấp lượng chất xơ nhất định cho cơ thể, giúp loại bỏ độc tố ra khỏi cơ thể nhưng khi ăn quá nhiều, lượng chất xơ sẽ gây hại cho dạ dày.
Lưu ý rằng, bạn nên ăn vào buổi sáng, buổi chiều, nếu ăn vào buổi tối thì phải ăn trước 7 giờ tối. Bởi sau 7 giờ cơ thể hấp thụ và tiêu hao năng lượng cũng chậm hơn, làm ảnh hưởng đến tiêu hóa.
Xem thêm: ‘Điểm danh’ các cách chữa đau dạ dày tại nhà được bác sĩ chuyên khoa khuyên dùng
2.2. Gây bệnh mãn tính
Bắp chứa khá ít các axit béo có lợi cho cơ thể như omega-3, nhưng lại quá dư thừa omega-6. Tỷ lệ omega-6 và omega-3 tốt nhất cho cơ thể là 1:1, tuy nhiên, bắp có thể cung cấp hai dưỡng chất này theo tỷ lệ 25:1 – điều này hại cho cơ thể, là yếu tố gây nên các bệnh mãn tính.
2.3. Gây bệnh nứt da
Khi ăn quá nhiều, bạn dễ bị nứt da ở tay chân, thậm chí khắp người do thiếu các axit amin như lysine, tryptophan và niacin – các axit giúp bảo vệ cơ thể khỏi bị nứt da.

3. Kinh nghiệm chọn trái bắp tươi ngon
Giống như lựa chọn một loại trái cây, chọn mua một trái bắp cũng cần đảm bảo độ tươi ngon và giàu chất dinh dưỡng nhất. Một vài chia sẻ dưới đây giúp bạn có thêm kinh nghiệm lựa chọn một trái đạt tiêu chuẩn.
- Chọn những trái tươi, lớp vỏ ngoài màu xanh chưa bị khô, râu bắp vẫn còn độ mềm mượt, cuống không được thâm hay héo. Nên chọn bắp lớp vỏ ngoài phải ôm chặt lấy thân.
- Hạt phải mẩy, đều, bóng và thẳng tắp.
- Không nên chọn bắp quá to, nên chọn những bắp thon dài vừa phải.
- Không chọn non quá, không có độ dẻo, cũng không chọn ngô già quá, bấm tay vào bắp, thấy mềm, vừa chảy sữa là được.
4. Hàm lượng dinh dưỡng của bắp

Đây vừa được coi là một loại rau, một loại ngũ cốc nguyên hạt và thậm chí nó cũng giống như một loại trái cây. Chính vì vậy hàm lượng chất dinh dưỡng trong một trái bắp cũng rất phong phú, bổ sung vitamin và khoáng chất thiết yếu.
Bắp được coi là nguồn bổ sung chất xơ dồi dào. Trong khoảng 160 gam bắp ngọt có thể chứa lượng dinh dưỡng sau:
Chất dinh dưỡng | Hàm lượng |
Calo | 177 |
Carb | 41 gam |
Chất đạm | 5.4 gam |
Chất béo | 2.1 gam |
Chất xơ | 4.6 gam |
Vitamin C | 17% giá trị hàng ngày |
Vitamin B1 | 24% giá trị hàng ngày |
Vitamin B9 | 19% giá trị hàng ngày |
Magiê | 11% giá trị hàng ngày |
Kali | 10% giá trị hàng ngày |
Hương vị thơm ngon của bắp có thể sẽ "cuốn hút" bạn nhưng nhớ lựa chọn ăn kèm cùng các thực phẩm khác, tránh tình trạng để cơ thể dư thừa các chất không tốt cho sức khỏe.
Xem thêm:
- Corn 101: Nutrition Facts and Health Benefits - Trang healthline (Cập nhật ngày 16/09/2020)