Chờ...

Giải đáp thắc mắc: Ăn nhiều bắp có tốt không?

(VOH) – Những trái bắp dẻo thơm vốn đã trở thành một thực phẩm cực kì gắn bó với người Việt. Dẫu vậy ăn nhiều bắp có tốt không và cần ‘nằm lòng’ lưu ý an toàn nào khi sử dụng?

Trái bắp (ngô) ngọt mềm vừa được dùng chế biến như một loại rau, vừa thuộc nhóm ngũ cốc bổ dưỡng, cung cấp đa dạng nhóm chất chống oxy hóa, vitamin B, vitamin C, chất xơ,…. Thế nhưng để có thể tận dụng hiệu quả những lợi ích sức khỏe mà trái bắp đem lại, chúng ta cần đảm bảo thực hiện những khuyến cáo ăn an toàn và khoa học.

1. Ăn nhiều bắp có tốt không?

Là một thực phẩm dân dã và gần gũi trong ẩm thực Việt, thậm chí trái bắp còn được dùng thay thế cho cơm trắng thông thường. Tuy nhiên, cho tới nay các chuyên gia sức khỏe vẫn luôn khuyến cáo rằng ăn nhiều bắp hoàn toàn không tốt cho sức khỏe. Theo đó, mỗi ngày chỉ nếu ăn từ 2 – 3 trái bắp, trong tuần từ 1 – 2 bữa là hợp lý nhất.

giai-dap-thac-mac-an-nhieu-bap-co-tot-khong-voh-0
Trái bắp tốt cho sức khỏe nhưng không nên lạm dụng và ăn quá nhiều (Nguồn: Internet)

Nếu bạn “lơ là” và không kiểm soát lượng bắp trong khẩu phần ăn thì tỉ lệ mắc phải một số vấn đề sức khỏe dưới đây sẽ tăng cao:

1.1 Đầy bụng khó tiêu

Giống như khoai lang hay khoai mì, trái bắp cũng nằm trong danh sách thực phẩm cung cấp hàm lượng tinh bột tương đối cao (chiếm hơn 20% tổng thành phần dinh dưỡng). Khi tiếp nạp quá nhiều bắp, quá trình phân hủy tinh bột ở ruột già sẽ diễn ra liên tục và giải phóng khí carbon dioxide, gây đầy bụng khó tiêu. (1)

1.2 Tăng nguy cơ mắc bệnh dạ dày

Bên cạnh tinh bột, trái bắp còn cung cấp lượng lớn chất xơ, đặc biệt là chất xơ không hòa tan như cellulose. Song nếu hấp thu lượng chất xơ vượt quá mức cần thiết, hệ thống tiêu hóa không thể điều tiết đủ enzyme để phân tách, dẫn tới tình trạng tổn thương niêm mạc dạ dày. (2)

Xem thêm: 4 ảnh hưởng sức khỏe khi thừa chất xơ và cách khắc phục 

1.3 Gây béo phì

Một trong những tác hại của bắp ngô khi ăn quá nhiều mà bạn cần lưu ý đó là có thể khiến tăng cân mất kiểm soát và gây béo phì. Do đó, để duy trì vóc dáng thon gọn cũng như bảo vệ sức khỏe, hãy điều chỉnh lượng ngô trong khẩu phần ăn thật hợp lý nhé. (3)

1.4 Khó kiểm soát đường huyết

Như đã chia sẻ, hàm lượng tinh bột có trong trái bắp tương đối lớn, thậm chí chỉ số đường huyết thực phẩm cũng đạt mức tương đối cao là 69. Chính vì thế, ăn quá nhiều bắp được coi là một trong những tác nhân làm nồng độ đường huyết tăng cao, tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. (4)

giai-dap-thac-mac-an-nhieu-bap-co-tot-khong-voh-1
Ăn quá nhiều bắp sẽ khiến nồng độ đường huyết tăng cao (Nguồn: Internet)

1.5 Da nứt nẻ

Khi ăn quá nhiều bắp trong thời gian dài, bạn dễ bị nứt da ở tay chân, thậm chí khắp người. Tình trạng này xảy ra là bởi các hoạt chất trong bắp có thể ức chế quá trình tổng hợp các axit amin như lysine, tryptophan và niacin – các axit giúp bảo vệ cơ thể khỏi bị nứt da.

Xem thêm: Những ‘thủ phạm ẩn danh’ khiến làn da bạn ngày càng khô ráp

1.6 Ảnh hưởng sức khỏe răng miệng

Thực tế thì những ảnh hưởng tới sức khỏe răng miệng thường xảy ra sau khi chúng ta ăn quá nhiều bắp nhưng không vệ sinh sạch sẽ hàm răng, khoang miệng. Từ đó, tạo điều kiện cho các vi khuẩn sinh sôi và gây ra mảng bám, sâu răng.

2. Lưu ý cần biết để phòng tránh tác hại của bắp ngô

Để chủ động phòng tránh tác hại của bắp ngô, ngoài điều chỉnh hàm lượng vừa đủ trong khẩu phần ăn, bạn cũng cần thực hiện một vài lưu ý nhỏ này:

2.1 Chọn mua bắp chất lượng

Chọn mua trái bắp chất lượng, có xuất xứ rõ ràng là yếu tố tiên quyết giúp bạn hấp thu thêm các chất dinh dưỡng quý giá. Ngoài ra, trước khi sử dụng hay chế biến, đừng quên ngâm rửa với nước muối hột pha loãng, để loại bỏ bụi bẩn hay nấm mốc gây ngộ độc.

Xem thêm: Hé lộ: 3 tác dụng bất ngờ từ muối hột mà hầu như chưa ai biết

2.2 Nên ăn bắp vào ban ngày

Bạn nên ăn bắp vào buổi sáng hoặc buổi chiều, nếu ăn vào buổi tối thì phải ăn trước 7 giờ tối. Bởi sau 7 giờ cơ thể hấp thụ và đốt cháy năng lượng cũng chậm hơn, làm ảnh hưởng đến tiêu hóa.

giai-dap-thac-mac-an-nhieu-bap-co-tot-khong-voh-2
Nên dùng bắp và các món ăn từ bắp vào bữa sáng hoặc bữa chiều (Nguồn: Internet)

2.3 Hạn chế dùng khi mắc bệnh tiểu đường

Trường hợp đang điều trị bệnh tiểu đường, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa để cân đối lượng bắp phù hợp trong chế độ ăn uống.

Xem thêm: Gợi ý về chế độ ăn và thực đơn lành mạnh cho bệnh nhân tiểu đường

2.4 Không ăn nếu bị dị ứng

Tình trạng dị ứng ngô khá hiếm gặp song bạn cũng không nên chủ quan. Trong quá trình ăn, nếu nhận thấy buồn nôn, nổi mề đay hay phát ban đỏ thì nên tạm dừng hoàn toàn và nhanh chóng tới các cơ sở y tế để thăm khám.

Có thể nói, trái bắp có vị ngọt thơm, dẻo mềm có lẽ là một trong những thực phẩm yêu thích của nhiều người chúng ta. Nhưng dù “ghiền” tới mấy cũng đừng quên kiểm soát liều lượng hợp lý để phòng tránh các tác dụng phụ nguy hại nhé.