Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Ăn quả cóc có tác dụng gì không, hay chỉ là loại trái cây ăn vặt?

(VOH) - Quả cóc được nhiều người biết đến qua các món ăn vặt như cóc lắc, cóc ngâm chua ngọt, gỏi cóc,…thế nhưng những tác dụng của quả cóc đối với sức khỏe lại rất ít người biết đến.

Trái cóc thường được nhiều người lựa chọn làm loại trái cây ăn vặt giúp đỡ buồn miệng. Thế nhưng, thực tế việc ăn cóc còn mang đến bạn rất nhiều những lợi ích tốt cho sức khỏe.

1. Bạn biết gì về quả cóc?

Trái cóc (hay còn gọi là cóc miền Nam, cóc thường), có tên khoa học là Spondias dulcis L, thuộc họ Xoài. Ngoài ra, còn có một số loại tương cận với cóc thường, chẳng hạn như: cóc Thái (Spondias lutea l), cóc chua Ấn Độ hay cóc rừng (Spondias pinnata).

1.1 Nguồn gốc và phân bố

Có rất nhiều giả thuyết khác nhau về sự xuất hiện của trái cóc. Tuy nhiên, giả thuyết được nhiều người chấp nhận nhất chính là quả cóc có nguồn gốc từ vùng Melanesia – Polynesia (châu Đại Dương), sau đó được du nhập sang các khu vực khác trên thế giới.

Tại Việt Nam, cóc được trồng nhiều ở các tỉnh miền Nam, loại quả này cũng được bày bán khắp chợ. Mùa quả nhiều nhất là từ tháng 6 – 12 hàng ngày.

qua-coc-co-tac-dung-gi-voh-3
Cóc là loại trái cây quen thuộc với người dân Việt Nam (Nguồn: Internet)

1.2 Đặc điểm

Cóc thuộc loại cây thân gỗ lớn, cao trung bình từ 9 – 12m, thậm chí có cây cao đến 18m, phân nhánh nhiều, cành giòn dễ gãy.

Lá cóc thuộc dạng lá kép, mọc ở ngọn nhánh, hình thuôn tròn, mép lá có răng cưa. Lá thường sẽ chuyển sang màu vàng tươi trước khi rụng.

Quả cóc thuộc loại quả hạch, có hình bầu dục hay hình trứng. Quả cóc sống có vỏ màu xanh có thể trơn láng hoặc chứa các đốm màu xanh, khi chín chuyển sang màu vàng – cam, thịt bên trong màu vàng – xanh nhạt, giòn, vị chua. Quả thường mọc thành từng chùm (từ 2 – 12 quả), thòng xuống.

Hạt cóc khá lớn, có hình bầu dục, có nhiều gai dạng sợi dính chặt với thịt.

2. Ăn quả cóc có tác dụng gì?

Tuy không giàu vitamin và khoáng chất như các loại trái cây khác, nhưng quả cóc vẫn chứa đựng nhiều lợi ích đối với sức khỏe khiến nhiều người phải ngạc nhiên.

qua-coc-co-tac-dung-gi-voh-0
Ăn cóc mang lại nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe (Nguồn: Internet)

2.1 Giúp trị ho

Chiết xuất trong lá cóc rất có lợi trong việc điều trị ho, chỉ cần sử dụng 3 - 4 lá để đun sôi với nước và để nguội trong vài phút. Sau khi để nguội thì có thêm chút mật ong để sử dụng.

Ngoài ra ăn quả cóc cũng có thể giảm ho, chỉ cần dùng 2 - 3 miếng cóc để ép lấy nước và thêm một ít muối và uống 3 lần/ ngày sẽ phần nào cải thiện tình trạng ho nhanh chóng.

2.2 Tốt cho người bệnh tiểu đường

Trái cóc có hàm lượng đường sucrose tự nhiên nên chắc chắn là loại đường lành mạnh, tốt cho cơ thể. Đó chính là lý do tại sao người bệnh tiểu đường được khuyến khích ăn cóc hoặc uống sinh tố cóc thường xuyên.

2.3 Kích thích tiêu hóa, giúp ăn ngon miệng

Với vị chua, chất xơ và protein có trong quả cóc, nó sẽ có tác dụng kích thích tiêu hóa, làm sinh tân dịch và giúp bạn ăn ngon miệng hơn.

Hàm lượng nước trong trái cóc có thể giúp ngăn ngừa tình trạng mất nước. Ngoài ra vỏ cây cóc còn được sử dụng như một phương thuốc chữa bệnh kiết lỵ.

2.4 Tăng cường hệ miễn dịch

Quả cóc chứa nhiều vitamin C, vì thế ăn cóc thể giúp tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể, ngăn chặn sự tấn công của vi khuẩn, virus gây bệnh, cũng như bảo vệ tế bào khỏi sự tấn công của gốc tự do.

Bên cạnh đó, vitamin C cũng giúp đẩy nhanh quá trình chữa lành vết thương nhờ khả năng hỗ trợ collagen, hấp thụ sắt và protein để tạo ra các mô liên kết.

2.5 Kiểm soát cholesterol

Trái cóc là một trong những loại thực phẩm chứa nhiều vitamin C có thế giúp chuyển hóa cholesterol trong cơ thể thành axit mật. Điều này sẽ giúp hạn chế mức cholesterol trong máu, ngăn ngừa bệnh sỏi mật, vì thế ăn trái cóc có thể giúp kiểm soát cholesterol trong cơ thể.

2.6 Trị cảm cúm, đau họng

Trong phần thịt của quả cóc có chứa 42 mg acid ascorbic, ngoài ra còn có nhiều chất sắt nên loại quả này có tác dụng tăng sức đề kháng cho người bị cảm cúm. Bên cạnh đó, khi nhai thật kỹ phần thịt quả cóc với một chút muối rồi nuốt dần còn giúp bạn trị đau hầu họng rất hiệu quả.

2.7 Trị tiêu chảy

Để chữa bệnh tiêu chảy từ quả cóc, người ta thường dùng vỏ cóc sắc lấy nước uống trong ngày. Hiện nay, trong Đông y vẫn dùng bài thuốc trị tiêu chảy này và cho hiệu quả tốt.

2.8 Tốt cho người thiếu máu

Trong quả cóc có chứa hàm lượng sắt cũng khá cao, nhờ đó nó có thể hỗ trợ sự hình thành các tế bào hồng cầu. Ngoài sắt, quả cóc còn chứa vitamin B1 có thể giúp sản xuất các tế bào hồng cầu và tăng lượng oxy trong cơ thể, đồng thời ngăn ngừa bệnh thiếu máu.

Xem thêm: Những biểu hiện ‘tố cáo’ bạn đang bị thiếu máu, tuyệt đối không nên bỏ qua

2.9 Duy trì xương và răng khỏe mạnh

Trong 100g quả cóc có chứa 38mg canxi và 24mg photpho, điều này rất có lợi cho việc duy trì xương và răng khỏe mạnh.

2.10. Hỗ trợ giảm cân

Quả cóc chứa ít calo, đồng thời chất béo trong quả cóc là loại chất béo có lợi cho sức khỏe. Đặc biệt, chất xơ có nhiều trong quả cóc còn mang lại cảm giác no lâu nên sẽ không làm cho bạn có cảm giác thèm ăn. Do đó, quả cóc là thực phẩm an toàn để bạn lựa chọn nếu đang có ý định giảm cân.

qua-coc-co-tac-dung-gi-voh-1
Ăn cóc là một cách có thể giúp bạn giảm cân (Nguồn: Internet)

2.11. Ngăn ngừa lão hóa sớm

Vitamin C trong quả cóc cũng là một dưỡng chất cực kỳ quan trọng trong việc ngăn ngừa lão hóa làn da, bởi nó có khả năng hồi phục mô và thúc đẩy sản sinh collagen để cải thiện vẻ đẹp cho làn da.

Ngoài ra vitamin còn giúp bảo vệ các phần tử quan trọng như protein, lipit, carbohydrate và axit nucleic ( RNA và DNA ) khỏi những tổn hại do gốc tự do gây ra, vì gốc tự do là một trong những nguyên nhân gây lão hóa da.

2.12. Cải thiện thị lực

Trong quả cóc có chứa một lượng lớn beta-carotene (tiền chất vitamin A), đây là chất có thể giúp truyền tải thông tin từ võng mạc đến não trở nên dễ dàng. Bên cạnh đó, nước sắc từ lá cóc cũng có thể dùng để chữa đau mắt.

2.13. Tăng cường sự dẻo dai

Một trong những tác dụng của quả cóc là giúp tăng cường sự dẻo dai của cơ thể, hỗ trợ phục hồi sức khỏe sau quá trình tập luyện nặng nhọc. Nhờ giàu hàm lượng đường trong trái cây, đây là nguyên tố quan trọng đem lại sức sống, sức bền cho cơ thể.

2.14. Cải thiện sức khỏe làn da

Nhờ giàu hàm lượng vitamin C nên ăn quả cóc sẽ giúp phục hồi các mô, nuôi dưỡng làn da, chống lại các tác nhân gây viêm nhiễm da . Ngoài ra nó còn làm tăng collagen và cải thiện làn da khỏe mạnh.

Chiết xuất trong lá cóc còn được sử dụng như một chất dưỡng ẩm, kem dưỡng da, chỉ cần dùng lá đem đi đun sôi và chiết xuất ra là có thể sử dụng. Rễ cây cóc còn điều trị ngứa ngoài da.

3. Bà bầu ăn trái cóc có tốt không?

Quả cóc chín có vị chua chua ngọt ngọt nên rất nhiều bà bầu thích ăn trong thời gian thai kỳ để giảm bớt các triệu chứng nghén. Đồng thời cũng giúp cung cấp thêm nhiều dưỡng chất cho cơ thể để mẹ khỏe, con phát triển tốt.

Khi ăn cóc với lượng vừa phải, mẹ bầu sẽ thu về các lợi ích sức khỏe, chẳng hạn như: hỗ trợ tiêu hóa, ngừa thiếu máu khi mang thai.... và sức khỏe tổng thể cũng được nâng cao.

Xem thêm: Bà bầu ăn cóc được không? 6 lợi ích sức khỏe bất ngờ

4. Thành phần dinh dưỡng của trái cóc chín

Qua quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học đã chứng minh được phần thịt của quả cóc có chứa các chất như: glucid, protein, lipid, cellulose, tro, axit. Ngoài ra, trong 100gr thịt của trái cóc chín còn chứa đến 42mg axit ascorbic và các thành phần dinh dưỡng sau:

  • Nước: 83.9 g
  • Năng lượng: 58 Kcal
  • Chất đạm: 1.8 g
  • Chất đường bột: 12.8 g
  • Chất xơ: 0.9 g
  • Canxi: 38 mg
  • Sắt: 1.6 mg
  • Photpho: 24 mg
  • Vitamin C: 42mg
  • Beta-caroten: 16mg

5. Trái cóc làm món gì ngon?

qua-coc-co-tac-dung-gi-voh-2
Cóc chấm muối ớt là món ăn vặt quen thuộc của nhiều người (Nguồn: Internet)

Cóc lắc, xoài lắc hay mận lắc... đều là những món ăn vặt hấp dẫn cho cả trẻ con lẫn người lớn. Tuy nhiên, ngoài là loại trái cây ăn trực tiếp, bạn còn có thể dùng quả cóc để làm nguyên liệu chế biến thêm nhiều những món ăn thức uống thơm ngon, bổ dưỡng, chẳng hạn:

  • Nước ép cóc giúp giải khát cơ thể
  • Cóc ngâm chua ngọt sẽ tăng “vị” những bữa ăn có các món ốc
  • Gỏi cóc giúp chống ngán trên bàn ăn
  • Salad quả cóc
  • Ô mai cóc giúp bổ sung vitamin C, ấm bụng,...

Xem thêm: Các món chế biến từ trái cóc khiến bạn chỉ nhìn đã thấy thèm!

6. Cách bảo quản quả cóc

Để cóc được sử dụng được lâu hơn thì bạn nên bảo quản như sau:

  • Khi mua cóc xanh, nếu muốn làm chín có thể bảo quản ở nhiệt độ phòng.
  • Để một thời gian từ 5 - 7 ngày thì cóc sẽ chín vàng.
  • Nếu muốn bảo quản được lâu hơn thì nên cho vào ngăn mát tủ lạnh để bảo quản.
  • Không để quả cóc ở nơi quá lạnh dưới 5 độ C.
  • Trước khi ăn hãy để trái ở nhiệt độ phòng 1 giờ đồng hồ, thì quả sẽ có hương vị nồng nàn hơn so với trái cây lạnh.

7. Một số lưu ý khi ăn cóc bạn không nên bỏ qua

Mặc dù quả cóc có nhiều tác dụng nhưng các chuyên gia khuyên bạn khi ăn cóc cần lưu ý một số điều sau:

  • Người có vấn đề về dạ dày như viêm loét dạ dày thì không nên ăn cóc thường xuyên. Bởi quả cóc có chứa một lượng axit không nhỏ, chúng có thể gây nên tình trạng dư thừa axit trong dạ dày khi ăn quá nhiều.
  • Không nên ăn quả cóc lúc bụng đói vì quả cóc có vị chua.
  • Trẻ nhỏ nên hạn chế ăn quả có vì dễ bị hóc nghẹn.
  • Bất kỳ một thực phẩm nào, dù rất nhiều lợi ích nhưng cũng cần ăn với liều lượng vừa phải. Quả cóc cũng không ngoại lệ, vì thế, bạn không nên ăn cóc quá nhiều trong ngày, nhất là những người lạm dụng quả cóc để giảm cân.

Có thể bạn sẽ thấy ngạc nhiên vì những tác dụng của quả cóc đối với sức khỏe con người, bởi trước giờ nhiều người vẫn thường xem chúng như một thức quả giúp “đỡ buồn miệng”.

Tuy nhiên, nếu đã biết được những lợi ích trên thì bạn có thể thêm ngay quả cóc vào danh sách những loại trái cây nên ăn để được nhận về lợi ích sức khỏe từ quả cóc.

Bình luận